Homo imaginatus – Loài người tưởng tượng

Trí tưởng tượng không đơn giản chỉ là sản phẩm phái sinh từ kĩ năng giải quyết vấn đề của chúng ta. Đó có thể là cốt lõi trong sự tiến hóa của bộ não con người.


Nguồn: Aeon.co

‘Với tôi, toàn bộ thế giới này chỉ là sự nối dài của ảo mộng và trí tưởng tượng.’ William Blake viết năm 1799, ‘trí tưởng tượng không phải là một trạng thái: nó chính là sự tồn tại của con người’.  Blake, một họa sĩ đồng thời là một nhà thơ, người sáng tạo ra những hình ảnh có được sức mạnh không chỉ nhờ vào kỹ nghệ đơn thuần, mà bởi vì chúng cố gắng vượt lên khỏi nó – để truyền tải một hình dung về thế giới vượt khỏi vẻ bề ngoài, mà chỉ trí tưởng tượng mới có thể chạm tới.

Với người theo chủ nghĩa lãng mạn, trí tưởng tượng là một phẩm chất thần thánh. ‘Trí tưởng tượng cơ bản mà tôi nắm giữ là Sức mạnh của sự sống và là Tác nhân chính của mọi Nhận thức của con người,’ Samuel Taylor Coleridge viết năm 1817. Đó là một công cụ mạnh mẽ có thể sử dụng được, khác với “sự hào nhoáng” đơn thuần của việc chém gió – mà ngày nay người ta rất hay coi là trí tưởng tượng.

Blake sẽ không thấy ấn tượng trước những nỗ lực của khoa học hiện đại nhằm tìm kiếm trí tưởng tượng trong số những hình mẫu hoạt động của tế bào thần kinh, như thể nó chỉ là một chức năng nhận thức khác của não, giống như điều khiển vận động hoặc nhận biết mùi. Ông cũng sẽ coi thường ý tưởng, mà nhiều nhà khoa học nhận thức ưa thích, rằng trí tưởng tượng chỉ là sản phẩm phụ của các chức năng thần kinh ‘quan trọng’ hơn, đã phát triển vì các lý do khác – theo cách nhà khoa học nhận thức Steven Pinker đề xuất rằng âm nhạc là ‘bánh phô mai’ cho thính giác (ám chỉ rằng âm nhạc lay động bộ não cũng giống như bánh phô mai lay động vị giác), vận dụng các kỹ năng cơ bản cần có để xử lý âm thanh.

So sánh với những nghiên cứu đã có từ lâu về cách chúng ta xử lý âm nhạc và âm thanh, ngôn ngữ và tầm nhìn, những nỗ lực để lý giải khía cạnh nhận thức và khoa học thần kinh của trí tưởng tượng vẫn còn đang trong trứng nước. Vậy nhưng đã có lý do để cho rằng trí tưởng tượng còn đi xa hơn rất nhiều so với một nhánh kỳ dị của tâm hồn phức tạp của chúng ta, một kiểu phần thưởng tiến hóa giải trí cho chúng ta mỗi đêm. Một nhóm các nhà khoa học thần kinh, triết gia và ngôn ngữ học có xu hướng cho rằng trí tưởng tượng, không chỉ là sự vượt trội về tinh thần mà quan trọng hơn rất nhiều đó là, là trung tâm của nhận thức con người. Nó có thể là một đặc tính mà trí tuệ chúng ta đã tiến hóa để vượt trội, và nó mang lại cho chúng ta sự linh hoạt về mặt nhận thức với hiệu quả mạnh mẽ để định hình thế giới của mình.

Từ quan điểm tiến hóa, vấn đề trọng tâm của trí tưởng tượng đó là nó cho phép bạn giả định, hình dung, và mô tả không chỉ những thứ mà bạn chưa bao giờ trải nghiệm, mà cả những thứ mà bạn không bao giờ có thể trải nghiệm, bởi vì nếu chúng có thật thì sẽ vi phạm các định luật chi phối thế giới. Bạn hẳn có thể tưởng tượng mình có kích thước của một con kiến hay bước đi trong không trung, hoặc sống trên Mặt trăng. Giây lát thôi: Hãy thử xem, không khó thế đâu.

Nhưng làm thế nào mà tâm trí có khả năng hình dung bay bổng như vậy lại có thể mang tới lợi ích cho chúng ta? Không giống như thị giác và trí nhớ, sau cùng, trí tưởng tượng dường như không giống như một thuộc tính được phân bố rộng rãi trong thế giới tự nhiên. Chúng ta có thể để cho rằng chó và tinh tinh không tưởng tượng chúng có cánh hay sống ở Ý thời Trung cổ. Thậm chí trong ngữ nghĩa của riêng con người, các kỹ năng nhận thức như giải quyết vấn đề, tính toán và hợp tác xã hội dường như hữu dụng hơn nhiều cho sự thích nghi để sinh tồn.


Ảnh chụp não cho thấy não sử dụng chung một mạng thần kinh để nhớ về các sự kiện quá khứ cũng như tưởng tượng ra những gì xảy đến trong tương lai. Ảnh: từ công trình Du hành thời gian của tâm trí? Một mô hình nhận thức thần kinh về mô phỏng sự kiện của Addis.  

Trong câu chuyện mà khoa học đã dạy cho chúng ta để kể về sự tiến hóa của con người, các kỹ năng mà chúng ta đạt được có vai trò là những cột mốc quan trọng. Khoảng 2,3 triệu năm trước, tổ tiên của chúng ta ở Phương Đông và Nam Phi là Homo habilis, ‘người khéo léo’ – được gọi như vậy bởi vì giống người này có khả năng dùng tay chế tạo những thứ tinh xảo, đặc biệt là để làm công cụ. Sau đó khoảng 2 triệu năm trước, Homo Erectus xuất hiện, khác biệt nhờ khả năng đi khi đứng thẳng. Và cuối cùng, dĩ nhiên, là Homo sapiens, người ‘thông minh’ hay người ‘tinh khôn’ hiện đại.

Vậy nhưng liệu ta có chắc những tên gọi này chính xác? Chúng ta không phải loài biết dùng công cụ duy nhất – vượn người, voi, quạ và vẹt là một số động vật có thể dùng công cụ, và tinh tinh thì có tay phải khá khéo léo. Đi thẳng người không phải vấn đề với gôrila. Còn việc sở hữu trí tuệ và kiến thức, có lẽ chúng ta chưa vội đề các kĩ năng này cho tới khi chúng ta thoát khỏi (hoặc không) hành trình tự hủy diệt tới tuyệt chủng hiện tại. Hầu hết những thuộc tính nhận thức quan trọng khác – trí nhớ, lòng cảm thông, khả năng nhìn xa trông rộng và lên kế hoạch, tính xã hội, tỉnh thức – cũng hiện hữu ở các loài khác.

Nếu có một năng lực tinh thần khiến chúng ta thực sự khác biệt với các loài vật khác, thì có lẽ nó không phải một kỹ năng, mà là một phẩm chất của trí tuệ nhiều hơn. Có lẽ chúng ta nên tự gọi mình là Homo imaginatus: có thể trí tưởng tượng đã khiến chúng ta trở thành con người. Càng hiểu về trí óc của các loài khác, càng thử xây dựng (và thất bại) các cỗ máy có thể ‘nghĩ’ như chúng ta, thì càng rõ ràng rằng trí tưởng tượng là một ứng viên cho thuộc tính quý giá và khác biệt nhất của chúng ta.

Nếu trí tưởng tượng thực sự quan trọng đến thế, bạn có thể kỳ vọng nó là một trong những hiện tượng nhận thức được nghiên cứu nhiều nhất. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, việc hiểu các cơ quan trong cơ thể gợi lên trí tưởng tượng của con người như thế nào lại chẳng được chú ý là bao, và hầu như vẫn còn là một bí ẩn. Thật dễ dàng hơn rất nhiều để nghiên cứu chuyện gì đang xảy ra trong não bộ khi chúng ta được giao một nhiệm vụ cụ thể – ghi nhớ dãy các con số này, xem liệu bạn có thể tìm ra quy luật trong bức hình hay giải câu đố này không – hơn là nếu bạn được bảo, tưởng tượng đi.

Khi ‘trí tưởng tượng’ xuất hiện trong tài liệu khoa học thần kinh, nó thường được vô hiệu hóa bởi một định nghĩa quá hạn hẹp – khả năng hình thành hoặc gợi nhớ những hình ảnh trong tâm trí – thay vì một mô tả bao quát chiều sâu và phạm vi đích thực của trải nghiệm của con người. Ví như có sự khác biệt giữa việc hình dung một con sư tử và một con điểu sư. Khả năng ghi nhớ hình ảnh một con sư tử có thể có giá trị sinh tồn, bởi vì thật hữu ích nếu chúng ta luyện tập tâm trí với một tình huống mà tốt nhất ta nên tránh. Nhưng đâu là giá trị của việc tưởng tượng một sinh vật có thân sư tử và đầu chim? Tại sao ta lại gợi lên một mối đe dọa không những chưa bao giờ tồn tại, mà có thể sẽ không bao giờ hiện hữu?   


Một cảnh trong Giấc mộng đêm hè của William Shakespare, Titania và Bottom. Tranh của Edwin Landseer. 

Trí tưởng tượng làm lu mờ biên giới giữa tâm trí và thực tại, vượt xa ảo tưởng và mơ mộng hão huyền. Khi Theseus trong Giấc mộng đêm hè của Shakespeare nói rằng trí tưởng tượng ‘làm hiện ra/dáng hình những thứ chưa được biết’ ông đang bày tỏ quan điểm Phục hưng rằng trí tưởng tượng tạo ra những hiệu ứng và biểu hiện có thực: ‘Người ta thấy nhiều quỷ dữ hơn địa ngục mênh mông có thể giam giữ’. Ở đây, Theseus lặp lại lời của thầy thuốc Thụy Sĩ ở thế kỷ 16 Paracelsus, người tin rằng quỷ dữ như incubus và succubus ‘là kết quả tự nhiên của sự tưởng tượng mãnh liệt và dâm dục về đàn ông hay đàn bà’. Chỉ từ trí tưởng tượng, Paracelus nói, ‘rất nhiều quái vật có hình thù khủng khiếp có thể hiện ra’. Vấn đề với trí tưởng tượng là nó không biết đâu là điểm dừng.

Ngay cả như vậy, các nhà tâm lý học tiến hóa có thể giả định rằng có lý do nào đó đằng sau khả năng hình dung điều bất khả của chúng ta. Vì não bộ giống loài của chúng ta trong quá trình tiến hóa không biết tới các định luật của vật lý, nên có gì ngạc nhiên nếu trí tưởng tượng chẳng e ngại việc phá vỡ chúng? Một tâm hồn có thể nhận thức những khả năng vượt quá trải nghiệm của riêng nó có thể chuẩn bị cho những chuyện không mong đợi; tốt hơn là dự đoán thật xa hơn là bị ngạc nhiên.

Chúng ta đã biết rằng việc tạo ra quá nhiều khả năng, tiếp đó là giản lược dựa trên kinh nghiệm, là một chiến lược tiến hóa có thể thành công trong những bối cảnh khác. Hệ miễn dịch sản sinh cực nhiều kháng thể đa dạng, mà trong đó có thể chỉ một kháng thể thực sự phù hợp với một kháng nguyên nhất định để loại bỏ hoặc tiêu diệt nó. Và não trẻ sơ sinh không dần dần tạo ra các kết nối thần kinh khi tích lũy kinh nghiệm; thay vào đó nó bắt đầu với một loạt những kết nối ngẫu nhiên sau đó giảm đi khi não bộ phát triển và để lại những gì hữu ích để giao tiếp với thế giới.

Cũng như vậy, có lẽ tâm trí của con người tạo ra quá nhiều tương lai khả dĩ để lên kế hoạch ở hiện tại. ‘Nhiệm vụ của tâm trí’, Paul Valéry, nhà thơ người Pháp viết, ‘là tạo ra tương lai’. Trong cuốn sách Những kiểu tâm trí, nhà triết học Daniel Dennet đã trích lại câu này, nói rằng tâm trí là một nguồn sản sinh ra những kỳ vọng và dự đoán: nó ‘khai thác hiện tại để tìm kiếm những manh mối, mà nó sẽ gạn lọc với sự giúp đỡ của những chất liệu mà nó đã lưu giữ từ quá khứ, biến chúng thành các dự đoán về tương lai’.

Làm thế nào chúng ta có thể hình dung những tương lai có thể xảy ra? Những công cụ tinh thần cơ bản dường như dựng nên một biểu hiện trong nội tại chúng ta về thế giới, vận hành như một ‘máy mô phỏng tương lai’. Chẳng hạn, khả năng nhận thức không gian cho phép chúng ta xây dựng một bản đồ thế giới trong tâm trí. Chúng ta (và các loài có vú khác) có cái gọi là “tế bào vị trí”, các tế bào thần kinh trong khu vực của não gọi là hồi hải mã (có nhiệm vụ xử lý trí nhớ không gian) được kích hoạt khi chúng ta ở những địa điểm cụ thể đã được ghi nhớ. Chúng ta cũng phát triển trong tâm trí các mô hình hành xử của con người và các đối tượng: một kiểu vật lý và tâm lý học trực quan hay ‘dân gian’, chẳng hạn như cái gọi là thuyết tâm trí mà chúng ta gán các trạng thái và động cơ tinh thần cho người khác. Chúng ta tập hợp và gạn lọc những mạng lưới nhận thức này từ kinh nghiệm, tạo ra ký ức về những thứ mà chúng ta đã gặp hoặc quan sát.

Thế nhưng những gì chúng ta giữ trong tâm trí là những phiên bản rời rạc, sơ sài, xiên xẹo của “thực tại” – đủ tốt cho phần lớn mục đích nhưng đầy những lỗ hổng, những phán đoán và hồi ức sai lầm. Điều đáng ngạc nhiên không phải là sự bất toàn mà là chúng ta ít chú ý đến điều đó đến mức nào. Đó chính xác là bởi chúng ta là Homo imaginatus, những kẻ thêu dệt bậc thầy. Thèm khát những câu chuyện giúp mình lý giải thế giới, chúng ta vô ý và dễ dàng tự lấp đầy hay chỉnh lại những chi tiết cho đến khi lời kể của mình thuyết phục. Theo cách này, trí tưởng tượng là điều bình thường chúng ta vẫn luôn làm.

Những khoảnh khắc trầm tư, suy ngẫm và ’tư duy’ không mục đích chiếm phần lớn đời sống nội tâm của chúng ta. Trong những khoảnh khắc này, não của chúng ta ở trong một trạng thái mặc định mà dường như có vẻ mất tập trung và mơ mộng, nhưng thực ra lại hoạt động rất tích cực – lên kế hoạch cho bữa tối, nhớ lại cuộc tranh luận với đối tác, ngâm nga một giai điệu mà chúng ta đã nghe đêm qua. Cách suy nghĩ này tương quan với một mô hình hoạt động của não đã được xác định rất rõ, liên quan đến nhiều phần khác nhau của vỏ não và hồi hải mã. Được gọi là mạng chế độ mặc định, nó cũng tương tác khi chúng ta nhớ về các sự kiện trong quá khứ (trí nhớ theo giai đoạn); khi chúng ta tưởng tượng về các sự kiện trong tương lai; khi chúng ta lên kế hoạch cho tương lai; làm theo quan điểm của người khác, hoặc xem xét các tình huống trong xã hội.

Nhà khoa học thần kinh nhận thức Donna Rose Addis từ Đại học Toronto đã lập luận rằng trí tưởng tượng và sự hồi tưởng theo giai đoạn không chỉ cùng dùng đến những dữ liệu chung, cô nói, mà ‘bản chất là cùng một quá trình’. Sự suy giảm khả năng gợi lại những trí nhớ theo giai đoạn dường như đi kèm với việc không thể hình dung được tương lai, cô nói – và cả hai khả năng này xuất hiện cùng lúc trong thời thơ ấu.

Theo quan điểm này, các sự kiện được nhớ lại hoặc tưởng tượng ra đều nảy sinh từ việc não làm cùng một việc: mà Addis gọi là “quá trình tâm trí kết xuất trải nghiệm”. Trí tưởng tượng và trí nhớ sử dụng một mạng nhận thức cho việc ‘mô phỏng’, chuyển những thành phần thô của các trải nghiệm bằng giác quan thành một bộ phim trong đầu, với không chỉ âm thanh và hành động mà còn có các phản ứng, diễn giải và đánh giá về mặt cảm xúc. Điều đó không chỉ xảy ra khi chúng ta nghĩ về hôm qua hoặc ngày mai, Addis nói – mà còn là những gì chúng ta đang làm khi chúng ta trải nghiệm hiện tại. Đó đơn giản là thế giới của tâm trí. Năng lực tưởng tượng là chìa khóa cho sự liền mạch khi chúng ta dệt các dòng trải nghiệm thành một tấm thảm, cô nói.

Ở đây Addis đã mở rộng khái niệm mà người cộng tác với cô ở Đại học Queensland, Thomas Suddendorf đề xuất: trí tưởng tượng là một dạng du hành thời gian trong tâm trí. Như ông nói năm 1997, trí tương tượng là ‘sự tái cấu trúc các câu chuyện cá nhân trong quá khứ … và có thể là các sự kiện sẽ xảy ra tương lai trong tâm trí’. Suddendorf và đồng nghiệp của ông, Michael Corballis ở Đại học Auckland, New Zealand lập luận rằng du hành thời gian trong tâm trí có thể là một đặc trưng của con người, mặc dù vẫn còn đó cuộc tranh luận rằng liệu các loài vật khác có thực sự sống trong một kiểu thực tại liên tục hay không. Năng lực này sử dụng một loạt các chức năng nhận thức phức tạp để tạo ra sân khấu tâm hồn của những điều có thể xảy ra.

Khả năng này dường như bất đối xứng đến kì lạ – quá khứ vốn đã xảy ra, trong khi tương lai chỉ là phỏng đoán, phải chứ? Ồ, không hẳn vậy. Dù chúng ta thích nghĩ rằng mình nhớ ‘điều gì đã xảy ra’ bao nhiêu đi chăng nữa, rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng trí nhớ của chúng ta là một sự pha trộn mật thiết giữa thực tế và tưởng tượng. Chúng ta xây dựng một câu chuyện từ những chất liệu không hoàn hảo và rời rạc mà thế giới cung cấp và trí óc ghi lại. Tất cả chúng ta đều có những kỷ niệm tưởng tượng, một vài trong số đó lại cực kỳ chi tiết và thuyết phục đến mức chúng ta khó lòng tin rằng chúng không xảy ra. Như các nhà triết học về tâm trí Kourken Michaelian và Denis Perrin ở Đại học Grenoble Alpes ở Pháp đã nói, ‘nhớ đơn giản tưởng tượng về quá khứ’. Khả năng nắm bắt thực tại của chúng ta, do vậy, không phụ thuộc vào sự phân biệt giữa thực tại và tưởng tượng, mà là giữa hai kiểu tưởng tượng – một đan bện với thực tại, một thì tách xa khỏi nó. Khiếm khuyết khả năng này là một đặc trưng chung của rất nhiều bệnh tâm thần, một trong số chúng được biết là gắn với sự rối loạn chức năng của mạng chế độ mặc định của não.


Dracula, một ác quỷ trong tiểu thuyết của Bram Stoker. Ảnh: Một cảnh trong phim của Francis Coppola.  

Addis giờ đây coi khả năng tưởng tượng là thứ gì đó rộng hơn là chỉ mang tính thời điểm. Trong đôi mắt tâm hồn, chúng ta có thể phóng chiếu bản thân lên ‘bất cứ đâu trong không-thời gian tưởng tượng’ – về nước Pháp thời trung cổ, hay Trung Địa, hoặc Ma trận. Trong nhà hát nội tâm đó, bất kì vở kịch nào cũng có thể diễn ra. Như Theseus đã nói: ‘Tâm trí kẻ si tình và điên đều sục sôi/Dệt nên những ảo mộng không vơi/Sâu sắc hơn cả lý trí tuyệt vời”.

Addis lập luận rằng hệ thống mô phỏng của não bộ có thể tạo ra những ảo tưởng như vậy từ công cụ liên tưởng của nó: đan bện các yếu tố đa dạng của kinh nghiệm như các sự kiện, khái niệm và cảm nhận lại với nhau. Chính nhờ nhận thức liên tưởng – một tập hợp các tế bào thần kinh gợi lên nội dung của những tế bào khác – mà chúng ta có thể nhớ tên người và vật. Theo đó, chúng ta có thể có một trải nghiệm nhất quán và phong phú chỉ từ một phần thông tin, dễ dàng bổ sung thông tin còn thiếu tới mức chúng ta thậm chí còn không biết mình đang làm vậy. Sự liên tưởng này chắc chắn xảy ra khi một tiểu thuyết gia đặt ra đặc điểm và diện mạo cho các nhân vật không bao giờ tồn tại, nhờ sử dụng kho ký ức trong não bộ (‘Nhân vật đó phải có tên là Colin; anh ta mặc áo khoét nách và đeo kính’). Theo đó, nhà thơ ‘cho nhân vật/một nơi ở và một cái tên’. Theo nghĩa nào đó, tất cả chúng ta lúc nào cũng là kiểu nhà thơ đó.

Nếu Addis đúng, thì sẽ khá sai lầm nếu giả định rằng trí tưởng tượng nghệ thuật chỉ là một sự phát triển quá mức về mặt tiến hóa của khả năng lên kế hoạch cho bữa ăn ngày hôm sau. Những chiều kích tưởng tượng của nghệ thuật có thể là biểu hiện điển hình của kỹ năng phán đoán và dự cảm của con người. Học giả văn chương Brian Boyd ở Đại học Auckland cho rằng đó là cội nguồn của thiên hướng sáng tác các câu chuyện của chúng ta. Cụ thể, ông tin rằng chúng có tác dụng thể hiện sức mạnh nhận thức xã hội của chúng ta.

Một số nhà sinh học tiến hóa tin rằng giao tiếp xã hội là chìa khóa cho sự tiến hóa của não bộ con người. Khi tổ tiên của chúng ta bắt đầu sống và làm việc theo nhóm, họ cần có khả năng dự đoán phản ứng của những người khác – để cảm thông, động viên, hiểu và có lẽ thậm chí là cả thao túng. ‘Trí óc của chúng ta được định hình một cách đặc thù để hiểu các sự kiện xã hội’, Boyd nói. Khả năng xử lý thông tin xã hội đã được các nhà tâm lý học Elizabeth Spelke và Katherine Kinzler ở Harvard đề xuất như một trong những ‘hệ thống cốt lõi’ của nhận thức con người.

Boyd tin rằng các câu chuyện là sân tập cho mạng lưới đó. Trong cuốn sách Về Những câu chuyện về Nguồn gốc (2009) của ông, ông lập luận, kể chuyện hư cấu như vậy không chỉ đơn thuần là một sản phẩm phụ của gene chúng ta mà là một đặc điểm thích nghi. ‘Kể chuyện, đặc biệt là tác phẩm hư cấu – những câu chuyện được sáng tạo ra, ví dụ như các vở kịch – thấm đẫm và thống trị văn chương, bởi vì nó hấp dẫn phần tương tác xã hội của bộ não,” ông viết năm 2013. Như nhà lý thuyết phê bình Walter Benjamin nói, truyện cổ tích là “người thầy đầu tiên của nhân loại”.

‘Chúng ta mê mải trong những câu chuyện nhờ sự thấu cảm và khả năng dõi theo các nhân vật, nhờ sự sẵn lòng sẻ chia với những suy tư của họ khi theo đuổi mục tiêu của cuộc hành trình’ Boyd tiếp tục, ‘thế là, mục đích của họ trở thành mục đích của chính chúng ta.’ Khi bị câu chuyện hút hồn, những gì xảy ra với các nhân vật giả tưởng khiến chúng ta còn cảm thấy chân thật hơn cả thế giới của chính mình đang sống.

Ở đây trí tưởng tượng thật quý giá bởi vì nó tạo ra một không gian an toàn để học tập. Thay vào đó, nếu chúng ta chờ đợi để học hỏi từ kinh nghiệm sống thực tế, chúng ta có nguy cơ mắc những lỗi lầm đắt giá. Trí tưởng tượng – bất kể trong văn chương, âm nhạc, hình ảnh, hay thậm chí là khoa học – cung cấp chất liệu để luyện tập khả năng kiên trì tìm kiếm các hình mẫu và ý nghĩa trong cuộc đời. Đó là lý do vì sao các câu chuyện của chúng ta không cần tuân theo quy luật của tự nhiên: chúng không cần thiết phải mệt mỏi rèn luyện với tất cả những gì thực tế có thể xảy ra. Thay vào đó, các câu chuyện thể hiện được giá trị lớn nhất của mình khi được giải phóng khỏi những hạn chế của thực tại, thực chất là mở rộng khả năng tạo các liên kết thần kinh của trí óc. Trong các tác phẩm kỳ ảo của Italo Calvino và Jorge Luis Borges, chúng ta có thể tìm thấy các công cụ để tư duy.

Nếu trí tưởng tượng là điểm độc nhất của chúng ta, nó có thể là nguồn gốc của một sản phẩm độc đáo của con người: ngôn ngữ. Trong khi nhiều sinh vật, bao gồm cả vi khuẩn và cây cối, giao tiếp với nhau, nhưng không thể làm được với sự linh hoạt, phức tạp và vô hạn như ngôn ngữ của con người, thứ thường được gọi là công nghệ quan trọng nhất của chúng ta. ‘Đầu tiên chúng ta phát minh ra ngôn ngữ, sau đó ngôn ngữ thay đổi chúng ta’, nhà ngôn ngữ học Daniel Dor ở Đại học Tel Aviv nói.

Từ lâu, ngôn ngữ đã chủ yếu được coi là một công cụ để giao tiếp rõ ràng hơn, chính xác hơn so với những âm thanh hoặc cử chỉ nhỏ hơn của động vật. Nhưng theo Dor, sự chính xác không phải là chức năng thực sự của nó; thay vào đó chủ yếu là ‘sự chỉ dẫn của trí tưởng tượng’. Ngôn ngữ, ông lập luận, phải là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự xuất hiện của trí tưởng tượng của con người như ta biết’.

Dor trích dẫn Ludwig Wittgenstein trong Nghiên cứu Triết học: Thốt lên một từ giống như đánh lên một nốt nhạc trong chiếc đàn của trí tưởng tượng.’ Chúng ta sử dụng từ ngữ, ông noi ‘để truyền đạt trực tiếp tới trí tưởng tượng của người đối thoại với ta’. Thông qua ngôn ngữ, chúng ta cung cấp các phương tiện mà người nghe có thể hình dung ra trải nghiệm về điều đang được kể lại. Đó là cách truyền đạt kinh nghiệm thực tế giữa chúng ta, và bởi vậy ‘mở ra một cánh cửa cho tính xã hội của con người mà nếu không có ngôn ngữ sẽ đóng mãi mãi’.

Điều đó có nghĩa là, ngôn ngữ, ‘về cơ bản là để kể chuyện’, theo lời của nhà tâm lý học Merlin Donald ở Đại học Case Western Reserve, Ohio. Dĩ nhiên, chúng ta sử dụng nó cho rất nhiều việc khác: để chào nhau, yêu cầu, khuyên nhủ, cảnh cáo và tranh luận. Nhưng ngay cả vậy, ngôn ngữ thường mang dấu ấn sâu sắc của kể chuyện và ẩn dụ: ngôn ngữ không chỉ là một nhãn dán kèm âm thanh, mà dẫn xuất tới những điều nằm ngoài đối tượng đang được nói đến trực tiếp. Về mặt từ nguyên, tưởng tượng (imagine) nghĩa là hình dung một bức tranh, hình ảnh hay một bản sao – nhưng cũng hàm ý đây là một hoạt động riêng tư, nội tại. Từ gốc Latin imaginari mang nghĩa rằng cá thể là một phần của bức tranh. Tự thân từ này đã kể một câu chuyện trong đó chúng ta sống trong một tình huống có thể xảy ra trên đời.

Nhờ có ngôn ngữ, trí tưởng tượng không chỉ liên quan đến những hình ảnh về bữa tối nay, hay lo lắng về việc nấu nó như thế nào. Trí tưởng tượng kêu gọi cả những quái vật kỳ dị, đế chế xuyên thiên hà, những câu chuyện cổ tích. Dor tin rằng sự phong phú này là của riêng con người. Ông tin rằng các loài vật khác có thể du hành thời gian trong tinh thần nhưng không thấy dấu hiệu nào rằng chúng có thể tạo ra những câu chuyện không có giới hạn” Chính năng lực độc đáo này của con người đã khiến cho ngôn ngữ lại quan trọng đến thế trong câu chuyện’, ông bổ sung.

Cũng không ngạc nhiên khi tầm nhìn của chúng ta lại thường táo bạo và kỳ lạ đến thế – vì thường chúng ta có thiên hướng nhìn thấy “ác quỷ nhiều hơn cả khả năng giam giữ của địa ngục rộng lớn”. Vì nếu Boyd đúng, rằng các câu chuyện có vai trò văn hóa quan trọng qua việc diễn tập những nan đề trong xã hội, suy ngẫm về những nỗi sợ và lo lắng cũng như thỏa mãn nhưng ham muốn bị cấm đoán, thì việc chúng mang hình thức cực đoan cũng là lẽ thường. Các nhân vật càng sống động và cường điệu thì càng cuốn hút và đáng nhớ. Điều này cũng giải thích vì sao nhiều câu chuyện lại có những tình huống được mất, như tình yêu và cái chết – bởi chúng là những tình huống mà những lỗi lầm trong việc phán xét nhau mới là điều đáng kể. Chắc chắn Jane Austen có thể đưa ra những chỉ dẫn xã hội tinh tế, nhưng cũng có đất cho Dracula và Godzilla nữa.

Trí tưởng tượng có thể là thứ rất điển hình của cách trí óc chúng ta vận hành: không phải như việc xâu chuỗi các mô-đun riêng biệt mà như một mạng tích hợp trong đó những năng lực bậc cao nảy sinh từ những năng lực bậc thấp hơn. Nó không hẳn là một năng lực trí tuệ là trung tâm hay nền tảng cho nhận thức của con người. Mà nó là một liên kết chằng chịt giữa các năng lực mà chúng ta có thể thấy ở những dạng rời rạc hơn trong các động vật khác. Chẳng hạn nhiều loài động vật vẫn có vài khía cạnh của năng lực thẩm âm (như phân biệt được cao độ hay lắc lư theo nhịp điệu) nhưng chỉ con người mới có âm nhạc thực sự. Rất nhiều loài động vật có thứ mà chúng ta có thể gọi là khả năng tưởng tượng. Nhưng chỉ riêng chúng ta có trí tưởng tượng.

Con người không ‘giỏi tưởng tượng’ bẩm sinh, tưởng tượng không phải là một khả năng đơn lẻ mà để có nó thì bạn cần đúng một lượng chất xám nhất định. Nó là một thuộc tính đa chiều, và tất cả chúng ta đều tiềm tàng khả năng sở hữu nó. Một số người giỏi hình dung, một số giỏi liên kết, một số khác lại giỏi xây dựng thế giới phong phú hay đồng cảm xã hội. Và giống như bất cứ kỹ năng tinh thần nào (như khả năng âm nhạc), trí tưởng tượng có thể được phát triển và nuôi dưỡng, cũng như bị kìm hãm và cản trở bởi sự giáo dục kém.

Khi hiểu rõ hơn não bộ đang làm gì khi nó tưởng tượng – và vì sao nó lại là một công cụ tưởng tượng tốt đến vậy – có lẽ chúng ta bắt đầu phá bỏ những định kiến xung quanh trí tưởng tượng. Chúng ta có thể ngừng khăng khăng rằng đó là đặc quyền của giới tinh hoa – các nhà thơ, những kẻ mơ mộng và những người nhìn xa trông rộng – mà những người còn lại chúng ta chỉ có thể hy vọng tiếp nhận những gì họ tạo ra. Trí tưởng tượng là cốt lõi của nhân loại. Đó là điều trí óc của chúng ta làm, và phần lớn đó có thể là mục đích của chúng. □

Hoàng Lam dịch

Nguồn: https://aeon.co/essays/imagination-isnt-the-icing-on-the-cake-of-human-cognition

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)