Khống chế lòng tham những cái lợi ngắn hạn

Ngay cả ở những mô hình xã hội được coi là tự do và tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, người ta vẫn chưa thực sự khống chế được những ảnh hưởng tiêu cực từ số đông do lòng tham của họ gây ra với tư cách là một hệ quả của “tự do”, và cũng chưa thể khống chế lòng tham của khu vực công với tư cách của kẻ chủ mưu trong những nỗ lực nhằm dành lợi ích riêng về mình.

“Phát triển là quyền tự do” là tên cuốn sách xuất bản tại New York, Mỹ năm 1999, đồng thời cũng là một quan điểm cô đọng của Amartya Sen, nhà kinh tế người Ấn Độ được giải thưởng Nobel kinh tế học năm 1998. Tự do mà Amartya Sen nhấn mạnh ở đây là quyền tự do của số đông nhân dân, với hai vai trò cơ bản. Một là quyền tự do này có thể giúp người dân có quyền đấu tranh để hạn chế sự “lơ là của các nhân tố công” (như cán bộ, cơ quan, tổ chức công) và sự “đàn áp chuyên chế của nhà nước độc tài”. Hai là quyền tự do làm cho “vốn con người” được tăng cường, nhiều cá nhân trong các tầng lớp dưới không còn bị tước đoạt cơ hội phát triển và trở thành lao động có đóng góp tích cực cho xã hội. Hai nhân tố này thúc đẩy các chỉ số phát triển (thu nhập, tuổi thọ, dân trí, bình đẳng giới, giảm nghèo…) đồng thời làm tăng thêm quyền tự do với tư cách là mục đích của sự phát triển.

Quan điểm này rất tích cực khi chỉ ra khía cạnh quyền tự do của số đông có thể kìm chế những khả năng phát sinh tiêu cực từ chính quyền và các nhân tố công cộng khác. Và bản chất tích cực trong quyền tự do của nhân dân là có thể khống chế lòng tham và khả năng gây hại của khu vực công cộng, giúp hoàn thiện chức năng của khu vực công cộng để có đóng góp tối ưu cho sự phát triển.

Tuy nhiên, quyền tự do của số đông không chỉ hoàn toàn đem lại ảnh hưởng tích cực. Nhiều hệ quả tiêu cực của quyền tự do này đã bộ lộ qua một loạt sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội nóng hổi trên thế giới hiện nay. Mặc dù Amartya Sen đã nhấn mạnh “tự do cá nhân là một cam kết của xã hội”, song ngay cả ở những mô hình xã hội trong đó quyền tự do được thực thi như một cam kết từ xã hội và theo cách thức tổ chức được coi là tiên tiến nhất trên thế giới, người ta vẫn chưa thực sự khống chế được những ảnh hưởng tiêu cực từ số đông do lòng tham của họ gây ra với tư cách là một hệ quả của “tự do”, và cũng chưa thể khống chế lòng tham của khu vực công với tư cách của kẻ chủ mưu trong những nỗ lực nhằm dành lợi ích riêng về mình. Chúng ta hãy lần lượt điểm qua một số vấn đề đáng lưu tâm hiện nay như: Biến đổi khí hậu toàn cầu; Nền kinh tế ảo; và Khủng hoảng nợ công châu Âu.

Biến đổi khí hậu toàn cầu (BĐKHTC) có lẽ là vấn đề nổi bật cả trước mắt và lâu dài, vì ảnh hưởng tiêu cực của BĐKHTC đã vượt quá khả năng tự phục hồi và cân bằng môi sinh của trái đất và là xu thế không thể đảo ngược trong vòng nhiều thập kỷ tới. Theo các nhà nghiên cứu và hoạt động môi trường thì những nhân tố cơ bản dẫn tới BĐKHTC là những nhân tố sinh ra và gia tăng trong quá trình công nghiệp hóa.

Hàng hóa công nghiệp thường có giá thành cao, sản xuất ổn định, giúp đem lại lợi ích kinh tế, đồng thời chuyển hóa thành ưu thế vượt trội cả về quân sự, chính trị và văn hóa trên thế giới.

Thành quả này làm cho số đông dân chúng ở các nước công nghiệp phát triển càng ủng hộ cho chính quyền và sự lựa chọn lãnh đạo của họ. Những nước công nghiệp hóa mới và các nền kinh tế mới nổi cũng lần lượt noi theo xu thế này. Họ dần thoát ra khỏi vị thế thua thiệt, bị áp đặt bởi giá cánh kéo; đời sống nhân dân và vị thế quốc tế tăng cao. Xu thế công nghiệp hóa trở thành lựa chọn “lý tưởng” cho các nước nông nghiệp lạc hậu còn lại.

Như vậy, đứng đằng sau gây ra BĐKHTC là lòng tham của số đông dân chúng ở các nước công nghiệp phát triển trong một giai đoạn khá dài vừa qua, rồi đến lòng tham của số đông dân chúng ở các nước còn lại đang khao khát làm giàu hiện nay. Những lựa chọn của họ đều được đa số ủng hộ, được bảo đảm bằng các thủ tục, quy trình phát huy sự tự do.

Câu chuyện về BĐKHTC phần nào cũng tương tự như câu chuyện ngụ ngôn về đàn mối. Chuyện rằng có một đàn mối cư trú trong chiếc lều gỗ ven sông. Con mối nào cũng nghĩ mình ăn nhiều để to khỏe và có thể đánh bại được con mối khác. Cả đàn cố gắng ngấu nghiến những gì có thể và rồi đến một ngày đẹp trời, cái lều đổ sập xuống dòng sông đem theo đàn mối béo ngậy làm mồi cho bầy cá. Ngày nay, con người cũng giống như sự tham lam của đàn mối, trong đó mọi cá nhân, mọi tổ chức và mọi quốc gia trên thế giới, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đều đang tham gia khai thác kiệt quệ môi trường và môi sinh trái đất.

Cuối năm 2011, chúng ta chứng kiến các quốc gia trên thế giới, đã không thể tìm được tiếng nói chung tại Durban và kết quả là không làm được gì để kéo dài việc thực hiện Nghị định thư Kyoto. Sự tham lam của những “con mối” to nhất càng kích động những con mối khác gặm gỗ cột lều nhanh hơn và thúc đẩy sự sụp đổ của cái lều nhanh hơn.

Nền kinh tế ảo là thứ sinh ra rất nhiều giá trị từ những thứ được gán cho những giá trị danh nghĩa, trong đó có tiền giấy, chứng khoán, trái phiếu và nhiều loại giấy tờ có giá khác mà trong một số bối cảnh cụ thể, chúng lại trở về thành giấy lộn kèm theo những hậu quả khủng khiếp.

Đành rằng tiền là máu của nền kinh tế và thiếu nó thì nền kinh tế đình trệ và không thể vận hành. Tuy nhiên, nền kinh tế bị bơm quá nhiều tiền thì cũng giống cơ thể bị bơm quá nhiều máu theo một phương pháp doping nào đó và kết quả cũng là suy nhược và chết. Tương tự như vậy, khi khối lượng tiền vượt quá nhu cầu lưu thông, không thể tích trữ và làm thước đo vì bị mất giá liên tục thì phát sinh khủng hoảng bởi vì đồng tiền đã mất hết những chức năng chủ yếu của nó.

Những thứ giấy tờ có giá khác còn nguy hiểm hơn, đặc biệt là trong điều kiện một “thế giới phẳng” với năng lực linh hoạt “giết người” của “bầy đàn điện tử”1 thì việc tiêu diệt một nền kinh tế mới nổi hoặc gây lây lan khắp thế giới một vụ khủng hoảng tiền tệ/tài chính không còn là chuyện xa lạ. Điển hình là những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á năm 1997 tới nay vẫn còn dư âm, hoặc gần hơn là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay nguyên là hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007-2009.

Chứng khoán hóa và việc ra đời các sản phẩm của quá trình này như chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS), giấy nợ đảm bảo bằng tài sản (CDO) vốn được coi là một phát minh lớn về công cụ tài chính. Tuy nhiên, việc giao dịch những loại giấy tờ có giá này bên cạnh việc đem lại những khoản lợi lớn thì đồng thời cũng phát sinh những kỳ vọng lợi ích được thổi phồng. Những công cụ phái sinh tiếp tục nhân những khoản giá trị ảo lên nhiều lần đồng thời phân tán những lợi ích ảo đó kèm theo rủi ro đi khắp thế giới. Quá trình này cứ tiếp tục cho tới khi nhiều người vay tiền ngân hàng đầu tư nhà không trả được nợ dẫn tới bị tịch biên tài sản thế chấp. Giá tài sản, đặc biệt là bất động sản giảm xuống khiến cho tài sản tịch biên không bù đắp nổi khoản ngân hàng cho vay. Các ngân hàng rơi vào khó khăn dẫn đến làm mất lòng tin ở người gửi tiền. Làn sóng đột biến rút tiền gửi làm cho tình hình thêm nghiêm trọng, làm sụp đổ nhiều ngân hàng. Việc cho vay liên ngân hàng làm cho những tổn thất tín dụng lây lan ra toàn hệ thống ngân hàng kéo theo nhiều ngân hàng khác phá sản.

Tổng thiệt hại và số người chịu thiệt đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng thống kê và công bố với hậu quả hiện nay đang được so sánh với Đại khủng hoảng 1929-1933. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức thiệt hại của riêng các ngân hàng trong khủng hoảng toàn cầu 2007-2009 vào khoảng 2,28 nghìn tỷ USD. Riêng các ngân hàng của Mỹ thiệt hại 885 tỷ USD2. Những tổn thất khác liên quan tới tiền túi của nhân dân, thiệt hại trong sản xuất kinh doanh trên toàn cầu chưa được tính tới.

Tuy nhiên điều đáng lưu tâm là cùng thời gian này, số lượng tỷ phú trên thế giới lại tăng lên nhanh chóng và tài sản của họ còn tăng nhanh hơn nữa. Nghiên cứu từ Boston Consulting Group cho biết số lượng các gia đình triệu phú trên thế giới trong năm 2010 tăng khoảng 12%. Tài sản của nhóm này nắm giữ tăng lên khoảng 39% từ mức 37% vào năm 2009. Dù ở trung tâm khủng hoảng tài chính toàn cầu, số lượng triệu phú tại Mỹ vẫn cao nhất. Nước Mỹ có 5,22 triệu gia đình triệu phú, tăng 1,3% so với năm trước đó3. Trong số những người phát đạt này, rất nhiều người giàu lên là nhờ biến giá trị ảo thành giá trị thật. Nhưng đổi lại, đã có vô vàn những người khác bị phá sản vì đem giá trị thật để đổi lấy giá trị ảo.

Khủng hoảng nợ công Châu Âu. Vấn đề nghiêm trọng không kém là tình hình khủng hoảng nợ công tại một số nước Châu Âu. Điểm bùng nổ đầu tiên là Hy Lạp vào đầu năm 2010 khi chi phí cho các khoản nợ Chính phủ liên tục tăng lên. Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm của Hy Lạp liên tục tăng cao từ 3,47% vào tháng 01/2010 lên tới 26,65%/năm vào tháng 07/ 2011. Cuộc khủng hoảng sau đó đã lan sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và tiếp theo là Italia trong khu vực euro. Cộng hòa Sip cũng đã bị đẩy tới bờ vực để nhận gói cứu trợ. Pháp đang là quốc gia có nhiều nguy cơ tụt hạng tín dụng. Nước Đức hùng mạnh đang được đặt trước bài toán đau đầu: Cứu hay sẽ cố nhảy ra khỏi cái xuồng đang chìm Liên minh châu Âu? Nếu cứu thì bỏ ra bao nhiêu tiền là tối ưu?

Các quốc gia có vấn đề về nợ công trong khu vực châu Âu bao gồm các thành viên Hy Lạp, Ireland, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và cũng có một số nước khu vực châu Âu không thuộc Liên minh châu Âu. Iceland, đất nước trải qua cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong năm 2008 khi toàn bộ hệ thống ngân hàng quốc tế bị sụp đổ, đã ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công.

Bức tranh toàn cảnh nợ công trên thế giới 2011. Nợ công theo % GDP

Nguồn: Wikipedi 4

Cuộc khủng hoảng nợ công đã đe dọa sự tồn tại của đồng tiền euro, gây ảnh hưởng nền tài chính toàn cầu. Ngày 2/5/2010, các nước thành viên khu vực eurozone và IMF đã thông qua khoản vay 110 tỷ euro cho Hy Lạp. Ngày 09/05/2010, Châu Âu đã thông qua gói giải cứu trị giá 750 tỷ euro nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính ở khu vực châu Âu. Tiếp theo đó là gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro cho Ireland vào tháng 11/2010, và 78 tỷ euro cho Bồ Đào Nha vào tháng 5/2011. Đằng sau những quyết định cứu trợ này là gánh nặng thuế khóa đè lên đầu người dân thế hệ hiện nay và các thế hệ mai sau.

Những tội đồ của khủng hoảng nợ công đang lần lượt bị chiếu danh. Thủ tướng Hy lạp và thủ tướng Ý đã phải từ chức. Nhiều bài báo nhấn mạnh nguyên nhân của khủng hoảng nợ công là “thói vung tay quá trán” của chính quyền những nước này. Tuy vậy, nguyên nhân thực là ở đâu?

Những nước công nghiệp phát triển nói chung và các nước công nghiệp phát triển ở Châu Âu nói riêng đều tự hào rằng mô hình xã hội của họ được coi là dân chủ nhất trên thế giới. Mô hình xã hội này dựa trên nền tảng nguyên lý dân chủ, trong đó nguyện vọng của đa số dân chúng sẽ được thu thập qua các tầng nấc đại diện, được tổng hợp thành chính sách chủ đạo của chính phủ.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các nhóm dân chúng với đại diện của họ có bản chất là sự thỏa thuận nhằm đạt được lợi ích nhóm. Nhóm lợi ích nào cũng gửi gắm vào người đại diện của họ mong ước được ưu tiên hơn, nhận được sự phân bổ lợi ích trội hơn trong xã hội. Người đại diện cũng cố hứa hẹn nhiều hơn để được cử tri bỏ phiếu cho mình. Khi đã trúng cử thì họ cố hành động để đáp ứng những hứa hẹn đối với cử tri, nhằm tiếp tục được tái cử về sau. Kết cục là một sức ép khổng lồ từ nhiều nhóm xã hội và các vị đại diện bắt quy mô chi tiêu ngân sách phải phình mãi lên.

Bối cảnh chi tiêu công của nhiều nước Châu Âu đã diễn ra như vậy trong nhiều năm, dưới nhiều nhiệm kỳ chính phủ. Tội đồ của tình trạng này không chỉ là giới cầm quyền nói chung mà còn phải kể đến cả những nạn nhân của nó, đó chính là số đông cử tri đi cùng cơ chế đại diện và mô hình dân chủ hiện hành mà họ tung hô. Điểm mấu chốt của sự tồi tệ trong mô hình tự do kiểu Phương Tây này là lòng tham được khuyến khích qua động cơ lợi ích nhóm, trong đó có sự thống nhất lợi ích giữa người đại diện và nhóm được đại diện. Lòng tham này được ngụy trang dưới vỏ bọc đẹp đẽ như: sáng kiến các công cụ tài chính phái sinh, chính sách hỗ trợ, chính sách phát triển vùng, mục tiêu tăng trưởng và giàu có… với lợi ích nhìn thấy trong ngắn hạn và nguy hại có thể chỉ nhìn thấy được trong dài hạn.

Điều nguy hiểm là bên được, bên mất có thể được phân biệt khá rõ trong ngắn hạn, nhưng ít người đồng ý rằng tất cả sẽ đều chịu thiệt hại trong dài hạn. Và khi đa số nhận ra cuối cùng tất cả đều mất, thì chắc đó là một thời điểm quá muộn.

Giải pháp thể chế

Ông cha ta có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Động lực tham lam cũng như khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực của nhóm lợi ích chỉ có thể biến thành tác động có hại trong những điều kiện môi trường thể chế nhất định. Sửa đổi môi trường thể chế là một giải pháp quan trọng để hạn chế ảnh hưởng có hại của lòng tham và của ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm lợi ích.

Hầu hết các nhà kinh tế học công cộng đều nhất trí rằng chi tiêu quá ít hoặc quá nhiều cho hàng hóa và dịch vụ công đều sẽ làm giảm hiệu quả phát triển. Mức chi tiêu công cộng đem lại lợi ích cao nhất cho nền kinh tế được gọi là quy mô chi tiêu công cộng tối ưu. Trong trường hợp đó, chi tiêu công tạo điều kiện để khu vực tư phát triển mà không chèn lấn hoặc thay thế khu vực tư. Hiệu quả chi tiêu công còn phụ thuộc tỷ lệ hàng hóa công thuần túy trong tổng chi tiêu công cộng với lý do khu vực công chỉ hiệu quả khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ công thuần túy.

Một điều kiện nữa là trong khu vực công phải có sự phân cấp hợp lý theo nguyên tắc các cấp chính quyền cần được phân cấp quản lý các hàng hóa, dịch vụ công phù hợp. Việc chồng chéo quyền hành hay lẫn lộn chức năng thẩm quyền các cấp cũng dẫn đến giảm thiểu hiệu quả của khu vực công. Đối với hàng hóa công trung ương, chính quyền trung ương nhất thiết phải quản lý, và phải đủ năng lực quản lý. Tương tự như vậy, chính quyền địa phương nhất thiết phải quản lý và phải quản lý được những hàng hóa công địa phương.

Tuy nhiên trong thực tế, đa số những nguyên lý khoa học cơ bản nêu trên vẫn nằm im trong sách giáo khoa thay vì trở thành nòng cốt của những quy định, thể chế xã hội. Chính là lòng tham chứ lhông phải sự ngu dốt đã làm cho con người ở những xã hội tiên tiến tránh né áp dụng những nguyên lý này.

Như vậy, để đảm bảo cho phát triển bền vững thì không chỉ cần quyền tự do. Cần phải khống chế lòng tham. Điều này không có nghĩa là tránh né hoặc thủ tiêu mong muốn thịnh vượng mà là để hạn chế tình trạng vì tham lợi ích ngắn hạn ít ỏi, cục bộ mà đánh mất lợi ích dài hạn lớn hơn. Để làm được điều này, một trong những giải pháp cơ bản là khống chế bằng thể chế.

Đây là những điều mà chúng ta cùng gửi gắm trước thềm xuân mới – xuân Nhâm Thìn, đối với công cuộc đổi mới của cả dân tộc, trong đó có nỗ lực sửa đổi Hiến Pháp 1992. Hi vọng rằng đất nước và nhân dân sẽ có được một Hiến pháp phát huy được bản chất tốt đẹp của dân tộc, bảo đảm tốt nhất trong điều kiện hiện nay cho mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng, và hình thành một mô hình xã hội tiên tiến.


[1] Chiếc xe Lexus và cây Ooliu, tác giả Thomas L.Friedman. Nxb Khoa học Xã hội, 2009.

[2] http://www.maxi-forex.com/11288/khung-hoang-tai-chinh-gay-thiet-hai-lon-cho-nganh-ngan-hang-the-gioi/

[3] http://cafef.vn/20110601111338525CA32/my-dung-dau-the-gioi-ve-so-luong-gia-dinh-trieu-phu.chn

[4] http://en.wikipedia.org/wiki/File:Public_debt_percent_gdp_world_map_(2010).svg

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)