Kathrin Jansen: Người dẫn dắt phát triển vaccine

Bà đã điều hành một trong những nghiên cứu thần tốc nhất để phát triển thành công vaccine Covid-19 chứa RNA thông tin (mRNA)

Kathrin Jansen biết rằng mình đang làm một việc vô cùng mạo hiểm. Bởi vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, các vaccine dựa trên RNA thông tin vẫn là một công nghệ chưa được chứng minh. Trước đây, chưa có một công ty nào được cấp phép sử dụng loại vaccine này trên người. Tuy nhiên, với số lượng ca tử vong trên toàn cầu tăng vọt vào tháng 3 vừa qua, Jansen đã quyết tâm bắt tay vào thực hiện nền tảng vaccine mới ấy.

Là người phụ trách bộ phận nghiên cứu và phát triển vaccine tại công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ, Jansen đã điều hành một nỗ lực nghiên cứu thần tốc và kỷ lục để tạo ra vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả đối với con người. Nhóm của bà đã đạt được thành tích ấy chỉ trong 210 ngày, từ khi bắt đầu thử nghiệm vào tháng 4 đến khi hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III vào tháng 11. Không riêng nhóm của bà mà hàng nghìn nhà khoa học ở cả lĩnh vực học thuật và khu vực công nghiệp trên toàn thế giới đã tham gia vào việc phát triển và thử nghiệm hàng chục loại vaccine nhằm phòng ngừa lại loại virus corona mới. Trong đó, một số công ty cho biết họ đã phát triển được những vaccine có hiệu quả. Danh sách này sẽ tiếp tục tăng lên khi có thêm nhiều cuộc thử nghiệm hoàn thành.

Từ căn hộ của mình ở thành phố New York, Jansen đã thực hiện các cuộc họp qua Zoom để điều hành một nhóm lớn gồm 650 người, xử lý các vấn đề lâm sàng trong những cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19, phân loại các vật dụng theo yêu cầu bảo quản lạnh, và gần đây nhất là tìm hướng đi cho các vấn đề quản lý trong những bước tiếp theo để triển khai vaccine. 

Và những nỗ lực của bà đã được đền đáp. Vào ngày 2 tháng 12 vừa qua, các cơ quan y tế của Vương Quốc Anh đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine của công ty này, từ đó mở đường cho việc tiêm chủng hàng loạt. Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được phê duyệt trên cơ sở các kết quả thử nghiệm của giai đoạn III. Ngay sau đó, nhiều quốc gia khác cũng cấp phép sử dụng cho loại vaccine này.

Uğur Şahin, người đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của BioNTech, đối tác của Pfizer trong sản xuất vaccine, có trụ sở tại Mainz, Đức nhận định, chiến công này phần lớn thuộc về Jansen. “Bà ấy rất quyết liệt”, nhưng cũng “cực kỳ coi trọng dữ liệu”, bà đam mê khoa học và có sự cởi mở với các ý kiến đa chiều. “Bà ấy rất chăm chỉ, đồng thời biết lắng nghe”, Şahin nói.

Edward Scolnick, cựu giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu Merck ở West Point, Pennsylvania, nơi Jansen làm việc từ năm 1992 đến năm 2004, cho biết thêm: “Bà Jansen thực sự là một nhà khoa học không hề run sợ trước bất cứ điều gì. Bà ấy hoàn toàn tự tin rằng mình có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào cản trở về mặt kiến thức và về mặt kỹ thuật một dự án như vậy”.

Trước đây, Jansen đã có nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu các mầm bệnh dưới những điều kiện rất ngặt nghèo. Khi ở Merck, bà đã khởi xướng một dự án nhằm nghiên cứu xử lý loại virus gây nhiễm trùng HPV – một bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tình dục và gây ra căn bệnh ung thư cổ tử cung – ngay cả khi nhiều đồng nghiệp nói với bà rằng nghiên cứu này sẽ lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc. Nỗ lực của dự án cuối cùng đã mang lại cho thế giới vaccine HPV đầu tiên có tên Gardasil – vaccine được kỳ vọng sẽ giúp cứu sống hàng triệu người nhờ ngăn ngừa được bệnh ung thư cổ tử cung.

Jansen cũng đã nghiên cứu về vaccine phòng bệnh than và bệnh đậu mùa tại một công ty hiện đã không còn hoạt động có tên VaxGen, trước khi gia nhập Wyeth, công ty sau đó đã trở thành Pfizer khi các công ty này sáp nhập. Tại đây, bà đã cải tiến vaccine phế cầu khuẩn của công ty, tăng gần gấp đôi số chủng vi khuẩn được ngăn ngừa, từ 7 lên 13 – và giảm tỷ lệ viêm phổi, nhiễm trùng máu và viêm màng não. Nhờ vậy, sản phẩm thành quả Prevnar 13 hiện đã trở thành vaccine bán chạy nhất trên thế giới, còn vaccine Gardasil xếp ở vị trí thứ hai. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, doanh số bán vaccine Covid-19 năm 2021 của Pfizer–BioNTech thậm chí sẽ có thể làm lu mờ doanh số của cả hai loại vaccine trên cộng lại. Nhưng bà Jansen cũng là một người cực kỳ thực tế, Scolnick cho biết.

Şahin thì nói rằng việc hợp tác nghiên cứu vaccine đã gắn kết ông và bà Jansen như những người chiến sỹ trong trận chiến. Vào một ngày chủ nhật đầu tháng 11, ngay trước khi các nhà nghiên cứu tại Pfizer và BioNTech biết được rằng vaccine của họ có thành công trong việc ngăn ngừa các ca bệnh Covid-19 nghiêm trọng trong thử nghiệm lâm sàng hay không, Jansen đã gọi cho Şahin để cùng đánh giá lại tất cả những gì mà họ đã làm được cùng nhau. “Bà nói rằng, bất kể kết quả có như thế nào thì bà muốn tôi biết rằng thật vui khi được làm việc cùng nhau”, Şahin nhớ lại, “may mắn là đây không phải là dấu chấm hết cho sự hợp tác”.

Sau ngày hôm đó, họ biết được vaccine có hiệu quả đến hơn 90%. Jansen đã rơm rớm nước mắt. Bà chỉ ăn mừng một chút với một ly sâm panh rồi sau đó quay lại với công việc mà mình đã làm trong suốt 30 năm qua: nỗ lực để giúp cả thế giới có khả năng miễn dịch với các mầm bệnh nguy hiểm chết người.

Mỹ Hạnh tổng hợp

Nguồn: https://www.nature.com/immersive/d41586-020-03435-6/index.html#kathrin-jansen;

https://www.cbsnews.com/news/covid-vaccine-pfizer-biontech-60-minutes-2020-12-20/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)