Khởi nghiệp bằng phương pháp tưới cây mới

“Một trong những thách thức lớn nhất trong nông nghiệp ở Ấn Độ là tưới”, Vijayeendra H S., đồng sáng lập startup nông nghiệp công nghệ cao Avanijal, nói.

Avanijal đã phát triển một hệ thống tự động có tên là Nikash sử dụng IoT (internet vạn vật) và công nghệ không dây để kiểm soát các môtơ và các van tưới nước ở trên đồng.

“Nông dân thường sử dụng các hệ thống nhỏ giọt hoặc vòi phun, vốn rất lãng phí nước và thường khi tưới quá nhiều, có hại cho năng suất cây trồng”. Để giúp nông dân chống hạn và sử dụng nước hiệu quả, startup gốc Bangalore Avanijal đã giới thiệu một phương pháp tưới khôn ngoan – một phương pháp có thể được lập trình và kiểm soát chỉ bằng một ứng dụng.

Số hoá nông nghiệp

Avanijal đã phát triển một hệ thống tự động có tên là Nikash sử dụng IoT (internet vạn vật) và công nghệ không dây để kiểm soát các môtơ và các van tưới nước ở trên đồng. Hệ thống chi phí thấp này gồm một bộ điều khiển nối kết với một ứng dụng, các nút cảm biến không dây được nhúng vào trong đất và các bộ nhắc (repeater) để tạo lập thông tin giữa bộ điều khiển và các nút.

Nông dân có thể định cấu hình lịch tưới của họ trên ứng dụng và giám sát từ xa hoạt động sau đó, tự động hoá các quy trình đã được thao tác trước đó. “Sử dụng ứng dụng, nông dân có thể bảo đảm rằng thửa đất được tưới kịp thời và liên tục theo dõi tình trạng thửa đất, mà không phải cất công ra ruộng”, Vijayeendra nói.

Tưới nhỏ giọt, mặt khác, sẽ đòi hỏi nông dân theo dõi trực tiếp nguồn cung bằng cách tắt/mở môtơ và đóng/mở các van. Và với các hoạt động tưới chỉ có vài giờ có điện mỗi ngày, hầu hết là ban đêm, thực khó xoay xở trong những lúc không điện. Tuy nhiên với sự trợ giúp của Nikash, nông dân có thể áp dụng chính xác việc tưới dựa trên thời gian, khối lượng nước có sẵn và thậm chí cả ẩm độ của đất”, Vijayeendra nói. “Hệ thống cũng được thiết kế xem xét điện áp, vì vậy thời gian hoặc khối lượng nước được tự động điều chỉnh trong trường hợp bị cúp điện”.

Điều đó có nghĩa là khi có điện, bộ điều khiển – được nối kết với các nút cảm biến không dây trong đất tự động mở môtơ và khi được lên lịch bởi nông dân. Nó sẽ tắt khi một phần của đất có đủ nước ấn định, và chuyển sang phần đất kế tiếp – như được lập trình trên ứng dụng. Vào cuối chu kỳ, việc tưới kết thúc tốt đẹp trong ngày.

“Tỷ dụ, một nông dân có bốn mẫu đất và số đất này cần được tưới nhiều lần khác nhau với các lượng nước khác nhau – tất cả có thể được cấu hình trong ứng dụng”, Vijayeendra nói. “Đó là chức năng căn bản nhất của bộ điều khiển này”.

Một dòng sản phẩm tương cận khác mà startup này đang thực hiện là giám sát cây trồng. “Cho đến nay chúng tôi mới tập trung vào việc tưới, nhưng ứng dụng có thể dễ dàng điều chỉnh để giám sát cây trồng”, Vijayeendra nói. “Các bộ cảm biến trên thửa đất thu thập dữ liệu rồi lưu trữ trên đám mây. Chúng tôi có thể phân tích dữ liệu đó và cung cấp đầu vào trở lại cho nông dân dưới một dạng có thể đọc và đồ hoạ để họ hành động”.

Avanijal đã bắt đầu làm việc với IBM, để tải dữ liệu lên server của họ và sử dụng nền tảng IoT Watson để tiến hành phân tích.

Ba năm kết trái

Cùng với đồng nghiệp hồi còn làm bên công ty Wipro, Channabasappa Kolar, Vijayeendra lập Avanijal năm 2013. Sản phẩm đầu tiên của họ – Nikash – mất ba năm để phát triển. Quả là một tiến trình chậm và khó nhọc, nhưng rồi họ cũng đạt được thành quả vào cuối năm rồi khi thương mại hoá sản phẩm. “Trước tiên, chúng tôi so sánh giữa việc được thực hiện ở nước ngoài với quá trình ở đây”, Vijayeendra nói. “Trong khi Ấn Độ đang giải quyết các vấn đề trồng trọt bằng một kiểu làm sơ khai, những nơi như Mỹ, châu Âu, Nhật và Úc bỏ xa chúng ta trong việc đổi mới sáng tạo trên các nông trại của họ. Nhưng thay vì sao chép sản phẩm của họ tại đây, chúng tôi muốn “may đo” sản phẩm cho vừa với các điều kiện của Ấn Độ, thêm bớt một vài chức năng – một thách thức mà chúng tôi phải mất ba năm mới hoàn thiện”.

Quá trình này liên quan đến việc tham gia nhiều hội chợ nông nghiệp để có được phản hồi từ nông dân hoặc các khách hàng tiềm năng. Những chuyến đi đó đã giúp cho sản phẩm của họ được thiết kế dựa trên các vấn đề thực tế mà nông dân gặp phải. Những chuyến đi đó còn giúp họ nhận ra một điều rằng, sản phẩm của họ phải chạy ở một dải điện áp rộng, vì điện ở Ấn Độ rất cà giựt. Và bộ điều khiển của họ phải làm việc với nhiều nguồn nước. “Nhưng cái chính vẫn là giá cả”, Vijayeendra nói. Theo ông, Ấn Độ là một thị trường nhạy cảm về giá và một số sản phẩm ít ỏi hiện nay quá mắc đối với nhiều nông dân. Đây chính là sự khác biệt của Nikash: “Giá giải pháp của chúng tôi vừa phải và biến động từ 12.000 – 15.000 Rs mỗi 4.000m2 (4.296.000 – 5.370.000 đồng)”, Vijayeendra nói.

Khởi Thức 
 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)