Máy sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời
Ngày 15/6, tại Hà Nội, Công ty TNHH Phát triển Ứng dụng Kỹ nghệ mới (SAV) đã tổ chức hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu và giới thiệu sản phẩm của Tiểu dự án “Nghiên cứu và chế tạo máy sấy nông sản/lúa bằng năng lượng mặt trời hiệu suất cao, sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không”.
Mục tiêu của dự án nhằm chế tạo ra hai bộ thu năng lượng mặt trời kiểu ống nhiệt thủy tinh chân không có cánh, mỗi bộ có công suất nhiệt tạo ra Q1=5kW, tổng công suất Q=2Q1=10kW (tổng diện tích thu khoảng 10m2); chế tạo buồng sấy thóc cơ khí sấy kiểu đối lưu cưỡng bức với năng suất sấy khoảng 500 kg thóc/máy mỗi hộ gia đình (từ thóc ướt có độ ẩm khoảng 30 – 33% xuống độ ẩm 13 – 14%) trong một ngày nắng (08 giờ).
Dự án nghiên cứu kết hợp hai tiến bộ khoa học kỹ thuật, hai công nghệ cao là ống thủy tinh chân không (nhận nhiệt bức xạ mặt trời tốt) và thiết bị ống nhiệt (truyền nhiệt nhanh và mạnh) vào một bộ thu nhiệt năng lượng mặt trời dùng ống nhiệt thủy tinh chân không để cấp nhiệt cho máy sấy nông sản… Với việc triển khai ứng dụng các công nghệ cao này, qua tính toán và nhiều thực nghiệm cho thấy hiệu suất của bộ thu năng lượng mặt trời có thể đạt 55%- 65%.
Máy sấy nông sản/lúa bằng năng lượng mặt trời sử dụng ống nhiệt thủy tinh chân không
Ông Trần Công Lý – Giám đốc SAV cho biết, so với chi phí sấy lúa bằng máy sấy tĩnh vỉ ngang lò trấu cỡ 30 tấn/mẻ là 150.000 đồng/tấn lúa (gồm các phí bốc xếp, đốt lò, điện, trấu, khấu hao thiết bị, lãi ngân hàng) thì với loại máy sấy này vẫn có lợi hơn khoảng 27.000 đồng/ tấn, đó là chưa kể các ích lợi khác do sử dụng năng lượng sạch – năng lượng mặt trời mà có. Với tiền sấy thuê bằng máy sấy hiện nay khoảng 250.000 đồng/ tấn, như vậy lãi trên dưới 127.500 đồng/tấn. Do đó chỉ cần sấy 588 tấn lúa là có thể thu hồi vốn đầu tư, tương đương thời gian thu hồi vốn của 01 modul sấy khoảng 3,9 năm (nếu chỉ tính sấy 7 giờ/ ngày).
TS Nguyễn Thúy Anh – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế Hợp tác thuộc Liên minh hợp tác xã Việt Nam, cho biết: Dự án đưa vào triển khai trong thực tế sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nông dân, góp phần giảm chi phí sấy, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và xuất khẩu, giảm độc hại trực tiếp cho người lao động khi sử dụng các phương thức sấy tự nhiên, sấy thủ công.
Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng trong giai đoạn tiếp theo SAV cần nghiên cứu chế tạo loại máy sấy có công suất sấy lớn hơn, đa năng nhằm phục vụ cho quy mô sấy của các hợp tác xã, các đơn vị dịch vụ sấy. Với thiết bị sấy này sẽ biến nguồn năng lượng tiềm năng rất lớn, siêu sạch “trời cho” vào công cuộc công nghiệp hóa nền nông nghiệp nước ta, nâng cao mức thu nhập cho bà con nông dân và góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt trên thương trường thế giới.