Kỹ sư Hồ Quang Cua: Đổi vận hạt lúa Sóc Trăng
Hơn 20 năm gắn bó với cây lúa, kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Sóc Trăng, đã đem lại danh tiếng cho hàng chục giống lúa thơm ST không chỉ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, ST3 có thời gian sinh trưởng và năng suất thu hoạch tương đương với giống lúa chất lượng cao IR 64, vốn được nhập nội và tuyển chọn từ Viện lúa Quốc tế IRRI, nhưng có chất lượng gạo tốt hơn và ít bị bạc bụng. Ưu điểm lớn nhất của ST3 là hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng của các địa phương vùng ĐBSCL và có khả năng sinh trưởng rất tốt, cho năng suất cao ở các vùng thổ nhưỡng ven biển.
Sau thành công bước đầu này, kỹ sư Hồ Quang Cua đã tiếp tục tìm ra hàng loạt giống lúa thơm ST và hình thành bộ sưu tập giống lúa ST1 đến 20 và ST3 đỏ. Bộ sưu tập lúa thơm ST của ông có tới 20 giống lúa, qua đó định hình một trong những chỉ dẫn địa lý gạo thơm hàng đầu của Việt Nam.
Trong số 20 giống lúa này, đáng chú ý có giống ST màu tím than giàu vitamin, chứa chất chống ô xy hóa anthocyanin, quá trình gây ra sự lão hóa ở con người nên được mệnh danh là “gạo dược liệu”. Từ hạt gạo ST màu tím than này, những “bữa cơm nên thuốc” đã được người mắc bệnh tiểu đường, béo phì, cao huyết áp… hoặc những người ăn kiêng thực dưỡng ưa chuộng. Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, giống gạo thảo dược này có thể đem lại thu nhập bình quân của người dân tăng 30-50% so với gạo trắng thường vì “tùy từng thời điểm mà giá gạo thảo dược cao hơn từ 60 đến 70% gạo trắng, qua đó thu nhập người nông dân cao hơn bình thường”.
Không chỉ tạo ra những giống lúa ST chất lượng cao, ông Hồ Quang Cua còn quan tâ, đến khâu đầu ra cho sản phẩm. Ông cho rằng, trong quy trình sản xuất lúa gạo hiện nay có bốn khâu chính nhưng người nông dân chỉ tham gia hai khâu cực nhọc nhất nhưng lại thu lời ít nhất. Vì vậy để đảm bảo cho người nông dân có được thu nhập tương xứng với sức lao động, ông và ban giám đốc Sở NN & PTNT Sóc Trăng đã tìm mọi cách đưa hạt gạo ST đến thẳng thị trường trong và ngoài nước. Một bước quan trọng trong hành trình đó là đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các giống gạo thơm ST. Nhờ vậy, giá bán gạo ST trên thị trường xuất khẩu và trên thị trường nội địa luôn đứng vững ở mức cao hơn 600 USD/tấn, đem lại cuộc sống ổn định cho người trồng lúa ST.
Đến nay, vùng nguyên liệu cho các giống lúa thơm ST đã được mở rộng đến 30.000 hecta và đạt ngưỡng giá trị sản xuất mỗi ha đất canh tác là 50 triệu đồng.
Để đi đến thành công, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ, bài học kinh nghiệm mà ông đúc rút là “chọn tạo được giống lúa thơm tại chỗ, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, xây dựng được qui trình canh tác hiệu quả phù hợp với trình độ nông dân”.
Với những cống hiến của mình, Hồ Quang Cua đã được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lao động.