Kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhẹ nhưng không thể chủ quan

Qua những tháng đầu năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhẹ trong bối cảnh vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ rủi ro, đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách có sự điều chỉnh linh hoạt và quyết tâm nỗ lực cải cách thực sự từ Chính phủ vì sự phát triển bền vững lâu dài.

Đây là những thông điệp có thể thu nhận được từ phân tích của các chuyên gia kinh tế trong Hội thảo “Triển vọng kinh tế & tầm nhìn chính sách 2014” do Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hôm 6/3 vừa qua.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá nền kinh tế của thế giới và Việt Nam trong thời gian gần đây đã có những bước hồi phục nhẹ. Trong năm 2014, dự kiến các nền kinh tế sẽ có mức tăng trưởng cao hơn năm trước, mức rủi ro cũng thấp hơn mặc dù vẫn tiềm ẩn nguy cơ từ các thị trường tài chính (đặc biệt là Trung Quốc) và những bất ổn về địa chính trị (bất ổn tại Ukraine và các tranh chấp biển đảo ở khu vực Châu Á).

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, các số liệu kinh tế của Việt Nam trong hai tháng đầu năm nay cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ, mức tiêu thụ và tồn kho, v.v đang nhích dần lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh này Nhà nước không được chủ quan mà cần sự linh hoạt điều chỉnh chính sách, tránh những chính sách kích thích quá đà khiến thị trường tài chính quay trở lại tình trạng bong bóng – ông Thành cho rằng những diễn biến gần đây trên thị trường chứng khoán cho thấy có dấu hiệu bong bóng chứng khoán bắt đầu xuất hiện trở lại, mặc dù chỉ mới đang ở mức nhỏ.

Trong khi đó, nhiều vấn đề cấp bách vẫn đang tồn tại chờ Nhà nước giải quyết, như tình trạng thâm hụt ngân sách do chi thường xuyên tăng cao (thể hiện bộ máy hành chính Nhà nước đang phình ra quá nhanh), nợ xấu của các ngân hàng chỉ mới được gom về để đấy mà chưa được xử lý, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm tái cơ cấu, đặc biệt chất lượng quản trị không được nâng lên, v.v.

Để nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới có sự phục hồi và phát triển một cách chắc chắn hơn, các chuyên gia nhất trí cho rằng Nhà nước cần những hành động cải cách mạnh mẽ, thay vì chỉ thể hiện quyết tâm qua lời nói như hiện nay.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)