Lần đầu tiên giải mã được bộ gene của bèo hoa dâu

Một nhóm các nhà khoa học đã chọn lọc được gene di truyền của bèo hoa dâu - trong một nghiên cứu vừa công bố trên Nature Plant. Điều đặc biệt là nghiên cứu này không có nguồn kinh phí từ ngân sách như thông lệ , mà chủ yếu thông qua huy động vốn cộng đồng.

Fay-Wei Li làm việc tại Viện nghiên cứu Boyce Thompson ở Ithaca (USA), từ khi  là sinh viên đã quan tâm đến bèo hoa dâu – có tên la tinh là Azolla filiculoides, và còn có tên là bèo dương xỉ. Cùng với các đồng sự, anh đã nghiên cứu sâu về gene của bèo hoa dâu. Bèo hoa dâu cộng sinh với vi khuẩn Cyano có khả năng thu hút một lượng lớn khí Nitơ, vì thế ở châu Á bèo dâu được dùng làm phân bón cho lúa. Tuy nhiên các nhà khoa học trẻ không nhận được kinh phí nghiên cứu với lý do dự án của họ “chưa thật sự quan trọng”.

Cuối cùng các nhà khoa học đã quyên góp được 22.160 USD từ 123 “nhà tài trợ” thông qua việc gọi vốn cộng đồng. Với dự án như thế này, khoản tiền đó là không nhiều. Tuy nhiên, một phòng thí nghiệm ở Trung quốc cho phép nhóm của Fay-Wei Li sử dụng thiết bị dịch vụ miễn phí nên các nhà nghiên cứu đã giải mã toàn bộ bộ gene.

Azolla filiculoides

“Bèo hoa dâu Azolla có đời sống sinh học và lịch sử tiến hoá đầy thú vị”, ông Li nói. Do bộ gene của vi khuẩn Cyano đã từng được giải mã, nên sau khi giải mã được bộ gene của bèo hoa dâu, các nhà khoa học đã có một phát hiện rất thú vị: dường như có chuyển giao gene (gentransfer) theo chiều ngang giữa vi khuẩn và bèo dâu. 

Cây bèo hoa dâu có khả năng tạo ra một loại thuốc diệt trừ sâu bọ. “Khi ta đi trong rừng thường ngạc nhiên khi thấy cây dương xỉ hầu như không bị côn trùng phá hại”, Li nói. Một loại gene đặc biệt làm rõ đặc điểm này, và ở các loại cây khác không thấy có loại gene này. Có lẽ nó hình thành từ vi khuẩn Cyano. Có thể nói, theo Li, thì đây là một “món quà” về gene.

Hiện nay các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục giải mã các loại cây dương xỉ khác trong khuôn khổ dự án 10K Plant Genome Project. Mười loại cây đang chờ để được các nhà khoa học mổ xẻ, phân tích.

Xuân Hoài dịch

Nguồn: http://www.spiegel.de/wissenschaft/natur/grosser-algenfarn-genom-durch-crowd-funding-sequenziert-a-1216449.html

Tác giả