Lạm phát – vấn đề đáng lo ngại nhất

Keiko Kubota là chuyên gia kinh tế cao cấp của Ban Xóa đói giảm nghèo và Quản lý kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Bài trả lời phỏng vấn của Tạp chí Tia Sáng dưới đây thể hiện đánh giá của bà đối với một số thực trạng kinh tế và chính sách quản lý tài chính – tiền tệ của Việt Nam.


Trong bối cảnh có nhiều triệu chứng tiêu cực cho nền kinh tế, như lạm phát cao, thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân thanh toán cao, dự trữ ngoại hối thấp, thâm hụt ngân sách cao, dư nợ công đang ngấp nghé vượt ngưỡng an toàn, đâu là vấn đề cấp thiết nhất mà Việt Nam cần giải quyết?

Tất cả đều liên quan tới nhau nhưng lạm phát là vấn đề đáng lo ngại nhất. Dự trữ ngoại hối là vấn đề đáng lo ngại ở mức tương đối. Đối với thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân thanh toán thì Việt Nam chưa cần lo ngại. Thâm hụt ngân sách của Việt Nam cũng chưa phải là cao. Theo cách tính của Việt Nam thì thâm hụt ngân sách đang ở khoảng 5%, còn theo cách tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì thâm hụt ngân sách Việt Nam đang ở khoảng 3,28-3,5%. Dư nợ công của Việt Nam hiện đã tương đối cao nhưng Chính phủ vẫn có thể kiểm soát và dần điều chỉnh xuống được.

Mức lạm phát của Việt Nam hiện đã là 13,9%, mà một khi lạm phát đã trên mức 10% thì không dễ để hạ xuống. Người dân sẽ thường trực có tâm lý dự đoán giá cả gia tăng và điều này rất khó để giải tỏa. Lạm phát cao khiến người dân không tích lũy được tài sản, đời sống người nghèo bị ảnh hưởng.

Đối với vấn đề dự trữ ngoại hối, hiện tượng suy giảm dự trữ ngoại hối như những năm vừa qua nay đã giảm, tuy nhiên lượng dự trữ hiện nay còn rất thấp. Đây là vấn đề mang tính thanh khoản. Nếu ở thời điểm nào đó, Việt Nam không có đủ ngoại hối để thực hiện một khoản thanh toán quốc tế nào đó thì ngay lập tức uy tín tài chính sẽ bị ảnh hưởng và đấy sẽ là vết sẹo gần như vĩnh viễn.

Lạm phát đang là mối lo ngại chính của một số nước châu Á, bao gồm Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, … Nguyên nhân chính của vấn nạn này có phải là do sự tăng giá toàn cầu của một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và xăng dầu? Hay là từ sự bất hợp lý trong mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia này?

Sự gia tăng mang tính toàn cầu của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, và xăng dầu đóng một vai trò nhất định trong tác động tới lạm phát của mỗi quốc gia. Nhưng mỗi nước có một đặc thù riêng. Ví dụ như quốc gia nào càng sử dụng năng lượng kém hiệu quả thì càng tiêu nhiều năng lượng, và tác động của tăng giá xăng dầu toàn cầu càng lớn. Rổ hàng hóa của quốc gia nào có tỷ trọng lương thực, thực phẩm càng nhiều thì tác động của tăng giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tới lạm phát ở quốc gia đó càng lớn.

Những gói kích thích tài chính của các quốc gia trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa rồi cũng đóng vai trò nhất định. Một nền kinh tế không giống như một chiếc xe hơi để có thể muốn nhấn ga hay giảm ga theo ý muốn. Trong thời kỳ kinh tế toàn cầu suy thoái, người ta bơm tiền vào nền kinh tế qua các gói kích thích tài chính. Nhưng tới khi nhận ra nền kinh tế đang bị tăng trưởng quá nóng, người ta rút các gói kích thích tài chính này ra thì đã muộn, và hậu quả là lạm phát cao. Vì vậy, mô hình tăng trưởng kinh tế của các quốc gia không hẳn đã bị sai, mà là thời điểm thực thi các chính sách có độ vênh nhất định so với thực tiễn thị trường.

Tuy nhiên, khác với các quốc gia khác trong khu vực, lạm phát ở Việt Nam là đặc biệt cao. Ở các nước khác, lạm phát tới 6% đã bị coi là cao, trong khi Việt Nam đang là 13,9%. Điều này không thể chỉ do tăng giá toàn cầu, mà liên quan tới sự bùng nổ quá lớn về tín dụng trong những năm gần đây ở Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường vốn ở Việt Nam chưa phát triển nên việc huy động vốn chủ yếu là qua vay nợ ngân hàng.

Nguyên nhân nào khiến hình thức huy động vốn qua vay ngân hàng lại gây ra lạm phát nhiều hơn các hình thức huy động vốn khác? Vì sao thị trường vốn của Việt Nam vẫn chưa phổ biến hóa các hình thức huy động này?

Hình thức vay nợ ngân hàng tạo sức ép lên người đi vay vì kỳ hạn không dài và phải trả lãi suất. Ngân hàng sử dụng nguồn thanh toán này để tiếp tục cho vay và quy trình lặp đi lặp lại như vậy dễ tạo ra nguồn cung tín dụng quá lớn, gây ra lạm phát cao. Ngược lại, nếu thị trường vốn phát triển, người ta có thể huy động vốn qua thị trường trái phiếu, một hình thức ít tạo ra lạm phát hơn.

Lãi suất từ trái phiếu công ty thường tương ứng với lợi nhuận của doanh nghiệp. Lợi nhuận công ty càng cao thì lãi suất trái phiếu càng cao, nhưng điều đó không gây ra lạm phát vì tiền này được tạo ra từ sản phẩm và dịch vụ thực. Một khoản vay của ngân hàng thì không như vậy, dù bạn có làm ra sản phẩm hay không thì vẫn phải liên tục trả tiền lãi cho ngân hàng.

Các nước đang phát triển có thu nhập thấp thường chưa có một thị trường vốn phát triển toàn diện, và hình thức huy động vốn qua vay ngân hàng luôn là phổ biến nhất. Hình thức huy động vốn này thường không có độ linh hoạt cần thiết cho kinh doanh sản xuất giống như trái phiếu. Nhưng để có một thị trường trái phiếu phát triển thì trước hết phải có hành lang pháp lý hoàn thiện và một số lượng tối thiểu các nhà đầu tư trái phiếu, những chuyên gia có khả năng phân tích và quản lý trái phiếu. Đối với một khoản vay ngân hàng, bạn chỉ cần hai bên tham gia là đủ, nhưng để có một giao dịch mua bán trái phiếu thì cần có rất nhiều nhà đầu tư trái phiếu; cần có sự tương tác của nhiều phần tử tham gia để có thể tạo thành một thị trường trái phiếu đúng nghĩa.

Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất gặp phải những vấn đề nêu trên. Vậy đâu là nguyên nhân?

Chính sách tài khóa cần minh bạch hơn. Cần giám sát chặt hơn các ngân hàng và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Tránh tình trạng đầu tư mang tính đầu cơ. Về lâu dài, các doanh nghiệp Nhà nước cần tiếp tục được cải tổ để tránh lãng phí các nguồn lực của quốc gia. Ngay cả với những doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn hiệu quả thì các thông tin tài chính của những doanh nghiệp này cũng cần phải minh bạch hơn, công khai hơn.

Có lẽ WTO chính là thủ phạm. Sau khi tham gia vào WTO, Việt Nam được kết nối tự do với thị trường tài chính thế giới và đón nhận một dòng vốn khổng lồ qua hình thức vay nợ hoặc đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, khả năng quản lý trong nước thì có hạn. Vì vậy dòng vốn nước ngoài đã vượt quá khả năng hấp thụ và khai thác hiệu quả của quốc gia, và đã bị biến thành cơn bùng nổ về tín dụng.

Khả năng điều tiết của Chính phủ Việt Nam còn hạn chế. Đáng nhẽ phải nỗ lực thúc đẩy phát triển và hoàn thiện thị trường tài chính hơn nữa thì Việt Nam lại dựa nhiều vào những chính sách quản lý hành chính mang tính chất ép buộc lên thị trường. Ví dụ như trong chính sách quản lý tỷ giá, giá cả, và hạn chế nhập khẩu. Những chính sách ép buộc như vậy khiến thị trường không thể tự chuyển hóa một cách linh hoạt tự nhiên, và càng làm gia tăng sức ỳ. Rõ ràng Chính phủ luôn muốn giành quyền kiểm soát, nhưng thực tiễn đã chứng minh điều này là không thể. 

Đâu là chính sách gây ảnh hưởng bóp méo lên thị trường nhiều nhất của Việt Nam, và động cơ nào lý giải chính sách này?

Hẳn là chính sách neo tỷ giá. Chính sách này khiến giá USD của Ngân hàng Nhà nước luôn thấp hơn giá thị trường tự do, tạo ra động cơ găm giữ USD và vàng thay vì giữ đồng VND.

Động cơ nào lý giải chính sách này? Một phần là do Nhà nước muốn duy trì kiểm soát, nhưng một phần khác là sức ỳ từ thói quen. Mọi cơ quan quản lý, ngay cả Ngân hàng Thế giới cũng không ngoại lệ, đều có những lề thói và quy định cố hữu nào đó, và người ta đều rất ngại phải thay đổi.

Nếu như có thể chuyển đổi từ chính sách neo tỷ giá sang chính sách thả nổi tỷ giá, Chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết được rất nhiều vướng mắc hiện nay. Nhưng mặt khác, một sự chuyển đổi như vậy cũng sẽ gây phát sinh ra những vấn đề mới, ví dụ như nghĩa vụ thanh toán nợ nước ngoài sẽ biến thiên hằng ngày tùy thuộc vào tỷ giá thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài thì rõ ràng không có lực kiểm soát nào có thể thắng được nhu cầu dịch chuyển tự nhiên của thị trường, nên ngay cả khi cố theo đuổi chính sách neo tỷ giá thì vẫn có những lúc Chính phủ buộc phải phá giá VND như vừa qua. Vì vậy, về lâu dài Việt Nam cần hướng tới chính sách tỷ giá thả nổi hơn 1. Trước mắt thì chưa nên, vì mục tiêu quan trọng nhất bây giờ là ổn định kinh tế. Khi kinh tế Việt Nam đã ổn định, dự trữ ngoại hối đã được tích lũy đủ, đó là lúc nên chuyển đổi chính sách triệt để hơn vì khi ấy nền kinh tế đủ sức để hấp thụ các cơn sốc ngoài mong muốn.

Ngân hàng Thế giới có khuyến nghị gì để giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề lạm phát cao hiện nay?

Chính sách tiền tệ cần thắt chặt hơn nữa. Lãi suất cần được tiếp tục nâng cao một cách thận trọng cho tới khi lạm phát có dấu hiệu giảm xuống. Đây là một chính sách khắc nghiệt, khiến cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn, nhân công mất việc, vì vậy cần thận trọng. Nhưng dù thế nào thì lãi suất tối thiểu cũng phải cao hơn mức lạm phát.

Đối với nợ của khối doanh nghiệp Nhà nước, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay không phải là nợ nước ngoài, mà là nợ trong nước. Nếu một doanh nghiệp Nhà nước nào đó mất khả năng thanh toán nợ cho một khoản vay từ một ngân hàng trong nước thì ngân hàng này sẽ thực sự gặp khó khăn. Khó khăn này nếu vượt quá khả năng hấp thụ của ngân hàng đó thì sẽ gây đổ vỡ mang tính dây chuyền trong hệ thống tài chính.

Chính sách tài khóa cần minh bạch hơn. Cần giám sát chặt hơn các ngân hàng và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Tránh tình trạng đầu tư mang tính đầu cơ. Về lâu dài, các doanh nghiệp Nhà nước cần tiếp tục được cải tổ để tránh lãng phí các nguồn lực của quốc gia. Ngay cả với những doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn hiệu quả thì các thông tin tài chính của những doanh nghiệp này cũng cần phải minh bạch hơn, công khai hơn.

Cách đây chưa lâu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế bày tỏ sự nhất trí với khẳng định từ Chính phủ Việt Nam rằng nợ công của Việt Nam là trong giới hạn an toàn. Còn hiện nay, sau sự kiện Vinashin không trả được khoản thanh toán nợ 60 triệu USD, Ngân hàng Quốc tế và dư luận quốc tế đang nhìn nhận ra sao về vấn đề an toàn nợ quốc gia của Việt Nam?

Đối với cộng đồng tài chính quốc tế, không có sự khác biệt lớn về trách nhiệm tài chính giữa Nhà nước với doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp mà Nhà nước có 100% vốn sở hữu. Vì vậy, khi tập đoàn Vinashin mất khả năng thanh toán, người ta coi đây là dấu hiệu Chính phủ Việt Nam đang mất khả năng thanh toán nợ. Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Việt Nam suy giảm trong những năm gần đây, người ta có thể suy đoán rằng Chính phủ đang có rất ít ngoại hối dành cho trả nợ và các giao dịch thông thường khác. Tất nhiên, những người am hiểu về tài chính công của Việt Nam biết rằng thực tế không phải như vậy, nhưng việc Vinashin mất khả năng thanh toán rõ ràng ảnh hưởng không tốt tới uy tín tài chính của Chính phủ.

Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hằng năm vẫn nghiên cứu về an toàn nợ công của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ được Chính phủ Việt Nam cung cấp các số liệu về nợ của Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh. Đối với nợ của các doanh nghiệp Nhà nước mà không được Chính phủ bảo lãnh, chúng tôi không hề có số liệu. Vì vậy, đánh giá về an toàn nợ công Việt Nam của chúng tôi không bao gồm nợ của khối doanh nghiệp Nhà nước.

Đối với nợ của khối doanh nghiệp Nhà nước, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay không phải là nợ nước ngoài, mà là nợ trong nước. Nếu một doanh nghiệp Nhà nước nào đó mất khả năng thanh toán nợ cho một khoản vay từ một ngân hàng trong nước thì ngân hàng này sẽ thực sự gặp khó khăn. Khó khăn này nếu vượt quá khả năng hấp thụ của ngân hàng đó thì sẽ gây đổ vỡ mang tính dây chuyền trong hệ thống tài chính. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới không có nhiều số liệu về nợ trong nước của các doanh nghiệp Nhà nước, vì vậy rất khó để chúng tôi phân tích bền vững nợ cho hạng mục này.

Việc Chính phủ từ chối hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước như Vinashin trong thanh toán nợ (nếu các khoản vay này không thuộc diện được Chính phủ bảo lãnh) sẽ buộc các doanh nghiệp Nhà nước phải hành xử khôn ngoan hơn và có trách nhiệm hơn đối với hoạt động vay nợ. Tuy nhiên, cách xử lý này của Chính phủ Việt Nam liệu có phù hợp với thông lệ quốc tế hay không? Và hậu quả nếu có thì sẽ là gì?

Điều tích cực của việc Chính phủ Việt Nam từ chối giúp các doanh nghiệp Nhà nước thanh toán nợ [của các khoản vay không được Chính phủ bảo lãnh] là nó khiến người cho vay từ nay phải thận trọng hơn khi quyết định cho một doanh nghiệp Nhà nước nào đó vay tiền. Nguồn vốn eo hẹp sẽ buộc các doanh nghiệp này phải sử dụng vốn một cách hiệu quả, bớt dàn trải hơn.

Tuy nhiên, việc Chính phủ từ chối hỗ trợ Vinashin thanh toán trả một khoản thanh toán nợ quốc tế như vừa qua là không thông thường trên thị trường tài chính quốc tế. Thật không hợp lý khi một mặt, Chính phủ từ chối giúp doanh nghiệp Nhà nước thanh toán nợ, mặt khác vẫn tiếp tục có những chính sách ưu đãi về tài chính khác. Ví dụ như giúp thanh toán lương cán bộ công nhân viên, hoặc giúp tái cơ cấu nợ. Như vậy là không logich. Vả lại, như đã đề cập, trên thị trường quốc tế người ta không thấy có gì là khác biệt giữa Chính phủ và doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100%. 

Vì vậy, hậu quả là ngay lập tức hệ số tín nhiệm tài chính quốc gia của Việt Nam sụt giảm. Tất nhiên, đây cũng là hậu quả của một số dấu hiệu tiêu cực khác, ví dụ như thực tế là người dân không thiết tha nắm giữ đồng tiền VND, buộc nó phải bị phá giá. Khi thị trường mất tin tưởng vào ai thì người đó phải chấp nhận đi vay với chi phí cao hơn. Do đó, trong tương lai, nhiều khả năng cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn Chính phủ Việt Nam phải vay nợ với chi phí cao.

Chi phí vay cao sẽ càng khiến các doanh nghiệp Nhà nước gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ nước ngoài để chi trả cho các hoạt động thông thường. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng sẽ bị chậm lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ gặp khó trong huy động vốn nước ngoài để đảo nợ các khoản vay trong nước tới hạn. Điều này khiến khối ngân hàng trong nước cũng có thể gặp khó khăn và sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp lên toàn bộ nền kinh tế. Đây là kịch bản không dễ chịu cho Chính phủ, vì buộc phải ra tay can thiệp, và sẽ rất tốn kém để xử lý. Cách đây không lâu chúng ta đã thấy Chính phủ Mỹ buộc phải ra tay giải cứu cho Citi Bank. Hiện ít có khả năng xảy ra một kịch bản tương tự như vậy ở Việt Nam, khi Chính phủ phải ra tay cứu một ngân hàng nào đó, nhưng cũng không thể hoàn toàn loại trừ rủi ro này.
 
Ngân hàng Thế giới có thể làm gì để hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà hoạch định chính sách tài chính của Việt Nam?

Tôi không rõ Ngân hàng Thế giới có thể làm gì nhiều hơn. Chính phủ Việt Nam chưa thể hiện có nhu cầu thiết tha đối với những hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới, về kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật, cũng như tư vấn chính sách. Từng cơ quan riêng lẻ của Nhà nước thể hiện những mong muốn hỗ trợ cụ thể, ví dụ như Ngân hàng Nhà nước muốn được hỗ trợ về hoạch định chính sách ngân hàng. Nhưng đối với việc hỗ trợ tư vấn chính sách tài chính mang tính vĩ mô tổng thể thì Chính phủ Việt Nam chưa có đề xuất cụ thể. Bản thân Ngân hàng Thế giới cũng có nhiều hạn chế cần khắc phục, ví dụ như còn ít kinh nghiệm trong việc tư vấn cho các quốc gia có mô hình quản lý kinh tế mang tính tập trung về Trung ương cao như ở Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cần làm gì để hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đạt hiệu quả cao hơn?

Chính phủ cần thể hiện rõ hơn mục tiêu của mình. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ. Ấn Độ lựa chọn rất rõ các mục tiêu của mình, và căn cứ trên các mục tiêu này họ chọn lọc ra một số các nhà tài trợ thích hợp, đủ năng lực về tài chính cũng như trình độ kỹ thuật.

Đối với Việt Nam, chúng tôi được thấy Chính phủ đề ra nhiều chương trình, kế hoạch, mục tiêu. Nhưng nếu mục tiêu nào cũng được coi là ưu tiên thì thực ra là không ưu tiên cho mục tiêu nào.

Một khi đã chọn ra mục tiêu ưu tiên, Chính phủ cần tinh thần cam kết cao. Ví dụ như mục tiêu xây dựng các đại học tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu này là tốt, nhưng khi Chính phủ chưa thống nhất và chưa thật cam kết thì không thể làm được. Chính phủ cần cam kết thực sự cho mục tiêu đặt ra, và giao cho một cơ quan cụ thể chủ trì và chịu trách nhiệm. Như vậy mới đủ cơ sở cần thiết để Ngân hàng Thế giới có thể tài trợ hiệu quả về kinh phí, hoặc đưa vào một đội ngũ chuyên gia tư vấn phù hợp cho Chính phủ. 

Phạm Trần Lê thực hiện  
—————
Đây là quan điểm cá nhân của bà Keiko Kubota, không phải của Ngân hàng Thế giới. Thông thường các khuyến nghị về chính sách tiền tệ thuộc phạm vi chức năng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)