Miến Điện đình chỉ dự án thủy điện gây tranh cãi do Trung Quốc đầu tư
Giám đốc một công ty nhà nước của Trung Quốc, nhà đầu tư của dự án xây đập thủy điện Myitsone gây tranh cãi ở Miến Điện, nói rằng việc Chính phủ Miến Điện đình chỉ dự án tuần trước là một điều bất ngờ và “sẽ dẫn tới những vấn đề pháp lý”.
Không rõ trong trường hợp này tập đoàn của ông Lu sẽ đòi lại quyền lợi pháp lý như thế nào, khi mà hệ thống pháp lý của cả hai quốc gia còn tương đối hạn chế. Tuy nhiên, ý kiến của ông Lu phần nào cho thấy có sự không hoàn toàn đồng thuận giữa Trung Quốc và Miến Điện, dù Miến Điện được coi là một đồng minh có vai trò chiến lược, nơi Trung Quốc dự định đầu tư nhiều dự án.
Các quan chức chính phủ của cả hai quốc gia đều không có ý kiến gì về vụ việc này.
Vào Chủ nhật ngày 2/10 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Chính phủ Miến Điện nên bảo vệ quyền lợi của các công ty Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính chính trị của một dự án lớn như dự án xây đập Myitsone.
Con đập này sẽ ảnh hưởng tới sông Irrawaddy ở phía Bắc của Miến Điện, có khả năng gây ngập một vùng đất có diện tích tương đương Singapore. Dự án này không có được sự đồng thuận của dân chúng Miến Điện. Cư dân trong vùng ảnh hưởng nhìn nhận con đập Myitsone như một cách để Chính phủ di dời các nhóm sắc tộc địa phương.
Chủ tịch nước Thein Sein hôm 30/9 nói rằng việc xây dựng cần bị đình chỉ, và cho rằng dự án đi ngược lại ý chí của nhân dân. Quyết định này của ông gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát, do nhiều khả năng nó sẽ làm Trung Quốc phật ý.
Trung Quốc hiện nay cần quan hệ đồng minh với Miến Điện một phần vì nước này ở gần Ấn Độ, một quốc gia có tiềm năng cạnh tranh trong cùng khu vực với Trung Quốc. Đồng thời, Miến Điện cũng được coi là cửa ngõ thông ra Vịnh Bengal. Trung Quốc và Miến Điện hiện đang xây dựng một đường ống dẫn dầu và khí đốt xuyên qua Miến Điện và thông vào phía Tây Nam của Trung Quốc, một nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu.
Các dựa án hạ tầng lớn là cách thông thường để Trung Quốc dành được những lợi thế ngoại giao với các nước đang phát triển. Các công ty của Trung Quốc hiện đang xây các đập thủy điện ở Đông Nam Á, Châu Phi, và những nơi khác. Theo Xinhua, hôm 03/10, tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã quyên góp 1,32 tỷ USD để xây dựng các trường học tại các vùng đất nằm dọc theo đường ống dẫn đầu và khí đốt vào Trung Quốc.