Millicent Bryant: người phụ nữ Úc đầu tiên được cấp bằng phi công

Trước khi thế giới chào đón sự xuất hiện của những nữ phi công huyền thoại thập niên 1930 như Amelia Earhart, Miller “Mập” và Nancy Bird Walton, một người phụ nữ khác đã mở cánh cửa chinh phục bầu trời - và nếu không phải vì vòng xoáy nghiệt ngã của số phận, thì ắt hẳn tên tuổi của bà đã trở nên không kém phần quen thuộc với chúng ta.


Bryant sau khi hoàn thành chuyến bay với huấn luyện viên trưởng, Đại Úy Edward Leggatt (một phi công máy bay chiến đấu nổi tiếng trong thế chiến thứ nhất). Ảnh: James Vicars
 
Đó là Millicent Maude Bryant, người phụ nữ đầu tiên nhận được bằng phi công ở Úc, và hơn thế là ở toàn bộ Khối Thịnh vượng chung bên ngoài nước Anh vào đầu năm 1927.
 
Cái chết bất ngờ
 
Millicent sinh năm 1878 tại Oberon và lớn lên gần Trangie ở phía tây New South Wales. Gia đình cô, nhà Harveys, chuyển đến Manly một thời gian sau khi em trai cô là George mắc bệnh bại liệt (một trong những phương pháp điều trị thời bấy giờ là “tắm biển”). Millicent gặp gỡ và kết hôn với Edward Bryant, một công chức lớn hơn cô 15 tuổi, và có với nhau ba mụn con. Hai vợ chồng ly thân không lâu trước khi Edward qua đời vào năm 1926.
 
Cuối năm đó, Bryant bắt đầu tham gia đào tạo ở Câu lạc bộ Hàng không Úc tại Mascot, ngoại ô Sydney. Lúc bấy giờ, địa điểm hiện tại của sân bay quốc tế chỉ là nơi đồng không mông quạnh, lác đác vài tòa nhà và xưởng cất máy bay.
 
Bryant được nhận vào Câu lạc bộ Hàng không bởi huấn luyện viên trưởng, Đại Úy Edward Leggatt (một phi công máy bay chiến đấu nổi tiếng trong thế chiến thứ nhất), ngay sau khi câu lạc bộ mở cửa cho thành viên nữ. Mặc dù vậy, bà vẫn là một nhân vật khác thường: ở tuổi 49, người mẹ ba con quyết tâm bay lượn trên bầu trời, một thử thách không chỉ mang đến sự phấn khích và mê hoặc mà còn đầy rẫy hiểm nguy vào những năm 1920.
 
Bà tiến bộ nhanh chóng, vượt lên trên hai nữ học viên trẻ tuổi khác, và thực hiện chuyến bay một mình đầu tiên vào tháng 2/1927. Báo giới trên khắp nước Úc hồi hộp dõi theo câu chuyện của bà. Đến cuối tháng 3/1927, bà tham gia kỳ thi chứng chỉ loại “A” để lấy giấy phép lái máy bay hai tầng cánh De Havilland Moth một cách độc lập. Bryant đã đậu kỳ thi. Với chứng chỉ được cấp bởi Bộ Quốc phòng, Bryant là người phụ nữ đầu tiên có bằng phi công tại Úc.
 

Chân dung 
Millicent Maude Bryant (1919). Ảnh: James Vicars
 
Vậy thì vì sao tên tuổi của bà không được biết đến nhiều hơn trong thời đại chúng ta? Bryant ngay lập tức tham gia đào tạo để lấy giấy phép chuyên chở hành khách và thường xuyên thực hiện các chuyến bay trong những tháng kế tiếp. Nhưng bất hạnh của bà là đã bước lên chuyến phà Greycliffe rời Cảng Sydney lúc 4:14 chiều đến Vịnh Watson vào ngày mùng 3/11/1927.
 
Chưa đến một giờ sau, bà trở thành một trong 40 nạn nhân thiệt mạng sau khi chiếc phà vỡ đôi ngoài mũi đất Bradleys do va chạm với tàu hơi nước Tahiti. Đó là thảm họa hàng hải thời bình tồi tệ nhất trong lịch sử Sydney. Bryant lúc ấy vẫn chỉ 49 tuổi. Lễ tang của bà diễn ra hai ngày sau đó với hàng trăm người đưa tiễn và một màn tưởng niệm trên không đáng chú ý. Thời báo Wellington đưa tin:
 
“Năm chiếc máy bay từ phi trường Mascot đã hộ tống đoàn người trên đường đến nghĩa trang. Thời điểm Đức Cha A. R. Ebbs, mục sư của nhà thờ St. Matthews Manly chủ trì lễ mai táng, một trong số những chiếc máy bay đã hạ xuống cách ngôi mộ khoảng 150 feet, và người ta thả từ đó một vòng hoa cẩm chướng đỏ và phi yến xanh… Đính kèm với hoa tưởng niệm là một tấm thiệp có dòng chữ sau:
 
Mồng 5 tháng 11 năm 1927. Ủy ban và các thành viên Câu lạc bộ Hàng không – phân hiệu New South Wales gửi lời chia buồn sâu sắc.”
 
Người đi tiên phong
 
Câu chuyện của Bryant nhanh chóng chìm vào quên lãng. May mắn thay, sau khi gia đình bà tìm thấy một xấp thư và những ghi chép khác vào khoảng 80 năm sau, cuộc sống của Bryant bên ngoài buồng lái máy bay một lần nữa được khám phá. Những bức thư đã và đang được giữ nguyên trạng, cho đến khi chúng trở thành một phần của bộ sưu tập các ghi chép về Bryant tại Thư viện Quốc gia – thuộc quyền sở hữu của cháu gái Millicent Jones vùng Kendall, New South Wales, người đã phát hiện chúng trong kho lưu trữ tại nhà.
 
Bryant chủ yếu thư từ qua lại với đứa con trai thứ hai tên John ở Anh. Những lá thư giữa hai mẹ con nhắc đến khoảng thời gian Bryant làm phi công, tuy chỉ đề cập sơ đến những chuyến bay bà ghi lại trong nhật ký. Mặt khác, những lá thư và ghi chép hé lộ nhiều điều về bản thân Bryant, các mối quan hệ và cảm xúc của bà, cũng như các hoạt động giải trí, kinh doanh và chính trị. Chúng cho ta thấy rõ về một người đi tiên phong cả trên không trung và trong đời sống cá nhân.
 

Những dòng ghi chép của bà. Ảnh: James Vicars
 
Đầu tiên, bay không phải sở thích độc đáo duy nhất của Bryant. Bà cũng là một doanh nhân, sở hữu một công ty nhập khẩu hợp tác cùng John, người sau đó trở thành anh cả đầu ngành công nghiệp sữa của Úc. Bà mở một cửa hàng kinh doanh quần áo nam tên Chesterfield Men’s Mercery tại Quận Thương mại Trung tâm Sydney. Tuy nhiên, không may là một đám cháy ở tầng trên đã khiến cửa hàng ngập trong nước chỉ vài tuần sau khi mở cửa.
 
Bryant sau đó trở thành một nhà phát triển bất động sản quy mô nhỏ, chuyên mua và xây dựng trên đất đai vùng Vaucluse và Edgecliffe. Về mặt này, bà đã được chỉ dạy cẩn thận bởi cha mình là Edmund Harvey (một trong hai người ông của tỷ phú Gerry Harvey), một người chăn nuôi gia súc với số tài sản cuối đời bao gồm một phần lớn của Thung lũng Kanimbla phía tây Dãy núi Xanh.
 
Không chỉ là một nữ kỵ sĩ tuyệt vời, Bryant còn là biết lái xe hơi thời kỳ đầu – bà đã lái hơn 35.000 dặm vòng quanh New South Wales và có thể tự mình sửa xe. Bà cũng là một tay chơi golf cừ khôi, một người ham thích đọc sách, và thậm chí còn là sinh viên ngành văn hóa Nhật tại Đại học Sydney.
 
Trong số những ghi chép bà để lại có một vài mẩu chuyện nằm trong truyện kể gia đình mà bà đã lên kế hoạch sáng tác, dựa trên cuộc đời của chính mình. Chỉ một mảnh giấy gồm vài dòng đặt bút đơn giản, mang tựa đề “Một cuộc đời”, cũng đã nói lên được nhiều điều về thế giới nội tâm của bà hơn tất cả những gì bà có lẽ đã kể cho bất cứ ai: “Hôn nhân – sai lầm – con cái – thất vọng. Sức khỏe ốm yếu. Khát khao được “sống” và sáng tạo…”
 
Bà ghi chú về một chuyến đi nước ngoài, tuy thành công nhưng “nó đã khiến cho ngọn lửa rực cháy trong trái tim tôi trong mười bốn năm, cho đến khi hy vọng tắt ngúm vì một cuộc hôn nhân.” Mẩu ghi chú này cung cấp thông tin bối cảnh đằng sau quyết định bất thường của bà ở độ tuổi bốn mươi – rời bỏ tổ ấm gia đình và cuộc hôn nhân để bắt đầu cuộc sống mới cùng các con trai. Nó được viết không lâu trước khi bà thực hiện chuyến bay đầu tiên, có lẽ là đi cùng Edgar Percival, một người bạn của gia đình và sau này là một nhà thiết kế máy bay thành công với những chiếc tàu bay mang dáng vẻ thanh lịch đã giành được vô vàn giải thưởng.
 
Sức sống, giá trị và xung đột
 
Sinh ra và lớn lên ở nội địa tiểu bang New South Wales vào thế kỷ 19, Bryant đã được định sẵn sẽ trở thành một người vợ và người mẹ theo bước truyền thống. Tuy nhiên, thời trẻ của bà cũng rất “tự do” (như một tờ báo đã mô tả), và quyết tâm đưa ra quyết định và tự định hình cuộc sống của riêng mình đã khiến bà xung đột với những kỳ vọng giới phổ biến thời bấy giờ.
 
Học bay, đặc biệt khi đã bước vào tuổi tứ tuần, là một bước ngoặt mà bà đã nỗ lực theo đuổi, thậm chí còn nhiệt tình hơn sau khi bị tờ tạp chí Sydney Sun từ chối tuyển dụng chỉ bởi bà đã kết hôn. Bryant thể hiện quan điểm mạnh mẽ về những gì một người phụ nữ có thể và không thể làm. Bà đã dùng cả cuộc đời để thực hiện quyết tâm tự mở lối đi riêng, bất chấp việc phải đối mặt với những rào cản còn tồn tại cho đến ngày nay.
 
Bryant không đơn thuần là một nhân vật trong lịch sử hàng không. Cuộc đời của bà – trải dài từ thời kỳ thuộc địa cho đến sự ra đời của nhà nước liên bang và những bi kịch của Thế chiến thứ nhất – là minh chứng rõ nét cho sức sống mãnh liệt, cùng những giá trị và xung đột trong xã hội Úc vào đầu thế kỷ 20.
 
Hoàng Nhi dịch
 
 

Tác giả