Internet và cái lưỡi của Ê-dốp

Ngày nay người ta thường so sánh Internet với cái lưỡi của Ê-dốp: cái tốt đẹp nhất và cũng là cái tồi tệ nhất trong tất cả mọi điều.

Ngày càng có nhiều sinh viên mua tiểu luận qua mạng từ những trang web được lập ra với mục đích kiếm tiền bằng dịch vụ này. Bình luận duy nhất của tôi về khía cạnh này là khẳng định lại tầm quan trọng của những bài thi vấn đáp: 15 phút hay nửa giờ là đủ để có thể đánh giá kiến thức, độ nhạy bén và trí thông minh của một sinh viên.

Với Ê-dốp, cái lưỡi là “sự gắn kết giữa con người với nhau, chìa khóa của các ngành khoa học, công cụ của sự thật và lẽ phải; người ta dùng nó để xây dựng và quản lý các thành phố, giảng dạy, thuyết phục người khác, điều khiển các cuộc họp, ca ngợi các thần linh; nhưng đồng thời, nó cũng là nguồn gốc của mọi cuộc tranh cãi, chiến tranh, chia rẽ, nguồn gốc của lầm lỗi và tồi tệ hơn là sự vu khống; người ta dùng lưỡi để phá hủy các thành phố, rao giảng cho cái ác, và tuôn ra những lời phỉ báng”.

Có nhiều ví dụ minh họa cho tính hai mặt của Internet. Nhiều người, khi bình luận về phong trào “Mùa xuân Ả Rập” (Arab Spring), đã ca ngợi vai trò của Internet trong công cuộc đấu tranh giành lại tự do ở các quốc gia nơi người dân bị áp bức. Nhưng Evgeny Morozov trong cuốn “Ảo tưởng Mạng: mặt tối của Tự do Internet” có quan điểm ngược lại, đưa hàng loạt ví dụ về việc nhiều chính quyền độc tài sử dụng Internet để áp chế đối thủ của họ. Tương tự, bạn có thể tìm thấy nhiều chuyện tình lãng mạn và cũng không ít những báo cáo về lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng. Tuy nhiên, tôi sẽ không bình luận về tính hai mặt của Internet trong phạm vi những vấn đề này. Điều tôi muốn bàn đến ở đây là việc sử dụng và lạm dụng Internet trong giảng dạy và nghiên cứu, một chủ đề nóng trong giới học thuật, xứng đáng có được sự quan tâm chú ý.

Đã có hàng trăm nghiên cứu được thực hiện về đề tài này và chúng ta đều có thể truy cập đến những nghiên cứu đó− dĩ nhiên là nhờ vào Internet. Nhiều trường đại học trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu về việc sử dụng mạng cho việc học tập của sinh viên cũng như công việc của giảng viên và nghiên cứu viên. Phân tích cho thấy, Internet biểu lộ cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Ngoài một số rất ít người cực kỳ bảo thủ, ủng hộ việc cấm sử dụng Internet − một số thậm chí còn vô trách nhiệm tới mức chủ định cung cấp thông tin sai lệch trên Internet nhằm chứng minh mức độ kém tin cậy của nó − phần lớn người dùng Internet đều khẳng định rằng, họ nhận được nhiều ích lợi khi sử dụng Internet vào mục đích tốt. Tuy nhiên, họ cũng nhất trí rằng, để biết cách sử dụng Internet một cách có ích thì các sinh viên, giảng viên và các nhà khoa học đều cần những hướng dẫn ở mức độ nhất định.
Không ngạc nhiên khi ta có thể tìm thấy nhiều người trong lĩnh vực khoa học tự nhiên ủng hộ Internet hơn trong lĩnh vực khoa học xã hội, và nhiều người ủng hộ Internet trong khoa học xã hội hơn so với trong văn học-nghệ thuật. Thật vậy, trong khoa học tự nhiên, chất lượng thông tin trên các trang web như Wikipedia, và các trang web của các trường đại học lớn − Caltech, Princeton, Cambridge, v.v. − hoặc các trung tâm nghiên cứu lớn − NASA, CERN, v.v. − có chất lượng thông tin tương đương với các cuốn bách khoa toàn thư uy tín nhất, chẳng hạn như Britannica, Universalis, và thậm chí chúng còn được cập nhật hơn. Tuy nhiên, chất lượng thông tin trên Internet thấp hơn khi chúng ta truy cập vào vô số các blog mà trong đó học sinh và sinh viên có thể vào đọc sự chỉ dạy của một ai đó có kinh nghiệm hơn, cư xử như thể một bậc thầy − tất nhiên nhiều người truyền đạt kinh nghiệm của mình hoàn toàn vì dụng ý tốt đẹp. Nhưng những blog này thường không chỉ có các sai sót mà chứa cả các quan niệm sai lầm. Khả năng đánh giá độ tin cậy của thông tin trên web đòi hỏi sự hiểu biết về lĩnh vực được thảo luận, điều mà đa số các sinh viên chưa thể có được. Do đó các giảng viên cần hướng dẫn sinh viên, như giới thiệu cho họ những trang web đáng tin cậy và giúp sinh viên có tư duy phê phán để có thể đưa ra lựa chọn tốt hơn.

Sai phạm chủ yếu mà người ta thường đổ cho Internet là nạn đạo văn. Nhờ Internet, với kỹ thuật cắt-và-dán người ta có thể nhanh chóng tạo ra một văn bản có nội dung hợp lý mà không mất nhiều công sức. Nhiều trường đại học rất quan tâm đến việc phát hiện các gian lận như vậy, và từ đó nhiều phần mềm tinh vi đã được viết ra. Trong khi đó, hiển nhiên là ngày càng có nhiều sinh viên mua tiểu luận qua mạng từ những trang web được lập ra với mục đích kiếm tiền bằng dịch vụ này. Bình luận duy nhất của tôi về khía cạnh này là khẳng định lại tầm quan trọng của những bài thi vấn đáp: 15 phút hay nửa giờ là đủ để có thể đánh giá kiến thức, độ nhạy bén và trí thông minh của một sinh viên.

Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là những khó khăn trong việc xác định đạo văn, hay chính xác hơn là cái gì đang phê phán về nó. Để minh họa cho quan điểm của mình, tôi xem xét bốn ví dụ sau.

Trong khoa học tự nhiên, chất lượng thông tin trên các trang web như Wikipedia, và các trang web của các trường đại học lớn − Caltech, Princeton, Cambridge, v.v. − hoặc các trung tâm nghiên cứu lớn − NASA, CERN, v.v. − có chất lượng thông tin tương đương với các cuốn bách khoa toàn thư uy tín nhất, chẳng hạn như Britannica, Universalis, và thậm chí chúng còn được cập nhật hơn.

Ví dụ đầu tiên, một sinh viên đại học được yêu cầu viết luận văn tốt nghiệp, không đòi hỏi thực hiện nghiên cứu riêng mà công việc chỉ là tìm kiếm và tập hợp thông tin về một đề tài nào đó. Với yêu cầu như vậy, người sinh viên này được mong đợi sẽ: trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo, có đánh giá tốt thông tin cần thu thập, sắp xếp và tổng kết thông tin một cách hợp lý, và quan trọng nhất, phải hiểu rõ về những gì mình viết. Với công việc như vậy, thường là anh ta sẽ cắt-và-dán rất nhiều và chúng ta không thể phê phán điều này nếu anh ta thực hiện được những yêu cầu kể trên. Dĩ nhiên, một số thay đổi về mặt cú pháp so với nguyên bản cũng là điều tốt, nhưng nếu người ta cứ khăng khăng bắt buộc phải thay đổi cú pháp thì nghe có vẻ hơi trẻ con.

Ví dụ thứ hai là việc viết phần giới thiệu cho một bài báo nghiên cứu để gửi công bố trên tạp chí khoa học, hay cho một luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ. Những bình luận trong ví dụ thứ nhất hoàn toàn có thể áp dụng được cho trường hợp này. Phòng thí nghiệm của tôi hợp tác với một đài quan sát vũ trụ tại Argentina, trong một dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế lớn. Tất cả các ấn phẩm khoa học của chúng tôi đều thường bắt đầu với lời giới thiệu đại để như vậy. Và phần lớn các bài giới thiệu này thường có chung một nội dung, trong đó giới thiệu với người đọc về nghiên cứu tia vũ trụ; mô tả đài quan sát và phương pháp phân tích số liệu. Có thể cần một số biến thể để phù hợp với hiểu biết của những đối tượng người đọc khác nhau. Nhưng ngoài điều đó ra, không có gì là sai trái khi sử dụng việc cắt-và-dán. Nghe có vẻ trẻ con nếu ai đó cứ cố ép buộc phải sửa sang một chút nhằm tạo ra một bản sắc cá nhân cho phiên bản của mình, giống như thêm chút mắm muối vào một công thức nấu ăn đã có sẵn.

Ví dụ thứ ba là về việc viết một bài báo tổng kết cho một hội nghị hoặc một tạp chí ví dụ như Annual Reviews. Người viết báo cáo là người đã nắm rõ về lĩnh vực sẽ viết, hoàn toàn làm chủ nó, có khả năng đưa ra đánh giá hợp lý về những đóng góp của lĩnh vực đó, tổ chức chúng thành một bài tổng hợp toàn diện. Một lần nữa, ở đây, người viết có thể sử dụng việc cắt-và-dán mà không đáng bị chê trách.

Ví dụ thứ tư và cuối cùng là trường hợp một giảng viên cần chuẩn bị bài giảng cho sinh viên. Một số giảng viên chỉ đơn thuần dùng − hoặc thậm chí đọc nguyên xi! − một cuốn sách giáo khoa do người khác viết. Với tôi, tự viết bài giảng là một việc làm đáng hoan nghênh vì giảng viên có cơ hội điều chỉnh nội dung cho phù hợp với người nghe, viết ra những kiến thức phù hợp nhất với hiểu biết của sinh viên. Nhưng ngay cả khi tự viết bài giảng, các giảng viên có thể sẽ sử dụng rất nhiều việc cắt-và-dán, và việc làm đó không có gì là sai cả.

Tóm lại, khi truyền đạt kiến ​​thức đã tồn tại từ trước, không ai có thể bị đổ lỗi cho việc sao chép từ web miễn là người đó: i) trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo; ii) hiểu rõ những gì mình sao chép; iii) đủ am hiểu về lĩnh vực nghiên cứu để lựa chọn nội dung sao chép một cách đúng đắn; iv) sắp xếp và trình bày hợp lý tài liệu sao chép.

Tuy nhiên, khi trình bày một công trình nghiên cứu riêng, về phương pháp được áp dụng và kết quả thu được, hoặc khi biểu đạt một nội dung phân tích, đánh giá hay đơn thuần chỉ là bày tỏ ý kiến về​​ một trường hợp cụ thể nào đó, bất kỳ hình thức đạo văn nào cũng đáng bị chê trách và phải bị lên án một cách mạnh mẽ. Không thể xem nhẹ tầm quan trọng của việc duy trì đạo đức tuyệt đối và đúng mực trong giáo dục và nghiên cứu. Để cư xử đúng mực, người ta chỉ cần có một trực quan thông thường và một ý thức sâu sắc về đạo đức. Khi có những phẩm chất này thì người ta không cần phải định nghĩa một cách chính thức và chính xác như thế nào là đạo văn, và mọi bình luận ở trên đây trở nên quá hiển nhiên. Với Internet, chúng ta có một công cụ tuyệt vời chưa từng có giúp tạo nên những tiến bộ trong khoa học và truyền tải kiến ​​thức. Hoạt động hiệu quả của các công cụ tìm kiếm như Google và các trang web với cơ sở dữ liệu lớn như Wikipedia hay arXiv giúp ta có thể dễ dàng truy cập nhanh chóng tới nhiều mảng kiến ​​thức của loài người. Hãy sử dụng chúng cho những điều tốt đẹp hơn, chứ đừng cho những điều tồi tệ hơn!

        Phạm Ngọc Diệp dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)