Mô hình “cà phê mới”

Tôi thấy vui khi được Tia Sáng đề nghị có một số nhận định về sự phát triển một chiến lược sản xuất cà phê của Việt Nam. Tôi không phải là một chuyên gia cà phê. Chuyên môn của tôi là về phương pháp bình ổn giá gạo, là lịch sử của quá trình chuyển đổi cơ cấu và con đường thoát khỏi đói nghèo. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu, học hỏi về cà phê theo 2 chiều kích rất khác nhau.

Trước tiên, về tầm nhìn cho một nền văn hóa cà phê toàn cầu, theo cảm hứng của Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến cá nhân ông Nguyên Vũ đã giúp tôi hiểu được tầm nhìn này. Ông là người vừa đầy cảm hứng vừa có sức thuyết phục cao.

Thứ hai, về những thách thức dành cho sự phát triển cà phê một cách thực sự bền vững. Tôi đã dành ra một ngày trong tháng Ba tại tỉnh Đắk Lắk và tại Làng cà phê Trung Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột, để nghe những người nông dân và cán bộ khuyến nông chuyên ngành cà phê giải thích về những thách thức mà họ phải đối mặt trong sản xuất cà phê chất lượng cao cho thị trường thế giới (1 thị trường đòi hỏi rất cao), việc ứng dụng các kỹ thuật canh tác hài hòa với môi trường tự nhiên.


GS. C.Peter Timmer – Đại học Harvard, là chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế nông nghiệp. Hiện ông là cố vấn chiến lược hoạt động cho Bill & Melinda Gates Foundation trong hai lĩnh vực: phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực toàn cầu.
Từ 2011, GS. Peter Timmer hỗ trợ các đồng nghiệp nghiên cứu Việt Nam thúc đẩy Sáng kiến Chính sách Nông nghiệp và Lương thực Việt Nam- VIFAP (www.vifap.org), và là Chủ tịch Danh dự của Sáng kiến này.

Tôi tiếp cận các chiều kích học tập như một nhà lịch sử – kinh tế học với mối quan tâm sâu sắc về vai trò của nông nghiệp trong việc chuyển đổi cơ cấu một nền kinh tế từ chủ yếu là nông thôn và nghèo khó, sang một nền kinh tế đô thị hóa và giàu có. Và thực sự là khá hữu ích với tôi trong việc tìm hiểu làm thế nào để kết hợp được tầm nhìn của một nền văn hóa cà phê toàn cầu với thực tế dựa vào sản xuất cà phê một cách bền vững.

Chẳng hạn như hãy suy nghĩ về một tiêu đề của một bài viết có thể là sẽ thú vị cho Tạp chí Lịch sử kinh tế: “Tiêu thụ cà phê là một chỉ báo hàng đầu dành cho vườn ươm doanh nghiệp”. Tôi nghĩ, tất nhiên, về các quán cà phê ở London thế kỷ 18, tại Boston trong thế kỷ 19, Tokyo vào thế kỷ 20, và thế kỷ 21 tại Seattle.

Nhưng tôi cũng nghĩ đến việc làm thế nào một mô hình “cà phê mới” được canh tác bền vững có thể trở thành một hình mẫu điển hình cho chuyển đổi nông nghiệp mà thế giới đang cần đến để giúp nguồn thực phẩm (không chỉ là cà phê) của chúng ta trong tương lai được đảm bảo an ninh, an toàn, và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Tôi biết chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc làm thế nào để làm cho cà phê trở thành một đóng góp quan trọng mới cho con đường thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững ở nông thôn.

Trong lịch sử, sản xuất cà phê của Việt Nam đã không đóng góp lớn cho việc xóa đói giảm nghèo. Ở một mức độ nào đó, nguyên nhân bởi vì cà phê luôn luôn chỉ là một mặt hàng thương mại, và việc người ta cố gắng sản xuất một mặt hàng nông nghiệp với giá rẻ để bán với số lượng lớn trên thị trường thế giới.

Mô hình “cà phê Mới” cố gắng thay đổi lịch sử này. Để làm như vậy, nó cần phải giải quyết được hai vấn đề.

Thứ nhất, mô hình “cà phê mới” cần phải tìm ra kỹ thuật sản xuất bền vững – xét từ giác độ môi trường và kinh tế-văn hóa – giúp mang lại một sản phẩm chất lượng cao và bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên trong quá trình sản xuất cà phê. Sau chuyến đi thực tế của tôi tại tỉnh Đắk Lắk, tôi tin rằng vấn đề này có thể được giải quyết, nhưng tôi không đánh giá thấp mức độ khó khăn và thời gian sẽ không thể nhanh chóng được. Chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc về chủ đề này, dưới cả khía cạnh nông nghiệp và kinh tế – xã hội.

Thứ hai, mô hình cần phải tìm ra một cách thức để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm chất lượng cao. Làm sao để những khách hàng này sẵn lòng trả tiền cao hơn cho sản phẩm, không chỉ vì mùi vị thơm ngon hơn, mà bởi ý thức rằng nó giúp người nông dân trồng cà phê thoát khỏi cảnh nghèo đói, và do đó duy trì được toàn bộ hệ thống cà phê. Những khách hàng này sẽ là một phần của nền văn hóa cà phê toàn cầu.

Đó cũng là hai thách thức to lớn mà chúng ta có thể vượt qua với một tầm nhìn về việc xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành một Thủ phủ cà phê toàn cầu đã được đặt ra trong Hội thảo Cà phê Quốc tế được tổ chức hồi tháng ba tại tỉnh ở Đắk Lắk, và tôi có thể nhận định  rằng có nhiều bằng chứng cho thấy với sự năng động và sáng tạo cùng quyết tâm của người Việt Nam, tầm nhìn đó hoàn toàn có tính khả thi.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)