Máy quét cho cả thế giới

Chỉ cần chĩa Scio vào một vật gì đó, người ta sẽ nhận được thông tin cần thiết về nó, chẳng hạn như thành phần hoá học. Nhà phát minh người Israel hy vọng thiết bị này có thể thay đổi cơ bản làm thay đổi cơ bản thói quen mua hàng của chúng ta.

Hiện nay mới có thể sử dụng Scio trong một số lĩnh vực ít ỏi. Tuy nhiên nhà phát minh Dror Scharon dự định xây dựng một bộ sưu tập dữ liệu thật phong phú để người sử dụng thiết bị có thể phân tích mọi chất liệu thường thấy ở chung quanh mình.

Scio là một quang phổ kế hồng ngoại có kích thước như một USB. Nó được sử dụng trong ba lĩnh vực: thực phẩm, dược phẩm và trồng trọt. Chỉ đơn giản nhắm đúng hướng và nhấn vào một cái nút ở máy quét, người dùng có thể biết miếng phô mai có bao nhiêu calorie hoặc biết khi nào thì quả cà chua sẽ chín. Cái tên Scio trong tiếng la-tinh có nghĩa là “nhận biết”.

Sanford Ruhman, giáo sư hoá học và chuyên viên về quang phổ thuộc ĐH Hebrew ở Jerusalem, nhận xét, tác động lớn nhất của Scio có lẽ là nâng cao nhận thức của mọi người đối với thế giới vật chất ở quanh, và khả năng nhận biết thành phần hoá chất của thiết bị này sẽ rất có ý nghĩa trong lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ hay an ninh. Mặc dù tự nhận mình là người “bản tính hoài nghi” nhưng ông vẫn ca ngợi Scio như “sự mở đầu của một cái gì đó có thể trở nên rất phong phú”.

Huy động vốn và trí tuệ từ đám đông

Scharon, từng theo học kỹ thuật tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là người đồng sáng lập doanh nghiệp Consumer Physics. Ông nói, nếu với Google, người tìm kiếm thông tin phải suy nghĩ về câu hỏi, tìm một khái niệm thích hợp để tìm kiếm, đưa khái niệm đó vào công cụ tìm kiếm với hy vọng sẽ nhận được kết quả hữu ích thì trái lại, với quang phổ kế, người ta chỉ cần chĩa vào đối tượng mà không cần biết đó là cái gì. Thiết bị sẽ đo cấu trúc phân tử của đối tượng đó, so sánh các thông tin với bộ sưu tập dữ liệu không ngừng tăng và ngoài ra có thể chuyển các dữ liệu bổ sung sang Smartphone của người sử dụng.

“Tôi nghĩ rằng điều này có thể thay đổi thế giới theo nhiều cách”, Scharon nói. “Thiết bị có tiềm năng giám sát lốp ô tô, bình chứa xăng, mẫu đất hay cơ thể con người”.

Đến nay, Scharon đã huy động vốn đám đông thông qua platform Kickstarter được hơn 2 triệu USD của hơn 11.000 người.

Ông nói, khả năng của thiết bị tạm thời còn hạn chế vì bộ dữ liệu còn tương đối nhỏ. Nhưng ông tin rằng các nhà đầu tư đến cuối năm nay sẽ nhận được Scio để có thể cùng tham gia xây dựng “ngân hàng dữ liệu vật chất lớn nhất trên thế giới” online để những ai sử dụng Scio đều có thể truy cập. Ngoài ra, hàng trăm người trong số những người góp vốn này sẽ tham gia với tư cách những nhà phát triển để tối ưu hoá phần mềm của Scio.

“Tất nhiên có hai triệu USD là hay rồi”, Scharon nói, “nhưng vấn đề chủ yếu là tạo ra được một cộng đồng tham gia năng nổ”. Scharon dự kiến sẽ tung Scio ra thị trường trong năm tới với giá khoảng 299 USD.

Jossi Vardi, một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong lĩnh vực công nghệ cao ở Israel nói, sự phát triển không chính thống là một trong những thế mạnh lớn nhất của Scio. “Nó chính là một dạng của cộng đồng sáng tạo mở”, Vardi nói, tuy nhiên ông hoàn toàn không đầu tư vào doanh nghiệp này. “Và người thắng cuộc là những người đã vận động được đông đảo nhất các nhà phát triển vì nhờ thế mà người ta có được một bộ não khổng lồ với vô vàn ý tưởng.”

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)