Một góc nhìn về các doanh nghiệp khởi nghiệp từ thế mạnh địa phương

Những doanh nghiệp nông nghiệp, tận dụng thế mạnh của các địa phương gần đây xuất hiện khá nhiều trong các cuộc thi khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu đem định nghĩa startup của Steve Blank là “tổ chức được thành lập để đi tìm kiếm một mô hình kinh doanh mở rộng ra được và lặp lại được”, thì có thể nói 99% số doanh nghiệp này không được gọi là startup. Họ là những doanh nghiệp hoàn toàn sản xuất sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường và kiếm tiền. Mô hình kinh doanh cũng hết sức truyền thống và khá đơn giản.

Cheer Farm, doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm hữu cơ từ dứa theo mô hình kết hợp giữa nhà đầu tư, nhà khoa học và người nông dân.  Nguồn ảnh: Cheer Farm.

Tuy nhiên, không phải startup không có nghĩa là không thể áp dụng những công cụ của khởi nghiệp tinh gọn để giúp những doanh nghiệp này phát huy được thế mạnh vốn có của mình và góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương vốn có ít điều kiện hơn các thành phố lớn. 

Nếu xuất phát từ mô hình tinh gọn (lean canvas) gồm 9 yếu tố (Vấn đề; Giải pháp; Giá trị độc đáo; Lợi thế cạnh tranh khó bắt chước; Phân khúc khách hàng; Kênh; Các chỉ số đo; Chi phí; Doanh thu) do Ash Maurya giới thiệu lấy cảm hứng từ mô hình kinh doanh canvas sẽ thấy rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi muốn nhấn mạnh vào những điểm mạnh và điểm yếu nhất.

Trong khi rất nhiều startup còn loay hoay với bài toán lợi thế cạnh tranh khó bắt chước, thì bản thân những câu chuyện đi từ thế mạnh địa phương lại có điểm mạnh này. Vĩ dụ như không có startup trong lĩnh vực rượu vang ở Bordeaux trở thành trăm triệu USD trong thời gian ngắn, nhưng dựa vào thế mạnh vùng miền, họ đã phát triển lên những sản phẩm dịch vụ mang tính địa phương đặc trưng mà không thể nơi nào bắt chước được.

Nhưng nếu chỉ có sản phẩm thô thôi thì không đủ. Chúng ta đã có bài học về nuôi ngọc trai ở Vân Đồn – nơi có nhiều điều kiện tốt nhất để nuôi ngọc trai, nhưng doanh nghiệp Nhật Bản sớm nhận ra lợi thế này và họ sang để nuôi trai với công nghệ riêng của họ và mang trở lại Nhật Bản để chế tác sản phẩm cũng như chế biến các phụ phẩm khác mà không để lại ở thị trường bản địa một chút nào. Cuối cùng, họ thậm chí còn có thể xuất khẩu ngọc trai đã qua chế tác ngược trở lại Việt Nam hoặc xuất đi rất nhiều thị trường trên thế giới. Giá trị gia tăng mang lại cho địa phương hầu như là con số 0. Hay trái thanh long của Malaysia có thể chế biến thành 11 loại sản phẩm khác nhau trong khi nông sản của chúng ta được mùa mất giá.

Do đó, có thể thấy, nếu thế mạnh tự nhiên ở địa phương không kết hợp với công nghệ và những bí quyết quan trọng, cũng như nỗ lực gia tăng giá trị cho sản phẩm thì không thể duy trì một lợi thế cạnh tranh không thể bắt chước được trong thời gian dài.

Nếu sử dụng mô hình tinh gọn kết hợp với Mô hình kinh doanh canvas, có thể thấy hai cách tiếp cận cho thúc đẩy khởi sự kinh doanh từ thế mạnh địa phương:

1. Khởi nghiệp dựa trên những vấn đề của địa phương (tiếp cận từ vấn đề – problem – oriented)

Năm 2017, trong chuyến tới thăm Việt Nam, tỷ phú Mỹ Jeff Hoffman đã có chia sẻ về việc xuất phát từ những vấn đề địa phương. Rõ ràng không địa phương nào không có những vấn đề của riêng mình. Một chàng trai Nam Phi trở thành một doanh nhân thành đạt trẻ, xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Phi khác nhờ ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề của nước đang phát triển. Một cô gái trẻ sống ở chân núi đã xây dựng được một công ty cung cấp dịch vụ thuê ngoài lập trình viên (outsourcing), bắt đầu từ dự án nhỏ dạy lập trình cho các em gái sống trên núi, ngày đi bộ 2 tiếng xuống núi để học và đi bộ 2 tiếng lên núi để về nhà. Cơ hội nằm ngay trong những vấn đề của vùng. Nếu lấy cách tiếp cận này để sáng tạo giải pháp có lẽ trong tương lai không xa chúng ta sẽ giảm bớt những rủi ro của việc bán sản phẩm thô, sẽ không còn điệp khúc được mùa mất giá, hay sự rớt giá nông sản thê thảm như vẫn từng chứng kiến. Trên thực tế đã có những nhà máy sản xuất các sản phẩm hữu cơ ngay trên vùng nguyên liệu với mô hình nhiều bên hưởng lợi như Cheer Farm, kết hợp nhà khoa học, nhà đầu tư và người nông dân với đa số sản phẩm để xuất khẩu. Họ là một doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ.

Cuối năm 2017, tại Vũng Tàu diễn ra một cuộc thi khởi nghiệp quy mô tỉnh. Điểm bất ngờ không nằm ở chỗ số lượng các nhóm tham gia mà chính những nhóm ngành tưởng chừng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia thì dường như vắng bóng, trong khi đó, nổi lên những nhóm làm các sản phẩm thực tế, giải quyết những vấn đề của địa phương và vốn cũng là thế mạnh của địa phương đó là cơ khí tự động hóa trong hàng hải. Vốn là một địa phương có thế mạnh về ngành công nghiệp hỗ trợ dầu khí, chất xám và vốn máy móc tốt, cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương và những doanh nghiệp ở nơi khác đến chính là có khách hàng ngay tại chỗ và thị trường sẵn sàng tiếp nhận.

2. Khởi nghiệp dựa trên những thế mạnh và sản phẩm chủ lực của địa phương (tiếp cận dựa trên định hướng giá trị -value-proposition oriented)

Có nhất thiết lúc nào cũng phải bắt đầu từ vấn đề? Trên thực tế, không hẳn là như vậy. Mô hình tinh gọn bắt đầu nhìn nhận mô hình kinh doanh từ nỗ lực giải quyết một vấn đề nào đó nhưng tuyên bố giá trị (value proposition) mới là trái tim của mô hình kinh doanh. Điều đó có nghĩa là không nhất thiết bạn phải tìm ra một vấn đề ngay khi bắt đầu. Henry Ford từng nói: “thị trường không bao giờ bão hòa với những sản phẩm tốt nhưng nó sẽ bão hòa rất nhanh với những sản phẩm tồi”. Hãy nhìn vào những sản phẩm hàng chục hoặc hàng trăm tuổi đáp ứng những nhu cầu rất cơ bản, rõ ràng, đôi khi người sáng lập ra nó cũng không nghĩ quá nhiều vấn đề mà họ chỉ muốn làm ra những sản phẩm tốt nhất có thể, đó cũng chính là lúc họ giải quyết một vấn đề thực sự của người tiêu dùng: không tìm được sản phẩm tuyệt hảo. Bằng chứng trên thực tế có rất nhiều, đó là những thương hiệu bánh trung thu truyền thống, hay cửa hàng bánh Ozasa niêm yết trên sàn chứng khoán Nhật Bản, không bán gì có hàm lượng công nghệ cao, mà chỉ là hai loại bánh nhưng sản phẩm của họ ngon và giá trị khó có sản phẩm nào vượt qua được. Bí quyết làm ra bánh được tích lũy qua thời gian, trải nghiệm, công sức và cả công nghệ để chế biến nó một cách thủ công hoàn hảo nhất. Nếu đưa câu chuyện vào những sản phẩm xuất phát từ thế mạnh địa phương nào đó hãy biến nó thành sản phẩm xuất sắc từ mọi nguồn lực mà doanh nghiệp có, giống như thông điệp của Ozasa: “Nếu làm hãy làm ra sản phẩm hoàn hảo nhất, nếu không thì đừng làm nữa”.

Nói như vậy không có nghĩa là “vấn đề” không nên được tính đến trong phát triển mô hình kinh doanh.Vấn đề mà bạn cố gắng giải quyết luôn nằm trong mô hình kinh doanh dù nó không phải là điểm xuất phát. Một doanh nghiệp bán lá tắm từ bài thuốc của người Dao cổ cho phụ nữ sau sinh, một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoa quả sấy khô tự nhiên trên vùng nguyên liệu v..v mặc dù hướng đến một sản phẩm tốt vẫn không thể quên rằng, chỉ khi hiểu đúng về vấn đề của những khách hàng tiềm năng thì mới có thể đưa ra thông điệp mới đúng.

Điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp đi ra từ thế mạnh địa phương chính là phần xác định và xây dựng các nhóm kênh tiếp cận khách hàng phù hợp đặc biệt là trong việc xuất khẩu, trên thực tế không một doanh nghiệp có thế mạnh địa phương nào có thể tự làm một mình và muốn xuất khẩu thì càng không thể tự làm.Trong 5 nhóm kênh (gồm: Kênh nâng cao nhận thức hoặc giới thiệu ra thị trường; Kênh kiểm chứng giá trị; Kênh giúp mua hàng; Kênh truyền tải giá trị; Kênh hậu mãi) có thể thấy rất nhiều phần cần sự hỗ trợ của các cấp cao hơn và cần phải có những vai trò của Hiệp hội. Để phát triển nhóm kênh cần rất nhiều nỗ lực của các phương tiện truyền thông của địa phương trong việc hỗ trợ xây dựng các giải pháp liên quan đến chỉ dẫn địa lý, thương hiệu vùng để từ đó có thể giúp các doanh nghiệp có cơ sở vững chắc và cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực marketing cho các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương, đặc biệt là marketing trực tuyến sẽ giúp mở rộng thị trường theo những hướng mới ngoài thị trường truyền thống và hướng tới xuất khẩu.

Trên thực tế, sẽ không có một công thức chung cho thành công nào để trở thành những doanh nghiệp thành công vì ngay cả khi thành công, doanh nghiệp vẫn luôn phải duy trì và sáng tạo những giá trị mới. Đối với khởi nghiệp mang tính thế mạnh của địa phương điểm quan trọng hơn cả cũng chính là gọi tên, duy trì và sáng tạo ra những giá trị mới dựa trên những thế mạnh hoặc chính vấn đề của địa phương mình. Đó cũng là nguồn gốc của sáng tạo.

 

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)