Mở trong sở hữu trí tuệ

LTS: Quyền sở hữu trí tuệ từ xưa đến nay vốn được các cơ quan, tổ chức sử dụng để bảo vệ những bí mật thương mại hay độc quyền kinh doanh một sản phẩm nào đó. Tuy nhiên, bài viết dưới đây của Cơ quan Sở hữu trí tuệ của Anh giải thích tại sao những thông tin về sáng chế cần phải được truy cập mở và trong một số lĩnh vực công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không còn nhiều ý nghĩa.   


Văn phòng thư viện sở hữu trí tuệ, một trong những bộ phận nền tảng của Thư viện Anh (British Library) là địa điểm “truy cập mở” thông tin của tất cả các bằng đã và đang đăng ký sáng chế.

Sự cần thiết của truy cập mở với dữ liệu sáng chế

Hệ thống cấp bằng sáng chế, về cơ bản là thỏa thuận giữa nhà sáng chế và cơ quan cấp bằng sáng chế. Cụ thể là cơ quan này đồng ý cho phép nhà phát minh được độc quyền khai thác sáng chế của họ để đổi lại việc nhà sáng chế phải công khai các chi tiết kỹ thuật của sáng chế đó (nó hoạt động như thế nào, cách thức sản xuất ra nó, v.v.) Sự độc quyền thường kéo dài 20 năm, với mục đích tạo động lực cho nhà sáng chế bằng cách dành cho họ một khoảng thời gian để phát triển và khai thác sáng chế của mình và từ đó có thể nhận được một khoản lợi ích tài chính. Mặt khác, sự công khai các thông tin kỹ thuật đồng nghĩa với việc công nhận sự đóng góp của nhà sáng chế cho kiến thức của nhân loại. Do đó, hồ sơ của các đơn xin cấp bằng sáng chế và các bằng sáng chế sẽ tạo thành một bộ tài liệu về sáng tạo và phát triển theo thời gian.

Những dữ liệu về sáng chế luôn phải được truy cập mở và theo truyền thống, các cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ chịu trách nhiệm về điều này. Nhờ đó mà bất kì ai cũng có thể tham khảo kho kiến thức để xác định vấn đề họ gặp phải đã được giải quyết chưa và để tránh mất công lặp lại một điều đã cũ. Nguồn tài nguyên này cũng đem lại cảm hứng cho chính những nhà phát minh tiềm năng cải thiện những ý tưởng sẵn có hay xác định khoảng trống còn bị bỏ quên trên thị trường để phát triển những ý tưởng mới của riêng mình.

Cơ quan sở hữu trí tuệ của Anh, UKIPO thực hiện điều này bằng cách xuất bản một tạp chí hằng tuần về các đơn xin cấp bằng sáng chế và các sáng chế đã được cấp bằng ở Anh. Trong quá khứ, các tài liệu về sáng chế này được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Anh ở London. Mặc dù đây là địa điểm “truy cập mở” nhưng thực tế, chỉ có những người đặc biệt quan tâm mới đầu tư đáng kể thời gian và công sức để tìm kiếm và đọc về các sáng chế theo cách thủ công như vậy.

Khi việc sở hữu máy tính trở nên quá phổ biến, cùng sự phát triển của kỹ thuật số và internet đã mang đến những cách lưu trữ và chia sẻ thông tin tiện lợi hơn rất nhiều, thì việc tiếp cận với thông tin về bằng sáng chế nhờ thế cũng thay đổi. Thay vì phải lặn lội đến Thư viện Quốc gia Anh để tìm thông tin về bằng sáng chế, giờ đây mọi người chỉ cần truy cập vào các dịch vụ trên điện thoại di động, ví dụ như dịch vụ Ipsum của UKIPO hoặc Espacenet của của Cơ quan sáng chế châu Âu.

Giá trị của dữ liệu chứa trong hồ sơ sáng chế từ lâu đã được đánh giá cao nhưng chỉ khi những dữ liệu đó được số hóa, những giá trị của nó mới thực sự được khai thác.

Một phần của quá trình đăng ký sáng chế là việc cơ quan cấp bằng sáng chế sẽ phải tiến hành xác định tính hợp lệ hay nói cách khác là tính mới của ý tưởng. Việc dễ dàng tiếp cận dữ liệu về sáng chế trên toàn thế giới, bao gồm cả các sáng chế đã được cấp bằng hay chưa, sẽ giúp cải thiện công việc kiểm tra này, và giúp cho kết quả xác định có chất lượng cao hơn. Bằng sáng chế do đó cũng sẽ “mạnh hơn”, hay nói cách khác là giảm thiểu khả năng tranh chấp về mặt pháp lý trong tương lai.

Với các nhà phát minh và doanh nghiệp, việc có thể tiếp cận dữ liệu sáng chế cho phép họ tránh được nghiên cứu theo lối mòn, đồng thời tạo cảm hứng cho những ý tưởng mới, hoặc theo dõi đối thủ cạnh tranh. Trong khi các cơ quan sở hữu trí tuệ chỉ quan tâm đến thông tin kỹ thuật của hồ sơ sáng chế thì các tổ chức khác có thể chỉ hứng thú với những thông tin như ai đã đăng ký sáng chế? ai đang sở hữu sáng chế đó? sáng chế đó bao giờ hết hạn? Rất nhiều các doanh nghiệp hiện nay có riêng một bộ phận chuyên môn về sở hữu trí tuệ để khai thác dữ liệu sáng chế, tập trung vào việc phác thảo một cái nhìn toàn cảnh về sở hữu trí tuệ trong một lĩnh vực kinh doanh cụ thể, xác định tổ chức nào giữ bộ sáng chế lớn nhất hoặc có giá trị nhất, lập bản đồ các công nghệ mới nổi hoặc đang hoàn thiện dựa trên hồ sơ về đăng ký sáng chế, đánh giá danh mục các bằng sách chế của đối thủ cạnh tranh hoặc xác định xem những tài sản sáng chế nào có thể mua – bán.

Việc phân tích ngày càng nhiều những dữ liệu đó khiến người ta ngày càng hiểu giá trị kinh tế của sở hữu trí tuệ. Trước đây, việc bảo vệ các bằng sáng chế được xem như một cách để ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh sao chép tài sản trí tuệ của mình. Ngày nay, các doanh nghiệp nhận thấy bằng sáng chế có thể có giá trị giao dịch, nhất là trong lĩnh vực phần mềm đã xuất hiện mô hình kinh doanh bao gồm tạo ra hoặc mua bằng sáng chế với mục đích bán lại chứ không phải là sử dụng.

Nguồn mở hay từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ

Nền tảng cho hệ thống bằng sáng chế hiện đại đã được tạo dựng từ hơn một trăm năm trước, và mặc dù nó đã được cập nhật nhiều lần kể từ đó, các nguyên tắc cơ bản vẫn không hề thay đổi. Tuy nhiên, môi trường công nghệ, mà sở hữu trí tuệ được thành lập để khuyến khích, đã thay đổi đáng kể trong cùng thời kỳ. Nói cách khác, nền tảng này đã bị lung lay trước sự ra đời của máy tính cá nhân, cùng với đó là tốc độ phát triển không ngừng của đổi mới sáng tạo gắn liền với phần mềm máy tính kể từ cuối thế kỉ 20 đến bây giờ.  


Trình duyệt nguồn mở Firefox đã “ăn dần” thị phần của trình duyệt từng có ngày thống trị thị trường Internet Explorer. 

Phần mềm máy tính đầu tiên liên quan đến việc tự động hóa các tác vụ toán học hoặc văn thư, ví dụ: tính toán nhanh hơn các tài khoản của công ty hoặc thực hiện các quy trình mang tính lặp đi lặp lại – là những gì con người vốn đã có thể làm. Cùng với đó là việc phần mềm không có hình dạng vật lý như những phát minh khác (mà là các dòng mã lệnh, giống như viết sách, đi kèm với bản quyền), điều này dẫn đến quan niệm cho rằng các chương trình phần mềm máy tính không phù hợp để đăng ký sáng chế (Và điều này được thể hiện rõ trong Đạo luật sáng chế của Anh vào năm 1977).

Tuy nhiên, phần mềm đã thay đổi và phát triển thành các hệ thống phức tạp hơn bao giờ hết, thậm chí giờ đây có khả năng thực hiện các nhiệm vụ vượt xa phạm vi của những gì con người có thể làm. Kết quả là nhận thức về phần mềm đã thay đổi, chúng không còn được coi đơn giản chỉ là tự động hóa các công thức toán học hoặc phương pháp kinh doanh mà giờ đây, những phần mềm máy tính bản thân nó cũng chính là những ý tưởng phát minh. Do đó, luật sáng chế phân biệt rõ rằng mặc dù một phần mềm máy tính tự thân nó không thể được cấp bằng sáng chế, một ý tưởng sáng tạo hoàn toàn có thể được thể hiện như một chương trình máy tính và do vậy có thể được cấp bằng sáng chế. Hiện giờ, việc cấp và mua bán bằng sáng chế cho các chương trình máy tính thực sự trở thành một lĩnh vực đầy lợi nhuận.

Tuy nhiên, bản chất của cách các phần mềm được phát triển, phát hành và tiếp thị đã dẫn đến băn khoăn về việc liệu hệ thống quyền sở hữu trí tuệ hiện hành có phải là cách thích hợp để bảo vệ sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này hay không. Đối với các phát minh trong công nghiệp truyền thống, bằng sáng chế là cách ghi nhận sự đầu tư đáng kể để phát triển và sản xuất sản phẩm, bao gồm cả thời gian và tiền bạc để tạo ra nguyên mẫu hoặc quy trình thử nghiệm, biến chúng thành các sản phẩm có thể sử dụng trong thực tế, và thiết lập các cơ sở sản xuất. Thời kỳ độc quyền chính là để phản ánh điều này, hay nói cách khác là tạo cơ hội để bù đắp chi phí cho những đối tượng sở hữu sáng chế.

Ngược lại, tùy thuộc vào quy mô và bản chất của phần mềm đang được phát triển, trên lý thuyết tất cả những gì cần thiết để tạo ra một sản phẩm phần mềm mới là truy cập vào một máy tính với một phần mềm biên soạn chương trình máy tính. Điều này có nghĩa là phần mềm có thể được phát triển trong thời gian ngắn với chi phí đầu tư thấp. Trong thời đại giao tiếp tức thời này, nó có thể được phân phối nhanh chóng và dễ dàng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới thông qua internet; và để triển khai, nó không yêu cầu một nhà máy sản xuất hoặc bất kỳ cơ sở hạ tầng phân phối hoặc cài đặt nào ngoài phần cứng hiện có. Kết quả là ngành công nghiệp phần mềm có thể phát triển với nhịp độ nhanh, chu kỳ sản phẩm ngắn và nhiều cơ hội cho những phát minh đột phá xuất hiện nhanh chóng và thay đổi cảnh quan thương mại.

Trong một lĩnh vực mà công nghệ thay đổi nhanh chóng, và vòng đời sản phẩm có thể chỉ trong một vài năm, một câu hỏi được đặt ra là có nên xin bảo hộ sở hữu trí tuệ đến 20 năm, và liệu nó có phù hợp khi làm chậm việc phát hành sản phẩm cho đến khi quyền sở hữu trí tuệ đã được cấp hay không. Một giải pháp thay thế là tận dụng tốc độ phát triển, phát hành phần mềm ra thị trường một cách nhanh chóng, đón đầu và thiết lập thị phần trước các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Nếu nhìn theo khía cạnh này, sự bảo hộ quan trọng nhất đối với một phát minh không dựa vào việc đăng ký sở hữu trí tuệ mà là khả năng phát triển vượt trước các đối thủ (tuy nhiên việc đăng ký bản quyền vẫn có ý nghĩa trong một số trường hợp). Điều này, kết hợp với những khó khăn trong việc đăng ký sáng chế cho một phần mềm với thủ tục kéo dài hàng năm, đòi hỏi sự thay đổi trong cách thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở một số lĩnh vực công nghệ.  

Một hình thức bảo vệ thay thế cho phần mềm chính là giấy phép “truy cập mở”. Theo các thỏa thuận truy cập mở, các nhà phát triển cho phép bất kì ai cũng có thể tiếp cận phần mềm của họ một cách tự do và miễn phí nhưng dưới các điều kiện thực thi khác nhau, và thay đổi tùy theo thỏa thuận. Có những trường hợp, nó cho phép bất cứ ai có nhu cầu có thể thực hiện công việc của tác giả gốc, và sử dụng nó theo ý muốn, bao gồm điều chỉnh hoặc sửa đổi theo yêu cầu. Ở thái cực còn lại, các thỏa thuận cấp phép hạn chế hơn: trong khi vẫn cho phép phần mềm được tiếp cận tự do, nó có thêm những hạn chế về người có thể sử dụng, mục đích và cách có thể được sửa đổi.

Có lợi ích gì trong việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ hay không?

Một sản phẩm không có tem giá đính kèm đương nhiên sẽ hấp dẫn và có nghĩa là nó có thể được tiếp cận bởi rất nhiều người, nhất là trong thời đại điện thoại thông minh lên ngôi và mô hình kinh doanh của các ứng dụng đi kèm với nó thường xoay quanh việc cung cấp một phiên bản miễn phí (với thỏa thuận giấy phép liên quan) và sau đó tính phí với các phiên bản nâng cấp và những tiện ích mới so với gói dịch vụ cơ bản ban đầu.

Miễn phí quyền sở hữu trí tuệ cho các phát minh của mình, hay nói cách khác là phát hành phần mềm của mình dưới dạng nguồn mở cũng là một chiến lược để làm giảm thị phần của các đối thủ cạnh tranh đã có tiếng tăm trên thị trường. Ví dụ điển hình là việc vào đầu thế kỷ 21, Microsoft có thị phần gần như tuyệt đối với thị trường trình duyệt internet với Internet Explorer, nhưng 10 năm sau thị phần này đã bị xói mòn đáng kể bởi các đối thủ cạnh tranh như Firefox từ Mozilla. Những sản phẩm mới kiểu này có đặc điểm là cho phép mọi người sử dụng miễn phí và hào phóng với các quyền sở hữu trí tuệ của mình. Chúng cho phép người dùng truy cập vào mã nguồn, tích cực khuyến khích cộng đồng tiếp tục phát triển phần mềm và chia sẻ các phiên bản của họ (tùy thuộc vào hạn chế nhất định trong giấy phép). Điều này có nghĩa là người dùng có thể cá nhân hóa hoặc cải thiện trải nghiệm của họ. Cách tiếp cận mở này trở nên phổ biến, và tạo ra một lượng khách hàng trung thành lớn đủ sức để chiếm thị phần từ Internet Explorer.

Một số công ty nhận ra rằng giá trị tài chính của phần mềm của họ không thực sự nằm trong mã nguồn, mà chính là dữ liệu họ có thể khai thác từ người dùng mã. Dữ liệu là ngành kinh doanh lớn! Điều này có nghĩa là các nhà phát triển ít quan tâm đến việc tìm kiếm sự bảo vệ sở hữu trí tuệ cho một phần mềm cụ thể vì mô hình kinh doanh của họ phụ thuộc vào việc phát hành phần mềm càng nhanh càng tốt, và có càng nhiều người dùng nhằm thu thập dữ liệu. Một lần nữa, chiếm thị phần trước đối thủ cạnh tranh quan trọng hơn việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong tình huống này. Lợi nhuận tài chính sau đó sẽ được tạo ra từ việc phân tích dữ liệu và bán kết quả cho các bên quan tâm hoặc đóng gói dữ liệu để bán cho các bên khác để phân tích. Một khía cạnh khác là quảng cáo. Các công ty sẽ trả một món tiền lớn để thử và đảm bảo rằng quảng cáo của họ đang tiếp cận đúng đối tượng. Dữ liệu thu thập được về người dùng của một ứng dụng cụ thể có thể được phân tích để xác định đặc điểm điển hình của người dùng và sau đó được bán cho các công ty quảng cáo  để sử dụng chúng nhằm xác định đối tượng cho quảng cáo của họ.

Mặc dùng khung sở hữu trí tuệ đã được thiết lập vẫn tỏ ra hiệu quả trong việc bảo vệ sự đổi mới trong các ngành công nghiệp truyền thống, rõ ràng ngành công nghiệp phần mềm có một mối quan hệ phức tạp với quyền sáng chế hiện tại. Một số công ty trong lĩnh vực này vẫn dùng các quyền sở hữu trí tuệ truyền thống để bảo vệ những phát minh của họ, “cuộc chiến tranh” bằng sáng chế giữa những gã khổng lồ như Apple, Samsung và Microsoft là minh chứng cho điều đó. Tuy nhiên, đa phần những công ty khác thích sử dụng các phương tiện thay thế như giấy phép ‘truy cập mở’ hoặc thậm chí chủ động tránh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn. Trong tương lai, cách tiếp cận thay thế (như giấy phép mở) có thể len lỏi vào các lĩnh vực khác ngoài phần mềm. Điển hình như những cải tiến trong công nghệ in 3D có thể rút ngắn thời gian cần thiết để sản xuất và phát hành một số sản phẩm nhất định, thậm chí có thể cho phép người tiêu dùng in sản phẩm tại nhà thay vì phải đợi để chúng được làm ra và phân phối. Điều này có thể dẫn đến một tình huống tương tự như trong một số khía cạnh của phát triển phần mềm, dẫn đến việc muốn bảo vệ tốt nhất là đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh chóng hơn là chờ đợi để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ theo mô hình truyền thống.

Liệu các ví dụ trên có phản ánh sự thay đổi trong nhận thức về bảo vệ sở hữu trí tuệ, ít nhất là trong một số lĩnh vực công nghệ hay không? Có lẽ sự trao đổi truyền thống về quyền sở hữu trí tuệ, tức là việc cấp bằng độc quyền sáng chế để đổi lấy việc tiết lộ phát minh, đang dần được thay đổi bằng một sự dàn xếp khác, với việc các phát minh được cung cấp tự do và công khai hơn, nhưng ngược lại chủ sở hữu muốn biết ai đang sử dụng sáng chế của họ. Có thể bây giờ, chỗ của lợi nhuận không còn nằm trong chính bản thân sản phẩm, mà đã chuyển sang thông tin nó có thể thu thập từ người dùng.

Minh Châu dịch
* Chuyên viên Kiểm định sáng chế, cơ quan Sở hữu trí tuệ Anh (UKIPO)

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)