“Kinh tế Việt Nam đang tụt hậu”

“Kiểm điểm” nửa chặng đường phát triển giai đoạn 2011-2015, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ lo ngại: "Nền kinh tế Việt Nam đang tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực!"

Những cảnh báo đáng mạnh mẽ về tình hình kinh tế đã được đưa ra tại hội thảo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm và những điều chỉnh chiến lược” diễn ra sáng 23/9. Sự kiện này do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội tổ chức.

Đừng đổ hết cho khủng hoảng

“Suy yếu”, “tụt hậu”, “khoảng cách ngày càng xa so với các nước” là những nhận định được các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh. Điểm sơ sơ về số liệu kinh tế, các diễn giả đều khẳng định, nhiều mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 có khả năng không thực hiện được.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm được xây dựng trong bối cảnh nhiều dự báo lạc quan về triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới. Khi đó, trong nước cũng có nhiều chuyển biến theo hướng thuận lợi.

Tuy nhiên, thực tế hơn 2 năm qua, tình hình kinh tế thế giới biến động khá phức tạp. Trong nước, những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế tích tụ nhiều năm cùng với những mặt trái của gói kích thích đã cộng hưởng tạo nên hiệu ứng lạm phát tăng cao, bất ổn vĩ mô dài hơn dự kiến.

Ông Phúc thẳng thẳn nhìn nhận: “Trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì tại Việt Nam, sự phục hồi còn chậm. Xét về mặt tuyệt đối, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đang ngày một cách xa”.

“Dư địa chính sách cho mô hình tăng trưởng hiện tại không còn nhiều. Những cảnh báo về một nền kinh tế chưa ẩn nhiều rủi ro và một triển vọng tăng trưởng không mấy tươi sáng đang có nguy cơ trở thành hiện thực”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quan ngại.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ: “Vì sao nên nông nỗi như vậy? Tôi thấy bức tranh rất lổm nhổm, có thể do các nguyên nhân như chúng ta chủ quan duy ý chí đề ra những cái không tưởng. Thứ hai, đề ra nhưng không làm hoặc ngược lại; Thứ ba là tình hình đảo lộn quá; Thứ tư là tình hình thực tế biến động không lường được”.

Không chỉ vậy, theo nguyên Phó thủ tướng “bản kiểm điểm” còn ít nói về những sai lầm của chúng ta. “Khủng hoảng kinh tế không phải là nguyên nhân chủ yếu vì nhiều anh cũng bị ảnh hưởng nhưng đâu đến nỗi như ta. Những cái liên quan đến thế giới như xuất khẩu, vốn nước ngoài không sụt giảm nhiều lắm nhưng tại sao lại đổ cho nó.”

Ông Khoan nói tiếp: “Nếu chúng ta không mạnh dạn xử lý thì sẽ lúng túng”.

Nhấn mạnh hơn về kết quả “bản kiểm điểm” này, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Đảng, ông Vương Đình Huệ thừa nhận: “Nền kinh tế Việt Nam đang tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực!”

Theo ông Huệ, ngoài lý do bên ngoài thì với những yếu kém nội tại đã bộc lộ rõ hơn, cần phải xem xét những nguyên nhân do điều hành của chính chúng ta.

Đừng quá vội vàng

“Chúng ta có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng cần thận trọng để tránh rơi vào bẫy của tăng trưởng”, ông Huệ bày tỏ.

Ông Huệ đề nghị, chặng đường tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Nên chăng cần có chương trình trung hạn từ nay tới năm 2015 để phục hồi kinh tế, khôi phục niềm tin cho thị trường.

Bối cảnh hiện nay cho phép chúng ta chuyển sang chính sách kiểm soát lạm phát có mục tiêu, giải quyết hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu lạm phát.

Ví dụ như CPI nên dự kiến tăng khoảng 7% mỗi năm cho 3 năm tới là 2013 – 2015 và có thể dưới 5% cho các năm tiếp theo, đồng thời, nên đặt mục tiêu tăng trưởng hợp lý bằng khoảng 6% cho giai đoạn 2014 – 2015.

Vị trưởng Ban Kinh tế Trung ương còn đề xuất nên điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2015 như tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm điều chỉnh từ kế hoạch 6,5 – 7% cũ về còn 5,4%. Chỉ số giá tiêu dung vào năm 2015 giảm điều chỉnh từ 5-7% lên 7%.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chúng ta nên chuyển sang thực hiện chính sách trọng cung thay vì trọng cầu như thời gian qua. Đây không hẳn là một kế hoạch trung hạn, nhưng là định hướng chính sách từ nay đến năm 2015, tránh việc áp dụng những giải pháp ngắn hạn để giải quyết vấn đề dài hạn.

Chuyên gia Võ Trí Thành lưu ý 3 điều là ổn định kinh tế vĩ mô, thứ hai là phục hồi và tiếp theo là tái cấu trúc. Từ nay tới 2015 – 2016 không vì áp lực nào mà né tránh, méo mó mục tiêu ổn định. Sự phục hồi phải trong khuôn khổ ổn định và không nên quá vội vã, phải đặt trong bối cảnh tái cấu trúc.

Thậm chí, ông Thành còn nói, không nên chỉ nhìn nước ta như nước nghèo, đã đến lúc phải nhìn ra khía cạnh thực sự mạnh của Việt Nam. Có hai vấn đề hiện nay đặt ra rất lớn là công nghiệp rất quan trọng với Việt Nam, nhưng 10 năm tới công nghiệp của Việt Nam chỉ là “follower”. Đã đến lúc Việt Nam cần tìm những lĩnh vực có thể đi đầu thế giới. Đồng thời, phải có thể chế thực thi và nguồn lực thực thi chiến lược đấy.

Theo GS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường kinh tế quốc dân : Ước tính trung bình giai đoạn 2011 – 2015, GDP của Việt Nam chỉ đạt dưới 6%, thấp hơn 1-1,5 điểm phần trăm so với kế hoạch.

Tốc độ tăng trưởng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2012 tương đương với Philipines, thấp hơn Indonesia và Malaysia và cao hơn Singapore và Thái Lan. Tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt nam bắt đầu xu thế suy giảm nhanh và liên tục từ giai đoạn cuối năm 2007, đến giai đoạn cuối năm 2012 nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó, tăng trưởng các nước ASEAN – 5 đều khởi sắc hơn kể từ cuối 2009, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Từ năm 2012, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đã giảm xuống nhưng đây là mức cao nhất so với các nước ASEAN-5, kể từ năm 2000. Trong khi tăng trưởng các nước trong khu vực đang có xu hướng gia tăng nhưng vẫn giữ được mức lạm phát thấp thì Việt Nam đối diện với tốc độ tăng trưởng suy giảm liên tục nhưng lạm phát lại cao.

Biến động lạm phát ở Việt Nam cũng cao hơn nhiều phản ánh, sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Việt Nam lớn so với các nước trong khu vực và bất ổn vĩ mô vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)