Khủng hoảng năng lượng lần thứ 3

Nguy cơ về cuộc khủng hoảng dầu mỏ mới Cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất xảy ra năm 1973 khi giá dầu tăng lên đột ngột từ 20 USD/thùng lên 45-50 USD/thùng và cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai xảy ra năm 1979 khi giá dầu tăng lên gấp đôi từ 50 USD/thùng lên trên dưới 100 USD/thùng. Giá dầu sau đó hạ dần và tương đối ổn định từ sau 1985 ở mức 20 - 30 USD/thùng.

Trong khoảng thời gian này, vào cuối năm 1990, giá dầu tăng vọt từ 30 USD/thùng lên 55 USD/thùng nhưng rất nhanh trở về mức bình thường 30 USD/thùng vào đầu năm 1991, nên chỉ xem là sự tăng đột biến, không ảnh hưởng lớn và trầm trọng như các cuộc khủng hoảng trước. Bắt đầu từ sau 2004 giá dầu lại tăng liên tục và đều đặn. Tháng 9/2003, giá dầu còn dưới 25 USD/thùng, tháng 8/2005 đã tăng lên gấp đôi, trên 60 USD/thùng. Tháng 9/2007, giá dầu tăng trên 80 USD/thùng, đến tháng 10/2007, giá dầu tăng vọt lên 98,62 USD/thùng và hiện nay đang giữ mức trên 99 USD/thùng. Điều đáng quan tâm là giá dầu có thể tăng lên đến 100 USD/thùng ngay trong tháng 12/2007, ngang với giá dầu xảy ra khủng hoảng năng lượng lần thứ hai trước đây và có thể giá dầu sẽ không trở về mức cũ mà vẫn ở mức cao. Điều này đã làm cho thế giới lo ngại sắp tới sẽ có thể xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng lần thứ ba kéo dài hơn, trầm trọng hơn hai lần trước. Theo dự báo của nhiều chuyên gia năng lượng thế giới, đến năm 2015, giá dầu có thể tăng lên đến 380 USD/thùng(!). Giá dầu 60 USD/thùng đã là mức quá cao đủ gây tác động kinh tế toàn cầu nói chung, làm suy thoái kinh tế và rối ren bất ổn xã hội, như thực tế những cuộc khủng hoảng dầu mỏ trước đây đã cho thấy, vì vậy, diễn biến bất thường về giá dầu lần này gây tác động đến nền kinh tế thế giới sẽ to lớn và khủng khiếp đến mức nào ! Đây thật sự sẽ là một cơn sóng thần cho cả nhân loại như nhiều nhà phân tích kinh tế đã hình dung. Cơn sóng thần này diễn biến có thể xảy ra làm 3 đợt. Hiện nay là đợt nhỏ nhất, như một làn sóng báo nguy. Đợt tiếp sau sẽ mạnh hơn, vào quãng năm 2009-2010. Đây là lúc các nước không thuộc OPEC đạt đến đỉnh sản xuất dầu và bắt đầu giảm dần mức sản xuất. Đợt cuối cùng là đợt mãnh liệt nhất, xảy ra khi mức sản xuất dầu của các nước OPEC đạt đến đỉnh vào khoảng năm 2020 để rồi sau đó sản lượng dầu toàn thế giới sẽ nhanh chóng giảm dần. Vì vậy, nếu ngay từ bây giờ thế giới không tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu bằng cách sử dụng những năng lượng thay thế khác thì thảm họa của nhân loại là không tránh khỏi.

Đặc điểm cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ ba

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất năm 1973 chính là do các nước OPEC chủ động ngưng sản xuất dầu và thực hành cấm vận, không cung cấp dầu cho Mỹ và những nước phương Tây đã ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với Syrie và Ai Cập, còn cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai là hậu quả của việc các cơ sở sản xuất, khai thác dầu ở Iran bị phá hủy trong cuộc cách mạng Hồi giáo, tiếp sau là cuộc xâm lấn của Iraq vào Iran năm 1980 đã làm việc sản xuất dầu ở cả Iran và Iraq bị hoàn toàn đình trệ, không có dầu để cung cấp cho thế giới. Việc tăng đột ngột giá dầu năm 1990 liên quan đến chiến tranh vùng Vịnh và xâm lấn của Iraq vào Kuwait ngày 2/8/1990. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ ba này không gắn liền với các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang như những lần trước mà nguyên nhân chính là do nhu cầu tăng quá cao ở những nền kinh tế mới đang phát triển, có sự tăng trưởng kinh tế mạnh và liên tục trong nhiều năm liền, trong đó 2/3 mức tăng lên là do nhu cầu của hai nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, 1/3 còn lại là do nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu. Những năm gần đây, sự khác biệt giữa năng lực sản xuất và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đã thay đổi rất nhanh làm phá vỡ cân bằng cung-cầu. Nếu giữa thập niên 80, khoảng cách này là 10 triệu thùng mỗi ngày, cuối thập niên 90 còn khoảng 2 triệu thùng/ngày, thì đến nay, khoảng cách này không còn nữa, thậm chí là con số ngày càng âm. Hiện nay trên thế giới mức sản xuất cao nhất khoảng 82 triệu thùng/ngày, đến nay mức khai thác đang tiến đến đỉnh sản xuất và sau đó sẽ bắt đầu giảm sút khoảng 7% mỗi năm.  Theo báo cáo mới đây, ngày 22-10-2007 của Văn phòng Tổ chức kiểm soát Năng lượng Anh (EWG), sản lượng dầu mỏ thế giới đã lên đỉnh sản xuất vào năm 2006, sớm hơn nhiều so với dự báo. Trong khi đó, năm 2007 nhu cầu tiêu thụ đã có thể xác định là 86,1 triệu thùng/ngày, sang năm 2008 sẽ là 88 triệu thùng/ngày, năm 2012 là 95,8 triệu thùng/ngày và đến năm 2025, nhu cầu tiêu dùng của thế giới sẽ tăng lên đến 118 triệu thùng/ngày! Cần lưu ý là tổng trữ lượng dầu mỏ có thể khai thác (recoverable reserve) trên thế giới tính đến năm 2006 khoảng 1.300 tỷ thùng, nghĩa là chỉ đủ dùng cho khoảng 30 năm nữa với mức tiêu thụ khoảng 80 triệu thùng/ngày như hiện nay,
Lawrence Goldstein, nhà kinh tế của Quỹ nghiên cứu chính sách năng lượng Mỹ cho rằng, đây là lần khủng hoảng năng lượng đầu tiên vì lý do nhu cầu tiêu thụ bùng nổ của thế giới trong khi mức sản xuất không thể tăng kịp. Do đó, nếu hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ trước đây xảy ra đã có thể thoát được trên cơ sở giải quyết các mâu thuẫn quyền lợi kinh tế, xung đột quân sự và chính trị, thì cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần này nếu xảy ra chỉ có thể giải quyết bằng việc cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới đưa về mức gần như trước đây, trong đó chủ yếu là từ các nền kinh tế đã phát triển như Mỹ, Nhật, Châu Âu và hai nền kinh tế đang lên là Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này chỉ có thể xảy ra khi các hộ tiêu thụ dầu lớn kể trên lâm vào suy thoái kinh tế trầm trọng, nhưng điều đó sẽ rất khó xảy ra. Vì vậy, để có thể giảm mức tiêu thụ dầu mỏ, né tránh được cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần này, ngoài việc tiết kiệm và sử dụng dầu mỏ hợp lý, hiệu quả hơn, giải pháp căn cơ là phải tìm những nguồn nhiên liệu mới và nhanh chóng đưa vào sử dụng chúng, tăng dần mức độ thay thế đi đến thay thế hoàn toàn dầu mỏ theo một lộ trình chặt chẽ. Sớm thấy nguy cơ về cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ ba, từ năm 2004 các nước đã phải họp lại tại Bon (CHLB Đức) cùng nhau thống nhất một chương trình nghiên cứu với mục tiêu cụ thể, đến năm 2020 phải thay thế được 10-20% lượng dầu tiêu thụ bằng các dạng năng lượng mới, nhằm kéo dài thời gian sử dụng dầu mỏ và bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển ổn định kinh tế thế giới. Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD nghiên cứu các nguồn năng lượng mới (nhiên liệu sinh học, nhiên liệu hydro…) thay thế dầu mỏ với chương trình mục tiêu được gọi là “20 trong 10” (twenty in ten), nghĩa là trong 10 năm tới (2007- 2017), sẽ giảm mức sử dụng xăng dầu 20%, trong đó bao gồm 5% (tức 8,5 tỷ gallons) xăng dầu do chính sách tiết giảm sử dụng và 15% (tức 35 tỷ gallons) được thay thế bằng các loại nhiên liệu mới. Ở châu Á, Nhật vạch ra chiến lược đến năm 2030 giảm sự phụ thuộc dầu khoảng 40%, Hàn Quốc cũng có kế hoạch đến năm 2030 giảm mức độ phụ thuộc dầu khoảng 35%. Nhờ thế, những nước có nhu cầu xăng dầu lớn trên thế giới đã sẵn sàng đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng lần thứ ba, không bị quá “sốc” khi giá dầu tăng chưa thấy điểm dừng.

Nước ta chưa sẵn sàng trước nguy cơ cuộc khủng hoảng năng lượng lần thứ ba

Nhà nước đã chủ động xây dựng chiến lược về nguồn điện cho quốc gia giai đoạn 2020, tầm nhìn 2050 để bảo đảm an ninh năng lượng điện những thập kỷ tới, với nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ như bên cạnh tăng cường tiết kiệm và hiệu quả sử dụng điện có giải pháp tăng cường xây dựng thêm các hệ thống nhiệt điện từ khí, từ than, hệ thống thủy điện trên các sông lớn, nhỏ, khuyến khích điện gió và không loại trừ cả điện nguyên tử mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến chưa thật đồng thuận với những cân nhắc cần thiết.
Nhưng Nhà nước chưa có một chiến lược chủ động và toàn diện các giải pháp bảo đảm an ninh cung ứng xăng dầu, một mảng rất quan trọng về an ninh năng lượng quốc gia trong khi dầu mỏ ở nước ta được khai thác từ những năm 80 của thập kỷ trước với sản lượng đạt khoảng 16-17 triệu tấn/năm. Vấn đề đáng quan tâm là ở chỗ, toàn bộ sản phẩm xăng dầu cho nền kinh tế và cho hoạt động các phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường thủy, đường không, lại lệ thuộc 100% vào nhập từ ngoài với giá cao và bị động theo gía thị trường xăng dầu thế giới. Năm 2007 Việt Nam đã xuất khoảng 15,7 tấn dầu thô, đổi lại phải nhập về 12 triệu tấn xăng dầu (tương đương 18-20 triệu tấn dầu thô) với giá cao hơn nhiều lần giá dầu xuất khẩu vì để sản xuất được 1 tấn xăng dầu phải cần đến 1,5-1,7 tấn dầu thô. Do đó tiền bán dầu thô không đủ để nhập xăng dầu về sử dụng. Nghịch lý này thật chua chát ví như ta sản xuất được thóc lúa nhưng phải bán đi giá rẻ và nhập gạo giá cao về ăn đong hàng ngày. Điều đó làm cho an ninh năng lượng của nước ta về phương diện xăng dầu luôn bị đe doạ, không cho phép phát triển bền vững và tăng trưởng ổn định. Ngay như khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động vào khoảng 2009-2010 với công suất dầu thô khoảng 7 triệu tấn/năm, sản lượng xăng dầu sản xuất được trong nước chỉ được khoảng 5 triệu tấn/năm, như vậy vẫn chưa đủ thoả mãn cho nhu cầu của nền kinh tế, vì hiện nay nhu cầu xăng dầu đã là 12 triệu tấn/năm, và theo dự báo nhu cầu xăng dầu ở giai đoạn 2010 sẽ lên tới khoảng 14,1 – 14,8 triệu tấn/năm, giai đoạn 2020 khoảng 26,3 – 28,6 triệu tấn/năm, giai đoạn 2050 con số này sẽ lên đến 90 – 98 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, mức tiêu thụ xăng dầu theo các tính toán cho các thập kỷ tới chỉ lấy bình quân hằng năm tăng trên dưới 10% để tính toán, chưa phải đã là mức có tính đến sự bùng nổ trong phát triển và tiêu dùng xăng dầu ở nước ta trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Để thoả mãn nhu cầu xăng dầu cho nền kinh tế hiện nay chúng ta chỉ có giải pháp duy nhất là nhập khẩu xăng dầu toàn bộ. Giải pháp này đưa nước ta vào thế bị động vì cả thế giới đang lâm vào khủng hoảng dầu mỏ gay gắt, nguồn cung không đủ cầu, như vậy nguồn xăng dầu cho tiêu dùng và dầu thô cho các nhà máy lọc dầu tương lai nhập khẩu sẽ xuất xứ từ đâu với giá cả biến động ra sao đều là bài toán chưa có lời giải, thậm chí khó có lời giải trong các giai đoạn tới. Khi giá dầu thế giới tăng liên tục và đã men đến ngưỡng 100 USD/thùng ở thời điểm tháng 11 năm 2007, đối với nước ta như một cú “sốc” mạnh, đã  gây ra nhiều bị động, lúng túng trong xử lý bình ổn thị trường xăng dầu bằng những giải pháp tình thế, buộc phải tăng giá xăng dầu vào thời điểm rất nhạy cảm mà không thể tiếp tục bù lỗ như trước, vì nếu bù lỗ ngân sách nhà nước có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng chỉ tính riêng nhu cầu năm nay. Nhà nước rõ ràng chưa sẵn sàng trước nguy cơ cuộc khủng hoảng năng lượng đang đe dọa sự ổn định đời sống xã hội và tăng trưởng kinh tế của đất nước trong giai đoạn tới. Giải pháp bù lỗ giá xăng dầu để giữ ổn định thị trường vừa qua chỉ là giải pháp tình thế và không bền vững. Giải pháp tăng giá xăng dầu đột ngột gần đây là giải pháp bất khả kháng, bị động theo thị trường thế giới, có nguy cơ kéo theo “cơn bão”  tăng giá các hàng hóa khác trên thị trường nội địa, tiềm ẩn rất nhiều bất an cho nền kinh tế đang cần sự phát triển ổn định. Nhà nước cần cảnh giác trước nguy cơ cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ ba với đặc điểm khác các cuộc khủng hoảng năng lượng trước đây để đặt ra mục tiêu chiến lược ngắn hạn và dài hạn với một lộ trình khả thi nhằm đích đến là giảm từng phần, đi đến giảm về cơ bản sự phụ thuộc vào xăng dầu nước ngoài từ nay cho đến năm 2020 và xa hơn, bằng cách đầu tư mạnh và tập trung cho nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng bổ sung thêm những dạng nhiên liệu mới như ethanol từ phế thải nông, lâm nghiệp (cellulosic ethanol), biodiesel từ dầu mỡ động, thực vật (loại phế thải hoặc loại không ăn được), đặc biệt dạng nhiên liệu mang tính chiến lược lâu dài là hydro từ than và từ nước nhờ xúc tác dưới ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, tìm cách sử dụng hợp lý và có chính sách, biện pháp quyết liệt để tiết kiệm xăng dầu hiệu quả trong toàn bộ nền kinh tế, và không nên tăng sản lượng khai thác dầu thô để xuất khẩu, bảo đảm một dự trữ dầu với một cơ số an toàn cho hoạt động của các nhà máy lọc dầu sắp hoạt động.

Trần Mạnh Trí

Tác giả