Kênh Panama mới: Âu thuyền dành cho những con tàu khổng lồ ra biển khơi

Một tàu container thế hệ thứ tư (Postpanamax với sức chở từ 5.000 TEU1 – dưới 10.000 TEU) đang chạy thử nghiệm qua một âu thuyến mới trên kênh Panama. Trong tương lai những con tàu container và tàu chở nhiên liệu, khí đốt cỡ lớn có thể qua tuyến đường thủy ở Trung Mỹ này.


Một tàu container lớp Postpanamax đang chạy thử nghiệm qua một âu thuyền mới trên kênh Panama

Chủ nhật vừa qua, trong tâm trạng phấn khởi, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela, các vị quốc khách và hàng nghìn người dân Panama đã cùng nhau tham gia lễ khai trương kênh Panama mở rộng với “vị khách” đầu tiên là con tàu Cosco Shipping Panama băng qua âu thuyền Cocolí. Tuyến đường thủy mới nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương này rộng và sâu hơn, hứa hẹn sẽ mở ra một kỷ nguyên mới đối với nền mậu dịch thế giới thông qua đường biển. Thông thường, những con tàu cỡ đại vẫn phải đi qua Kap Hoorn đầy gian nan ở vùng cực nam  Nam Mỹ bởi tính đến nay, loại tàu lớn nhất đi qua được kênh Panama mới chỉ chở tối đa 4.400 container. Với sự khai trương của tuyến đường mới, trong tương lai những con tàu container thuộc thế hệ thứ tư với sức chở 14.000 container hay những tàu chở dầu và khí đốt khổng lồ cũng có thể băng qua tuyến đường thủy này để tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. Jorge Quijano, nhà quản lý  con kênh này cho biết: “Có thể công trình này không thuộc diện đắt nhất nhưng chắc chắn nó là một công trình mang lại nhiều ý nghĩa to lớn đối với thế giới. Tàu thuyền của 160 quốc gia sẽ đi qua tuyến đường thủy này.”

Để kênh Panama trong tương lai có thể tham gia vào cuộc chơi kinh tế toàn cầu, người dân Panama đã phải bỏ ra chín năm lao động cùng với 40.000 nhân công và một lực lượng vật tư khổng lồ gồm: 150 triệu mét khối đất đá, 12 triệu tấn xi măng, 192.000 tấn sắt thép (gấp 19 lần lượng sắt thép để xây tháp Eiffel ở Paris). 

Lẽ ra việc mở rộng kênh phải hoàn thành từ năm 2014 để kỷ niệm 100 năm ngày khánh thành con kênh này, nhưng do những tranh cãi về tiền bạc nên tiến độ xây dựng bị đẩy lùi tới hai năm. Chi phí xây dựng cuối cùng là gần 5,6 tỷ đôla, cao hơn nhiều so với dự toán ban đầu là 3,2 tỷ. Hiện tại, tập đoàn Grupo Unido por el Canal (GUPC) dưới sự lãnh đạo của Tập đoàn xây dựng Sacyr của Tây Ban Nha đang tranh cãi với Panama tại Tòa Trọng tài ở Miami về việc ai là người phải chịu trách nhiệm về khoản chi phát sinh này. Theo lập luận của GUPC, chi phí xây dựng tăng vọt là do nghiên cứu địa chất không được tiến hành nghiêm chỉnh. Trong khi đó, cơ quan quản lý kênh cho rằng các nhà thầu xây dựng đã đẩy giá lên và khi tham gia đấu thầu họ đã chào thầu “với mức giá phi thực tế” .

Để duy trì khả năng cạnh tranh của  kênh Panama, việc mở rộng kênh là không thể không làm. Trong những năm qua ngành vận tải biển đã có nhiều thay đổi. Vì lý do chi phí, các chủ hãng tàu vận tải biển đang có xu hướng đóng những con tàu ngày càng lớn hơn để vận chuyển được nhiều hàng hóa hơn. 

Vì thế, phải mở rộng hai bên bờ kênh, đào các kênh dẫn mới và xây dựng các âu thuyền lớn hơn.  Bên cạnh đó, người ta còn dùng tàu hút bùn và tàu chuyên dụng để làm kênh sâu hơn và rộng hơn. Trong tương lai, những con tàu nhỏ vẫn chạy trên tuyến đường cũ nhưng những con tàu lớn hơn sẽ chạy trên các âu thuyền mới xây dựng. 
 Sự mở rộng kênh Panama tác động đến toàn bộ nền kinh tế biển trong khu vực. Nhiều thành phố cũng đang mở rộng các cảng của mình để trong tương lai có thể tiếp nhận những tàu thuộc lớp  Postpanamax.

Con kênh là một huyết mạch không thể thiếu đối với Panama. Nhờ con kênh này đất nước Panama đã trở thành một trung tâm dịch vụ của thế giới. Không như các nước khác trong khu vực, ở Panama các ngành thương mại, ngân hàng và vận tải chiếm  80% tổng sản phẩm quốc nội. Trong khi xuất khẩu cà phê và chuối là những hoạt động kinh tế chủ yếu của các nước láng giềng của Panama thì với bản thân Panama các hoạt động này không có nhiều đóng góp quan trọng.

Có lẽ nếu không có con kênh dài 80km này thì ngày nay Panama vẫn chỉ là một tỉnh của  Columbia. Đầu thế kỷ 20 Mỹ đã tìm cách tách Panama ra khỏi Columbia và xây dựng một chính phủ độc lập thuận theo quan điểm của Mỹ trong việc điều hành và sử dụng tuyến  đường thủy này. Hai tuần sau khi Panama tuyên bố độc lập trong tháng 11/1903, Mỹ đã ký được hiệp định bảo đảm chủ quyền đối với con kênh đang trong quá trình xây dựng. Quyền này chấm dứt khi Mỹ trao trả Panama quyền quản lý tuyến đường thủy này vào ngày 3/12/1999.

1. TEU: container hóa, là đơn vị đo của hàng hóa tương đương với một container tiêu chuẩn có độ dài 20ft (6,1m).

Xuân Hoài theo Tuần Kinh tế Đức

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)