Kịch bản gia nhập WTO
Mặc dù có những nỗ lực rất lớn nhưng Việt Nam vẫn chưa trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm nay. Ngẫm nghĩ kỹ một chút về kịch bản hội nhập dường như sẽ gợi mở thêm những vấn đề.
Cái lợi lớn nhất là khi gia nhập WTO, đa số dân của Việt Nam sẽ được hưởng lợi: Khi đã là thành viên của WTO, dòng hàng hoá (xuất nhập khẩu) sẽ lưu chuyển dễ dàng hơn, lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh sẽ phát huy tác dụng một cách tốt nhất. Điều này có nghĩa là những mặt hàng chúng ta đang xuất khẩu mà chủ yếu là những các hàng hóa nông sản (gạo, cà phê, tiêu, chè, cao su, thủy sản,…), hàng hoá sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da…), tài nguyên thiên nhiên (than, dầu…) sẽ có vị trí tốt hơn hiện nay, khả năng xuất khẩu được nhiều hơn với mức lợi nhuận cao hơn (các rào cản thuế quan và phí thuế quan sẽ được hạ thấp làm chi phí giảm) rất có thể xảy ra. Khi đó, thu nhập của những người trồng lúa, cà phê, tiêu, chè, cao su…, những công nhân miệt mài sau những chiếc máy may, những người thợ vùng mỏ … sẽ tăng lên. Nếu điều này xảy ra, khả năng cuộc sống của hơn 90% người Việt Nam sẽ được cải thiện.
Việt Nam sẽ ít bị “bắt chẹt hơn” trong quan hệ thương mại quốc tế: Thành ngữ Việt Nam có câu “Buôn có bạn, bán có phường”. WTO là một “Hội buôn” có tổ chức cho toàn thế giới. Do đó, nếu không là thành viên của “Hội buôn” này, Việt Nam sẽ gặp vô số bất lợi trong việc giao thương, buôn bán quốc tế. Chuyện bị phân biệt đối xử, chuyện thường xuyên phải mang tráp đi hầu các vụ kiện bán phá giá ở vị trí bất lợi và không có người bênh vực là điều không tránh khỏi. Khi trở thành thành viên của WTO, vị trí của Việt Nam trên thế giới sẽ được cải thiện đáng kể. Giao thương quốc tế sẽ ổn định hơn. Nhưng điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ hết gặp những vấn đề như các vụ kiện tôm, cá vừa qua…
Một cơ hội tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Năng lực cạnh tranh rất yếu của chúng ta là điều hiện ai cũng thấy: từ trình độ quản lý, trình độ độ công nghệ và năng lực tài chính yếu của các doanh nghiệp-động cơ chính của nền kinh tế. Khi gia nhập WTO, dòng vốn, dòng người và dòng hàng hoá sẽ chảy vào ra Việt Nam dễ dàng hơn. Điều này có nghĩa là khả năng sẽ có nhiều tiền hơn được đầu tư, nhiều công nghệ tiên tiến hơn được đưa vào và những kỹ năng quản lý tốt sẽ được áp dụng tại Việt Nam. Kết quả là năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ được cải thiện. Trình độ quản lý và trình độ công nghệ, năng lực tài chính của các doanh nghiệp sẽ được cải thiện đáng kể.
Việt Nam sẽ có một hệ thống pháp lý hoàn thiện hơn, hội nhập hơn: Khi gia nhập WTO, chúng ta phải chơi theo luật chung và chấp nhận thách thức, nếu hệ thống thể chế luật lệ, các cơ sở pháp lý của chúng ta không hoàn thiện sẽ bị lợi dụng, tác động không tốt đến nền kinh tế. Do đó, khi trở thành thành viên của WTO, sẽ là một áp lực rất lớn để chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp lý để hội nhập. Một chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý đã phát biểu rằng: “Không tính đến những lợi ích khác, chỉ riêng áp lực buộc phải xây dựng một hệ thống pháp lý tốt hơn để trở thành thành viên WTO cũng là điều đáng để chúng ta gia nhập tổ chức này”.
Thu nhập của những người làm nông nghiệp ở Việt Nam có thể sẽ được cải thiện nếu nước ta gia nhập WTO. Ảnh: Quốc Tuấn
|
Chất lượng các dịch vụ cơ bản (các thành tố chính của cơ sở hạ tầng cứng trong nền kinh tế) sẽ được cải thiện: Chỉ cần so sánh các dịch vụ cơ bản của nền kinh tế như ngân hàng, viễn thông, dịch vụ tiện ích (điện nước, giao thông công cộng …) với các nước chung quanh thì ta có thể thấy khoảng cách của ta so với họ lớn như thế nào. Các dịch vụ cơ bản này lạc hậu và kém sức cạnh tranh là do yếu tố độc quyền vốn là lực cản sự đổi mới, phát triển và cản trở cạnh tranh. Khi gia nhập WTO, chúng ta phải mở cửa những ngành này, buộc những doanh nghiệp đang có vị thế độc quyền vào một áp lực cạnh tranh rất lớn. Theo nguyên tắc của cạnh tranh, trong hầu hết các trường hợp người tiêu dùng sẽ có lợi. Nhìn chung, tổng chi phí của toàn xã hội sẽ giảm xuống hay lợi ích của toàn xã hội sẽ tăng lên. Việc cải thiện chất lượng các dịch vụ cơ bản là cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Hay nói cách khác, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (nhân tố chính của nền kinh tế) sẽ không thể cải thiện nếu các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng không tốt
Những người bị thiệt thòi
Nhìn chung, tất cả mọi người đều có lợi khi Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét tới những người có khả năng bị thiệt hại, những thách thức, những cái mất có thể xảy ra.
Có thể, hơn 90% dân số sẽ được lợi, nhưng một bộ phận nhỏ ngược lại sẽ phải chịu thiệt: Như đã đề cập ở trên, hầu hết nông dân (những người trồng lúa, cà phê, chè…) đều có lợi từ việc gia nhập WTO. Tuy nhiên, sẽ có một bộ phận nhỏ nông dân, đặc biệt là những người đang sản xuất ra những nông sản có khả năng phải đương đầu trực tiếp với hàng nhập khẩu gia tăng sau khi gia nhập WTO (như đường, ngô…) sẽ gặp bất lợi. Tuy nhiên, nếu xét sâu hơn một chút, vấn đề này là căn nguyên của việc thất bại trong dự án 1 triệu tấn đường. Có gia nhập WTO hay không thì hầu hết các nhà máy đường cũng đã điêu đứng, làm cho nông dân trồng mía cũng bị điêu đứng theo. Như vậy, tuy có hại trước mắt nhưng điều này sẽ tốt cho Việt Nam trong việc xem xét thực hiện các chính sách dài hạn.
Các doanh nghiệp đang hoạt động trong các ngành đang được bảo hộ, đang có các rào cản gia nhập cao (viễn thông, điện nước, tài chính ngân hàng,…) sẽ chịu nhiều bất lợi. Những người làm trong các doanh nghiệp này có khả năng sẽ bị ảnh hưởng.
Khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ không có điều kiện bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ, vốn chưa đạt tới một quy mô nhất định để có thể trụ vững. Tuy nhiên, việc để thị trường quyết định thường sẽ tốt hơn là việc quyết định bằng ý chí chủ quan.
Gia nhập WTO sẽ là điều kiện để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp lý, tăng khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ cơ bản. Tuy nhiên, nếu làm không tốt điều này, nguy cơ bị lợi dụng các khe hở pháp lý làm cho tình hình tồi tệ hơn, khả năng các ngành dịch vụ cơ bản bị thống lĩnh và chi phối bởi các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn. Rõ ràng đây là điều mà Việt Nam không mong muốn.
Nếu không cẩn thận Việt Nam rất có thể sẽ trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm, là bãi rác của các nước khác. Khi gia nhập WTO, các đối tác được tự do “ra vào” và cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước không được cải thiện, nền kinh tế và các thị trường sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài thống trị. Khi đó chúng ta sẽ trở thành những người làm thuê nuôi béo các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời là nơi để các doanh nghiệp nước ngoài tống khứ những gì mà nước họ không cho chứa…
Điều chắc chắn là năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ được cải thiện nhờ trình độ quản lý, công nghệ và năng lực tài chính của doanh nghiệp trong nước gia tăng khi gia nhập WTO. Ảnh: Quốc Tuấn
|
Còn nhiều thách thức và vấn đề khi gia nhập WTO của Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ là duy ý chí, nếu ta chỉ muốn một cái gì đó có lợi cho ta. Những thách thức khi gia nhập WTO là rất nhiều, nhưng lợi ích của nó còn lớn hơn nhiều. Do đó, Việt Nam cần có sự chuẩn bị một cách tốt nhất để tận dụng tốt những cơ hội khi trở thành thành viên của WTO.
Năm nay hay xa hơn nữa?
Không thể gia nhập WTO trong năm nay là điều đáng buồn, nhưng nếu nhìn lại một chút thì chúng ta có thể cởi bỏ được điều bận tâm này.
Cho đến nay, hầu như chưa có một nghiên cứu chính thức nào đánh giá một cách toàn diện mức độ, hiểu biết quan tâm của công chúng về tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng, hình như đang có tâm lý chung là rất nhiều người cảm thấy lo lắng và sẽ bị thiệt hại. Thực ra lo lắng này chỉ đúng với một số ít người như đã phân tích ở trên, nhất là những doanh nghiệp đang có vị trí độc quyền, đang được bảo hộ. Điều đáng nói là nếu tính lợi ích của việc gia nhập WTO cho tổng thể nền kinh tế là lớn, nhưng chia ra cho hơn 90% dân số thì lại nhỏ cho nên mối bận tâm của mỗi người là không đáng kể. Ngược lại, đối với số bị ảnh hưởng, tuy tổng thiệt hại là nhỏ, nhưng chia cho số người bị thiệt hại (còn nhỏ hơn nữa) thì con số lại là đáng kể. Chính vì vậy những người này thường xuyên kêu ca về nó. Điều này khiến mọi người có cảm giác lầm tưởng là gia nhập WTO chỉ có hại mà không có lợi.
Gia nhập WTO năm nay là điều kiện tốt, nhưng chưa thể gia nhập không phải là một điều tồi tệ. Với một khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm so sánh với vài năm là tương đối lớn, nhưng nếu so sánh với 50 hay 100 năm – khoảng thời gian cần thiết để một quốc gia có thể lớn mạnh – thì con số này là không lớn.
Theo quan điểm của người viết bài, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để tất cả mọi người thấy được những lợi ích và thách thức của mình, của ngành mình, của quốc gia khi chúng ta gia nhập WTO để có sự chuẩn bị tốt nhất, tận dụng tốt nhất những cơ hội, giảm thiểu những điều bất lợi hơn là cố vào WTO mà phải trả giá cao. Năm nay hay sang năm, đối với một số người có thể là sự khác biệt rất lớn, nhưng đối với sự trường tồn và phát triển của một quốc gia, một dân tộc, sự khác biệt này nằm ở chỗ khác.
—————————
Chú thích ảnh: Những chuyện kiện cáo phá giá đối với các sản phẩm của Việt Nam như da giày, may mặc liệu có chấm dứt khi ta bước vào sân chơi chung của thế giới? Ảnh: Quốc Tuấn
Nguồn tin: Tia sáng