Khởi nghiệp bằng mô hình bảo tàng

Những ngày này, du khách thích về Chợ Lách (Bến Tre) ăn bánh xèo, ốc gạo, nấm mối; về cồn Mỹ Phước (Kế Sách, Sóc Trăng); hay Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) thưởng thức bánh xèo với rau lá tươi ngon, trái cây chín mọng, được ngắm nhìn cảnh nhà vườn đua nhau chào bán đặc sản quê mình…

Ông Ngô Hồ Anh Khôi (tên Tây là Philippe Ngo).

“Nhưng nếu chỉ có vậy, không có gì mới mẻ, có lẽ chỉ đi lần này”, ông Trương Minh Khoa, dân Nhơn Mỹ (Kế Sách, Sóc Trăng) nghe du khách nói vậy mà buồn lòng.

Nhưng có một người có góc nhìn khác về xứ Nam bộ. Đó là Ngô Hồ Anh Khôi (tên Tây là Philippe Ngo).Khôi là tiến sĩ trẻ vừa trở về từ Lyon, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, cũng nhận ra lối mòn tư duy của những điểm chào đón du khách. Ông âm thầm xây dựng nguồn dữ liệu văn hoá – lịch sử – hệ thống nhà hàng, quán ăn, đường đi nước bước để tới điểm đến thú vị, những câu chuyện lắng đọng… để làm bản đồ số hoá cho Cần Thơ và tìm đối tác để phát không cho du khách.

Mô hình bảo tàng tư nhân

Theo cách nói của TS Khôi, cái hên của hành trình nghiên cứu bảo vệ luận văn số hoá dữ liệu thư viện quốc gia, hiểu về giấy, mực in, kỹ thuật và cấu trúc in trên giấy cổ từ thế kỷ 11 đến nay, là “cơ hội vàng” cho mô hình bảo tàng tư nhân để từ đây kết nối với du khách.

“Bảo tàng tư nhân” của Khôi tại Cần Thơ bắt đầu đón khách, chỉ riêng bộ sưu tập Tarot và Occult (Vietnamese Museum of Tarot and Occult) đã được UNESCO công nhận là bảo tàng duy nhất ở châu Á, và là một trong sáu bảo tàng trên thế giới theo mô hình này. “Bảo tàng sẽ kéo du khách đến đây. Vấn đề là bảo tàng, nơi lưu giữ ký ức lịch sử phải làm gì cho đặc sắc, phải làm gì để bảo tàng thực sự có sức sống?”, TS Khôi trăn trở.

Bảo tàng và văn hoá giao thoa Đông – Tây hoàn toàn có thể tạo sức thu hút du khách, chắc chắn sẽ thu hút giới nghiên cứu, người hiểu biết… TS Khôi cho rằng, du khách Pháp đến Sa Đéc thăm nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê, sẽ biết chuyện tình Marguerite Duras, được giới thiệu kiến trúc, hiện vật, khung cảnh chuyện tình… Những điều đó hoàn toàn có thể làm du lịch, nhưng ráp nối với du khách như thế nào là điều không hề dễ dàng. Trước mắt, công nghệ số đã giúp ông thu hút được du khách đến từ nhiều nước, dù hiện thời ông chưa đủ mặt bằng để trưng bày.

“Bảo tàng Tarot và Occult tại Cần Thơ chỉ là khởi đầu, không chỉ một mà sẽ tìm cách làm năm bảo tàng, khai thác và sẽ chuyển giao lại cộng đồng khi có nguồn thu”, Khôi nói.

Những góc nhìn mới

Theo “điều tra” của TS Khôi, xứ Cần Thơ có nhiều nhà sưu tầm về tiền cổ, gốm và văn hoá Óc Eo, nông cụ… am hiểu cổ vật và thú chơi rất chuyên nghiệp, nhưng tất cả hiện vật đều giữ kín. Trong khi đó bảo tàng tổng hợp, cái gì cũng có, cũng gốm sứ, cũng đồ đồng; nhưng không có gì bằng người ta, nên du khách từng đến bảo tàng chê nghèo nàn đâu có gì lạ. Lâu nay bảo tàng là một thiết chế chỉ nhằm nghiên cứu; sưu tầm, bảo quản; trưng bày giới thiệu đến công chúng di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, cùng các mẫu vật thiên nhiên, nhưng sống lây lất với kinh phí eo hẹp. “Tại sao không lấy hiện vật đổi hiện vật để có chủ đề, chủ đề nào làm rõ chủ đề nấy. Ta có chủ đề lịch sử và bảo tàng lịch sử chiến tranh, nhưng ít có bảo tàng chuyên đề. Ta có bảo tàng về thuốc và bảo tàng áo dài, quá giỏi, quá xuất sắc. Làm sao mọi người hiểu rằng đầu tư cho bảo tàng có thể nuôi sống nhiều thế hệ về sau, chứ không phải lây lất như bây giờ”, TS Khôi có cách nghĩ khác.

Cần Thơ cũng có nhiều ý tưởng phát triển di sản văn hoá ẩm thực, nếu được chứng minh bằng những hiện vật, câu chuyện xưa và nay thì đó là giềng mối tương tác với du lịch. Bảo tàng chuyên đề văn hoá Óc Eo, về Phù Nam, Chămpa… với câu chuyện vua Khmer tặng cái bình có minh văn cho vua Chămpa . Trà Vinh nổi tiếng với những giá trị văn hoá Khmer với đầy đủ ký ức lịch sử, hiện vật… Bảo tàng với chủ đề “Nông nghiệp – lúa nước” phải kể những câu chuyện của vùng lúa nước để du khách thấy rõ chủ đề.

“Nếu vận hành như vậy sẽ có lợi cho người dân, có lợi cho kinh tế của xứ đó và kích hoạt suy nghĩ tạo sức sống cho bảo tàng.Khi tìm được nét đặc sắc, chắc chắn sẽ ráp nối bảo tàng với du lịch”, TS Khôi nói.

Nhưng mô hình bảo tàng tư nhân tại Việt Nam có cái khó là luật Di sản không giống các nước và chưa khuyến khích bảo tàng tư nhân, giới mua bán, giới sưu tập, nghiên cứu… và nhiều đối tượng khác sợ hiện vật bị trưng thu, nên ngại số hoá. TS Khôi cho biết, ở Pháp, nếu người đào được hiện vật có giá trị lịch sử, nhà nước chứng nhận và theo luật, nhà nước sẽ mua lại thông qua đấu giá. Nhiều bảo tàng không thích số hoá, vì khi đưa lên sợ bị phát hiện đồ giả.

TS Khôi chia sẻ thêm, khi có mô hình bảo tàng có giá trị, các nhà sưu tập quốc tế, các bảo tàng quốc tế sẽ tìm đến Việt Nam để mời trưng bày, giới thiệu… “Sau mỗi lời mời đó, những nhà tổ chức sẽ trả tiền, đó là nguồn thu, tại sao không?”, ông Khôi đặt vấn đề.

”Nhưng mô hình bảo tàng tư nhân tại Việt Nam có cái khó là luật Di sản không giống các nước và chưa khuyến khích bảo tàng tư nhân, giới mua bán, giới sưu tập, nghiên cứu… và nhiều đối tượng khác sợ hiện vật bị trưng thu, nên ngại số hoá.”

Hoàng Lan (theo TGTT)
Nguồn: Thegioihoinhap

Tác giả