Israel dẫn đầu về đầu tư cho R&D

Israel vừa vượt Hàn Quốc, trở thành nước đầu tư nhiều nhất cho R&D, theo số liệu công bố bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Paris ngày 7-2.

Đầu tư của một số nước thuộc OECD cho R&D giai đoạn 2000 –  2015. Nguồn: Nature

OECD cho biết, năm ngoái, Hàn Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực này, nhưng dữ liệu mới nhất cho thấy Israel đang vượt lên một chút. Năm 2015, Israel đã đầu tư 4,25% GDP vào R&D, so với mức 4,23% của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc cho biết đang nhắm đến mục tiêu 5% trong năm nay.

Đầu tư cho R&D của Israel đạt tới con số như hôm nay là nhờ sự hỗ trợ của chương trình Yozma (tiếng Do Thái: Sáng kiến) do chính phủ nước này thực hiện từ năm 1993. Yomaz đầu tư mạnh vào những quỹ mạo hiểm và thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng cách cung cấp công cụ bảo hiểm rủi ro cho họ. Theo OECD, đây là “chương trình thành công và độc đáo nhất” trong chính sách đổi mới sáng tạo của Israel.

Ở cả Israel và Hàn Quốc, doanh nghiệp luôn là khối chi nhiều cho R&D. Nói riêng về đầu tư cho nghiên cứu cơ bản – theo định nghĩa của OECD là công việc được tiến hành trước hết để thu về những tri thức mới mà không có bất kì ứng dụng cụ thể nào trước mắt – Hàn Quốc luôn vững ở vị trí số 1, với mức đầu tư chiếm 0,73%GDP, cao hơn bất kì nước nào khác trên thế giới (năm 2014, Israel đứng thứ chín ở hạng mục này với mức 0,39%.)

Israel và Hàn Quốc cũng thường xuyên hợp tác với nhau. Năm 2001, chính phủ hai nước đã lập Quỹ R&D công nghiệp Hàn Quốc-Israel. Những trung tâm R&D đầu tiên của Samsung nằm bên ngoài Hàn Quốc được thành lập ở Herzliya (hoạt động trong lĩnh vực công nghệ camera) và Ramat Gan (hoạt động trong công nghệ chất bán dẫn).

Giống như Israel và Hàn Quốc, ở các quốc gia OECD khác, cán cân đầu tư giữa chính phủ và doanh nghiệp dành cho R&D nhìn chung cũng đang dần chuyển đổi. Theo OECD, các chính phủ đã giảm tài trợ cho R&D từ 31% xuống còn 27% trong vòng 5 năm, từ 2010 đến 2015. Trong khi đó, đầu tư từ khối doanh nghiệp, vốn sụt giảm trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ năm 2008, tăng lên 61% nhờ được hưởng thêm các ưu đãi về thuế cho lĩnh vực R&D.

Nếu tính chung cho cả khối OECD thì đầu tư cho R&D cũngtăng. Ở Mỹ, con số này tăng nhẹ lên 2,79%. Cùng xu hướng đó, Trung Quốc tiếp tục chuyển hướng tăng trưởng kinh tế nhiều hơn sang nghiên cứu: đầu tư cho R&D của nước này đã tăng từ dưới 1% GDP hồi năm 2000 lên 2,07% vào năm 2015, và dự kiến sẽ đạt mức 2,5% vào năm 2020. Số bằng sáng chế do người Trung Quốc đăng ký theo Hiệp ước PCT về đăng ký bằng sáng chế quốc tế cũng tăng lên, trong khi số bằng sáng chế do người Mỹ đăng kí lại giảm xuống.

Nhàn Vũ dịch

Nguồn: http://www.nature.com/news/israel-edges-out-south-korea-for-top-spot-in-research-investment-1.21443

Tác giả