Liệu Mexico có trở thành một Trung Quốc mới?

Lần đầu tiên sau gần 20 năm, Mexico hầu như đã trở thành một đối thủ cạnh tranh sát sườn với Trung Quốc về địa bàn đầu tư.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đức chuyển tới Mexico. Điều kiện khung ở đây tốt, có những cái còn thuận lợi hơn so với Trung Quốc – liệu Trung Quốc có mất vị trí hàng đầu thế giới về địa bàn đầu tư?

Có nhiều thông tin giống nhau: Dù là BMW, Daimler hay Audi – tất cả các nhà sản xuất ô tô hạng sang đều tiết lộ sẽ ồ ạt chuyển tới địa bàn đầu tư Mexico. Các tập đoàn này dự định đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong hai năm 2013 và 2014 để xây dựng các nhà máy mới. Mexico rất được ưa chuộng đối với công nghiệp sản xuất ô tô quốc tế.

Niềm tự hào chính đáng

Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto khi tiếp phái đoàn của chính phủ Đức, cũng không che giấu niềm tự hào của ông về sự phát triển hiện nay. Tập đoàn BMW “sau khi đã phân tích các địa bàn đầu tư trên khắp thế giới” đã quyết định chọn Mexico. Tổng thống có quyền tự hào vì chính phủ Mexico đã góp phần để tạo nên quyết định này. Chính phủ đã tạo các điều kiện khung về chính trị và kinh tế để các doanh nghiệp quốc tế cảm nhận được sự thoải mái, dễ chịu khi làm ăn ở Mexico.

Các doanh nghiệp Đức tại đây hầu như không phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến ma tuý hay các cuộc tấn công cướp bóc. Cả Phòng Thương mại Đức-Mexico cũng tỏ ra bình thản về vấn đề này. Theo tổ chức này thì cho đến nay không có một doanh nghiệp Đức nào phải rời khỏi Mexico vì lý do an ninh. Thay vào đó là nhiều lời khen, kể cả của các chuyên gia.

“Mexico có một hạ tầng cơ sở tốt và phát triển, có trình độ đào tạo cao và chi phí lao động tương đối thấp,” bà Galina Kolev, cán bộ về kinh tế đối ngoại của Viện Kinh tế Đức (IW) ở Köln nói. Với những yếu tố nói trên, trong những năm gần đây, Mexico đã trở thành một địa bàn đầu tư mới được các tập đoàn của Đức và quốc tế ngày càng ưa chuộng dù đó là Miele, hãng sản xuất máy đóng gói Multivac hay Cola-Cola. Hôm thứ Tư vừa qua, tập đoàn nước giải khát khổng lồ của Mỹ tuyên bố từ nay đến 2020 sẽ đầu tư tổng cộng trên 8,2 tỷ USD ở Mexico – mỗi năm gần 1,2 tỷ USD. Lần đầu tiên sau gần 20 năm, Mexico hầu như đã trở thành một đối thủ cạnh tranh sát sườn với Trung Quốc (TQ) về địa bàn đầu tư.

Cho đến nay, TQ được coi là nhà xuất khẩu sản phẩm công nghiệp lớn nhất thế giới. Giờ đây Mexico đang vươn lên và đuổi sát TQ, trên cơ sở giành một phần của TQ. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong thời gian từ 2010 đến 2012, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Mexico đạt 40%.

Không lâu nữa TQ sẽ mất thêm một điểm mạnh của mình, đó là chi phí lương thấp. Tiền lương ở TQ trong những năm qua tăng chóng mặt. Hiện tại tiền lương cho một giờ lao động đối với công nhân Mexico là 6,5 USD, chỉ cao hơn nửa USD so với các đồng nghiệp TQ.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất ở TQ cũng tăng. “TQ đã bùng nổ, giờ bước vào thời kỳ củng cố, do đó các con số hiện tại dường như bị chững lại,” Oliver Groll, giám đốc điều hành về mảng Quốc tế tại Phòng thương mại và công nghiệp bang Saarland, nói. Các tập đoàn công nghiệp ô tô của Đức được khuyến cáo nên phát triển sản xuất tại Mexico, theo chuyên gia Kolev thuộc Viện Kinh tế. “Ngành công nghiệp ô tô đang phát triển mạnh Mexico, mạng lưới sản xuất phụ tùng, linh kiện tương đối phát triển.”

Đầu tư cho giáo dục

“Đặc biệt Mexico có một môi trường kinh tế khá bền vững với một nhà nước pháp quyền tương đối phát triển,” Nils Stieglitz, Giáo sư quản trị chiến lược của Trường Tài chính và Quản trị Frankfurt đánh giá. Điều này ở TQ phức tạp hơn và đôi lúc làm cho các nhà đầu tư không yên tâm. Ngoài ra, còn có vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ở phía nam TQ, nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất.

Trong khi đó những năm gần đây, Mexico đã xử lý tương đối thành công nạn tham nhũng và giành được thế chủ động trong cuộc chiến ma tuý. Ngoài ra, theo nhà khoa học Galina Kolev, ở Mexico còn phải kể đến một yếu tố nữa làm cho quốc gia này trở nên đặp biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư – đó là kiên quyết thực thi chính sách tự do thương mại và Mexico liền kề với thị trường Mỹ.

Hiện tại, Mexico có 40 đối tác thương mại với Hiệp định tự do thương mại. Điều này cụ thể có nghĩa là: các doanh nghiệp nước ngoài được tự do tiếp cận thị trường Mỹ mà không phải đóng thuế. Đối với nhiều doanh nghiệp, sự cởi mở này có ý nghĩa chiến lược, với các doanh nghiệp Đức cũng vậy.

Đức hiện có 1.200 doanh nghiệp ở Mexico với 120.000 công nhân viên thuộc các lĩnh vực sản xuất ô tô, phụ tùng, phụ kiện, công nghiệp dược phẩm, hoá chất và điện tử – những lĩnh vực hiện có điều kiện đầu tư tốt nhất. Đầu tư trực tiếp của Đức từ 2009 đến 2012 tại đây tăng 60%.

Tuy nhiên Mexico chưa khai thác hết tiềm năng của mình. Lĩnh vực ngân hàng bị thiếu nguồn vốn, hạ tầng cơ sở có nơi, có chỗ chưa đạt yêu cầu, còn thiếu các chương trình về đào tạo và bồi dưỡng. Chính phủ Mexico muốn dùng các chương trình như “Pacto por México” để xử lý những vấn đề này và sẽ chi khoảng 400 tỷ USD để mở rộng mạng lưới năng lượng, giao thông vận tải và thông tin liên lạc.

Một lợi thế nữa của địa bàn đầu tư Mexico là dân số trẻ, trên 50% dưới tuổi 30. “Người Mexico là những người kiêu hãnh và năng động. Tuy nhiên trình độ của họ nhiều khi chưa đáp ứng được những đòi hỏi cao về kỹ thuật,” Carsten Schubert, giám đốc điều hành hãng cung ứng phụ tùng, thiết bị ô tô Willy Voit ở St. Ingbert, nhận xét. Doanh nghiệp này hoạt động tại Mexico từ năm 1998.

Với sự hỗ trợ của các đại sứ quán và các tổ chức của hai nước, Mexico đang nỗ lực xây dựng hệ thống đào tạo song hành vì một lý do đơn giản, Mexico không chỉ cần máy móc, thiết bị của nước ngoài mà còn cần những người dân sở tại có thể điều khiển những máy móc thiết bị đó.

Xuân Hoài dịch

Tác giả