Lynn Conway với thuật toán giúp tái thiết kế vi mạch

Trong nhiều thập kỷ, kỹ sư điện tử Lynn Conway là một trong những người đi đầu ngành khoa học máy tính. Bà đã khởi xướng cuộc cách mạng máy tính khi tái thiết kế vi mạch, đồng thời thách thức sự thiếu hiểu biết và định kiến đối với người chuyển giới trong lĩnh vực khoa học.

Vào cuối những năm 1970, Lynn Conway công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto của Xerox – một trong những “cái nôi” nổi tiếng sản sinh ra nhiều phát minh thế kỷ. Cùng với một đồng nghiệp tên Carver Mead, bà đã phát triển và hệ thống hóa một phương pháp mới để làm ra chip. Cả hai là đồng tác giả của một cuốn sách giáo khoa dạy cho sinh viên cách sắp xếp nhiều bóng bán dẫn (transistor) hơn trên các mạch tích hợp ngày càng thu nhỏ.

Cuốn sách có tên Giới thiệu các hệ thống VLSI, do nhà xuất bản Addison-Wesley cho ra mắt vào năm 1980. Nó trở thành cuốn cẩm nang gối đầu giường cho các kĩ sư học về vi mạch tích hợp (VLSI). Kỹ thuật thiết kế đã thúc đẩy sự phát triển của các bộ vi xử lý mạnh mẽ hơn, rẻ hơn cho laptop và điện thoại thông minh. Đồng thời, nội dung cuốn sách được trình bày rõ ràng, dễ hiểu, giúp cho kỹ sư mới vào nghề cũng có thể tự thiết kế vi mạch, chứ không phải phụ thuộc vào một vài nhà sản xuất lớn.

Trong bài tưởng niệm giáo sư Conway, giáo sư khoa học và kỹ thuật máy tính Valeria Bertacco tại Đại học Michigan – nơi Conway giảng dạy trong hơn một thập niên – nhận định: “Lĩnh vực của tôi sẽ không tồn tại nếu không nhờ Lynn Conway. Ngày xưa, chip được thiết kế bằng cách vẽ bút chì trên giấy, giống như bản phác thảo của kiến trúc sư trong thời kỳ tiền kỹ thuật số. Công việc của Conway đã phát triển những thuật toán cho phép lĩnh vực của chúng tôi sử dụng phần mềm để sắp xếp hàng triệu, và sau này là hàng tỷ, bóng bán dẫn trên một con chip”.

Trong nhiều thập niên, những đóng góp của Conway đa phần bị người đời bỏ quên, và đôi khi lu mờ trước người đồng sự Mead. Tuy cả hai người cùng chung tay phát triển các tiêu chuẩn và quy tắc đằng sau vi mạch tích hợp, nhưng Mead được ghi tên trong Đại sảnh Danh vọng Nhà phát minh Quốc gia từ năm 2009; trong khi phải tới năm ngoái Conwaymới được vinh danh trong Đại sảnh này.

Conway chia sẻ bà từng cố tình né tránh ánh hào quang, sống cuộc đời âm thầm vì sợ rằng bản dạng giới sẽ phá hủy sự nghiệp của mình. Bà từng mất việc vì điều đó, khi bị IBM sa thải vào năm 1968 sau khi bày tỏ với quản lý về kế hoạch phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Vào thời điểm ấy đó là một thủ thuật vô cùng mới và bà phải sang tận Mexico để thực hiện.

Trong bài báo viết cho tờ HuffPost vào năm 2013, Conway chia sẻ: “Ở nhiều khu vực pháp lý, tôi có thể bị bắt và cáo buộc là tội phạm tình dục – hoặc tệ hơn nữa là bị nhốt vào cơ sở cải tạo và buộc phải trải qua liệu pháp sốc điện trong bệnh viện tâm thần. Để tránh rơi vào số phận như vậy, tôi hoàn tất việc chuyển đổi [giới tính] và bắt đầu xây dựng sự nghiệp với một danh tính mới, bí mật. Tôi bắt đầu từ bậc thấp nhất là làm lập trình viên hợp đồng. Ngay cả khi đó, nếu lỡ lộ ra thì tôi sẽ bị phơi bày trên các phương tiện truyền thông, để rồi bị thất nghiệp và phải ra đường sống. Tôi đã che giấu quá khứ của mình trong suốt 30 năm, lúc nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ, như thể tôi là gián điệp nước ngoài trên chính quê hương của mình”.

Tới năm 2000, bà quyết định kể lại câu chuyện đời mình, trong đó có cả việc thảo luận về những đóng góp trong nghiên cứu trước đó tại IBM – chúng đã bị quên lãng vì gắn liền với cái tên khai sinh đã bị bà từ bỏ. Conway bắt đầu tiếp xúc với phóng viên và câu chuyện của bà được đăng trên trang nhất của tạp chí Los Angeles Times. Bà còn tạo một trang web cá nhân với mục đích mang lại “thông tin, khích lệ và hy vọng” cho những người chuyển giới hoặc trong quá trình thực hiện việc này. Trên đây còn có các phần tự truyện của bà, kể lại chi tiết những trắc trở ban đầu bà gặp phải trong quá trình tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè và người thân trong gia đình. Conway bày tỏ nỗi cay đắng về những năm tháng ấy, khi bị IBM sa thải, khiến bà cùng gia đình phải sống nhờ trợ cấp xã hội một khoảng thời gian – khi ấy bà đã kết hôn và có hai đứa con gái nhỏ.

Năm 2020, bà được IBM mời tham dự một cuộc họp, sau hơn 50 năm bị xua đuổi. Tại đây, lãnh đạo công ty đã gửi lời xin lỗi chính thức tới Conway, với sự tham gia trực tuyến của 1.200 nhân viên.

Lynn Ann Conway sinh ngày 2/1/1938 trong một gia đình trí thức tại Mount Vernon, New York. Mẹ bà là giáo viên còn cha là kỹ sư hóa học trong Công ty Texaco. Hai người ly hôn khi Conway lên bảy tuổi. Hồi đó, như bà viết trong tự truyện, Conway cảm thấy “vô cùng thống khổ” vì mình sinh ra là con trai và cha mẹ bà nhất quyết cho rằng việc mặc váy và chơi với các bạn nữ không dành cho bà.

Trường học thành nơi trú ẩn. Bà dần quan tâm tới khoa học và kỹ thuật, tự dựng hệ thống âm thanh hi-fi và kính viễn vọng vô tuyến có đường kính 3,66m. Bà tiếp tục nghiên cứu vật lý tại MIT, và trong thời gian này bà bắt đầu tiêm hormone estrogen (lấy được thông qua các mối quen biết lấy trộm từ các hiệu thuốc), và tiết lộ với vài người bạn rằng mình chuyển giới. Sau một thời gian khủng hoảng tới nghiện rượu và bỏ học, bà thi vào Đại học Columbia, lấy được bằng cử nhân và thạc sĩ kỹ thuật điện tử lần lượt vào năm 1962 và 1963, chỉ sau hai năm học.

Nhờ một giáo viên hướng dẫn giới thiệu, bà tìm được việc tại IBM, tham gia một nhóm nghiên cứu tên là Dự án Y có mục tiêu chế tạo một chiếc máy tính mới siêu nhanh. Thiết kế siêu máy tính không được hoàn thành, song dự án này đã tạo ra những tiến bộ công nghệ giúp cải thiện tốc độ và hiệu suất máy tính.

Năm 1968, bà quyết định chuyển giới và tiết lộ tin tức với một người quản lý. Ban đầu, các sếp tại IBM ủng hộ quyết định này và xây dựng một kế hoạch để bà lặng lẽ chuyển sang bộ phận khác tại công ty với danh tính mới. Nhưng tới cuối cùng, họ lại đổi ý, lo ngại việc này “sẽ gây tai tiếng”. Conway trải qua cuộc phẫu thuật ngay sau khi bị sa thải. Bà lấy tên mới – Conway – xuất phát từ họ của một nữ anh hùng dũng cảm trong cuốn tiểu thuyết phiêu lưu của Helen MacInnes. Bà bắt đầu lại sự nghiệp, công tác ở Memorex trước khi nhận việc tại Xerox PARC vào năm 1973.

Không lâu sau, bà làm việc với Mead – một nhà tư vấn bên ngoài kiêm giảng viên tại Caltech. Mead đưa ra giả thuyết về thiết kế của một loại vi mạch mới, còn Conway đưa ra bí quyết thực tế giúp họ hoàn thành công việc đó. Nghiên cứu này của bà gây ấn tượng với Lầu Năm Góc, dẫn tới công việc điều hành chương trình siêu máy tính tại Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến. Bà Conway về Trường Cao đẳng Kỹ thuật – Đại học Michigan vào năm 1985, giữ chức vụ Phó trưởng khoa giảng dạy và công nghệ giảng dạy. Bà nghỉ hưu vào năm 1998 và được phong giáo sư danh dự về kỹ thuật điện tử và khoa học máy tính. Trong những năm gần đây, bà tiếp tục viết các bài báo ủng hộ quyền của người chuyển giới và phụ nữ trong khoa học – kỹ thuật.

Phương Lan

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)