Kiểm chứng hiệu quả của biện pháp chà dịch âm đạo của mẹ lên con sau khi mổ đẻ

Việc sinh mổ có thể khiến trẻ bị thiếu hụt các vi khuẩn quan trọng lấy được từ mẹ qua đường sinh thường và biện pháp chà dịch âm đạo của mẹ lên con đang được nghiên cứu, thử nghiệm.

Gần đây nổi lên một số nghiên cứu cho thấy phương pháp đẻ có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật của trẻ sơ sinh. Một số nghiên cứu đặt nghi vấn liệu đẻ mổ có khiến trẻ bị thiếu hụt các vi khuẩn quan trọng lấy được từ mẹ qua đường sinh thường không. Đây là một câu hỏi quan trọng vì cấu trúc ban đầu của hệ vi sinh vật có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, chẳng hạn như nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.

Nghi vấn nêu trên cũng khiến các biện pháp như chà dịch âm đạo của mẹ lên con sau khi mổ đẻ (vaginal microbe transfer – VMT) phổ biến hơn. Tuy nhiên, chưa có các bằng chứng lâm sàng rõ ràng cho thấy độ an toàn và hiệu quả của biện pháp này.

Để tìm hiểu ảnh hưởng của VMT lên hệ vi sinh vật của trẻ, các nhà khoa học tại Đại học Y miền Nam, Trung Quốc, đã tiến hành một thử nghiệm mù ba lên một nhóm thuần tập các trẻ được mổ đẻ tại Bệnh viện trực thuộc số 7 Đại học Y miền Nam.

Phương pháp mù ba là khi bệnh nhân, bác sĩ lâm sàng và người thực hiện phân tích thống kê không biết người tham gia được nhận liệu pháp nào.

Trong nghiên cứu, trẻ sơ sinh và mẹ được chia làm 2 nhóm: một nhóm gồm 32 trẻ sơ sinh được chà gạc nhúng dịch âm đạo của mẹ lên môi, da và tay; còn nhóm kia có 36 trẻ được chà gạc nhúng nước muối. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra độ an toàn để đảm bảo người mẹ không bị nhiễm trùng, chẳng hạn như liên cầu khuẩn nhóm B hay các bệnh lây qua đường tình dục.

Kết quả, sau 6 tuần, trẻ sơ sinh được chà dịch âm đạo có nhiều vi khuẩn đường ruột, vốn tồn tại trong dịch âm đạo của mẹ, hơn trẻ được chà nước muối. Điều này cho thấy vi khuẩn có khả năng di chuyển từ những vùng được chà đến đường tiêu hóa của trẻ và phát triển ở đó. Nhóm trẻ này cũng có nhiều vi khuẩn đường ruột trưởng thành hơn sau 6 tuần, giống với thành phần vi khuẩn đường ruột ở trẻ sinh thường.

Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá sự phát triển thần kinh của trẻ sau 3 và 6 tháng bằng bảng hỏi cho các bà mẹ, liên quan đến việc trẻ có tạo ra các âm thanh đơn giản hay các cử động như bò trườn không. Trẻ trong nhóm áp dụng thực hành VMT có kết quả cao hơn hẳn sau 3 và 6 tháng, so với trẻ bôi nước muối. Tuy nhiên, việc thu thập số liệu tự báo cáo này có thể có hạn chế về độ chính xác.

Theo các nhà nghiên cứu, hệ vi sinh vật đường ruột phát triển hơn ở trẻ áp dụng thực hành VMT có thể liên quan đến thang điểm cao hơn về phát triển thần kinh. Nghiên cứu cho thấy thực hành VMT có thể đã đẩy nhanh quá trình phát triển của hệ vi sinh đường ruột của trẻ sinh mổ. Và trong quá trình đó có sự tăng dần của các vi khuẩn hay thiếu hụt ở trẻ sinh mổ như Escherichia, Bifidobacterium và Lactobacillus. Đồng thời, lại có sự giảm dần của các vi khuẩn tiềm tàng mầm bệnh như Staphylococcus và Klebsiella. Theo các nhà nghiên cứu: “Những chủng vi khuẩn đường ruột này liên quan tới lão hóa và cũng được ghi nhận là có liên quan tới sự phát triển thần kinh trong thời kì sơ sinh, bao gồm các đặc điểm tính cách, sự phát triển nhận thức và vận động, cũng như tổn thương não bộ.”.

Hiện chưa xác định được vi khuẩn ban đầu trong đường ruột ảnh hưởng tới sự phát triển thần kinh bằng cách nào. Theo các nhà nghiên cứu, có một số bằng chứng gián tiếp về một vài chất chuyển hóa vi sinh liên quan đến bệnh tật. Trẻ áp dụng thực hành VMT có mức axit indolelactic cao hơn trong phân, đây là một chất chuyển hóa do một vài loại vi khuẩn Clostridium sản sinh. Việc giảm lượng chất này đã được ghi nhận ở những người bị bệnh thoái hóa thần kinh, bao gồm Parkinson và Alzheimer.

Trong tương lai, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem liệu thực hành VMT có khả năng làm giảm bệnh về phát triển thần kinh ở trẻ em, như chứng tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ và thiểu năng trí tuệ không. Họ đang lên kế hoạch cho các nghiên cứu lâm sàng dài ngày hơn với số người tham gia lớn hơn.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Host & Microbe.

Trang Nguyễn

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)