Lịch sử trắc trở và vinh quang của vaccine công nghệ mRNA

Với những đóng góp đột phá vào công cuộc phòng chống dịch COVID, cuộc tranh luận người xứng đáng được công nhận đã đi tiên phong cho công nghệ mRNA càng trở nên sôi nổi. Nhất là khi các giải thường khoa học bắt đầu tìm kiếm chủ nhân và mùa Nobel 2021 sắp sửa khởi động. Tuy nhiên, vaccine mRNA là thành quả của hàng trăm nhà nghiên cứu trong hơn 30 năm. Thật khó tôn vinh đầy đủ tất cả họ trong khuôn khổ giới hạn của một vài giải thưởng chính thức. Thành tựu hôm nay là kết quả của nhiều thập kỷ bế tắc, sự tìm tòi và bền bỉ vượt qua những hoài nghi, và sẽ không thể đến đích nếu thiếu sự tài trợ hào phóng cho một cuộc đua nhiều chặng mà bạn không biết trước chặng nào hữu ích.


Minh họa: Nik Spencer/Nature; dựa trên M. D. Buschmann et al. Vaccines 9, 65 (2021).

Cuối năm 1987, Robert Malone, một nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu sinh học Salk, California thực hiện một thí nghiệm mang tính bước ngoặt: Ông trộn các sợi RNA thông tin (mRNA) với các giọt chất béo, để tạo ra một “món súp” giúp tế bào “tiêu hóa” được các mRNA và bắt đầu dịch mã thành protein. Malone đã cẩn thận ghi chú: “Ngày 11/01/1988, nếu tế bào có thể tạo ra protein từ mRNA ngoại lai thì có thể coi RNA là một loại thuốc.” Cuối năm đó, thí nghiệm của Malone cho thấy phôi ếch hấp thụ các mRNA từ bên ngoài. 

Những thí nghiệm này là bước đầu tiên hướng đến hai vaccine quan trọng và hiệu quả nhất trong lịch sử, đã được sử dụng cho hàng trăm triệu người, đạt doanh thu dự kiến 50 tỉ USD trong năm 2021.

Nhưng ba thập kỷ trước, con đường không hề suôn sẻ. Bản thân Malone và các nhà nghiên cứu đều nhận thấy mRNA rất không ổn định và đắt tiền nên khó có thể ứng dụng vào thực tế. Hàng chục phòng thí nghiệm và công ty vật lộn tìm ra công thức phù hợp của màng lipid và thành phần nucleic acid trong mRNA.

Từ một khởi nguồn

Từ năm 1978, các nhà khoa học đã sử dụng hạt màng chất béo liposome hình cầu bao bọc và bảo vệ mRNA, sau đó hòa màng tế bào để mRNA vào trong tế bào và biểu hiện protein.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, rất ít nhà nghiên cứu nghĩ đến tác dụng y học của mRNA vì chưa có cách sản xuất chúng trong phòng thí nghiệm, mà phải chiết tách từ máu thỏ, tế bào chuột được nuôi cấy hoặc các nguồn động vật khác. Họ chỉ hy vọng lợi dụng mRNA để tìm hiểu các quá trình sinh học phân tử cơ bản. 


Tóm tắt lịch sử phát triển vaccine mRNA. Dựa vào sơ đồ của Nik Spencer/Nature. 

Đến năm 1984, nhóm các nhà nghiên cứu Paul Krieg, Douglas Melton và cộng sự tại Đại học Harvard đã có thể tạo ra mRNA nhờ một enzyme tổng hợp mRNA của virus và một số công cụ khác. Lúc này họ đều xem mRNA tổng hợp là công cụ nghiên cứu chức năng và hoạt động của gene. Năm 1987, Melton phát hiện mRNA có thể kích hoạt lẫn ngăn chặn sản xuất protein, ông đã thành lập công ty Oligogene (sau này đổi tên thành Gilead Sciences, trụ sở tại California) nhằm biến mRNA tổng hợp thành thuốc điều trị. Nhưng lúc này không ai nghĩ đến vaccine cả.

Nhưng “không ổn định, không đáng tin cậy là đặc tính nổi bật của RNA”, Krieg nói. Điều đó giải thích tại sao Đại học Harvard đã không thèm đăng ký cấp bằng sáng chế cho phương pháp tổng hợp mRNA mới mà mang bán nó cho Promega, công ty chuyên cung cấp sinh phẩm tổng hợp RNA cho các nhà nghiên cứu, với giá tiền khiêm tốn kèm một hộp rượu champagne. 

Tranh chấp bản quyền

Nhiều năm sau, áp dụng cách làm tương tự, Malone đã sử dụng thêm loại liposome mới mang điện tích dương giúp tăng cường tính liên kết với mRNA mang điện tích âm. Chúng là phát minh của nhà hóa sinh Philip Felgner, hiện đang lãnh đạo trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine của Đại học UC-Irvine.

Bất chấp thành công của mình, Malone vẫn không đạt được học vị tiến sĩ vì bất hòa với người hướng dẫn, nhà nghiên cứu liệu pháp gene Inder Verma, tại Viện Salk. Malone bỏ dở nghiên cứu để đến làm tại công ty Vical do Felgner mới thành lập tại San Diego. Tại đây, họ và các cộng tác viên từ Đại học Wisconsin Madison đã nhận ra rằng phức hợp mRNA-lipid có thể kích hoạt sản xuất protein trên chuột.


Một ghi chú thí nghiệm của của Robert Malone năm 1989 mô tả cách tổng hợp mRNA để tiêm vào chuột. Ảnh: Robert Malone.

Nhưng sau đó, mọi thứ trở nên lộn xộn. Cả Công ty Vical (cùng với Đại học Wisconsin-Madison) và Viện Salk đều nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vào tháng 3/1989. Nhưng Salk đã sớm từ bỏ yêu cầu, đến năm 1990 thì Verma lại gia nhập ban cố vấn của Vical.

Malone cho rằng Verma và công ty Vical đã lén lút đi đêm với nhau và không nhận được lợi ích gì từ các hợp đồng cấp phép sử dụng bản quyền sau đó, điều mà Malone có thể được nhận nếu bằng sáng chế thuộc về Viện Salk. 

Verma và Felgner kiên quyết phủ nhận cáo buộc của Malone. “Điều đó hoàn toàn vô nghĩa,” Verma nói rằng quyết định từ bỏ bằng sáng chế là từ văn phòng chuyển giao công nghệ của Viện Salk. (Verma đã từ chức tại Viện Salk năm 2018 do cáo buộc quấy rối tình dục mà ông cũng phủ nhận).

Malone rời công ty Vical tháng 8/1989 vì bất đồng với Felgner vì “sự đánh giá bất công đối với đóng góp trí tuệ của mình”. Ông đã học y khoa và thực hành lâm sàng một năm trước khi nghiên cứu trở lại. Ông đã cố gắng nghiên cứu vaccine dựa trên mRNA nhưng rất khó xin tài trợ. Đáng chú ý, năm 1996, ông đã không thể xin ngân sách từ cơ quan nghiên cứu bang California để phát triển một loại vaccine mRNA chống lại cúm mùa do coronavirus. Malone chuyển hướng sang vaccine DNA và các công nghệ khác.

Năm 2001, Malone đổi sang nghề tư vấn và công việc thương mại. Trong vài tháng qua, ông đã công khai quan ngại về tính an toàn của vaccine mRNA. Ông cho rằng các protein được tạo ra bởi vaccine có thể gây tổn hại tế bào và rủi ro của việc tiêm chủng lớn hơn lợi ích ở nhóm trẻ em và thanh thiếu niên. Tuyên bố này bị các nhà khoa học và giới chức y tế nhiều lần bác bỏ.

Trắc trở khi tìm nhà tài trợ

Năm 1991, Vical hợp tác với tập đoàn Merck, một trong những nhà phát triển vaccine lớn nhất thế giới, để đánh giá công nghệ mRNA trên chuột với mục đích tạo ra vaccine cúm. Nhưng sau đó Merck đã từ bỏ vì lo ngại chi phí và tính khả thi của dự án.

Ở tận nước Pháp, các nhà nghiên cứu tại Transgène, một công ty công nghệ sinh học nhỏ tại Strasbourg cũng cảm thấy như vậy. Năm 1993, nhóm của Pierre Meulien ở đây đã lần đầu tiên chứng minh mRNA trong hạt liposome có thể tạo ra phản ứng miễn dịch kháng virus trên chuột. Cũng có một tiến bộ thú vị khác, từ năm 1992, viện Scripps đã sử dụng mRNA thay thế một loại protein bị thiếu hụt của chuột để điều trị một rối loạn chuyển hóa. Nhưng phải mất gần hai thập kỷ nữa để kiểm chứng nghiên cứu này.


 Paul Krieg (trái) và Douglas Melton (phải), những người đầu tiên tổng hợp mRNA trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Đại học Arizona; Kevin Wolf/AP.

Các nhà nghiên cứu của Transgène được cấp bằng sáng chế cho phát minh của họ và tiếp tục nghiên cứu vaccine mRNA. Nhưng Meulien, (hiện đang đứng đầu một công ty cải tiến các thuốc (IMI) tại Brussels), lúc đó ước tính mình phải cần xin ít nhất 100 triệu euro để tiếp tục một dự án khó khăn, rủi ro cao mà không ai chấp nhận. Bằng sáng chế hết hiệu lực sau khi công ty mẹ của Transgène ngưng chi trả kinh phí hoạt động.

Nhóm của Meulien, cũng như Merck, đã tập trung vào vaccine DNA và các phương pháp vector chuyên chở khác. Cuối cùng, nền tảng DNA đã được cấp phép cho vaccine chống nhiễm trùng trên cá (tháng trước, Ấn Độ đã phê duyệt khẩn cấp vaccine DNA đầu tiên dùng cho người chống lại COVID-19. Nhưng tiến độ ứng dụng vaccine DNA trên người vẫn còn chậm).

Nhiều “hệ phái”

Trong những năm 1990 và 2000, hầu hết các công ty gạt việc nghiên cứu vaccine mRNA sang một bên để dồn nguồn lực cho các hướng tiếp cận khác, bởi không thể tiếp tục mạo hiểm cho việc nghiên cứu sản xuất mRNA quá đắt. 

Ý tưởng vaccine mRNA được đón nhận tích cực hơn trong ngành ung thư, nhưng như một dạng thuốc điều trị, hơn là dự phòng. Liệu mRNA mã hóa protein biểu hiện trong tế bào ung thư có giúp huấn luyện hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào ung thư đó?

Nhà nghiên cứu liệu pháp gene David Curiel đa thành công bước đầu trên chuột. Nhưng công ty Ambion chuyên cung cấp vật tư phòng thí nghiệm lại không thấy bất cứ tiềm năng kinh tế nào ở đây khi ông đề xuất khả năng thương mại hóa. Nhà miễn dịch ung thư Eli Gilboa thành lập công ty trị liệu mRNA đầu tiên năm 1997 với phương pháp chiết tách tế bào miễn dịch từ máu và cho chúng tiếp nhận các mRNA tổng hợp mã hóa protein của khối u, rồi tiêm trở lại cơ thể và kỳ vọng chúng kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công các khối u đang ẩn nấp.

Gilboa và cộng sự tại trung tâm y tế Đại học Duke đã thí nghiệm thành công trên chuột. Cuối những năm 1990, công ty Merix Bioscience (sau này là Argos Therapeutics, nay là Colmmune) đã tiến hành thử nghiệm trên người. Cách tiếp cận này rất hứa hẹn cho đến khi vaccine thất bại trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối; và sau đó trở nên lỗi thời.

Dù vậy, Gilboa đã truyền cảm hứng các nhà sáng lập của CureVac và BioNTech, hai trong số các công ty ứng dụng mRNA lớn nhất hiện nay, trong đó BioNTech sản xuất vaccine mRNA cùng Pfizer. Từ ý tưởng từ Gilboa, họ muốn đưa mRNA trực tiếp vào cơ thể.

Bước ngoặt

Ingmar Hoerr của CureVac là người đầu tiên đạt được thành công. Hồi còn ở trường Đại học Tübingene năm 2000, ông đã tiêm trực tiếp mRNA vào chuột và tạo ra phản ứng miễn dịch. Ông lập nên công ty CureVac cùng năm đó. Khi ông trình bày kết quả ban đầu tại một hội nghị, một người đoạt giải Nobel ngồi hàng đầu còn nói: “Những gì anh trình bày hôm nay thật vớ vẩn”.


Özlem Türeci (trái) và Uğur Şahin (phải) đồng sáng lập hãng BioNTech. Ảnh: BioNTech SE 2021.

Dù vậy, cuối cùng cũng có tài trợ và thử nghiệm trên người được tiến hành. Giám đốc y khoa của công ty khi đó, Steve Pascolo, đã tự mình tiêm mRNA và vẫn còn những vết sẹo trắng rộng bằng quả bóng tại nơi bác sĩ da liễu lấy mẫu sinh thiết. Một thử nghiệm mRNA đặc hiệu cho bệnh ung thư da đã bắt đầu như thế.

Uğur Şahin (của BioNTech) và vợ mình, nhà miễn dịch Özlem Türeci cũng bắt đầu nghiên cứu mRNA cuối những năm 1990, nhưng khởi nghiệp trễ hơn Hoerr. Họ đã nghiên cứu nhiều năm tại Đại học Mainz, nhận được các bằng sáng chế, tài trợ trước khi đưa ra một kế hoạch thương mại hóa cho các tỷ phú năm 2007. “Nếu nó hoạt động, đây sẽ là bước đột phá”, và Şahin đã nhận được 150 triệu euro tiền đầu tư ban đầu.

Cùng năm đó, RNARx, một công ty non trẻ đã nhận được 97,396 USD tài trợ doanh nghiệp nhỏ bởi chính phủ Hoa Kỳ. Các nhà sáng lập, nhà hóa sinh Katalin Karikó và nhà miễn dịch Drew Weissman, khi đó đều đang công tác tại Đại học Pennsylvania (UPenn), đã phát hiện rằng thay đổi một phần mã mRNA tổng hợp sẽ giúp nó vượt qua hệ thống miễn dịch bẩm sinh của tế bào.

Nền tảng khoa học cơ bản

Karikó miệt mài cặm cụi trong phòng thí nghiệm suốt những năm 1990 với mục tiêu biến mRNA thành thuốc, mặc dù liên tục bị các cơ quan tài trợ từ chối. Năm 1995, bà phải rời khỏi UPenn hoặc bị cách chức, giảm lương. Bà chọn ở lại để theo đuổi mục tiêu của mình, cải tiến phương pháp của Malone, sao cho tế bào biểu hiện được các protein lớn và phức tạp.

Năm 1997, bà cộng tác với Weissman, người vừa nhận phụ trách một phòng thí nghiệm mới tại UPenn. Họ cùng nhau phát triển một vaccine chống lại HIV/AIDS/ Nhưng mRNA của Karikó gây ra phản ứng viêm quá mức trên chuột. Bà và Weissman nhanh chóng tìm ra nguyên nhân: mRNA đã kích ứng một loạt các thụ thể miễn dịch dạng Toll (đáp ứng đầu tiên đối với các tín hiệu nguy hiểm từ mầm bệnh). Năm 2005, họ đã thay nucleotide uridine bởi một chất tương tự là pseudouridine để ngăn hệ miễn dịch của cơ thể xác định mRNA ngoại lai là kẻ thù.

Rất ít nhà khoa học vào thời điểm đó công nhận giá trị chữa bệnh của chuỗi nucleotide biến đổi. Đến tháng 9/2010, nhóm nghiên cứu tế bào gốc của Derrick Rossi tại bệnh viện nhi Boston đã mô tả cách sử dụng mRNA loại này để biến đổi tế bào da thành tế bào gốc dạng phôi rồi thành mô cơ. Rossi được tạp chí Time tôn vinh là một trong những nhân vật quan trọng nhất năm 2010. Và ông trở thành đồng sáng lập của một cái tên đình đám về sau: Moderna.

Moderna đã cố gắng xin bản quyền sáng chế cho mRNA sửa đổi, nhưng quá trễ so với Karikó và Weissman. Sau khi không đạt được thảo thuận với RNARx, UPenn đã bán độc quyền sử dụng bằng sáng chế này cho nhà cung ứng vật tư thí nghiệm Cellscript tại Madison với giá 300,000 USD. Nhờ đó, nó đã thu về hàng trăm triệu USD từ việc cấp giấy phép thứ cấp cho Moderna và BioNTech, bởi vaccine của hai hãng này đều sử dụng mRNA chỉnh sửa.
Trong khi đó, RNARx đã sử dụng hết 800,000 USD tài trợ của các doanh nghiệp nhỏ và ngừng hoạt động năm 2013, và Karikó gia nhập BioNTech (và giữ lại vị trí trợ lý tại UPenn).

Cuộc tranh luận về pseudouridine

Các nhà nghiên cứu vẫn tranh cãi liệu khám phá của Karikó và Wiessman có thực sự thiết yếu cho sự thành công của vaccine mRNA. Moderna chắc chắn về điều đó bởi chính tên gọi của họ là viết tắt tiếng Anh của “mRNA đã biến đổi”. Nhưng một số khác thì không.

Hãng dược phẩm Shire tại Lexington, MA cho rằng mRNA không biến đổi có thể hiệu quả với cấu trúc “mũ” phù hợp và loại bỏ các tạp chất. Michael Heartein, người dẫn đầu nghiên cứu của Shire đã tiếp tục cải tiến công nghệ tại Translate Bio tại Cambridge, MA, nơi mua lại bộ phận nghiên cứu mRNA của Shire. (Shire hiện là môt phần của tập đoàn dược phẩm Takeda).

Mặc dù một vài dữ liệu trên người gợi ý mRNA của họ không gây ra đáp ứng miễn dịch quá mức, nhưng nó vẫn chưa được chứng minh lâm sàng: vaccine COVID của hãng vẫn đang trải qua thử nghiệm ban đầu. Công ty dược khổng lồ Sanofi đã bị hấp dẫn: Tháng 8/2021, họ mua lại Translate Bio với giá 3.2 tỷ USD. (Heartlein rời đi từ năm ngoái để lập một công ty khác, Maritime Therapeutics, tại Waltham, MA). 

CureVac lại có hướng tiếp cận khác để giảm đáp ứng miễn dịch bất lợi. Họ giảm thiểu lượng uridine trong chuỗi mRNA trong vaccine. Các thử nghiệm ban đầu với vaccine bệnh dại và COVID-19 đều thành công. Tuy nhiên, dữ liệu pha III hồi tháng sáu cho vaccine COVID-19 của CureVac cho thấy đạt hiệu quả bảo vệ kém hơn nhiều so với Moderna và BioNTech.

Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng pseudouridine là thành phần thiết yếu của công nghệ vaccine mRNA, và nhận định đóng góp của Karikó và Wiessman đáng được công nhận. 

Bo Ying, giám đốc điều hành hãng Suzhou Abogene Biosciences tại Trung Quốc, không chắc chắn về điều đó. “Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả của vaccine mRNA, và biến đổi hóa học của mRNA chỉ là một trong số đó”. Vaccine ARCoV của họ đang được thử nghiệm lâm sàng pha III, sử dụng mRNA không sửa đổi. 

Đột phá về hạt lipid

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh phát minh then chốt cho vaccine mRNA không phải là mRNA mà là những vi hạt chất béo LNP, bao bọc và đưa mRNA vào trong tế bào. 
Công nghệ này đến từ phòng thí nghiệm của Pieter Cullis, nhà hóa sinh tại Đại học British Columbia.Từ cuối những năm 1990, công ty của ông đã tiên phong trong việc tạo ra các vi hạt LNP vận chuyển các chuỗi nucleic acid để tắt các hoạt động gene. Một thuốc như thế, Patisiran, đã được chấp thuận sử dụng cho một căn bệnh di truyền hiếm gặp.

Sau những sản phẩm triển vọng đầu tiên, hai công ty của Cullis đã tìm tòi để ứng dụng LNP vào các loại thuốc dựa vào mRNA. Acuitas Therapeutics đã liên kết với Weissman ở UPenn và một số công ty khác để thử nghiệm các công thức phối hợp mRNA-LNP khác nhau. Thành quả hợp tác của họ hiện diện trong vaccine COVID-19 của CureVac và BioNTech. Các vi hạt LNP trong Moderna cũng không khác mấy.  

Chúng là hỗn hợp của bốn phân tử chất béo: ba trong số đó đóng vai trò khung cấu trúc ổn định cho chất còn lại là lipid ion hóa đóng vai trò then chốt. Chất này mang điện tích dương nên có ưu điểm giống như hạt liposome mà Felgner đã phát triển và Malone đã thử nghiệm cuối những năm 1980. Nhưng sản phẩm của Cullis ưu việt ở chỗ chất này có thể trở nên trung hòa điện tích trong điều kiện sinh lý như máu, giúp hạn chế tác hại gây độc cho cơ thể. Hỗn hợp bốn loại chất béo giúp sản phẩm được lưu trữ lâu hơn và ổn định hơn trong cơ thể. 

Vào giữa những năm 2000, một phương pháp mới phối trộn các hạt LNP được áp dụng. “Phức bộ kết nối T” giúp kết hợp chất béo (tan trong rượu) với nucleic acid (tan trong môi trường đệm acid). Khi trộn hai dòng dung dịch này với nhau sẽ tự phát tạo ra các hạt LNP chứa mRNA đạt mật độ cao. Quy trình này có thể phát triển thành quy mô công nghiệp, và đang là đối tượng tranh chấp bằng sáng chế. Moderna đang trong trận chiến pháp lý với Arbutus, một công ty liên kết với Cullis, đối với công nghệ LNP trong vaccine COVID-19.

Sự ra đời của một ngành công nghiệp

Cuối những năm 2000, một số tập đoàn dược phẩm lớn tham gia lĩnh vực mRNA. Năm 2008, Novartis và Shire đều lập đơn vị nghiên cứu ứng dụng mRNA cho vaccine và thuốc. Cùng năm đó, BioNTech ra đời. DARPA, cơ quan nghiên cứu quốc phòng Mỹ đã bắt đầu tài trợ cho công nghiệp mRNA từ năm 2012. Moderna là một trong những công ty được hưởng lợi, đã nhận hơn 1 tỷ USD nhằm sản xuất thuốc cho các bệnh khiếm khuyến protein. Tham vọng đó thất bại, giám đốc điều hành Stéphane Bancel liền chuyển sang mục tiêu ít tham vọng hơn: chế tạo vaccine.

Điều đó khiến các nhà đầu tư thất vọng ban đầu vì vaccine là lĩnh vực chậm đổi mới và ít sinh lời. Đầu năm 2020, Moderna tạo ra chín ứng viên vaccine mRNA cho các bệnh truyền nhiễm. Chỉ một trong số đó tiến tới giai đoạn thử nghiệm cỡ mẫu lớn.

Đến khi COVID-19 xuất hiện, Moderna mới nhanh chóng tạo được dấu ấn với nguyên mẫu vaccine chỉ trong vài ngày kể từ khi trình tự gene của virus được công bố trên internet. Công ty hợp tác với viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) để tiến hành các nghiên cứu trên chuột và khởi động các thử nghiệm trên người, chỉ trong vòng chưa đầy 10 tuần.

BioNTech cũng thực hiện cách tiếp cận toàn diện. Tháng 3/2020, công ty hợp tác với gã khổng lồ dược phẩm Pfizer để tiến hành thử nghiệm lâm sàng với tốc độ kỷ lục, từ thử nghiệm đầu tiên trên người đến khi được phê duyệt khẩn cấp chỉ trong tám tháng.

Cả hai đều sử dụng vi hạt LNP mang mRNA được chỉnh sửa, mã hóa protein gai của SARS-CoV-2 có hình dạng tối ưu để tạo miễn dịch. Nhiều ý kiến cho rằng các tinh chỉnh protein gai do nhà sinh học cấu trúc Jason McLellan của đại học Texas-Austin và Andrew Ward của viện Scripps cũng đáng được ca ngợi, mặc dù chỉ đóng góp cho vaccine COVID chứ không phải đối với công nghệ vaccine mRNA nói chung.

Tranh cãi về quyền lợi từ các bằng sáng chế vẫn tiếp tục, nhưng phần lớn tài sản trí tuệ từ năm 1989 của Felgner, Malone và các đồng nghiệp của họ tại Vical (và năm 1990 của Liljeström) đã hết thời hạn 17 năm. Bằng sáng chế của Karikó–Weissman từ năm 2006 sẽ hết hạn trong năm năm tới. Chúng sắp thành tài sản công cộng. Các công ty chỉ có thể xin cấp bằng sáng chế cho các trình tự mRNA cụ thể và các công thức lipid độc quyền. 

Moderna, người thống trị trong lĩnh vực vaccine mRNA, đang hướng đến thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa cúm, cytomegalovirus và một loạt các bệnh truyền nhiễm khác. Họ đã được cấp bằng sáng chế năm ngoái về quyền sử dụng rộng rãi mRNA để sản xuất các protein chế tiết. Nhưng nhiều người trong ngành còn dè dặt nghi ngờ: “Có nhiều thứ được cấp bằng sáng chế, nhưng không bao giờ trở thành sự thực”.

Liệu sẽ có một giải Nobel cho công nghệ mRNA?

Karikó và Weissman là hai cái tên tiềm năng cho giải  Nobel, và họ cũng đã giành được một số giải thưởng như giải Đột phá (trị giá 3 triệu USD, lớn nhất trong các giải thưởng khoa học) và giải Asturias. Giải Asturius cũng xướng tên Felgner, Şahin, Türeci và Rossi, cùng với Sarah Gilbert, nhà virus học đứng sau vaccine AstraZeneca sử dụng công nghệ vector virus. 

Một số ý kiến cho rằng Karikó nên được ghi nhận nhiều hơn vì đóng góp cho nghiên cứu mRNA nói chung cũng như các khám phá trong phòng thí nghiệm, và vì “bà đã nâng đỡ người khác khi họ chưa có danh tiếng khoa học”. 

“Mỗi người bổ sung dần từng chút một, trong đó có tôi”, Karikó khiêm tốn chia sẻ.□

Cao Hồng Chiến lược thuật 
Nature 597, 318-324 (2021)
doi: 10.1038/d41586-021-02483-w

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)