Mô hình Technopark Hàn Quốc

Ra đời từ năm 1998, đến nay các khu công nghệ cao ở Hàn Quốc (Technopark) đã gặt hái rất nhiều thành công, trong khi Khu công nghệ cao Hòa Lạc của Việt Nam cũng ra đời cùng thời gian song tiến độ triển khai còn chậm so với kỳ vọng. Vậy kinh nghiệm nào từ Hàn Quốc mà chúng ta cần học hỏi để cải thiện hiệu quả việc triển khai các khu công nghệ cao của mình?

Những bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển các Technopark đã được GS Rhee Jae Hoon, Chủ tịch Hiệp hội Các khu CNC Hàn Quốc (KTA), chia sẻ cởi mở với lãnh đạo Bộ KH&CN trong một buổi tọa đàm ngày 11/11 vừa qua, nhân chuyến đi của giáo sư sang Việt Nam để ra mắt cuốn sách Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc mà ông làm chủ biên.

Qua đó cho thấy, mô hình Technopark dù có một số nét tương đồng với mô hình các khu công nghệ cao của Việt Nam, nhưng khác biệt rất rõ ngay trong chủ trương, quan điểm của những người làm chính sách.

Chú trọng hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa

GS Rhee Jae Hoon cho biết, cuối thập niên 1990 trong bối cảnh Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế châu Á, Chính phủ Hàn Quốc nhận ra rằng, để phát triển bền vững một nền kinh tế, không chỉ dựa vào tập đoàn lớn mà còn rất cần cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhân tố hết sức năng động, linh hoạt trong việc chớp cơ hội đầu tư hay ứng phó kịp thời trước những biến động của thương trường. Vì vậy, một trong những lý do quan trọng cho sự ra đời các Technopark chính là nhằm hỗ trợ hiệu quả cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa này.

Những thành công của sáu Technopark đầu tiên lập tại Songdo, Daegu, Chungnam, Gyounggi, Gwangju và Daedeok đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương trên đây, là cơ sở để Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục nhân rộng số lượng Technopark lên gấp ba, rải đều ở các thành phố và đô thị trung tâm trên phạm vi toàn quốc.

Thực tế cho thấy Technopark đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các dự án phát triển công nghiệp chính ở các vùng từ năm 2004 đến năm 2014, đạt tổng vốn đầu tư 1,38 nghìn tỷ won; vượt mục tiêu đề ra 115,9 % về doanh số, 149,1 % về xuất khẩu và 110,4 % về việc làm. “Theo điều tra trên 94 doanh nghiệp đóng tại 18 Technopark của chúng tôi, mỗi Technopark tuyển dụng 2.000 người, đạt tổng doanh thu 7.835 nghìn tỷ won, tương đương 7,1 tỷ USD [năm 2013]”, GS Rhee Jae Hoon cho biết.

Về nghiên cứu và phát triển, trong 10 năm trở lại đây các Technopark đóng góp tới 1.792 công trình nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế, 519 công trình được cấp bằng sáng chế, xuất bản 1.116 bài báo (tỷ lệ bài báo SCI đạt 21,2%).

Doanh nghiệp được hỗ trợ gì từ các Technopark?

Theo GS Rhee Jae Hoon, trước khi Technopark ra đời, Hàn Quốc đã học hỏi tất cả những ưu điểm của các mô hình khu công nghệ cao trên thế giới như Science Park, Research Park, Technology Innovation Center ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Từ đó họ xác định Technopark cần tập trung vào vấn đề tạo dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cùng những ưu đãi về chính sách để khuyến khích các ý tưởng kinh doanh mới, tiền đề để thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các khu Technopark.

Là một trong những người chứng kiến sự phát triển của Technopark ngay từ thời điểm đầu, GS Rhee Jae Hoon cho rằng, hai chức năng nổi bật mà mô hình này đem lại cho các doanh nghiệp Hàn Quốc là trở thành một tổ chức độc lập trung gian để kết nối các bên liên quan trong mối quan hệ cộng sinh giữa trường đại học, nhà sản xuất và chính phủ – mối quan hệ ba nhà là kinh nghiệm Việt Nam lâu nay đã học hỏi nhưng chưa thực hiện thành công – cũng như nơi tư vấn liên quan đến các chính sách, dịch vụ công của các bộ, ngành.
Cũng giống như ở Việt Nam, việc kết nối ba nhà ở Hàn Quốc diễn ra hết sức khó khăn. Trên lý thuyết, cơ chế vận hành của mối quan hệ ba nhà không có gì phức tạp (nhà nghiên cứu cung cấp kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp tiếp nhận và thương mại hóa, Nhà nước cung cấp các chính sách ưu đãi về vốn, thuế) nhưng trong thực tế, ba bên nhiều khi không tìm thấy tiếng nói chung để hợp tác. “Các trường đại học chỉ hoạt động dựa trên lợi ích của mình, còn doanh nghiệp lúc nào cũng nghĩ phải nhận được những khoản viện trợ, hỗ trợ từ chính phủ, trong khi chính phủ chỉ đưa ra những quy chế về chính sách mà không hướng dẫn/thực hiện đến nơi đến chốn”, GS Rhee Jae Hoon nói. Chính vì vậy, ở đây cần có vai trò của Technopark với tư cách là một cơ quan độc lập có chức năng điều phối thông tin, tạo cầu nối ý tưởng giữa ba bên, giúp họ kịp thời thấu hiểu lẫn nhau và đem lại cơ hội hợp tác các bên cùng có lợi.

Chức năng nổi bật thứ hai mà Technopark có được là thực hiện dịch vụ tư vấn, hỗ trợ một điểm dừng (one stop) cho doanh nghiệp. Thông qua đó, doanh nghiệp được nhanh chóng tư vấn hoặc hỗ trợ mọi điều kiện cần thiết, từ hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc phục vụ R&D, nơi hỗ trợ đào tạo, huấn luyện kiến thức kinh doanh, makerting…, cho tới các cơ chế, chính sách quy định của Nhà nước, đặc biệt là các gói hỗ trợ của Chính phủ mà doanh nghiệp cần biết.

“Ở Hàn Quốc, các bộ ban ngành như Bộ KH&CN, Bộ Công nghiệp và Thương mại… và các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp khác cũng có nhiều dịch vụ công và có chức năng tư vấn tương tự cho doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân hầu như biết rất ít đến các dịch vụ này”, theo GS Rhee Jae Hoon. Với cơ chế hỗ trợ một điểm dừng, Technopark đã đưa “tất cả các dịch vụ này tập trung lại trên một con đường”, và đóng vai trò như một “translator”, giúp nhiều doanh nghiệp từ chỗ còn là “tay mơ” sau khi bước chân ra khỏi Technopark đã trở thành những người đầy am hiểu và tự tin – những “iron man”, như cách ví von của GS Rhee Jae Hoon.

Technopark thụ hưởng những chính sách gì từ Chính phủ Hàn Quốc?

Chính phủ Hàn Quốc không can thiệp một cách trực tiếp vào quá trình hình thành, quản lý, điều hành của các Technopark mà chỉ hoạch định các vùng được chỉ định, sau đó mỗi vùng tự chủ động lựa chọn vị trí cụ thể cho khu của mình. Chính phủ chỉ tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các Technopark tự phát huy năng lực, sức sáng tạo của mỗi khu, thậm chí còn khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các Technopark với nhau.

Thông qua các tổ chức phát triển vùng, Chính phủ đã đầu tư, hỗ trợ cho Technopark bằng các dự án, ngân sách đầu tư vùng. Trong kế hoạch năm năm đầu tiên (1999 – 2002), mỗi năm Chính phủ Hàn Quốc đều dành một khoản ngân sách để đầu tư trực tiếp vào các Technopark, theo đó mỗi khu nhận được 5 triệu USD. Số tiền này được các Technopark đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nâng cấp các dịch vụ và hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, luật bảo hộ dành riêng cho Technopark cũng được ban hành với nhiều ưu đãi về chính sách đất đai, thuế, v.v. Luật bảo hộ này có hiệu lực trong vòng 20 năm, từ năm 2007 đến năm 2027, đủ dài để có thể tạo tác động rõ rệt lên các ngành công nghiệp và nền kinh tế. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)