Mô hình trường học Mới

Trường học Mới là trào lưu sư phạm-văn hóa quan trọng nhất ở châu Âu và nước Mỹ vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Nó đã đề ra những quan niệm và nguyên tắc giáo dục mang tính tiến bộ, trực tiếp đi vào bản chất của mục tiêu giáo dục hiện đại, thay thế lối mòn của giáo dục truyền thống thụ động.

Trào lưu trường học mới ở châu Âu và “ứng dụng” ở Colombia

Trào lưu đó được biết đến dưới nhiều tên khác nhau như: Trường học hiện đại, Trào lưu cải cách giáo dục, Trường học tiến bộ và trào lưu Giáo dục mới. Nó truyền tải ý tưởng đào tạo “Con người mới” cho thế giới đương đại. Mấu chốt “cải cách sư phạm” của nó nằm ở chỗ chuyển đổi loại hình giáo dục coi giáo viên (GV) là chủ thể trung tâm của quá trình giảng dạy sang loại hình giáo dục đặt học sinh (HS) vào trọng tâm của mọi hoạt động sư phạm. Xung quanh trào lưu giáo dục này, có một nhóm các nhà sư phạm và nhà tư tưởng giáo dục ở châu Âu và châu Mỹ quan tâm tới việc hình thành một loại trường phù hợp với tâm lý trẻ em, như Ovide Decroly (1871-1932) ở Bỉ, John Dewey (1859-1952) ở Mỹ, Jean Piaget (1896- 1980), Édouard Claparade (1873-1940) và Adolphe Ferriere (1879-1960) ở Thụy sĩ, Beatriz Ensor ở Anh, Maria Montessori (1870 -1952) ở Ý hay Agustin Nieto Caballero (1889-1975), Rafael Bernal Jiménez và Tomás Cadavid Restrepo ở Colombia, … 

Trường học Mới triển khai tại Colombia (EN) là mô hình giáo dục dựa trên nền tảng các thành tựu chung về giáo dục của nhân loại, các nhà giáo dục đã đưa ra cách làm thực tiễn hiệu quả phù hợp với đất nước Colombia. Một số lý thuyết được áp dụng vào mô hình này như Thuyết tâm lý học phát triển của Piaget và lý luận về “vùng phát triển gần nhất” của Vưgotsky; Thuyết kiến tạo; Thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner … Colombia triển khai Mô hình trường học Mới bắt đầu từ những vùng khó khăn, miền núi thành công rồi mới mở rộng ra vùng thuận lợi trên tinh thần tự nguyện. Đặc biệt mô hình luôn hướng vào hình thành các năng lực và phẩm chất của người công dân Colombia và năng lực công dân toàn cầu.

EN được “vận hành” dựa trên năm nguyên tắc: (i) Lấy HS làm trung tâm (HS được học theo khả năng của riêng mình; tự quản; hợp tác và tự giác cao trong học tập); (ii) Nội dung học gắn bó chặt chẽ với đời sống hằng ngày của HS; (iii) “Xếp lớp linh hoạt”: HS được lên lớp trên nếu được GV đánh giá đạt được các mục tiêu giáo dục tối thiểu; (iv) Phụ huynh và cộng đồng phối hợp chặt chẽ với GV để giúp đỡ HS một cách thiết thực trong học tập; tham gia giám sát việc học tập của con em mình; (v) Góp phần hình thành nhân cách giá trị dân chủ, ý thức tập thể theo xu hướng thời đại cho HS.

Dựa trên các nguyên tắc đó, thực hành dạy và học được tổ chức theo hình thức: HS được tổ chức thành nhóm, lớp nhỏ; các em cũng có thể học theo cặp, cá nhân hoặc trực tiếp làm việc với GV; quan điểm của HS luôn được GV quan tâm; HS xây dựng các hoạt động dựa trên các hướng dẫn học tập của GV và các hoạt động này sau đó được các em tự mình hoàn thành; HS giải quyết các vấn đề được GV hoặc các bạn của các em đưa ra; có những lúc GV giảng bài nhưng theo cách thức có tính chất giao tiếp nhiều hơn; GV thường phải quan sát, hướng dẫn và thảo luận, đánh giá hoạt động của các nhóm HS.

Đánh giá EN của cộng đồng quốc tế

Mô hình EN được các chuyên gia giáo dục quốc tế đánh giá là thành công. Trong đó, UNESCO coi EN là mô hình có chất lượng tốt nhất về giáo dục tiểu học ở các vùng nông thôn của châu Mỹ La tinh. Liên Hiệp Quốc đã chọn mô hình EN là một trong ba thành tựu chính của Colombia trong Báo cáo phát triển con người năm 2000. Worldbank chọn EN là một trong ba cải cách đáng chú ý nhất ở các nước phát triển. Đầu năm 2012, Tạp chí Giáo dục toàn cầu đã xếp EN ở vị trí thứ 4 trong số 100 dự án giáo dục có nguồn kinh phí từ các tổ chức phi chính phủ mà hiệu quả đầu tư tốt nhất. Trên toàn thế giới, có 35 nước (trong đó có Việt Nam) đã tìm hiểu mô hình EN để làm cơ sở, động lực cho thay đổi nhà trường truyền thống và nâng cao chất lượng giáo dục của mình.

Đối với HS, mô hình này giúp rèn luyện các kĩ năng làm việc nhóm; kĩ năng phân tích – phê phán; tăng cường lòng tự trọng và khả năng tự định hình bản thân; khuynh hướng dân chủ, bình đẳng và đạo đức trong công việc; các kĩ năng học thuật và kĩ năng sống luôn luôn gắn liền với quyền công dân, sức khỏe, môi trường và di sản văn hóa; HS tự hướng dẫn và tự điều chỉnh tốc độ học tập của bản thân và HS có sự tham gia tích cực vào quá trình học tập. Đối với GV, mô hình này giúp GV tập trung vào đảm bảo tính hiệu quả và tính thực tiễn, thúc đẩy mạnh hoạt động giảng dạy có chất lượng cao; luôn có thái độ và các hành động tích cực đối với giáo dục; hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giữa các GV thông qua các tiểu trung tâm hoặc chu kỳ học tập, bồi dưỡng của GV; GV có nhiều cơ hội tương tác trong phạm vi nhà trường và cộng đồng xung quanh.

Đối với cộng đồng, EN tạo mối quan hệ hợp tác và hướng tới tinh thần xã hội giữa GV, HS và cộng đồng; tăng cường kết nối các chương trình học có liên quan và gắn kết với gia đình, địa phương; nâng cao giá trị và sự hiểu biết về các hoạt động thường nhật của nhà trường; xây dựng mạng lưới hỗ trợ toàn diện trong cộng đồng.

Đối với cơ quan quản lý, EN giúp xây dựng mối quan hệ mang tính hỗ trợ với GV thay vì mối quan hệ cứng nhắc mang tính chỉ huy; tạo lập khuynh hướng giáo dục tích cực theo phương pháp luận của EN; phát triển hệ thống đào tạo về năng lực quản lí có hiệu quả cho GV thông qua các chiến lược đào tạo GV tập trung mang tính thực tiễn; khả năng đánh giá thành tích của HS và GV chính xác và hiệu quả.

Mô hình trường học mới là mô hình giáo dục cụ thể được kiểm định qua thực tế, được tổng kết đánh giá và được công nhận hiệu quả bởi tính khả thi của nó, phù hợp với đổi mới giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học ở châu Mỹ la tinh và nhiều nước khác. Mô hình EN giải quyết trực tiếp và có hệ thống những thách thức của giáo dục ở những địa phương có cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu nguồn lực, trình độ GV thấp, tỷ lệ lưu ban, bỏ học cao và kết quả học tập thấp. Thực trạng của nhiều vùng khó khăn của Việt Nam cũng có những điểm giống với thực trạng của các vùng khó khăn ở Colombia. Vì vậy, nếu chúng ta áp dụng mô hình EN trên cơ sở kế thừa các thành tựu giáo dục của Việt Nam, dựa trên kế hoạch và cách làm đổi mới cùng với sự hỗ trợ thích hợp về các nguồn lực của Quốc tế và Chính phủ Việt Nam, sẽ làm thay đổi đời sống hằng ngày của nhà trường cũng như hoạt động dạy và học của GV và HS trong các trường tiểu học ở Việt Nam.
——–
* TS, Đại học Giáo dục, ĐHQG HN.
** Chuyên gia cao cấp về giáo dục, Worldbank Vietnam.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)