Jeanne Barret: người phụ nữ đầu tiên đi vòng quanh thế giới

Năm 1765, một thiếu nữ nhà nông trẻ tuổi rời khỏi ngôi làng hẻo lánh vùng thôn quê nước Pháp, nơi gia đình cô đã chật vật kiếm sống trong nhiều thế hệ. Cô khởi hành chuyến du ngoạn đi khắp mọi miền thế giới, từ rừng rậm Nam Mỹ và eo biển Magellan cho đến những hải đảo nhiệt đới vùng Ấn - Thái Dương.


Một bức chân dung hiện đại của Jeanne Barret cải trang thành nam giới, dựa trên cách diễn giải của tác giả bài viết. Ảnh: Timothy Ide.
 
Jeanne Barret (hay Baret hoặc Baré) là người phụ nữ đầu tiên đã thực hiện hành trình vòng quanh thế giới. Rũ bỏ mũ bonnet và tạp dề để khoác lên mình bộ quần dài và áo choàng của nam, Jeanne cải trang thành nam giới và lên con tàu thuộc đoàn thám hiểm địa cầu của đô đốc Louis-Antoine de Bougainville với tư cách trợ lý cho nhà tự nhiên học Philibert Commerson.
 
Trong chuyến đi đó, Jeanne đã giúp Commerson thu thập các mẫu thực vật cho bộ sưu tập cá nhân về lịch sử tự nhiên lớn nhất được biết đến thời bấy giờ. Hàng nghìn mẫu tiêu bản thực vật ngày nay vẫn có thể được tìm thấy tại khu thảo mộc của bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris, dù trong số đó chỉ một số ít mang tên Jeanne.
 
Bất chấp thành tựu phi thường, Jeanne không để lại ghi chép gì về chuyến đi hay cuộc đời của mình. Tên của bà có lẽ đã bị lãng quên mãi mãi nếu không nhờ vào một phát hiện kịch tính trên bãi biển Tahiti vào năm 1768.
 
Người đời biết đến Tahiti từ chuyến hành trình thám hiểm của Bougainville như một thiên đường không tưởng với những người phụ nữ xinh đẹp và tự do tình dục. Nhưng sự thực là những người đàn ông Tahiti bản địa cũng hứng thú không kém với phụ nữ châu Âu, và danh tính của Jeanne dưới lớp quần áo ngụy trang nhanh chóng bị phát hiện. Phát hiện này khiến cả đoàn sửng sốt, và Bougainville buộc phải can thiệp. Ông mô tả ngắn gọn lời thú nhận của Jeanne trong cuốn sách bán chạy nhất kể về chuyến đi của mình. Bougainville dành tặng cho Jeanne những lời khen ngợi có cánh nhất và ra lệnh không cho ai làm phiền để bà tiếp tục làm việc như một người đàn ông.
 
Trong bình luận duy nhất của Commerson về chủ đề này, ông lưu ý Jeanne đã “tránh được cuộc tập kích của thú hoang và con người có khả năng tổn hại đến tính mạng và đức hạnh, bình an vô sự”.
 
Jeanne không làm sai điều gì. Quy định của hải quân Pháp không cấm phụ nữ ra khơi, nhưng lại áp dụng hình phạt đối với nam giới đưa nữ giới lên tàu. Cả Jeanne và Commerson đều khẳng định Commerson không hay biết gì về mưu mẹo của Jeanne và cả hai không quen biết nhau trước cuộc hành trình. Jeanne và Commerson xuống tàu ngay sau khi tàu cập bến đảo Mauritius trên biển Ấn Độ Dương thuộc lãnh thổ Pháp.
 
Cuộc phiêu lưu của Jeanne sau đó được kể lại trong một cuốn sách về những người phụ nữ vĩ đại và trong phần Bổ sung về chuyến du hành Bougainville của triết gia Denis Diderot. Cuối cùng, bà nhận được một khoản lương hưu từ hải quân Pháp cho những đóng góp của mình.
 
Bức tranh duy nhất vẽ Jeanne được thực hiện rất lâu sau khi bà qua đời và in trong một cuốn sách tập hợp các chuyến đi nổi tiếng. Đó có lẽ là một hình ảnh mang tính chất biểu tượng. Trang phục thủy thủ rộng rãi tượng trưng cho chuyến đi của bà, bó hoa tượng trưng cho lĩnh vực thực vật học, và chiếc mũ đỏ ám chỉ bà chính là nàng Marianne, một biểu tượng cách mạng cho tự do và nền cộng hòa Pháp.
 

Một bức vẽ về Jeanne của Giuseppe dall’Acqua vào năm 1816. Ảnh:
Theconversation
 
Trên thực tế, một người trợ lý và nhà thực vật học như Jeanne sẽ ăn vận như một quý ông, mang theo nhiều loại ghim, dao, túi, vũ khí và giấy tờ cho công cuộc thu thập mẫu vật. Các mẫu thực vật được ép ngay tại chỗ bằng máy ép mẫu thực vật cầm tay.
 
Mặc dù danh tiếng của bà đã sớm lan xa, hiếm ai biết được chi tiết về cuộc đời của Jeanne ngoài chuyến đi nổi tiếng. Trong nhiều năm, có rất ít thông tin về quá khứ của bà, những điều đã xảy ra khi bà rời đoàn thám hiểm tại Mauritius vào năm 1768, hành trình trở lại đất Pháp hay công việc của bà trong phần đời còn lại.
 
Những khuôn mẫu giản lược
 
Viết tiểu sử về một người phụ nữ mà thông tin của họ cực kỳ ít ỏi, luôn là một thử thách. Tôi* thử kiếm tìm một hình tượng có sẵn – trong văn học hay trong lịch sử – để làm hình mẫu cho Jeanne. Nhưng cả tiểu thuyết và thực tế đều khắc họa người phụ nữ, người nghèo, người ít đọc, người lập dị và người đến từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác một cách nghèo nàn. Sự hiện diện của họ nằm trong những khuôn mẫu giản lược – những vai phụ tôn lên vai chính dành cho một người đàn ông da trắng giàu có. Một người phụ nữ như Jeanne có thể là một nông dân hay một cô hầu, một người vợ hay một ả sa ngã – không có cơ hội nào theo lẽ thường để bà trở thành một nhà thám hiểm hay một người phụ nữ độc lập theo ý mình. Cơ hội phải do chính bà tạo ra.
 
Những ghi chép ban đầu về Jeanne tập trung vào công việc, ngoại hình và đạo đức giới tính của bà. Bà được mô tả là người không biết mỏi mệt, một nhà thực vật học xuất chúng và một người cần mẫn vác những bao tải nặng trong khi thu hái thực vật. Đàn ông cho rằng bà không đẹp cũng chẳng xấu, nhưng cư xử với “sự khiêm tốn thận trọng.”
 
Commerson gặp chấn thương ở chân trong chuyến hành trình khiến ông gặp khó khăn trong việc di chuyển. Jeanne có lẽ đã chịu trách nhiệm thu thập hầu hết các loài cây cỏ Nam Mỹ, trong đó có hơn một nghìn loài vẫn được tìm thấy ở các phòng thảo mộc ngày nay. Khi các nhà khoa học bảo tàng bắt đầu công bố một số mô tả về loài thực vật của Commerson sau khi ông qua đời, nhà sinh học tiến hóa tiên phong Jean Baptiste Lamarck là người duy nhất đề cập đến đóng góp và tinh thần dũng cảm của Jeanne. Dẫu sao bà cũng là một người trợ lý, và do vậy hầu như không được công nhận.
 
Bản thân Commerson cũng hiếm khi nhắc đến Jeanne. Phải đến khi họ đã rời bỏ đoàn thám hiểm, ông mới đặt tên một loài cây theo tên bà: Baretia bonafidia (ngày nay được gọi là Turraea rutilans). Trong bản mô tả về loài cây nói trên, Commerson công nhận “khát khao tri thức” của bà và cho biết ông mắc nợ “tinh thần anh hùng của bà, vì rất nhiều loài thực vật chưa từng được thu hái trước đó, vì công sức phơi khô cần mẫn, vì vô số bộ sưu tập côn trùng và vỏ sò.”
 

Turraea rutilans, ban đầu được Commerson đặt tên là Baretia bonafidia. Ảnh: Muséum national d’Histoire naturelle, Paris (Pháp) Bộ sưu tập: Thực vật có mạch (P) Mẫu vật P00391569.
 
Những ghi chép vào thế kỷ 19 về Jeanne xuất hiện dưới dạng chú thích trong tiểu sử của những người đàn ông vĩ đại. Chúng tránh đề cập đến những điều không đứng đắn, thay vào đó thể hiện bà như “người hầu trung thành” của Commerson, giống như Thứ Sáu đối với Robinson Crusoe hay Jean Passepartout đối với Phileas Fogg. Người viết tiểu sử thời kỳ đầu Paul-Antoine Cap kể lại một câu chuyện gia đình, trong đó Jeanne tận tụy chăm sóc cho Commerson trên giường bệnh ở Mauritius và sau đó trở về sống tại quê nhà của ông tại Pháp.
 
“Để tưởng nhớ và tôn kính người chủ của mình, bà để lại tất cả những gì mình sở hữu cho những người thừa kế của nhà thực vật học danh tiếng,” ông viết. Đó là một câu chuyện về sự tận tâm vô bờ được lặp lại nhiều lần trong các bản ghi chép tiếp theo.
 
Bức chân dung chắp vá
 
Các nhà nghiên cứu nữ đã tiếp tục sứ mệnh giải mã các chi tiết về cuộc đời Jeanne. Sự chú ý chuyển sang Jeanne với tư cách một cá nhân, thay vì phụ lục cho câu chuyện của Commerson hay Bouganville. Vào những năm 1980, một nhà sử học địa phương vùng Burgundy tên Henriette Dussourd đã khám phá ra hồ sơ giáo xứ ghi lại việc Jeanne chào đời năm 1740 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã La Comelle. Bà (Henriette) cũng tìm thấy tờ khai xác nhận mang thai (bắt buộc theo luật của Pháp) có chữ ký của Jeanne khi bà 24 tuổi. Vào thời điểm mang thai được năm tháng, Jeanne đã lấy một họ khác và bỏ trốn đến Paris cùng Commerson với tư cách quản gia.
 
Các tình tiết có vẻ đáng ngờ. Trước đó, Jeanne có lẽ đã theo hầu Commerson, lúc ấy mới vừa góa vợ, và cả hai chuyển đến Paris nhằm tránh né một vụ bê bối địa phương. Tuy một trận hỏa hoạn vào năm 1871 gắn với sự kiện Công xã Paris đã phá hủy số hồ sơ giáo xứ ban đầu, nhưng Dussourd cho rằng đã có một bé trai được sinh ra, bị bỏ lại ở trại trẻ và sau đó chết yểu. Kể từ đó, tôi phát hiện ra rằng Jeanne đã hạ sinh đứa bé thứ hai ở Paris, nhưng đứa bé này dường như cũng qua đời trong những năm tháng khi Jeanne tham gia đoàn thám hiểm.
 
Mới đây, một tiểu sử bằng tiếng Anh đã cố gắng lấp đầy những khoảng trống còn lại trong hồ sơ lưu trữ. Tiểu sử nổi tiếng của Glynis Ridley bị chỉ trích vì những sai sót về mặt khoa học , nhưng phiên bản câu chuyện về Jeanne của cô đã lan truyền rộng rãi trên Internet. Thay vì phác họa hình tượng người hầu trung thành như các tác giả vào thế kỷ 19, Ridley sử dụng một truyện kể hiện đại mang tính cảnh báo để kể câu chuyện hoàn chỉnh về Jeanne – tự sự quen thuộc về những người phụ nữ can đảm không thể tránh khỏi kết cục thảm hại.
 
Tiểu sử của Ridley tìm cách trao cho Jeanne sự tự chủ mà bà không có trong những ghi chép thế kỷ 18 và 19. Ridley chỉ ra Commerson đã tìm kiếm lời khuyên từ Jeanne với tư cách một chuyên gia thảo mộc. Có khi nào một danh sách cây thuốc không đề tên trong tư liệu Commerson để lại là tác phẩm của Jeanne hay không? Tuy ý tưởng này rất hấp dẫn, thực tế Commerson rất nổi tiếng với các bài thuốc dạng trà, và các vị thuốc từ thảo dược là phương pháp điều trị y tế phổ biến tại thời điểm đó.
 

Philibert Commerson (1727-1773). Ảnh: Wikimedia Commons
 
Ridley cũng cho rằng không có bằng chứng nào về việc Jeanne được mẹ dạy đọc và viết. Nghiên cứu sử dụng tài liệu lưu trữ của tôi phát hiện mẹ của Jeanne qua đời khi cô bé mới 15 tháng tuổi. Giả thuyết khả thi hơn là Commerson đã dạy cô viết và đào tạo cô về thực vật học. Gây tranh cãi hơn, Ridley nhận định giai thoại Jeanne bị phát hiện là phụ nữ tại Tahiti thực chất là vỏ bọc cho vụ cưỡng hiếp tập thể ở New Ireland, ngoài khơi Papua New Guinea. Bà cũng cho rằng Jeanne đã mang thai và hạ sinh một đứa bé trai ở  Mauritius. Câu chuyện trên thực chất xuất phát từ mô tả của một bác sĩ tên Francois Vivez làm việc trên cùng con tàu với Jeanne. Vivez không ưa Commerson và đã dự định công bố một câu chuyện ô nhục về người hầu của ông khi trở về Pháp.
 
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, không có bằng chứng nào cho thấy Jeanne, người mắc bệnh scurvy và bị suy dinh dưỡng, đã mang thai một đứa trẻ trong suốt cuộc hành trình, cũng như về tờ xác nhận mang thai bắt buộc hay đứa trẻ sinh ra ở Mauritius.
 
Một hình mẫu phức tạp
 
Cuộc sống của Jeanne ở Mauritius và sự trở lại nước Pháp của bà thực chất còn thú vị hơn những cái kết kịch tính đáp ứng những mong đợi thông thường. Người phụ nữ gan dạ này đã không đi đến một kết thúc bi thảm. Bà không phải là người hầu trung thành an ủi cho Commerson vào giây phút hấp hối. Bà không bị bỏ lại “một mình, không nhà, không xu dính túi” sau cái chết của ông, chờ đợi một người đàn ông cứu rỗi. Bà không trở về quê hương của Commerson hay tưởng nhớ ông cho đến chết.
 
Những tài liệu lưu trữ kể một câu chuyện khác. Tôi phát hiện Jeanne được cấp tài sản tư hữu tại Mauritius. Khi Commerson qua đời, công việc kinh doanh riêng của Jeanne đang tiến triển thuận lợi. Bà đã mua giấy phép điều hành một quán bar ăn nên làm ra gần bến cảng. Tại thời điểm kết hôn với Jean Dubernat, một người lính thuộc trung đoàn thuộc địa Pháp, bà giàu có đến nỗi đủ điều kiện để yêu cầu một hợp đồng tiền hôn nhân. Chồng bà đóng góp 5.000 đồng livre, trong khi Jeanne đóng góp một căn nhà, nô lệ, đồ nội thất, quần áo, trang sức, và một khoản gồm 19.500 livre – hai phần ba trong số đó thuộc quyền chi tiêu của bà. Bà là một người phụ nữ giàu có.
 
Những nghiên cứu sâu hơn của Sophie Miquel và Nicolle Maguette ở Dordogne, nơi Jeanne dành phần đời còn lại sau khi trở về Pháp năm 1775, hé lộ thêm nhiều chi tiết. Bà đã mua nhiều bất động sản khác nhau, trong đó bao gồm một trang trại mà ngày nay vẫn gần như nguyên trạng.
 
Chồng bà đã ký một văn bản pháp lý khác thừa nhận những tài sản này được chia đều giữa hai vợ chồng. Jeanne có gia đình vây quanh bầu bạn, bao gồm hai đứa cháu mồ côi, và điều hành một sản nghiệp sinh lợi với tư cách địa chủ và thương nhân – khác xa tuổi thơ nghèo khó, thất học của bà tại Burgundy. Nếu phải chỉ ra một kiểu cốt truyện cho cuộc đời của Jeanne, thì đó sẽ là câu chuyện về một người đi lên từ hai bàn tay trắng, thay vì về một người hầu trung thành hoặc một bi kịch đi đường. Nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn nếu ta dựng lại câu chuyện đời Jeanne với sự để tâm khách quan dành cho các tài liệu lưu trữ.
 
Bản thân Jeanne ngập tràn mâu thuẫn. Bà là một người dì tận tụy, nhưng lại để mặc con cái tự sinh tự diệt ở Paris. Bà đấu tranh để thoát khỏi những ràng buộc của hệ thống giai cấp và chế độ phụ hệ cứng nhắc của Pháp, nhưng cùng lúc đó lại sở hữu nô lệ. Cuộc đời của bà không phải lúc nào cũng đi theo một cấu trúc tự sự quen thuộc. Những gì chúng ta biết về Jeanne cho thấy bà là một người phụ nữ tự tin, có năng lực và kiên cường – không phải nạn nhân cũng chẳng phải anh hùng, mà là một hình mẫu phức tạp, độc đáo và đầy cảm hứng.
 
(*) Tác giả của bài viết là Danielle Clode, nghiên cứu viên chính thuộc khoa Viết Sáng tạo tại Đại học Flinders.
 
Hoàng Nhi lược dịch

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)