Một cách truyền thông khoa học mới mẻ và hấp dẫn

Facebook và website có tên khá kỳ quặc I fucking love science (IFLS) do Elise Andrew sáng lập có sức hút hàng chục triệu người theo dõi nhờ vào cách truyền thông khoa học mới mẻ.


Những hạt cát biển phóng đại 250 lần đăng trên facebook IFLS.

“Vượt mặt” nhiều tờ báo khoa học

Theo thống kê của tờ The Columbia Journalism review, lượt người theo dõi các nội dung khoa học trên facebook của IFLS còn lớn gấp nhiều lần các trang tin khoa học lâu đời nổi tiếng thế giới. Chỉ sau hai năm thành lập, vào năm 2014, Facebook của IFLS có 18 triệu lượt người theo dõi, lớn hơn tổng lượng người theo dõi của tất cả các trang Popular Science (2,7 triệu người), Discover (2,7 triệu người), Scientific American (1,9 triệu người) và New York Times (8 triệu) cộng lại. Những người làm truyền thông khoa học nổi tiếng như Neil deGrasse Tyson (1,8 triệu người theo dõi) và Bill Nye (3,2 triệu người theo dõi) cũng là fan của trang IFLS. Thậm chí, các buổi nói chuyện khoa học thường thức do Andrew làm diễn giả ở New York hay Sydney thường hết vé vào cửa chỉ sau vài chục phút hoặc… năm phút bán vé.

Không giống như bất kỳ một kênh truyền thông nào khác, Andrew xây dựng “đế chế IFLS” gồm một website riêng, một trang facebook với 25 triệu lượt người theo dõi mà không nhận được sự hỗ trợ của bất kỳ một phương tiện truyền thông chính thống nào, Andrew còn hiếm khi tiếp xúc với giới truyền thông. Vậy, điều gì đã đem lại sức hút mạnh mẽ như vậy ở một trang tin khoa học cho đại chúng?

“Quyến rũ” công chúng bằng phương pháp trực quan sinh động

Một tấm ảnh của IFLS chụp những hạt cát biển phóng đại lên 250 lần trông như các tác phẩm điêu khắc hay những bóng đèn bằng gốm đủ sắc màu rực rỡ như cam, be, đỏ mận… được gần 91.000 lượt chia sẻ trên facebook. Một bức ảnh khác chụp mặt trời chỉ như một dấu chấm trong thiên hà với dòng chú thích lấp lửng: “Chỉ … là một trong một tỉ” hoặc bức ảnh những chú rái cá ngủ và nắm tay nhau rất dễ thương với chú thích: “rái cá biển nắm tay nhau khi ngủ để không bị trôi dạt cách xa nhau” … được hàng chục nghìn lượt chia sẻ, hàng nghìn lượt bình luận bày tỏ sự thích thú. IFLS còn có những video hấp dẫn như học sinh hát bài về lý thuyết dây trên nền nhạc của bài Bohemian Rhapsody… Mặt khác, trong khi các báo đăng tin tức khoa học theo cách “truyền thống” thường có xu hướng tập trung vào những gì được coi là “quan trọng” và “đáng đưa tin”, thì IFLS lại tìm những điểm thú vị nhất về các nghiên cứu khoa học và đăng tải nó lên và thu hút người đọc, sau đó mới dẫn dắt họ khám phá tiếp các thông tin nền tảng của các nghiên cứu. Chính vì thế, ngay sau khi thành lập, lượng người theo dõi IFLS tăng lên khoảng 15.000 người mỗi ngày.

Một điều bất ngờ với tất cả những người hâm mộ IFLS là, Andrew, mới chỉ là một cô sinh viên 22 tuổi, đang học ngành sinh học ở Đại học Sheffield, Anh và có kinh nghiệm báo chí bằng không khi bắt đầu sáng lập IFLS vào năm 2012. Cô cũng chia sẻ mong muốn “được thấy các nhà khoa học tương tác trực tiếp với công chúng” hơn là phải nhận các thông tin khoa học thông qua những người đưa tin là giới truyền thông.

Mặc dù từng lên tiếng chỉ trích IFLS về việc sử dụng một số ảnh khoa học không dẫn nguồn, nhưng Alex Wild, nhà sinh vật học kiêm nhiếp ảnh gia đã viết trên trang Scientific American rằng Andrew xứng đáng là một “người hùng” trong tiếp cận và mang khoa học đến cộng đồng. “Các bài đăng [trên facebook IFLS] của cô thực sự chuyên nghiệp bởi luôn được kiểm tra chéo chứ không phải là những thông tin ngụy khoa học”, Wild nói.

Bảo Như tổng hợp
Theo Theguardian The Columbia Journalism review.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)