Không gian cho nước: Giảm nhẹ rủi ro lũ lụt ở Nam Á và Đông Nam Á

Việc sử dụng đất thuộc các vùng ngập lũ cần được điều tiết tốt hơn để chừa lại không gian cho các con sông khi có lũ và giúp tái cân bằng hệ sinh thái.


Ngập lụt ở Sesan, Stung Treng, Campuchia, sau khi mực nước sông Mekong dâng lên vượt qua mức nguy hiểm 10,7 m. Nguồn: khmertimeskh.com

Khi nước lũ trên sông Kosi cuồn cuộn đến gần, Rohit Kumar bắt đầu dỡ từng viên gạch trong ngôi nhà mới của mình ở làng Govindpur, thuộc bang Bihar ở miền Đông Ấn Độ. Ngôi làng có một con đê bao quanh – một biện pháp chống lũ phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, với dân làng, việc tháo dỡ là cách duy nhất để cứu nhà cửa khỏi bị dòng nước lũ cuốn trôi. Mọi người vội vã chạy trốn cùng với bất cứ tài sản gì họ có thể mang theo. 

Những bãi bồi ven các lưu vực sông, đặc biệt là những bãi bồi thấp thường là những vùng ngập thoát lũ khi lũ về. Tuy nhiên, con người thường không mấy khi phân biệt chúng mà thường can thiệp trên quy mô lớn để phục vụ lợi ích kinh tế của mình, chẳng hạn như tận dụng bề mặt bằng phẳng với lớp đất dày, tiếp cận nguồn nước ngọt, giao thông thuận tiện,… Và khi xảy ra lũ lụt, con người thường sử dụng các biện pháp bảo vệ vùng đất của mình như đắp đê thay vì sử dụng chức năng chính của chúng.

Nhưng kết quả là tính dễ bị tổn thương của các khu vực ven sông do lũ lụt đã ngày một gia tăng. Các vùng Multan và Lahore ở lưu vực sông Ấn; Delhi, Patna, Guwahati và Dhaka thuộc lưu vực sông Ganga-Brahmaputra; Mandalay ở lưu vực sông Ayeyarwady; Pakse và Phnom Penh ở lưu vực sông Mekong – tất cả đều thể hiện đặc trưng của quá trình phát triển đô thị. 

Lũ lụt ngày càng phức tạp

Lượng mưa lớn dẫn tới tới tình trạng lũ lụt trên sông ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Ngoài sông Ấn và một số phụ lưu của sông Ấn, các dòng sông bắt đầu từ khu vực dãy núi Hindu Kush (phần kéo dài của dãy Himalaya) chủ yếu nhận nước từ lượng mưa trong khu vực, thay vì băng tuyết tan chảy. Ở lưu vực sông Ganga, Brahmaputra, Ayeyarwady, Salween và Mekong, lượng nước mưa chiếm tỉ lệ rất cao trong tổng lưu lượng nước sông, gây ngập lụt ở phần trung lưu và hạ lưu khi trời mưa to trong thời gian ngắn. 

Việc hiểu rõ về hệ thống khí hậu là yếu tố quan trọng để đưa ra các chính sách hiệu quả về sông ngòi, theo một bài báo sắp công bố của giáo sư Jayanta Bandyopadhyay, chuyên gia hàng đầu về sông ở Quỹ Nghiên cứu quan sát viên (Ấn Độ). Tình trạng ngập lụt ở lưu vực sông Ganga-Brahmaputra-Meghna, cũng như các lưu vực sông thuộc Đông Nam Á như Mekong, Salween và Aerrawaddy, xảy ra khi lượng mưa nhận được chủ yếu qua một hệ thống hoàn lưu không khí chính: gió mùa mùa hạ ở Nam Á. Lưu vực sông Mekong cũng chịu ảnh hưởng một phần từ gió mùa mùa hạ Đông Á.

Khi dòng không khí gió mùa dịch chuyển, lượng mưa ở Nam Á gần như chấm dứt, trong lúc đó mưa lớn xảy ra ở vùng Assam và dọc theo chân dãy núi Himalaya. Điều này diễn ra hằng năm do hiện tượng El Niño kết hợp dao động Nam (El Niño-Southern Oscillation, hiện tượng biến động nhiệt độ giữa khí quyển và đại dương ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương). Đây là những đặc điểm nội tại của hệ thống khí hậu trong khu vực này.

Khi đất liền và đại dương ấm lên do biến đổi khí hậu, lượng mưa sẽ khó dự đoán hơn. Đồng thời, dòng chảy từ băng tuyết tan ở thượng nguồn các con sông sẽ ngày càng cạn kiệt.

Ngoài việc tạo mây với hiệu ứng vi mô, con người không thể kiểm soát thời điểm, cường độ cũng như thời gian kéo dài lượng mưa có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên Trái đất. Mọi dự tính xây đập kiểm soát lũ đều dựa trên các xu hướng dài hạn trước đây. Nhưng biến đổi khí hậu đã khiến các xu hướng này ngày càng thay đổi.

Một điều đáng lo ngại là biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến lũ lụt thông qua hiện tượng nước biển dâng. Theo một công bố gần đây trên tạp chí Geophysical Research Letters của các nhà khoa học ở ĐH California, Santa Barbara, hiện tượng nước biến dâng sẽ khiến các vụ sạt lở đất (avulsion) do lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và sâu hơn trong đất liền. Thông qua việc sử dụng dữ liệu vệ tinh và viễn thám để tìm hiểu về các vụ lũ lụt trong quá khứ, các nhà nghiên cứu thấy rằng thời gian lũ lụt và thời gian cần thiết để các dòng sông thích nghi với những thay đổi sẽ quyết định địa điểm xảy ra sạt lở. 

Nếu lũ lụt ngắn hơn thời gian sông thích nghi thì phạm vi sạt lở sẽ được giới hạn trong các vùng nước đọng của sông. Tuy nhiên, nếu lũ lụt kéo dài hơn so với thời gian thích nghi của sông, sạt lở có thể xảy ra sâu hơn trong đất liền.

Những con sông lớn bằng phẳng như Mississippi thích nghi chậm nhưng các con sông dốc với nhiều phù sa mịn lại thích nghi khá nhanh. Nhà địa mạo học Vamsi Ganti, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho biết: “Điều này khiến xói mòn có thể lan xa hơn về phía thượng nguồn”. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng với các con sông ở Việt Nam – có đặc điểm ngắn, dốc và nhiều phù sa mịn.

Giải pháp không gian cho nước

Trong bối cảnh này, giải pháp quan trọng hơn hết là một con sông có đủ không gian sống của nó với những khu vực chịu ngập để có thể đối phó với các trận lũ bất ngờ cũng như thực hiện các chức năng khác của nó, ví dụ như cân bằng hệ sinh thái…. Ý tưởng về không gian cho sông đã được quan tâm trong nhiều năm và được biết đến nhiều hơn trên toàn cầu nhờ người Hà Lan – những người từng đề xuất lắp đặt các hệ thống dẫn nước phức tạp để ngăn chặn ngập lụt.

Giải pháp không gian cho nước cũng phù hợp với một xu hướng toàn cầu đã xuất hiện ở nhiều vùng châu thổ như Rhine-Meuse-Scheldt (Hà Lan), Châu Giang (Trung Quốc), Mekong (Việt Nam), Zambezi-Limpopo (Mozambique) và Mississippi (Hoa Kỳ): chuyển từ kỹ thuật “cứng”, chẳng hạn như đê kè và đập, sang các biện pháp “mềm” như giữ nguyên các vùng ngập lũ. Các biện pháp “mềm” sẽ kết hợp thêm với các giải pháp khác, bao gồm các biện pháp “cứng” nếu cần thiết. Điều này sẽ tránh được việc chỉ thực hiện các biện pháp “cứng”, dẫn đến bế tắc về mặt công nghệ – một vòng lẩn quẩn trong đầu tư giải pháp ngăn lũ.

Việc sống chung và khai thác lợi ích từ những trận lũ nhỏ, như người dân ở Nam Á và Đông Nam Á vẫn làm từ trước đến nay, là một cách giảm nguy cơ của những trận lũ lớn. Điều này càng quan trọng hơn với các dòng sông nhiệt đới ở Đông Nam Á và Nam Á bởi vì vùng ngập lũ của các con sông này là nguồn sống của rất nhiều sinh vật. Chúng có ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn lợi thủy sản cũng như tất cả các dạng sống khác xung quanh dòng sông.

Sống chung với lũ
Có hai điều quan trọng cần chú ý: thứ nhất, sự thay đổi lượng mưa là không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể kiểm soát các dòng chảy lưu lượng cao do cường độ mưa lớn gây ra; thứ hai, lũ lụt đang trở nên phức tạp do sự biến đổi cảnh quan ven sông vùng Nam Á, khiến nguy cơ thiệt hại cao hơn. Đồng thời, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát lũ chỉ phục vụ lợi ích ngắn hạn của con người nhưng lại phá vỡ năng suất dài hạn của hệ sinh thái ven sông.
Mọi bằng chứng đều chỉ ra một giải pháp phù hợp duy nhất: khai thác lợi ích phục vụ con người trong ranh giới mà tự nhiên cho phép. Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia của Ấn Độ (NDMA) đã nêu rõ điều này trong hướng dẫn phân vùng vùng lũ. Họ dự tính không gian cho các dòng sông và tìm cách điều chỉnh việc sử dụng đất ở các vùng lũ bằng cách quy định những gì được làm ở hai bên bờ sông, dựa trên dữ liệu về tần suất lũ.
Những quy định như vậy có vai trò quan trọng đối với việc giảm ảnh hưởng của hoạt động kinh tế tới lũ lụt. Mặc dù vậy, chính sách khoanh vùng vùng lũ vẫn chưa được chứng minh hiệu quả ở Ấn Độ nên chính quyền chưa bắt buộc thực hiện những hướng dẫn của NDMA.

Bất kì tác động bất lợi nào tới chế độ dòng chảy, lượng phù sa và các thông số vật lý, hóa học của nước có thể dẫn đến sự diệt vong của các sinh vật này. Trong một công bố trước đây, GS Bandyopadhyay đã kêu gọi một cách tiếp cận liên ngành mới: không chỉ coi các con sông là nơi cung cấp nguồn nước mà còn là nơi đa dạng các loại vật chất khác nhau, cũng như năng lượng và trầm tích, tất cả cùng hoạt động để hỗ trợ môi trường sống và đa dạng sinh học thuận lợi phát triển.

Điều này thể hiện rõ qua các con sông ở Nam Á và Đông Nam Á, vốn là con đường vận chuyển trầm tích và các chất dinh dưỡng để bồi đắp cho lưu vực xung quanh. Chẳng hạn, nhịp lũ (flood pulse) của sông Mekong là công cụ để duy trì hệ sinh thái Biển Hồ ở Campuchia và ngành công nghiệp đánh bắt cá phụ thuộc vào hồ này.

Chúng ta chỉ có thể chống lũ trong tương lai bằng cách cung cấp đủ không gian cho các con sông thực hiện quá trình sinh thái của chúng, đồng thời đảm bảo các hoạt động diễn ra ở vùng đất ngập lũ không phá vỡ khả năng chịu lũ vốn có của khu vực. Ý chí mạnh mẽ và tinh thần hợp tác là điều cần thiết giữa các quốc gia có chung lưu vực sông bởi nước lũ không bị giới hạn bởi ranh giới chính trị, và cũng chẳng quan tâm đến sự chủ quan của con người.

Thanh An tổng hợp
Nguồn: https://www.thethirdpole.net/2020/10/08/room-for-the-river-mitigating-flood-risk-in-south-and-southeast-asia/
https://www.futurity.org/rivers-avulsion-floods-2449412-2/

Tác giả