Khung giám sát công nghệ chỉnh sửa gene

Các nhà khoa học cho rằng cần có một khung giám sát quốc tế hướng dẫn ra quyết định về việc có hay không và khi nào có thể áp dụng công nghệ chỉnh sửa gene nhằm giải quyết các vấn đề sinh thái.


Chỉnh sửa gene tạo ra thay đổi với ADN của sinh vật, đồng nghĩa với việc làm thay đổi các đặc tính của sinh vật. Và tiềm năng ứng dụng công nghệ này là vô hạn. Ví dụ, muỗi được chỉnh sửa gene có thể là công cụ để khắc phục sốt rét; san hô có thể biến đổi gene để chống chịu các đe dọa từ môi trường tốt hơn. “Nhưng chuyện gì xảy ra khi những loài san hô biến đổi gene lấn át hệ sinh thái của rạn san hô và gây suy giảm đa dạng các loài san hô tiến hóa tự nhiên cùng các loài cá sinh sống dựa vào đó?” Michael Paul Nelson, trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Bang Oregon (OSU College of Forestry), nói. “Hoặc khi một sinh vật được biến đổi gene được tạo ra để chống lại các loài sinh vật gây hại lại thoát khỏi khu vực được nuôi trồng và lan sang các vùng sinh vật tự nhiên khác và lấn át sinh vật ?”


Nelson nhấn mạnh rằng mỗi quyết định phát tán một sinh vật chỉnh sửa gene cần phải được cân nhắc thông qua những yếu tố sau:

– Mục đích và phạm vi chỉnh sửa?

– Những hệ sinh thái nào chịu tác động?

– Kết quả của sự thay đổi đó đối với sức khỏe con người?

– Hệ thống giá trị nào của cộng đồng [bản địa] sẽ bị ảnh hưởng?


“Ở mỗi khía cạnh trên, đều có những quan điểm trái chiều đối với những gì được xem là ‘tự nhiên’ và đối với mức độ con người có thể can thiệp vào hệ sinh thái,” Nelson cho biết. “Vì vậy, trước khi ra quyết định cần cân nhắc đến những quan điểm xã hội khác nhau về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên đó, đồng thời cần xem xét ngữ cảnh tri thức và quan điểm của cộng đồng bản địa”.


Do đó, trong một bài báo trên Science, Nelson và các cộng sự, đến từ Yale, Harvard, MIT, Học viện Công nghệ Georgia và Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ …, đề xuất thành lập một tổ chức hợp tác nhằm kết nối cộng đồng, những nhà phát triển công nghệ, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ “theo cách đảm bảo các cuộc thảo luận mang tính bao trùm.” Tổ chức hợp tác này sẽ lập ra một khung phân tích nhằm giúp xây dựng các báo cáo chuẩn để từ đó đưa ra các khuyến nghị, đồng thời sẽ thiết lập một cơ chế nhằm chia sẻ thông tin này trên toàn cầu.


“Việc xác định điều gì ảnh hưởng đến cộng đồng bản địa” sẽ là một phần quan trọng trong quá trình này, điều này phụ thuộc vào công nghệ được sử dụng và khả năng dự đoán tác động môi trường,” Nelson cho biết. Ví dụ, nếu cân nhắc sử dụng gene tự lan truyền (self-propagating gene drive) để chống lại bệnh sốt rét, thì đại diện từ nhiều nơi thuộc châu Phi cận Sahara sẽ xứng đáng được tham vấn ý kiến. Nhưng công nghệ cũng cho phép khu trú phạm vi tham vấn, nếu như có mô hình dự đoán để xác định cộng đồng nào có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất.


Các nhà khoa học dự kiến, tổ chức này sẽ vận hành với sự hỗ trợ chung của nhiều nhóm đang hoạt động, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (International Union for the Conservation of Nature). Nguồn quỹ hoạt động sẽ được kêu gọi từ các chính phủ liên quan, các tổ chức liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ.


Nelson cũng cho biết, “Mô hình quản trị này đòi hỏi phải kết nối các khung phân tích, các chuyên gia toàn cầu với các vấn đề, nhu cầu ở các địa phương”. 


Nelson cũng lưu ý thêm, một vấn đề quan trọng là cần có các nhóm trợ lý, điều phối đóng vai trò là người thu thập thông tin ở các khu vực khác nhau.□


Cẩm Tú
lược dịch


Nguồn: https://www.eurekalert.org/pub_releases/2018-11/osu-spp110118.php 


Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)