Lần đầu tổ chức hội thảo quốc tế về y học cá thể ở Việt Nam

Y học cá thể (personalized medicine), một lĩnh vực “mới” và “nóng” của y học thế giới, sẽ được thảo luận tại hội nghị Y Dược Di truyền 2017 (Genomic Medicine) do Khoa Công nghệ sinh học (trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TPHCM) phối hợp với Viện nghiên cứu Hệ Gene Singapore tổ chức. Là phương pháp điều trị phân loại bệnh nhân vào các nhóm khác nhau với các quyết định điều trị, can thiệp và chỉ định thuốc phù hợp với từng người bệnh dựa trên các dữ liệu về gene, y học cá thể rất có tiềm năng ứng dụng trong điều trị các bệnh ung thư.

Khi hiểu rõ về bộ gene của từng người thì việc dự đoán bệnh, dự đoán khả năng phản ứng với thuốc cũng như phân tích và lựa chọn thuốc sẽ dễ dàng hơn

Diễn ra trong hai ngày 17 và 18/8 tại đại học Quốc tế, TPHCM, hội nghị Y Dược Di truyền 2017 được các nhà tổ chức hy vọng sẽ đem lại cái nhìn tổng quát về mối quan hệ giữa tin sinh học với Big Data, những bước tiến mới về công nghệ gene và ứng dụng của nó trong việc chăm sóc sức khỏe con người. Hội nghị  quy tụ nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, bao gồm GS. TS Hồ Tú Bảo (Viện KH&CN tiên tiến Nhật Bản), TS. Michiaki Kubo, TS. Taisei Mushiroda (Viện nghiên cứu RIKEN, Nhật Bản), TS. Michael Winther (Viện nghiên cứu hệ Gene Singapore), GS. TS Wasun Chantratita (Bệnh viện Ramathibodi, Thái Lan), PGS. TS Chonlaphat Sukasem (Đại học Mahidol, Thái Lan), TS. Nguyễn Cường (Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ Gene Vinmec)…

PGS. TS Lê Thị Lý (Khoa Công nghệ sinh học, trường Đại học Quốc tế), trưởng ban tổ chức hội thảo, cho biết, mặc dù mới xuất hiện trên thế giới nhưng y học cá thể được đánh giá là lĩnh vực có nhiều đổi mới sáng tạo của ngành y, những bước tiến rất nhanh trong nghiên cứu và ứng dụng của y học cá thể, thậm chí còn được dự báo có thể thay đổi cả phương thức điều trị, quản trị trong ngành y thế giới. Giải thích rõ hơn với Tia Sáng về vấn đề này, PGS. TS Lê Thị Lý nói: “Những thành tựu của Dự án Giải mã bộ gene người và sự ra đời của những siêu máy tính, những thiết bị giải trình tự gene thế hệ mới… cho phép chúng ta có thể phân tích số liệu, lắp ráp hoàn chỉnh hệ gene để chú giải, tìm hiểu chức năng gene. Đây là cơ sở để chúng ta có thể lý giải được vì sao một loại thuốc có thể tác dụng rất tốt với người này nhưng lại ít tác dụng với người khác. Trong trường hợp một bệnh nhân điều trị bằng nhiều thuốc cùng một lúc thì việc phân tích tác dụng của thuốc lại càng trở nên phức tạp. Vì thế khi chúng ta hiểu rõ bộ gene của bệnh nhân thì việc dự đoán bệnh, dự đoán khả năng phản ứng với thuốc cũng như phân tích và lựa chọn thuốc sẽ dễ dàng hơn”.

Ở nhiều nước trên thế giới, khi sự phát triển của các công nghệ gene, công cụ phân tích gene khiến giá thành và thời gian giải mã bộ gene đã được giảm xuống, y học cá thể đã bắt đầu được áp dụng trong chăm sóc và điều trị, tuy chưa ở mức đại trà. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia tiên phong trong đầu tư vào y học cá thể khi thành lập Viện nghiên cứu hệ Gene Singapore (GIS) vào năm 2001 trên cơ sở thành công của dự án Giải mã Hệ Gene Singapore năm 2000. Tiếp theo, Thái Lan cũng thành lập Viện nghiên cứu Hệ Gene cá nhân và liệu pháp gene (IPGG) để tiến hành nghiên cứu về Gene và y học cá thể; Malaysia cũng đã có một số công bố đáng chú ý và tổ chức khá nhiều hội nghị về y học cá thể 1

Với một quốc gia vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong y tế như điều kiện cơ sở vật chất, khả năng chữa trị… như Việt Nam, việc giới thiệu khái niệm y học cá thể có quá sớm? PGS. TS Lê Thị Lý cho biết: “Với các nhà nghiên cứu y dược và tin sinh học Việt Nam, việc tiếp cận những xu hướng nghiên cứu, những phương pháp nghiên cứu mới hết sức cần thiết. Chúng ta cần phải tìm hiểu và tiến hành những nghiên cứu để có thêm nhiều kiến thức về y học cá thể trước khi tư vấn cho các nhà quản lý ngành y cũng như chính thức áp dụng trong khám chữa bệnh”.

Không riêng các nhà nghiên cứu mà các công ty về công nghệ sinh học, dược phẩm quốc tế Việt Nam và nước ngoài đã nhìn nhận Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng trong tương lai. Đây là lý do mà nhiều công ty đã đăng ký tham dự và tài trợ hội thảo. “Vì vậy, chúng tôi có thể chủ động về kinh phí tổ chức hội thảo và sẵn sàng mở cửa đón các nhà nghiên cứu cũng như những ai quan tâm tới tham dự mà không phải đóng lệ phí”, PGS. TS Lê Thị Lý nói.   

Chị cũng hy vọng, với việc tham gia hội thảo, các nhà nghiên cứu tin sinh học Việt Nam có thêm nhiều cơ hội trao đổi và hợp tác nghiên cứu với các đồng nghiệp quốc tế. 

Hội nghị diễn ra trong vòng hai ngày với hai hoạt động chính: Hội nghị thường niên lần thứ 7 của Mạng lưới nghiên cứu Di truyền học dược Đông Nam Á (SEAPharm) và Ngày Y Dược Di truyền: ứng dụng của Tin sinh học trong vấn đề kháng thuốc, sử dụng thuốc và y học cá thể hóa.

—–

1. Có thể tham khảo thêm thông tin tại đây: , https://www.waset.org/conference/2016/12/penang/ICAPM

Tác giả