Kangaroo Care bảo vệ sự sống của trẻ sinh non

Phương pháp chăm sóc Kangaroo Care của hai nhà nghiên cứu Vishwajeet và Aarti Kumar đã góp phần cứu sống hàng vạn trẻ sinh non từ khắp các cộng đồng nghèo Ấn Độ, châu Phi…

Tháng 10 vừa qua, họ đã được Quỹ tài trợ Bill & Melinda Gates Foundation trao giải thưởng Grand Challenge trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập chương trình Grand Challenges của Quỹ diễn ra tại Seattle, Mỹ.

Kết hợp truyền thống và khoa học

Câu chuyện về phương pháp Kangaroo Care của hai nhà khoa học Ấn Độ bắt đầu từ mười năm trước, khi chứng kiến nỗi tuyệt vọng của các gia đình có con sinh thiếu tháng  nhưng không đủ điều kiện chăm sóc y tế. Tại Phòng thí nghiệm Trao quyền cho cộng đồng Shivgarh (CEL) ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, Vishwajeet và Aarti Kumar đã nghiên cứu cách giúp những đứa bé vượt qua lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Cuối cùng, hai vợ chồng đã chọn một phương pháp cổ truyền: người mẹ ôm ấp, giữ ấm đứa con mới sinh trong vòng tay và cơ thể mình.

Nét đổi mới trong phương pháp của nhà Kumar là tăng cường sự tiếp xúc làn da (skin – to – skin) của bà mẹ và đứa bé. Sự tiếp xúc này giúp hệ miễn dịch của bé làm quen với các sinh vật khu trú cộng sinh trên cơ thể người mẹ, qua đó hạn chế khả năng bị nhiễm trùng, góp phần ổn định nhiệt độ cơ thể và nhịp thở cho bé. Đây cũng là cách để những phản ứng tự vệ của cơ thể bé sớm hình thành.

TS Vishwajeet Kumar giải thích, phương pháp Kangaroo Care (chăm sóc kiểu Kangaroo) có những yếu tố hữu ích như tắm muộn, giữ ấm và cho trẻ bú sau khi sinh một giờ. Nó đem tới bốn điều cơ bản nhất cho những bé yếu ớt: sữa mẹ, sự ấm áp, tình thương yêu và sự an toàn. “Từ hành động tự nhiên của tình yêu thương, Kangaroo Care đã trở thành trải nghiệm chữa trị đẹp nhất mà một người mẹ (hoặc cha) dành cho đứa con bé bỏng của mình”, TS Aarti Kumar nhận xét.

Hai nhà nghiên cứu đã thiết lập dự án chăm sóc trẻ sơ sinh mang tên Saksham Shivgarh, mở các khóa đào tạo nhân viên y tế cho các bệnh viện công và các cơ sở hộ sinh nhỏ tại 300 ngôi làng. Và Kangaroo Care đã mang lại điều kỳ diệu: sau 18 tháng áp dụng, tỷ lệ tử vong ở nhũ nhi sinh non đã giảm 54% và “tỷ lệ tử vong của mẹ cũng giảm xuống 34%. Chúng tôi đã công bố mọi dữ liệu về phương pháp này trên tạp chí y học Lancet,” Vishwajeet Kumar, cựu sinh viên trường ĐH Johns Hopkins cho biết.

Ngoài khả năng tăng cơ hội sống sót cho trẻ sinh non, Kangaroo Care còn có những ưu điểm khác như rất dễ thực hiện mà không hề tốn kém. Aarti Kumar nhấn mạnh: “Kangaroo Care gói gọn tất cả những điều mà chúng tôi vẫn nỗ lực đem lại cho các gia đình – những giải pháp y tế tối thiểu về chi phí, có thể áp dụng được ở những vùng quê nghèo; những nhân viên y tế tuyến đầu có kỹ năng và hiểu biết về chăm sóc trẻ sơ sinh, thân thiết với từng gia đình; các thành viên trong gia đình có được cách chăm sóc mới với tình thương yêu gắn bó thật sự”.

Một trong những ví dụ về thành công của dự án Saksham Shivgarh là trường hợp cô bé Sakshi ở làng Shivgarh, Rae Bareli. Ra đời quá sớm, Sakshi chỉ nặng vỏn vẹn một kg và các bác sỹ đã tư vấn đặt bé trong lồng kính ít nhất một tháng sau khi sinh. Tuy vậy với khoản thu nhập ít ỏi của gia đình thì 50 đô la mỗi ngày cho dịch vụ này là điều không thể.

Vào thời điểm khó khăn đó, bố mẹ Sakshi đã nhận được sự giúp đỡ từ dự án. Các nhân viên y tế và giám sát viên phải thức trắng đêm để tìm ra phương án tốt nhất cứu sống Sakshi. Trong tuần đầu tiên, gia đình không tắm cho Sakshi mà chỉ giữ cho cô bé luôn ấm áp. Bé được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ và các thành viên của gia đình luân phiên nhau áp dụng phương pháp Kangaroo Care với bé trong vòng hai tháng. Trước khi ấp ủ bé, tất cả đều phải rửa tay bằng nước sạch và xà phòng để tránh nhiễm khuẩn.

Năm năm sau, đứa bé khỏe mạnh Sakshi đã trở thành “bằng chứng sống” về hiệu quả của Kangaroo Care (Sakshi trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là bằng chứng). Nhà nghiên cứu  Aarti Kumar cho biết: “Yếu tố khoa học trong phương pháp này đã đem đến điều kỳ diệu. Trong khi người ta chưa thể đong đếm được tình yêu thương thì khoa học đã hiển thị nó trước mắt mọi người, đó là thành công của Kangaroo Care”.

Trong chuyến đi tới bang Uttar Pradesh để giám sát kết quả dự án Saksham Shivgarh vào năm 2010, bà Melinda Gates, đồng sáng lập Quỹ tài trợ Bill & Melinda Gates Foundation, cho rằng những bài học kinh nghiệm từ vườm ươm Rae Bareli cần được áp dụng ở Malawi và những quốc gia khác ở châu Phi, những nơi cũng phải chứng kiến tỷ lệ tử vong cao của nhũ nhi. Và trên thực tế, Kangaroo Care đã có mặt ở khắp Ấn Độ và nhiều khu vực trên thế giới.

Góp phần thay đổi quan niệm cộng đồng

Thành công của phương pháp Kangaroo Care tại bang Uttar Pradesh còn mang đến sự thay đổi trong quan niệm mà bà Melinda Gates gọi là “sự thay đổi về văn hóa”.
Đây cũng là trường hợp về Ruchi, một nhân viên y tế cộng đồng đã qua khóa đào tạo của dự án Saksham và làm việc tại một làng nhỏ còn tồn tại nhiều định kiến lạc hậu. Ngay từ đầu, cô đã vấp phải những ánh mắt nghi ngờ và sự bất hợp tác của dân làng trước những phương pháp chữa bệnh mới.

Nhưng một đứa bé sinh non đã làm thay đổi tất cả mọi quan niệm. Khi được tin về ca sinh non này, Ruchi nhanh chóng tới nhà, phát hiện thấy người mẹ đã bất tỉnh còn đứa bé bắt đầu tím tái vì lạnh. Một thầy lang vườn đã đỡ đẻ và cắt rốn cho đứa trẻ bằng phương pháp truyền thống. Việc tắm không đúng cách đã làm hạ thân nhiệt của bé. Để cứu vãn tình thế, Ruchi làm ấm phòng và yêu cầu người thân của bé áp dụng phương pháp Kangaroo Care, tuy vậy ai cũng từ chối vì lo sợ sẽ bị ma ám. Trước tính huống cấp bách này, Ruchi chỉ còn cách thay thế mẹ bé thực hiện phương pháp Kangaroo Care.

Quyết định của Ruchi đi ngược lại quy tắc xã hội: Ruchi chưa lập gia đình, cô sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của cha mẹ và sự chễ giễu của người làng. Nhưng để giành giật sự sống của đứa bé khỏi tay tử thần, Ruchi không còn cách nào khác. Cuối cùng phép màu cũng đến: thân nhiệt bé đã dần ổn định và làn da hồng hào báo hiệu sự sống trở lại. Chính tình thương yêu và niềm tin vào khoa học của Ruchi đã cứu sống bé.

Thật bất ngờ là hành động của Ruchi không chỉ cứu được một sinh mạng mà còn đưa đến thay đổi trong nếp nghĩ. Thay vì chế giễu và nghi hoặc, người ta cảm phục Ruchi và bắt đầu tin tưởng vào Kangaroo Care. Tin truyền miệng về phương pháp chăm sóc mới đã lan tỏa khắp các ngôi làng hẻo lánh và những người phụ nữ bắt đầu tìm đến Ruchi để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh.

Qua dự án Saksham Shivgarh, Vishwajeet và Aarti Kumar nhận thấy, sự thay đổi về nhận thức chỉ có thể diễn ra trong lòng cộng đồng. Kinh nghiệm ấy đã được họ chia sẻ trong Hội nghị toàn cầu về sức khỏe nhũ nhi vào tháng 4-2013 tại Nam Phi.

Đánh giá tác động của Kangaroo Care vào hệ thần kinh

Vishwajeet Kumar cho biết, thông qua CEL, hai vợ chồng ông cố gắng “khuyến khích sử dụng những phương pháp sẵn có trong cộng đồng và chỉ bổ sung thêm tri thức khoa học để chúng hoàn thiện hơn”.

Dù Kangaroo Care đã giành được thành công lớn nhưng hai nhà khoa học Ấn Độ vẫn chưa hài lòng với điều đó. Hiện tại, họ đang thực hiện một nghiên cứu mới nhằm đánh giá tác động của Kangaroo Care vào sự phát triển của hệ thần kinh trẻ em. Cả hai cùng điều tra khoảng 3.500 đứa bé của dự án Saksham Shivgarh mà giờ đây đã được 10 tuổi, “Chúng tôi không chỉ mong cứu sống những đứa trẻ mà còn muốn được thấy các em phát triển lành mạnh. Chúng tôi tự hỏi là bọn trẻ cần những điều kiện gì để sống sót và thử tìm hiểu điều đó qua games trên máy tính bảng”, Vishwajeet Kumar hé lộ hướng nghiên cứu mới này.

“Chúng tôi chơi games với bọn trẻ và theo dõi điểm số mà chúng ghi được sau từng phần. Với games đơn giản, chúng tôi có thể quan sát được sự phát triển của nhận thức, khả năng vận động và đánh giá được cảm xúc của bọn trẻ. Còn với games mang tính logic, chúng tôi muốn kiểm tra trí nhớ, sự tập trung, cách giải quyết bước tiếp theo và cả sự linh hoạt khi xử lý những tình huống bất ngờ”.

Giải thưởng Grand Challenge đem lại nhiều cơ hội thực hiện nghiên cứu này cho Vishwajeet và Aarti Kumar. Họ sẽ nhận được 100.000 đô la hỗ trợ ban đầu và sau đó có thể nhận thêm kinh phí bổ sung một triệu đô la nếu chứng minh được khả năng mở rộng dự án.

Thanh Nhàn dịch

Nguồn:

http://www.impatientoptimists.org/Authors/K/Aarti-Kumar
http://www.livemint.com/Consumer/xrYFuB85fcfXMJvuEWuZ4J/Indian-innovators-win-2-Grand-Challenges-awards.html
http://timesofindia.indiatimes.com/india/Indian-story-to-unfold-in-Africa/articleshow/5729046.cms

Tác giả