Jules Verne – Người mở đường cho thể loại khoa học viễn tưởng?

Nếu không phải là ông thì còn có thể là ai?

Ngay từ thế kỷ 19, Jules Verne đã đi trước thời đại khi đề cập đến trong các tác phẩm của mình những chuyến du hành tới mặt trăng, khám phá đại dương, đi vào lõi Trái Đất. Điều này khiến ông được ví như một nhà văn “tiên đoán tương lai”. Ảnh: BnF – Les Essentiels

Jules Verne (1828-1905) thường được mệnh danh là cha đẻ của thể loại khoa học viễn tưởng vì những tác phẩm hư cấu mang yếu tố khoa học của ông. Một số chuyên gia không hài lòng với danh xưng này, họ cho rằng thể loại khoa học viễn tưởng đã ra đời từ lâu, thậm chí từ thời cổ đại. Nhiều người còn mạnh dạn đề xuất quan điểm rằng Odyssey của Homer mới chính là tác phẩm tiên phong cho thể loại này. Quan điểm trên có phần khiên cưỡng, vì khái niệm khoa học, như chúng ta hiểu ngày nay, chỉ thực sự bắt đầu từ thế kỷ XVII, vậy nên khoa học viễn tưởng không thể xuất hiện sớm hơn.

Để xác định liệu Verne có thực sự là “cha đẻ của thể loại khoa học viễn tưởng” hay không, chúng ta sẽ cùng nhìn lại cuộc đời và một số tác phẩm của ông. Jules Verne là con trai của một luật sư người Pháp, và công việc kiếm ra tiền duy nhất của ông ngoài văn chương là làm môi giới chứng khoán – nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Ông đã viết 65 cuốn sách và về sau đã được nhóm lại thành tuyển tập với tiêu đề Những chuyến du hành kỳ thú (Voyages extraordinaires). Đây là những tác phẩm hư cấu có cốt truyện xoay quanh một số phát minh trong tương lai hoặc ứng dụng khoa học công nghệ chưa được thử nghiệm và vẫn còn là giả thuyết vào thời Verne – chúng hiện lên thông qua các cuộc phiêu lưu của các nhân vật chính.

Ta có thể nhận ra rằng Verne là người thích tìm hiểu những thông tin thú vị về công nghệ và sinh học, đồng thời có đầu óc nhạy bén với các con số. Tuy nhiên, khía cạnh giàu trí tưởng tượng của khoa học – khía cạnh thực sự thúc đẩy khoa học tiến lên – là thứ mà ông chưa chạm đến được.

Với bất kỳ người nào đã từng tiếp xúc với các loại hình văn hoá phương Tây hiện đại, bạn có thể chưa đọc, nhưng ít nhất cũng từng nghe qua tên một vài trong số các tác phẩm của ông. Tác phẩm Hai vạn dặm dưới biển (Vingt mille lieues sous les mers: Tour du monde sous-marin) đã được Disney chuyển thể thành bộ phim ăn khách vào năm 1954, bộ phim sau đó đã giành giải Oscar cho hạng mục Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất và Hiệu ứng xuất sắc nhất. Hai năm sau, nhà sản xuất Mike Todd đã biến Vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày (Le Tour du monde en quatre-vingts jours) của Verne thành một bộ phim hoành tráng với sự tham gia của hàng nghìn diễn viên, cùng sự đầu tư chỉn chu về trang phục và bối cảnh. Bộ phim sau đó đã giành được năm giải Oscar. Nhiều độc giả nhỏ tuổi đều sở hữu và đã đọc một phiên bản rút gọn của cuốn Hành trình vào tâm Trái đất (Voyage au centre de la Terre). Cuốn tiểu thuyết xuất bản đầu tiên của Verne, Năm tuần trên khinh khí cầu (Cinq semaines en ballon), và cuốn thứ ba, Từ Trái đất đến Mặt trăng (De la Terre à la Lune, trajet direct en 97 heures 20 minutes) – được phát hành chung cùng với phần tiếp theo, Bay vòng quanh Mặt trăng (Autour de la Lune), là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ trẻ em, tuy vậy ngày nay các tác phẩm của Verne không còn phổ biến như trước. 

Các bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm nổi tiếng của Jules Verne. Từ trái sang là Hai vạn dặm dưới biển: Du hành vào thế giới dưới nước, Hành trình vào tâm Trái đất, và 80 ngày vòng quanh thế giới. Ảnh: Bontena

Những người viết tiểu sử về Verne vẫn thường nhận định rằng trong giai đoạn từ giữa những năm 1870 đổ về sau, các sáng tác của ông ngày càng kém. Mặc dù một số chứa đựng những cái nhìn thú vị hoặc độc đáo, nhưng chúng cũng chẳng hơn gì những tiểu thuyết bình dân. Vào năm 1905, thời điểm Verne qua đời, doanh số bán ra của các tác phẩm giai đoan sau chỉ dừng ở mức làng nhàng. Ví dụ, số lượng bản in đợt đầu tiên của cuốn Orinoco Hùng mạnh (Le Superbe Orénoque) vào năm 1989 chỉ ở mức 5.000 bản, nhưng đến tận nhiều năm sau một lượng lớn trong số đó vẫn là hàng tồn kho. Một số cuốn tiểu thuyết sau này, bao gồm cả Orinoco Hùng mạnh, không được dịch sang tiếng Anh. 

Lỗi không hoàn toàn thuộc về Verne. Chính sự thành công của những tác phẩm đầu tay của ông đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người sáng tác các tác phẩm tương tự, đến nỗi vào cuối thế kỷ 19, các độc giả có thể dễ dàng tìm kiếm những tác giả sáng tác tác phẩm mang âm hưởng “khoa học hư cấu” theo phong cách Verne.

Nhìn lại bốn tác phẩm ít tiếng tăm hơn

Những bản dịch tiếng Anh tác phẩm của Verne xuất hiện lần đầu vào đầu những năm 1870. Chúng thành công về mặt thương mại nhưng lại không thỏa mãn các nhà phê bình sách, và chúng còn khiến những người mến mộ Verne tức giận. Bởi vì những cuốn sách này được xem là sách thiếu nhi, không có giá trị về mặt văn chương nên các dịch giả có thể thoải mái rút ngắn, tô vẽ hoặc thậm chí biến tấu chúng. Nghề dịch thuật lúc bấy giờ rẻ rúng và được trả lương bèo bọt. Hơn nữa, hệ thống đo lường mà Verne sử dụng khá xa lạ với các dịch giả người Anh và người Mỹ, do đó, những tính toán công phu được ông đưa vào tác phẩm – nếu không bị lược bỏ hoàn toàn – thì cũng bị cắt xén trong các ấn bản tiếng Anh, khiến người đọc nghĩ rằng Verne là kiểu nhà văn bất cẩn và cẩu thả.

Danh xưng phù hợp hơn dành cho Verne là “Cha đẻ của Tech-Fi (Công nghệ Viễn tưởng)”, bởi ông kể những câu chuyện xoay quanh khả năng huyền ảo của công nghệ trong quá trình khai thác sức mạnh của tự nhiên, hỗ trợ cuộc phiêu lưu của con người và giải cứu con người khỏi những hiểm nguy. 

Cùng với sự phát triển của các khoa tiếng Anh ở nhiều trường đại học trong những thập kỷ gần đây và việc chấp nhận khoa học viễn tưởng như một lĩnh vực nghiên cứu nghiêm túc, các nhà phê bình văn học đã tiến hành một số công trình nhìn nhận lại những tác phẩm của Verne. Đây là lý do vì sao Nhà xuất bản Đại học Wesleyan đã xuất bản bốn bản dịch tiếng Anh mới cho các tiểu thuyết của Verne, với những đoạn chú thích công phu và lời giới thiệu của các học giả. Bốn bản dịch này được xuất bản từ tháng 12/2001 đến tháng 11/2005. Bốn bản gốc trải dài từ thời kỳ đỉnh cao danh tiếng của Verne, vào giữa những năm 1870, cho đến giai đoạn cuối sự nghiệp của ông khi ông sắp sửa qua đời, năm 1905: 500 triệu của Begum (Les Cinq cents millions de la Bégum), Hòn đảo Bí mật (L’Île mystérieuse), Cuộc xâm lăng của Biển cả (L’Invasion de la mer), Orinoco Hùng mạnh

Hòn đảo bí mật được xuất bản thành nhiều đợt từ năm 1874 đến năm 1875. Công bằng mà nói, đây là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số những tác phẩm ít được biết đến hơn của Verne. Nó đã được dịch sang tiếng Anh hai lần vào những năm 1870, nhưng ấn bản do NXB Wesleyan phát hành vào tháng 1/2002 là một bản dịch hoàn toàn mới và đầy đủ từ văn bản tiếng Pháp, bổ sung các hình ảnh minh họa gốc. Người dịch là Sidney Kravitz, được ghi trên bìa cuốn sách là “nhà khoa học và kỹ sư đã nghỉ hưu”. Nhà phê bình văn học William Butcher là người đảm nhận phần giới thiệu và phần chú thích.

Tranh minh hoạ tác phẩm từ Trái đất đến Mặt trăng do hoạ sĩ người Pháp Henri de Montaut thực hiện. Ảnh: Wikimedia

Khi còn bé, một trong những cuốn sách yêu thích của Jules Verne là Gia đình Thụy Sĩ Robinson (Der Schweizerische Robinson), một tác phẩm thiếu nhi kinh điển vào đầu thế kỷ 19, trong đó một gia đình sáu thành viên đã bị mắc kẹt trên một hoang đảo, về sau họ đã nỗ lực sống sót và khéo léo biến nơi đây thành một Thụy Sĩ thu nhỏ. Hòn đảo bí mật được xây dựng với cùng một mô-típ. Nhân vật chính trong tác phẩm của Verne là năm người Mỹ thuộc phe Liên bang trong Nội chiến và một con chó. Tất cả đều bị mắc kẹt ở Richmond, Virginia vào tháng 3/1865 bởi nhiều lý do khác nhau. Họ đào tẩu khỏi thành phố trên một chiếc khinh khí cầu nhưng sau đó bị một cơn bão dữ dội cuốn đi khắp thế giới, đến những vùng đất hoang vắng ở phía Tây Nam Thái Bình Dương. Chiếc khinh khí cầu cuối cùng rơi xuống và cả năm người bị trôi dạt vào một hòn đảo chưa có dấu chân người.

Những câu chuyện về hoang đảo, hay “Robinsonades” (một khái niệm được sử dụng để gọi những tác phẩm có cấu trúc tương tự như tác phẩm Robinson Crusoe của Defoe), là một motif phổ biến xuất hiện trở đi trở lại trong các tác phẩm văn học thế kỷ 19. Khi bàn luận về tác phẩm Chơi xấu (Foul Play) của Charles Reade, được xuất bản trước Hòn đảo bí mật năm năm, nhà văn George Orwell đã nhận xét: “Tất nhiên, một số tác phẩm viết về đảo hoang sẽ tệ hơn những tác phẩm khác, nhưng không có tác phẩm nào dở tệ tột bậc nếu nó bám sát những tình tiết cụ thể thực tế về cuộc đấu tranh để sinh tồn. Danh sách những đồ vật mà một người đàn ông bị đắm tàu sở hữu ​​có lẽ mới là trung tâm của cuốn tiểu thuyết, thậm chí còn nổi bật hơn những cảnh người đó chật vật để sống sót.” Những nhân vật của Verne cũng có một danh sách các đồ vật còn sót lại: quần áo họ đang mặc, một que diêm, hai chiếc đồng hồ, vòng cổ kim loại của con chó và một hạt lúa mì. Tuy nhiên, họ là người Mỹ, và đây là sự khởi đầu của một kỷ nguyên khi một người nước ngoài – cụ thể là Verne – xem người dân Hoa Kỳ là những người có tinh thần tự lập cao và có thể làm bất cứ việc gì. Hiện thân của quan niệm này là kỹ sư Cyrus Smith, thủ lĩnh của những người bị mắc kẹt trên hoang đảo. 

Dưới sự chỉ đạo của Smith, chẳng bao lâu nữa các nhân vật sẽ có một lò rèn, một lò gạch nung, một lò gốm và một xưởng sản xuất thủy tinh. Khi họ cần dỡ bỏ hàng rào đá để hạ mực nước trong hồ, Smith sẽ tạo ra chất nổ nitroglycerin. Verne đã mô tả tỉ mỉ những quy trình hóa học khác nhau. Sau khi đi vào một hang động lớn trên vách đá, các nhân vật đã tạo ra một chiếc thang dây dài 80 feet có “các cạnh, được tạo thành từ các sợi cỏ bấc được bện chặt bằng tời, có độ bền tương đương với một sợi cáp dày”. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời vì “Cyrus Smith đã lên kế hoạch về sau sẽ lắp đặt thang máy thủy lực”! Và anh ấy đã thực sự làm vậy. Chưa hết, người nhỏ tuổi nhất trong số các nhân vật, một cậu bé mười lăm tuổi, là một cuốn bách khoa toàn thư sống động về thực vật học và động vật học, do đó những người mắc kẹt trên hoang đảo không gặp nhiều khó khăn để tự cung cấp thực phẩm.

Những tình tiết này hơi khó tin, và nhiều độc giả tự hỏi liệu mọi người khi rơi vào hoàn cảnh này, họ sẽ dồn nghị lực và khả năng của mình để thoát khỏi hòn đảo hay sẽ chấp nhận hoàn cảnh và biến nơi đây thành một ngôi nhà mới. Họ phải mất tới ba năm để bắt đầu đóng một chiếc thuyền – tất nhiên không phải là một chiếc bè đơn giản mà là “một con tàu có tải trọng từ 250 đến 300 tấn”.

Trong số bốn cuốn sách được NXB Wesleyan dày công phát hành, Hòn đảo bí mật là cuốn hay nhất, và rất có thể là cuốn sách tử tế cuối cùng mà Verne viết. Bất chấp một số tình tiết phi lý, tác giả vẫn duy trì nhịp truyện ổn định, sắp xếp khéo léo các phân đoạn cao trào và tạo ra bầu không khí bí ẩn thú vị về vị ân nhân đang âm thầm giúp đỡ những người trên hoang đảo. Phải thừa nhận rằng các dịch giả đã đúng: đây là tiểu thuyết thiếu nhi, hay chính xác là tiểu thuyết dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Nó không có chiều kích xã hội. Các nhân vật được phác họa một cách đơn thuần và họ không có những tương tác xã hội thú vị. 

Hãy thử phân tích 500 triệu của Begum, một trong hai cuốn sách được xuất bản năm 1879 của Verne. Đây là một tác phẩm phản đối sự trỗi dậy của Đức quốc xã, ẩn dưới câu chuyện về hai người đàn ông được hưởng một khoản tài sản thừa kế khổng lồ. Đó là một bác sĩ người Pháp duy tâm và một nhà khoa học người Đức dị hợm chuyên viết các bài báo có tựa đề như “Tại sao tất cả người Pháp đều bị thoái hóa di truyền ở các mức độ khác nhau?”. Vị bác sĩ người Pháp đã dồn phần thừa kế của mình vào việc xây dựng một thành phố kiểu mẫu ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ xa xôi, một “Thành phố hạnh phúc” được xây dựng theo những nguyên tắc tối ưu về giáo dục và y tế công cộng, nơi “tất cả các gia đình lương thiện – những người lâm vào cảnh nghèo đói và thiếu việc làm có thể đã bị đẩy ra khỏi những vùng đất đông đúc” có thể đến cư ngụ. Tất nhiên, nhà khoa học người Đức, một người theo chủ nghĩa quân phiệt và phân biệt chủng tộc, đã xây dựng một loại thành phố ngược lại. “Thành phố Thép” được dựng lên cách đó ba mươi dặm, đây là nơi để sản xuất những loại vũ khí tối tân với sức công phá khủng khiếp. Mục đích chính của hắn ta là phá hủy Thành phố Hạnh phúc. Về sau, vị bác sĩ người Pháp đã chiến thắng, tượng trưng cho một nước Pháp tốt đẹp đã chiến thắng nước Đức độc ác. Nó phản ánh tư duy phục thù phổ biến ở Pháp sau nỗi nhục nhã của Chiến tranh Pháp-Phổ tám năm trước đó. Đáng chú ý, đây là cuốn sách đầu tiên mà Verne tỏ ra thận trọng và có phần bi quan về sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Tư tưởng xã hội được phản ánh một cách thô thiển trong 500 triệu của Begum phản ánh rằng có lẽ Verne không thực sự quan tâm nhiều đến chính trị hoặc xã hội. Từ năm 1888 đến năm 1904, ông giữ chức vụ ủy viên hội đồng thành phố ở thị trấn Amiens, nơi ông sống; nhưng điều này cũng khó nói lên được quan điểm chính trị của ông. Nếu sống lại trong thời đại của chúng ta, Verne có thể là một người theo chủ nghĩa tự do. 

H. G. Wells – “đối thủ” của Verne

Bốn cuốn sách được NXB Wesleyan dịch lại có phải là những tác phẩm tiêu biểu cho thể loại khoa học viễn tưởng không? Chỉ có tác phẩm 500 triệu của Begum sử dụng những kiến thức khoa học đã biết để đoán định về một tương lai có thể xảy ra: một quả đạn pháo chứa đầy carbon dioxide đông lạnh, do đó: “Mọi sinh vật sống trong bán kính ba mươi mét tính từ tâm vụ nổ đều bị đóng băng và ngạt thở!” Trong số những tác phẩm khác, Hòn đảo Bí mật có đề cập đến chiếc tàu ngầm kỳ diệu của Thuyền trưởng Nemo, Cuộc xâm lăng của Biển cả lấy bối cảnh tương lai (khoảng năm 1930). Orinoco Hùng mạnh hoàn toàn không chứa đựng bí ẩn hay phát minh khoa học nào cả, chỉ có một số thông tin kỹ thuật ngẫu nhiên về nguồn gốc của dòng sông.

Trên thực tế, ta có thể nhận ra rằng Verne không thực sự quan tâm đến khoa học mà chỉ đơn thuần chú ý đến những ứng dụng công nghệ của nó. Chắc chắn ông ấy là người thích tìm hiểu những thông tin thú vị về công nghệ và sinh học, đồng thời có đầu óc nhạy bén với các con số. Tuy nhiên, khía cạnh giàu trí tưởng tượng của khoa học – khía cạnh thực sự thúc đẩy khoa học tiến lên – là thứ mà ông chưa chạm đến được. Ông hẳn sẽ bối rối trước nhận xét của nhà văn Vladimir Nabokov về “độ chính xác của người nghệ sĩ, niềm đam mê của nhà khoa học”. Những tiến bộ khoa học thuần túy vĩ đại vào thời đó không gây ấn tượng gì với ông. Nếu các phương trình Maxwell không xuất hiện vào năm 1865, liệu các tác phẩm của Verne có gì khác đi không? Có vẻ như ông ấy đã hoàn toàn nhầm lẫn về học thuyết của Darwin khi đưa một loại chủ nghĩa Darwin đại chúng thô thiển vào trong những tác phẩm như Ngôi làng Trên không (Le Village aérien, 1901), nhưng lại tuyên bố mình “hoàn toàn phản đối các lý thuyết của Darwin” trong một cuộc phỏng vấn cùng thời điểm đó.

Mặc dù là một người kể chuyện tài năng, nhưng chắc chắn trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, Verne không có đủ khả năng tưởng tượng hoặc kiến thức khoa học để viết về thể loại khoa học viễn tưởng thực sự. Ở đây, có thể thấy sự khác biệt giữa ông và một đối thủ trẻ hơn nhiều (39 tuổi) cho danh hiệu “cha đẻ của thể loại khoa học viễn tưởng”, H. G. Wells. Chẳng hạn, khái niệm về chiều thứ tư trong không gian lần đầu tiên xuất hiện trong toán học vào những năm 1840. Theo nhà toán học Felix Klein, đến năm 1870, nó là một phần “tài sản chung của thế hệ trẻ đang tiến bộ của ngành toán học”. Wells đã nắm bắt được sức mạnh tưởng tượng của khái niệm này và sử dụng nó để tạo ra một trong những tác phẩm khoa học viễn tưởng hay nhất, Cỗ máy thời gian (The Time Machine, 1895). Verne chưa bao giờ đề cập đến phát hiện này và có lẽ ông cho rằng khái niệm về chiều thứ tư trong không quan quá vô lý.

Tất nhiên, chúng ta nên chào đón những người có tài kể chuyện hấp dẫn, bởi đó là một dạng tài năng hiếm hoi. Rất nhiều đứa trẻ đã vẽ nguệch ngoạc lên những tấm bản đồ Atlas để dõi theo Phileas Fogg trong chuyến hành trình tám mươi ngày của ông. Tuy nhiên, mục đích của khoa học viễn tưởng không chỉ là đưa ra những câu chuyện hấp dẫn. Như nhà văn Kingsley Amis đã nói, khoa học viễn tưởng tồn tại “để khơi dậy sự kinh ngạc, nỗi kinh hoàng và niềm phấn khích” trong lòng độc giả. Verne đã phần nào làm được điều này khoảng một hoặc hai lần trong những cuốn sách đầu tiên của mình – những bí ẩn và sự nguy hiểm trong Hành trình vào tâm Trái đất, nhiều cuộc chạm trán kỳ lạ trong Hai vạn dặm dưới đáy biển, những cuộc vượt ngục trong Tám mươi ngày vòng quanh thế giới – nhưng nó đã không xuất hiện trở lại, dù chỉ thoáng qua, trong bốn bản dịch của các tác phẩm sau này do NXB Wesleyan phát hành. 

Có lẽ danh xưng phù hợp hơn dành cho Verne là “Cha đẻ của Tech-Fi (Công nghệ Viễn tưởng)”, bởi ông kể những câu chuyện xoay quanh khả năng huyền ảo của công nghệ trong quá trình khai thác sức mạnh của tự nhiên, hỗ trợ cuộc phiêu lưu của con người và giải cứu con người khỏi những hiểm nguy. Một trong những lời giới thiệu trên ấn bản Orinoco Hùng mạnh của NXB Wesleyan, trích từ tờ New York Times, gọi Verne là “Michael Crichton của thế kỷ 19” (Crichton là tác giả cuốn sách Công viên kỷ Jura – Jurassic Park). Tuy nhiên, thể loại khoa học viễn tưởng có lẽ thực sự đã bắt đầu tận hai mươi năm sau những kiệt tác thời trẻ của Verne. Đó là thời điểm, ở phía bên kia eo biển Anh, cuốn tiểu thuyết đầu tay Cỗ máy thời gian của H. G. Wells đã ra đời. □

Anh Thư – Bảo Ngân lược dịch từ bài viết “Jules Verne: Father of Science Fiction?” của tác giả John Derbyshire đăng tải trên The New Atlantis 

Tác giả

(Visited 324 times, 1 visits today)