IMF: Kinh tế Việt Nam tiếp tục khó khăn
Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Sanjay Kalra cho rằng kinh tế năm nay sẽ tiếp tục khó khăn như năm 2012.
Đánh giá của ông đưa ra trong bối cảnh IMF vừa hạ mức tăng trưởng dự báo của Việt Nam năm nay còn 5,2% từ mức 5,8% đưa ra trước đây. Đây là mức hạ nhiều nhất, sau Singapore, trong số các nước ASEAN mà IMF đưa ra.
Ông nói: “Nền kinh tế đang phải điều chỉnh lại thấp hơn. Không thể còn thời kỳ tăng trưởng cao như trước. Không thể còn tình trạng thành phố nào cũng xây sân bay, cảng biển. Các dự án công phải được lựa chọn tốt hơn”, ông nói.
Ông Kalra nhận xét, khả năng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tiến trình cải cách kinh tế, song tiến trình này đang rất chậm chạp.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đặt câu hỏi, đầu tư công, sắp xếp ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đâu là ưu tiên mà Việt Nam nên đặt trọng tâm cải cách, theo IMF?
Ông Kalra khẳng định, quan điểm của IMF là phải cải cách ngân hàng, nếu muốn giảm lãi suất. “Tôi cho là phải giảm nợ xấu trong ngân hàng, nó gây ra sự lúng túng, ngân hàng phải báo cáo nợ xấu chính xác”, ông nói.
Ông phàn nàn là không có nhiều thông tin về DNNN. “Bước đầu là phải công khai và cập nhật thông tin của DNNN thì mới có đánh giá đáng tin cậy”, ông nói.
Trưởng đại diện IMF cho rằng, kinh nghiệm của hai cuộc lạm phát vừa qua sẽ dẫn đến việc Chính phủ phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải quay lại con đường mỗi lần nền kinh tế suy giảm thì lại khẩn cấp, vội vàng làm gì đó, ví dụ kích thích tăng trưởng kinh tế một cách không bền vững.
Tiến sĩ Phạm Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, bình luận rằng, cải cách ở Việt Nam sẽ tốn rất nhiều chi phí, nhưng các chi phí này chưa được tính toán cụ thể.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã đồng tình, và cho biết hiện ngân sách chưa bố trí khoản nào cho cải cách.
Ông Nhã khẳng định là phải khôi phục lại niềm tin cho nhân dân và giới kinh doanh vốn đã suy giảm nghiêm trọng.
Theo IMF, lạm phát chung có chiều hướng giảm. Lạm phát tháng 4-2013 tăng khoảng 6,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ có xu hướng ổn định trong năm nay.
Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách dự kiến chỉ khoảng 4% GDP trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 4,8% GDP mà Quốc hội thông qua.