IVAC – Đột phá bất ngờ ở một đơn vị nhỏ
Đại dịch COVID-19 là một thảm họa toàn cầu nhưng ở khía cạnh khác, nó lại mở cánh cửa cho những công ty nhỏ có thể đường hoàng bước vào cuộc chơi vaccine với những “ông lớn”. Ai rồi cũng sẽ có chỗ đứng dưới ánh Mặt trời.
Thông qua hỗ trợ của PATH, IVAC sản xuất vaccine cúm đại dịch và cúm mùa dựa trên công nghệ trứng gà có phôi. Nguồn: PATH/Matthew Dakin
Nhưng có thật thế? Hãy nhìn vào danh sách của WHO: gần 190 vaccine dự tuyển của hàng trăm công ty trên toàn thế giới, 101 loại trong đó đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Từ mọi ngả đường, họ gia nhập đường đua theo nhiều cách khác nhau và có những lợi thế khác nhau, ví dụ có những ông lớn dồi dào năng lực và vật lực như Moderna, Pfizer, Johnson&Johnson… (Mỹ), có những cơ sở của nhà nước như Viện nghiên cứu Miễn dịch học và Vi sinh vật học Gamaleya (Nga), Viện Finlay (Cuba)… hay những công ty nhỏ trước đây còn ít người biết đến như Novavax… Điểm chung giữa họ là đang trên đường về đích với các loại vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Vậy còn cơ hội cho các công ty ở những quốc gia nhỏ điểm một chấm bé xíu trên bản đồ vaccine COVID-19 của thế giới? “Tôi nghĩ là có”, PGS. TS Lê Văn Bé, nguyên viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), mỉm cười. “Cũng giống như VABIOTECH, Nanogen hay Polyvac, chúng tôi đang cố gắng từng ngày với hi vọng Việt Nam có thể kiểm soát được đại dịch bằng chính vaccine nội”.
Điều đó có sẵn sàng trong tầm tay họ?
“Vũ khí ngầm” của IVAC
Nếu không có COVID-19 thì ở Việt Nam, chắc ở ngoài ngành y tế có mấy ai biết đến IVAC – một đơn vị hoạt động theo cơ chế sự nghiệp công lập, đặt tại Nha Trang với 260 nhân viên, hằng năm làm ra 14 loại vaccine và nhiều loại sinh phẩm khác nhau – dù ít nhất một lần trong đời họ từng kích hoạt hệ miễn dịch của mình bằng vài liều vaccine do IVAC cung cấp qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Thành lập từ năm 1978, IVAC đã chứng kiến sự chuyển mình về năng lực sản xuất vaccine của Việt Nam, đặc biệt là cả thay đổi của chính mình khi sản xuất được vaccine DPT, loại vaccine phối hợp từ giải độc tố bạch hầu tinh chế, giải độc tố uốn ván tinh chế và huyền dịch vi khuẩn ho gà vô bào hoặc toàn tế bào đã bất hoạt, để phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván vào năm 1990, hay vaccine cúm mùa vào năm 2019…
Với IVAC, thành công nào cũng đáng quý nhưng việc phát triển và sản xuất được vaccine cúm mùa là điểm cốt lõi để IVAC tham gia cuộc chơi lớn hiện tại.
Hơn 10 năm trước, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, IVAC đã trui rèn được năng lực tạo ra thứ “vũ khí” chống lại cúm, một căn bệnh do siêu vi trùng dạng RNA thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, truyền qua vật chủ trung gian, khiến người mắc bị sốt, đau đầu, đau họng, ho, đau nhức khắp mình mẩy và nguy hiểm nhất là có thể dẫn đến tử vong ở người có hệ miễn dịch yếu. “Cúm là một trong những vấn đề khiến các nhà khoa học đau đầu nhất, bởi vì nó luôn luôn biến đổi”, PGS. TS Lê Văn Bé nói. “Và khi biến đổi thì nó có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, thậm chí gây ra đại dịch”. Trong một cuộc trao đổi trước đây, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), nhà khoa học nữ đầu tiên đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu, từng giải thích “Hai con virus cúm có thể cùng xâm nhiễm vào một tế bào vật chủ, trao đổi và tích hợp bộ gene, tạo ra chủng virus mới có khả năng tránh được miễn dịch của con người, dù trước đó họ đã có miễn dịch với chủng đang lưu hành bằng vaccine”.
Đó là lý do để IVAC dành cả thập kỷ để làm chủ công nghệ sản xuất vaccine cúm trên trứng gà có phôi theo tiêu chuẩn GMP WHO.
Sau chừng ấy thời gian, PGS.TS Lê Văn Bé vẫn không quên được thời điểm đầu những năm 2000, khi dịch cúm do chủng cúm A/H5N1 gây ra khiến hàng trăm triệu gia cầm bị chết ở Việt Nam. Do có khả năng lây nhiễm cao, một số chủng của virus này có thể lây truyền cho người. Theo số liệu từ năm 2003 đến năm 2015, tỷ lệ mắc trên người và tử vong khá cao với 64 ca, chiếm trên 50% tổng ca nhiễm. “Để ngăn ngừa dịch, IVAC chọn vaccine sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi. Khi sang Trung Quốc tham quan hợp tác, chúng tôi nhận thấy họ đã sản xuất vaccine cúm mùa bằng công nghệ này từ những năm 1990. Sau tìm hiểu thêm thì thấy đây là công nghệ đã có từ khoảng năm 1945. Ở thời điểm đó, 90% sản lượng vaccine cúm mùa trên thế giới dùng công nghệ này”, ông nói.
Với một công ty hay một cơ sở sản xuất, đôi khi sự thành bại nằm ở cả việc lựa chọn công nghệ. Thị trường đã sẵn nhưng công nghệ nào phù hợp với tương lai của IVAC? Lúc đó, ngành vaccine đã có nhiều loại công nghệ khác nhau nhưng có lẽ, suy nghĩ về một tương lai “ăn chắc, mặc bền” với thứ công nghệ tồn tại ngót nghét gần tám thập kỷ khiến IVAC đi đến quyết định chọn công nghệ trứng gà có phôi.
IVAC hiện có năm nhà gà cung cấp trứng gà sạch 12 bệnh để làm nguyên liệu sản xuất vaccine đặt tại trại chăn nuôi Suối Dầu, Nha Trang. Nguồn: PATH/Matthew Dakin.
Thực tế nhiều năm sau cho thấy cái đúng đắn của lựa chọn an toàn. “Cách tiếp cận của IVAC là chọn công nghệ mà 80% nhà sản xuất vaccine cúm trên thế giới sử dụng và nay 80% sản lượng vaccine cúm vẫn từ công nghệ đó”, TS. Vũ Minh Hương, giám đốc kỹ thuật vùng Mekong của PATH – một tổ chức NGO về sức khỏe toàn cầu có trụ sở ở Seattle, Mỹ, nhận xét. “IVAC tính đến cái gì chắc ăn và khả thi”.
Giờ thì IVAC là đơn vị duy nhất ở Việt Nam sản xuất được vaccine cúm mùa, thậm chí có thể là vaccine Covid-19, trên công nghệ này. Nhưng đó là câu chuyện dài với những chấm phá manh nha từ một đề tài nghiên cứu cấp Viện và đề tài nhánh cấp Nhà nước “Nghiên cứu qui trình sản xuất vaccine cúm A/H5N1 bất hoạt dùng cho người bằng kỹ thuật nuôi cấy trên trứng gà có phôi” (Bộ KH&CN). IVAC càng thêm hi vọng khi vào năm 2007, được WHO lựa chọn tham gia Chương trình hành động các vaccine cúm toàn cầu, một chiến lược toàn diện nhằm giảm thiểu sự thiếu hụt vaccine cúm mùa và đại dịch, và cấp cho một dây chuyền sản xuất mới quy mô 500 ngàn liều kèm một nhà nuôi gà – yếu tố thiết yếu để tạo ra một vaccine ở tiêu chuẩn quốc tế. “Lúc đó, PATH đã nghĩ là toàn bộ quy trình sản xuất công nghệ trên trứng gà của IVAC phải đạt chuẩn quốc tế”, TS. Vũ Minh Hương, người trực tiếp tham gia cùng IVAC phát triển công nghệ sản xuất vaccine cúm trên công nghệ trứng gà có phôi ở quy mô công nghiệp, nói.
Thật không dễ làm được điều này, ngay cả khi IVAC đã vận hành sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia nhiều năm và được UNICEF đã cấp chứng nhận “nhà sản xuất hàng đầu cung cấp các vaccine thiết yếu chất lượng cao” vào năm 2007. Sự chuyển đổi sang tiêu chuẩn quốc tế không chỉ là việc học hỏi công nghệ sản xuất mới và vận hành thiết bị mới mà còn là thay đổi cách nghĩ, hành vi và thiết lập quy tắc mới. Chỉ có những người làm nghề vaccine mới hiểu được điều đó. “Quy định của sản xuất vaccine cao hơn rất nhiều so với dược. Dược dành cho người ốm còn vaccine là tiêm cho người khỏe, vì thế mọi công đoạn sản xuất vaccine đều phải được ghi lại để theo dõi và kiểm chứng”, giáo sư Nguyễn Thu Vân, nguyên giám đốc VABIOTECH, cho biết như vậy trong một cuộc trao đổi với Tia Sáng vào năm 2016.
Do đó, vào năm 2009, PATH hợp tác với WHO và BARDA-Cơ quan nghiên cứu và phát triển tiên tiến về y sinh học (Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh Mỹ) để lập một dự án hỗ trợ sản xuất vaccine cúm ở Việt Nam, qua đó cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho IVAC như mời các chuyên gia kỳ cựu từng làm cho các nhà sản xuất lớn tư vấn hỗ trợ quy trình sản xuất; huấn luyện kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng; xây dựng toàn bộ quy trình nuôi gà để có thể tự cung cấp trứng gà sạch 12 loại bệnh. “Sự chủ động nguồn trứng gà của IVAC là niềm tự hào của PATH”, TS. Vũ Minh Hương nhấn mạnh. “Ban đầu, IVAC phải đi nhập gà từ Pháp, rất vất vả vì mọi người hãy hình dung mang con gà hai ngày tuổi về Việt Nam không đơn giản tí nào”. Việc mở rộng quy mô nuôi gà là cần thiết bởi mỗi quả trứng gà ấp non 10 ngày tuổi được nuôi cấy virus cúm chỉ thu được thành phẩm tương đương một đến một liều rưỡi vaccine. Khi làm chủ được quy trình nuôi gà sạch bệnh, IVAC có thể tự mở rộng quy mô để có được lượng trứng đáp ứng nhu cầu của mình.
Cơ bản đó là những gì IVAC cần để có được một vaccine cúm sau một chặng đường dài được ba đời viện trưởng tiếp nối. Qua cả thập kỷ, họ có thể tự hào về việc sản xuất thành công các vaccine cúm A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9 và cả vaccine cúm mùa đa giá ba chủng. “Đầu tư cho vaccine là một đầu tư dài hơi, không bao giờ tính bằng một năm, hai năm. Nó phải được tính bằng năm đến 10 năm”, TS. Vũ Minh Hương nhận xét.
Giá trị của sự bền bỉ
Biết bao nỗ lực đổ ra để gây dựng được một quy trình sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế của IVAC, từ thời điểm mới chỉ có bảy, tám người mới tốt nghiệp đại học như lời kể của TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC. “Những gì IVAC có ở thời điểm ban đầu còn rất sơ khai.”, TS. Vũ Minh Hương nhớ lại.
Hiện tại thì ngay cả những người chứng kiến và tham gia toàn bộ quá trình đó như PGS.TS Lê Văn Bé hay TS. Dương Hữu Thái, cũng không thể kể hết những khó khăn mà họ đã vượt qua. Nhưng “điểm thưởng” cho sự trường kỳ của IVAC thật đáng giá, đó là năng lực sẵn sàng cho việc sản xuất các loại vaccine cúm đại dịch. Có lẽ, di sản mà họ thụ hưởng từ một cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine thuộc hệ thống Viện Pasteur ở Việt Nam do Viện Pasteur Paris điều hành từ những năm 1890 đến 1930 và trại chăn nuôi Suối Dầu, một cơ sở rộng hơn 100 ha cách thành phố Nha Trang 20 km do nhà vi khuẩn học A. Yersin thành lập năm 1896, cũng đóng góp một phần không nhỏ. Bây giờ, IVAC có thể chủ động được nguồn trứng với hai điểm tiến bộ theo đánh giá của TS. Vũ Minh Hương: thương thảo với nhà sản xuất gà ở Pháp để được nhân giống các thế hệ sau và được Bộ NN&PTNT cho phép nhập và lai tạo giống gà đó ở Việt Nam. Nhờ vậy, IVAC đã gia nhập con đường chung có mặt hầu hết các nhà sản xuất vaccine bằng công nghệ này là vừa nuôi gà, vừa làm vaccine.
IVAC đã sản xuất được những lô COVIVAC để thử nghiệm lâm sàng. Nguồn: PATH/Matthew Dakin.
Điều đó tạo niềm tin về khả năng sản xuất vaccine đại dịch Covid-19, không chỉ từ chính IVAC mà cả PATH. Mục tiêu PATH hướng tới khi hỗ trợ IVAC là sự sẵn sàng có được vaccine khi bất cứ đại dịch cúm nào xuất hiện trong tương lai. “Nói nôm na là khi quy trình có sẵn rồi, nếu có đại dịch cúm xảy ra thì chỉ cần phân lập được con virus cúm mới là cứ thế sản xuất thôi”, TS. Vũ Minh Hương nói.
Không ngờ là tương lai đó lại tới sớm hơn dự tính, chỉ một năm sau khi IVAC hoàn tất thủ tục, đệ trình lên Bộ Y tế hồ sơ xin cấp phép sản xuất vaccine cúm A/H5N1 cũng như bán được những lô hàng vaccine cúm mùa đầu tiên ra thị trường.
Ý định làm vaccine của IVAC được bồi thêm bằng cú điện thoại của giáo sư Nguyễn Thanh Long từ đầu tháng 3/2020, người vào cuối năm đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế, “Corona thành đại dịch rồi, IVAC tính sao? Đã bắt đầu nghiên cứu vaccine này chưa? Nếu cần thì công nghệ nào?”. “Câu trả lời của tôi là ‘IVAC đã có công nghệ, có nhà máy sản xuất, có sẵn nguyên vật liệu, nhân lực, chúng tôi cũng cập nhật tình hình phát triển vaccine cùng WHO, PATH…. Nếu có cơ hội và điều kiện phù hợp thì IVAC sẽ sản xuất ngay’”, PGS. TS Lê Văn Bé kể.
Khi COVID-19 đột ngột đến, người ta mới thấy cái giá của sự bền bỉ. “Ba thu dồn lại một ngày”, không phải ngẫu nhiên IVAC có thể gia tốc những gì cả thập kỷ tích lũy để trong vòng bảy tháng, phát triển được COVIVAC – vaccine COVID 19 của IVAC. “Về cơ bản, công nghệ làm vaccine cúm mùa và vaccine corona của chúng tôi không có gì khác nhau, chỉ có chi tiết các thông số thì điều chỉnh một chút cho phù hợp thôi”, PGS.TS Lê Văn Bé nói. “Vào tháng năm năm ngoái, chúng tôi tiếp cận được chủng qua liên minh với các trường ĐH Mỹ do PATH điều phối, đến tháng 12 đã có sản phẩm đạt chất lượng và hoàn thiện được quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng để làm hồ sơ trình Bộ Y tế xin cấp phép thử nghiệm lâm sàng”.
Một lần nữa, PATH và các tổ chức quốc tế lại đóng vai trò người đồng hành của IVAC trong đại dịch Covid-19. Virus Newcastle được các nhà nghiên cứu trường ĐH Texas, Austin và ĐH Icaln, Mount Sinai, New York, Mỹ… cấy gene biểu hiện protein gai tái tổ hợp của virus SARS-CoV-2, trở thành thứ virus vector. Khi chuyển về IVAC, nó được cấy trên trứng gà có phôi 10 đến 11 ngày tuổi theo liều lượng quy định của từng quả trứng, nuôi cấy ở nhiệt độ 370C trong vòng 72 giờ. Sau khi kiểm tra các hiệu giá sinh ra, IVAC “gặt” bằng máy bán tự động với công suất 10.000 quả/giờ và chuyển sang tinh chế – giai đoạn quan trọng nhất của quy trình sản xuất vaccine. Dung dịch mà họ thu được có độ tinh khiết 99%, tiếp tục được cô đặc, chuyển sang bất hoạt virus và lọc vô trùng thành bán thành phẩm. “Hoàn tất kiểm tra chất lượng, bán thành phẩm đó đã ở trạng thái sẵn sàng để pha chế thành vaccine. Đó là sơ lược quy trình mà chúng tôi làm COVIVAC cũng như các vaccine cúm khác”, PGS.TS Lê Văn Bé nói với đôi mắt lấp lánh sự vui thích hồn nhiên của người đã làm chủ được một chu trình phức tạp.
Vì vậy, ngay sau khi sản xuất thành công lô vaccine thử, IVAC đã mạnh dạn làm thêm lô thử nghiệm lâm sàng, chuẩn bị cho một chu trình thử nghiệm mà họ đã thuần thục. “Thực ra, trong vòng sáu tháng đến một năm là có sản phẩm để đánh giá chất lượng và thử tiền lâm sàng trên động vật thí nghiệm nhưng cần khoảng ba năm để thực hiện ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng”, ông giải thích. Đó là quy trình mà mọi nhà sản xuất vaccine đều phải đi qua, không riêng gì IVAC.
Điểm nút cuối cùng
Điểm nút đó là ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và chi phí mà các nhà sản xuất phải bỏ ra cho nó.
Trong bối cảnh không cấp bách, IVAC có thể “nhẩn nha” chuẩn bị, vừa đi xin tài trợ quốc tế, vừa tiến hành thử nghiệm lâm sàng, giống như cách họ đã áp dụng với vaccine cúm A/H1N1, A/H5N1, và vaccine cúm mùa. Thông thường, chi phí giai đoạn một và hai không quá tốn kém vì số lượng người tham gia không lớn nhưng giai đoạn ba với hàng chục ngàn người tham gia và diễn ra ở nhiều điểm trên là cả một vấn đề với một cơ sở công lập tự chủ toàn phần như IVAC. “Chúng tôi kết hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và ĐH Y Hà Nội thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một. Hiện đang tiêm cho 120 người rồi, đang theo dõi đến ngày 57 để làm báo cáo giữa kỳ. Đến đầu tháng bảy, mọi chuyện suôn sẻ thì triển khai giai đoạn hai trong ba tháng ở Vũ Thư, Thái Bình”, PGS.TS Lê Văn Bé cho biết vào ngày 27/5.
Cũng như các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia, Bộ Y tế đã tiết giảm nhiều thủ tục hành chính mà không vi phạm tiêu chuẩn chuyên môn để giúp đẩy nhanh tiến độ cấp phép vaccine; tuy nhiên những quy định ở giai đoạn ba vẫn phải giữ nguyên vì đây là căn cứ để xem xét cấp phép. “Số lượng người tham gia đông, có thể lên tới hàng chục ngàn người và thời gian theo dõi tác động của vaccine trên những người này cũng phải đủ dài mới phát hiện ra được dấu hiệu của các biến cố bất lợi nghiêm trọng hiếm gặp, thường thì phải 12 tháng hoặc hơn”, PGS.TS Lê Văn Bé lưu ý. Do số lượng tham gia lớn nên chi phí của giai đoạn ba quá lớn với IVAC. Con số 20 tỉ đồng mà tập đoàn Vingroup tài trợ cũng chưa đủ cho hai giai đoạn đầu, họ vẫn phải tự xoay xở để bù thêm 8 tỉ nữa. Nhưng hàng trăm tỉ cho giai đoạn ba sẽ lấy ở đâu?
Đó là câu hỏi đang làm rối bời IVAC, dù rằng thông tin chuyên môn từ Mỹ và Ấn Độ rất khả quan: việc đánh giá chất lượng và thử nghiệm trên động vật để kiểm tra độ an toàn, khả năng miễn dịch, hiệu quả bảo vệ trên động vật hamster bị nhiễm biến thể virus mới của Anh và Nam Phi đều cho kết quả tốt. “Có một nỗi trăn trở của người làm vaccine là dù làm được vaccine chất lượng nhưng mình phải được đánh giá thông qua thử nghiệm lâm sàng ba giai đoạn. Muốn như vậy phải có tiền, mà với đơn vị nhỏ như IVAC thì nhất thiết phải có sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước”, PGS. TS Lê Văn Bé nói.
Vậy IVAC có mường tượng tất cả những vấn đề sẽ gặp phải khi làm COVIVAC? PGS. TS. Lê Văn Bé cho biết “Dĩ nhiên là chúng tôi dự đoán được tất cả những khó khăn đó nhưng cái tâm của những người làm vaccine không cho phép mình trì hoãn đắn đo. Khi mình có sẵn công nghệ, có nhà máy thì tại sao mình không làm?”. Sự sẵn sàng của những người làm vaccine là một trong những chỉ báo về năng lực của y tế một quốc gia cũng như điểm tựa trong trường hợp dịch bệnh khẩn cấp. Bởi “nếu chờ đến lúc quốc tế không viện trợ nữa mới đặt hàng trong nước thì đã muộn vì việc sản xuất vaccine đòi hỏi một quy trình thử nghiệm và thẩm định chất lượng nghiêm ngặt, khá tốn thời gian. Đồng thời, nhà sản xuất vaccine trong nước không thể nào đột ngột tăng quy mô sản xuất một cách quá nhanh”, giáo sư Thu Vân trả lời phỏng vấn Tia Sáng vào tháng 6/2012.
Nỗi đau khổ của người làm vaccine, vì vậy, nhân lên từng ngày. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác chỉ có giải pháp duy nhất thoát đại dịch là vaccine nhưng vô vàn điểm khó trong việc mua vaccine của các hãng nước ngoài, không chỉ ở việc đàm phán. Ví dụ với riêng Pfizer, nước nhập khẩu vaccine của họ không chỉ phải vận chuyển sản phẩm trong điều kiện nhiệt độ âm 800 C mà còn cần đáp ứng nhiều yêu cầu khác: miễn trừ trách nhiệm trong việc khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vaccine hoặc việc sử dụng vaccine; chấp nhận nhận hàng theo đúng số lượng, thời gian dự kiến trong thỏa thuận…1 Còn COVIVAC, cũng như các vaccine cúm khác của IVAC, sẽ được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 2 đến 80C và giá xuất xưởng dự tính ở mức không quá 60.000 đồng/liều. Vì sao COVIVAC lại rẻ như vậy? “Rẻ hơn so với các vaccine khác vì mình đã có nhà máy sản xuất cúm mùa, dây chuyền cũng được khấu hao một phần theo thời gian. Đã không những không phải đầu tư cơ sở vật chất từ đầu, bọn mình lại còn có sẵn con người, có sẵn quy trình, có sẵn nguyên liệu”, ông phân tích.
Trong những ngày này, trên các mạng xã hội, người ta không ngớt bàn tán về vaccine và đặt câu hỏi về việc ‘tại sao năm ngoái báo chí nói nhiều về việc Việt Nam đang làm mấy loại vaccine mà giờ chưa có?”, “liệu có tin được vaccine Việt Nam không?”… Với những người làm vaccine như PGS.TS Lê Văn Bé, TS. Dương Hữu Thái, nỗi nghi ngờ về sản phẩm mà mình gắn bó cả đời, chăm chút cho nó từng ngày còn hơn cả sự đau đớn. Nhưng biết làm gì để thuyết phục mọi người, khi COVIVAC còn bị kẹt lại ở điểm cuối cùng?□
—
1.https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/pfizer-chao-ban-31-trieu-lieu-vaccine-covid-19-cho-viet-nam-858801.vov