Liên kết giữa di sản và nhà trường: Sức sống của giáo dục di sản

Quy trình cho trẻ em tham quan di sản vẫn thường được tiến hành một cách “cứng nhắc” và một chiều: hướng dẫn viên thao thao bất tuyệt, hàng trăm em đứng nghe thiếu hào hứng, thậm chí ít khi hỏi đáp. Gần đây, một phương pháp giáo dục di sản mới được áp dụng giúp học sinh chủ động, sáng tạo khám phá di sản đã thể hiện tính ưu việt trong việc giúp các em củng cố kiến thức phổ thông và kỹ năng sống một cách trực quan, sinh động.


Các em học sinh lớp 4 trường TH Lý Thường Kiệt cùng cô giáo Nguyễn Kim Toàn chuẩn bị nội dung trước tham quan.

Chủ động và hào hứng khám phá

Trong lớp học, một nhóm học sinh lớp 4 đứng trước cả lớp thuyết trình về những sản phẩm các em đã tự tạo như tranh vẽ, bút tre, ống quyển… sau khi tìm hiểu về “lớp học xưa” tại Văn Miếu. Sau đó, nhóm thứ hai diễn vở kịch về lớp học của thầy đồ Chu Văn An. Cuối cùng, nhóm thứ ba gõ nhịp phách bài vè khá vui nhộn: “Ve vẻ ve ve/ Nghe vè học tập/ Ngày xưa ngồi sập / Là thầy đồ già/ Học trò thiết tha/ Đến cùng cha mẹ/ Không nặng thì nhẹ/ Không ít thì nhiều/ Nhà có bao nhiêu/ Sắm sanh lễ vật / Của ít lòng thật/ Nhập môn kính thầy/ Kính lễ nơi đây/ Xin thầy dạy chữ…”. Sau khi đọc vè xong, các em ào lên hỏi cô giáo Nguyễn Kim Toàn: “Khi nào con lại được đi Văn Miếu?” và cùng tranh luận những hoạt động tiếp theo mà các em có thể tham gia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Đó là một giờ học sau tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám của các em lớp 4 trường tiểu học Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa, Hà Nội được thực hiện trong Chương trình thực hành cho trẻ tham quan di sản theo cách tiếp cận mới (Chương trình) đề cao tính tham gia, chủ động và sáng tạo của học sinh do Ban quản lý Văn Miếu Quốc Tử Giám phối hợp với Trường tiểu học Lý Thường Kiệt tiến hành.

Cách tiếp cận mới trong giáo dục di sản này đòi hỏi xây dựng các chương trình giáo dục thông qua trải nghiệm di sản một cách chủ động, tích cực, sáng tạo gắn với mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức và kỹ năng của cấp học, khối lớp và phù hợp yêu cầu của từng môn học thông qua một khung chương trình do cán bộ di tích thiết kế theo ba bước: trước, trong và sau tham quan. Cụ thể: Trước tham quan là hoạt động do giáo viên tổ chức tại lớp học, giúp học sinh tự chuẩn bị tài liệu về di sản, di tích ngay trước chuyến tham quan trải nghiệm tại di tích; gắn kết di sản với chương trình của học sinh. Các em được hướng dẫn cùng cha mẹ tìm hình ảnh, các mẩu chuyện xung quanh lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám và sau đó chia sẻ thông tin với các bạn trong lớp. Qua đó mọi người cùng nâng cao nhận thức và thích thú với chuyến đi sắp tới. Trong tham quan là hoạt động tại di tích: cán bộ giáo dục1 hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm đã được thiết kế theo từng chủ đề. Hiện nay các cán bộ hướng dẫn của Văn Miếu Quốc Tử Giám đã nghiên cứu kỹ chương trình học của học sinh Tiểu học sau đó thiết kế các hoạt động tại di tích phù hợp với từng môn. Ví dụ: Thiết kế tour tìm hiểu về các con giáp và bia Tiến sĩ trong Văn Miếu với học sinh lớp 1 đang học thống kê (đếm, cộng, trừ), nhận biết, kể chuyện mô tả, so sánh với con vật thật, nhận biết đường nét về mỹ thuật… Đối với các em học sinh lớp lớn hơn sẽ có các hoạt động liên quan đến kỹ năng tính toán, thực hành kỹ năng miêu tả, hay giáo dục thẩm mỹ (vẽ, nặn tượng..)… phức tạp tương ứng. Hiện nay Văn miếu Quốc Tử Giám đã thiết kế được nhiều tour trong tham quan với gần 10 chủ đề khác nhau. Sau tham quan là những hoạt động sáng tạo tập thể của học sinh giống như làm bài “thu hoạch” nhưng đầy sáng tạo, hấp dẫn dưới cách trình bày đa dạng thể loại như của lớp 4 trường Tiểu học Lý Thường Kiệt kể trên. Đây là hoạt động đặc biệt được chú trọng để học sinh có thể “bồi đắp”, bay bổng xa hơn qua những “ghi nhớ” sau quá trình tham quan, qua đòi hỏi sự sáng tạo của học sinh và thầy cô giáo. Giáo viên cần phải định hướng đúng và khéo léo, linh hoạt để giúp học sinh thiết kế những sản phẩm sáng tạo hiệu quả.

Về cách tổ chức, Chương trình này chia học sinh thành các nhóm nhỏ trên dưới 10 em/ nhóm để cùng tìm hiểu về một khía cạnh của chủ đề tìm hiểu. Có sự “tương tác” chặt chẽ giữa các em học sinh với nhau và giữa học sinh với cán bộ giáo dục tại di tích. Cách làm này thay hoàn toàn cho cách tham quan cũ theo quy trình “thụ động” “thuyết minh dùng loa hướng dẫn cho những đoàn học sinh đông hàng trăm em, các em chỉ biết “sơ sơ” về di sản, khó nắm bắt nội dung cụ thể chứ chưa nói tới tích cực tương tác”, chị Hoàng Tuyết Hương, Cán bộ giáo dục tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết.

Mô hình thí điểm “mạnh dạn” của Văn Miếu

Văn Miếu Quốc Tử Giám được đánh giá là một di sản “hút khách” bởi hằng năm đón tiếp hàng trăm nghìn lượt người tới tham quan. Chỉ tính riêng học sinh bậc phổ thông, năm 2015 di tích này đón tiếp 60.000 em. Tuy nhiên, chính ban quản lý Văn Miếu Quốc Tử Giám nhận thấy, từ nhiều năm nay chương trình tham quan ở đây, không phù hợp với xu hướng tham quan chủ động trên thế giới, chưa thực sự gắn với chương trình giáo dục phổ thông. Vì vậy, năm 2016, Văn Miếu Quốc Tử Giám đã triển khai thí điểm Chương trình giáo dục di sản kiểu mới với sự hỗ trợ chuyên môn của Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH). Dự kiến sau khi thí điểm thành công, di tích này sẽ áp dụng rộng rãi phương pháp mới này vào tham quan di sản (vẫn áp dụng phương pháp thuyết minh cũ với những đoàn học sinh ở xa, chưa có điều kiện cho học sinh thực hiện các bước trước và sau tham quan).

Chương trình thí điểm này của Văn Miếu Quốc Tử Giám “mang tính sư phạm, tôn trọng tính tham gia tích cực của học sinh và đảm bảo các em là chủ thể tiếp nhận thông tin một cách chủ động”, theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, phó Giám đốc CCH, người tư vấn chuyên môn cho Chương trình này của Văn Miếu Quốc Tử Giám. Do đó, rất cần đưa phương pháp giáo dục mới này vào áp dụng trong nhà trường.

TS. Nguyễn Thành Nam, Giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, người từng tham gia xây dựng nhóm Cánh buồm từ những ngày đầu và có kinh nghiệm “bán” các tour giáo dục dã ngoại của nhóm giáo dục Ô xinh đánh giá: “Với những nội dung hấp dẫn như cách làm của Văn Miếu Quốc Tử Giám, học sinh và phụ huynh đều cảm thấy rất thu hút. Không chỉ thiết kế nội dung tham quan tích hợp trong chương trình giáo dục, Văn Miếu hoàn toàn có thể thiết kế các tour tham quan “độc lập” mang tính thương mại và rất nhiều phụ huynh quan tâm “mua” cho con học theo các khoá này chứ không chỉ thí điểm miễn phí như hiện nay”.

Sự vui thích, chủ động tham gia và sáng tạo nhiều sản phẩm sau tham quan của các học sinh những trường thí điểm phối hợp với Văn Miếu như trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, trường Tiểu học Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, trường Tiểu học Cát Linh, Q. Đống Đa đã cho thấy rõ tính hiệu quả của Chương trình này.

Liên kết là vấn đề mấu chốt nhất

Tuy nhiên, trên thực tế, một thử nghiệm tương tự đã từng diễn ra từ cách đây… 5 năm. Năm 2012, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội có một dự án đưa phương thức giáo dục di sản vào nhà trường và cho học sinh thử nghiệm tham quan di sản chùa Láng và Bảo tàng Phụ Nữ. Dự án đó được xây dựng rất bài bản, mời các chuyên gia về di sản để “chọn lọc” các kiến thức về lịch sử, văn hóa của di sản phù hợp với học sinh, chuyên gia giáo dục thiết kế chương trình tham quan phù hợp với khung chương trình phổ thông. Mặc dù dự án này được đánh giá là rất hữu ích, cấp thiết với giáo dục phổ thông và sau đó góp phần “thúc đẩy” cho ra đời thông tư liên bộ số 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL về việc Hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên nhưng lại được cho là … chưa thành công. Bởi vì thiếu liên kết giữa các di sản và cơ sở giáo dục, “khi dự án kết thúc, không có đơn vị nào đứng ra nhận tiếp tục thực hiện [mô hình này] một cách bài bản, bảo tàng và các trường cũng đều quá bận và không thể tự thiết kế, phát triển các chương trình trải nghiệm tiếp theo chính là được”, TS. Nguyễn Thành Nam, một trong những chuyên gia giáo dục tham gia dự án này cho biết.

Trong trường hợp của Văn Miếu Quốc Tử Giám, để có được những thành công bước đầu hiện nay, trong suốt hơn một năm thí điểm Chương trình, đơn vị này phải “vượt qua” vấn đề đầu tiên là “chung tay” liên kết chặt chẽ với các trường để cùng soạn thảo nội dung từng chủ đề trong bối cảnh cán bộ giáo dục của cả hai phía đều đang quá bận với chương trình chính khóa. Có thể nói, sự phối hợp của các trường Tiểu học với Văn Miếu Quốc Tử Giám là “may mắn”, hoàn toàn xuất phát từ tâm huyết và nhận thức về tầm quan trọng của phương pháp giáo dục di sản mới này của chính Ban giám hiệu và giáo viên các trường tiểu học đã liên kết, bởi có thông tư 73 hướng dẫn khá “chung chung” nhưng không có một cơ chế nào bắt buộc các trường phải tham gia áp dụng tiếp cận giáo dục di sản mới. Mặt khác, “nội dung giáo dục di sản này không có trong Hướng dẫn chương trình chính thức. Chúng tôi phải “tranh thủ” thời gian ra chơi, các tiết sinh hoạt tập thể, tiết hướng dẫn học tập để hướng dẫn học sinh thực hiện các bước trước tham quan, sau tham quan tại lớp”, cô giáo Nguyễn Kim Toàn, chủ nhiệm lớp 4, trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết. Đó là một lỗ hổng của Thông tư Liên bộ này mà thực tế đang chỉ ra nếu muốn cách tiếp cận mới này được áp dụng rộng rãi.

Vấn đề thứ hai mà Văn Miếu Quốc Tử Giám đã “vượt qua” là “đào tạo lại” cán bộ thuyết minh. Bảy cán bộ giáo dục của Phòng Nghiệp vụ – Thuyết minh phải “căng mình” làm việc, nỗ lực học tập những phương pháp và kiến thức mà trước đó chưa từng được tiếp cận. “Chúng tôi phải tìm đọc toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông để hiểu được các em ở từng khối lớp cần những kiến thức và kỹ năng gì rồi mới xây dựng các chủ đề tham quan. Chúng tôi học làm phiếu khảo sát sao cho đơn giản, dễ hiểu để các em học sinh thực hiện khi tham quan, học cách kể chuyện, tìm trò chơi… Những kỹ năng này hoàn toàn mới so với thuyết minh trước đây đơn giản gần như là “độc thoại”, chị Hoàng Tuyết Hương cho biết. Bảy cán bộ giáo dục của Phòng sẽ là quá ít ỏi nếu Chương trình thí điểm này được nhân rộng thay thế cho phương pháp tham quan cũ và được “đặt hàng” nhiều. Hiện nay phòng Nghiệp vụ – Thuyết minh tính tới phương án phải huy động tình nguyện viên.

“Sức sống” của Chương trình giáo dục di sản này đã được thể hiện ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, xuất phát từ chính nhận thức cần phải thay đổi cách giáo dục di sản của đơn vị này và nhận được sự phối hợp từ các cơ sở giáo dục nhưng đây mới chỉ là một hiện tượng “đơn lẻ”. Phương pháp giáo dục di sản mới này có được “lan toả” hay không lại phụ thuộc ở khả năng thay đổi nhận thức của các ban quản lý di sản và các trường khác.
——-
1 Trong Chương trình này, thay vì dùng từ “cán bộ thuyết minh”, Văn Miếu Quốc Tử Giám sử dụng khái niệm mới có nội hàm riêng là “Cán bộ giáo dục” tại di tích cho đúng với tinh thần chức năng giáo dục trong bảo tàng và di sản.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)