Một tư duy mới cho viện trợ và nhận viện trợ phát triển?

Trong những năm gần đây, các cuộc tranh luận về viện trợ phát triển quốc tế đã hoàn toàn thay đổi. Trong khi những năm 1990 được đánh dấu bằng sự sụt giảm ngân sách cho viện trợ, thì nay các nước công nghiệp lớn lại tuyên bố tăng viện trợ để thực hiện Mục đích Thiên niên kỷ. Họ đua nhau đưa ra các đề xuất để đổi mới phương thức tài trợ. Phải chăng đó là tín hiệu của một chính sách đoàn kết thực sự cho các nước nghèo? Phỏng vấn của tạp chí Alternatives Économiques đối với Jean-Michel Severino, Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Bernard Pinaud, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tin học hóa vì sự phát triển (Crid).

Sự cần thiết phải gia tăng ngân sách cho viện trợ phát triển đã đạt được một sự đồng thuận quốc tế. Số tiền thường được nhắc đến là 50 tỷ USD, theo các ông có đủ không?

 
 Bernad Pinaud

Jean-Michel Severino: Trên thực tế có nhiều đánh giá rất khác nhau, từ 100-200 tỷ, thậm chí 300 tỷ USD. Con số 50 tỷ USD là kết quả của những tính toán kỹ thuật và những thỏa hiệp giữa những người mong muốn viện trợ nhiều hơn và những người muốn viện trợ ít hơn. Đó là một con số rất mang tính huy động xét trên góc độ chính trị, cho phép nhấn mạnh rằng cần phải có nhiều tiền hơn để đạt được các Mục đích Thiên niên kỷ so với mức độ viện trợ như hiện nay.
Bernar Pinaud: Số tiền này thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết. Nếu so với báo cáo Camdessus về các mục đích được cộng đồng quốc tế ấn định về vấn đề nước sạch – giảm một nửa từ nay đến năm 2015 phần dân cư không được tiếp cận bền vững nước sạch – thì chỉ riêng mục đích này cũng đã đòi hỏi 100 tỷ USD. Nếu cộng tất cả các nhu cầu về xóa đói giảm nghèo thì số tiền cần thiết sẽ lớn hơn 50 tỷ USD rất nhiều. Số 50 tỷ USD hiện nay chưa đủ và chưa chắc đã đạt được.

Cố gắng viện trợ này dựa trên ý tưởng rằng một sự gia tăng ồ ạt các tài trợ dành cho các nước nghèo có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Các ông nghĩ thế nào?
J. Severino: Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố một bài báo (*) cho thấy rằng người ta vẫn chưa chứng tỏ được hiệu quả tích cực của viện trợ lên tăng trưởng. Tại sao? Bởi vì ngoài một nỗ lực ngắn hạn, khi các nguồn vốn được rót ào ạt vào một đất nước, chúng sẽ gây ra lạm phát và làm tăng tỷ giá hối đoái, giảm khả năng cạnh tranh. Như vậy, các khía cạnh tích cực bị các tác động tiêu cực về kinh tế vĩ mô triệt tiêu.

 
 Biểu tình ở Bamako (Mali). Giảm nợ không được đồng nghĩa với cắt ngân sách viện trợ phát triển cho các nước nghèo.

Một lập luận khác, không được đề cập trong bài báo nhưng từ lâu đã lan truyền trong giới tài chính về hiệu quả của viện trợ, giải thích rằng một sự gia tăng ồ ạt vốn từ bên ngoài có xu hướng làm nản chí các cố gắng về thuế trong nước.
Cuối cùng là vấn đề về khả năng hấp thụ vốn của các nước nhận viện trợ. Khả năng giải ngân chậm, sử dụng viện trợ thiếu hợp lý…là những yếu tố làm cho hiệu quả của dự án không cao, đặc biệt nếu các dòng vốn này được đầu tư vào y tế hay giáo dục, vốn là những hệ thống công với các thủ tục hành chính rườm rà. Như vậy, một sự gia tăng ồ ạt các viện trợ đặt ra nhiều vấn đề: quản lý kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng lên hệ thống thuế và khả năng hấp thụ. Nếu các ngân sách đoàn kết quốc tế được tăng cường, thì đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ đến các cách sử dụng nguồn viện trợ khác với các chính sách truyền thống.
B. Pinaud: Vấn đề hấp thụ vốn của các nước phương Nam là một cái gì đó rất bí mật. Đó là một lập luận mà các nhà tài trợ luôn luôn đưa ra, kể cả các tổ chức phi chính phủ. Vấn đề có thể nằm ở chỗ các chính sách hợp tác với phương Bắc quá nặng nề. Một dòng vốn lớn hơn đòi hỏi phải có các cơ chế mềm mỏng hơn và nhanh chóng hơn trong việc quản lý vốn, cũng như quản lý các nguồn tài nguyên ổn định hơn và phải có khả năng dự báo cao.
Theo báo cáo mới nhất của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), năm 2002 Sénégal đã tiếp nhận hơn 50 đoàn công tác, và Zambia tiếp nhận 120 đoàn chuyên gia của các nước tài trợ, đấy là chưa kể đến các đoàn công tác của WB và IMF. Chúng ta đang sống trong một nghịch lý: con nhà nghèo lại phải mua đắt. Lương cho một nhà tư vấn quốc tế dao động từ 18.000-27.000 USD/tháng, đấy là chưa kể chi phí đi lại, ăn ở; trong khi nước nhận viện trợ gần như bắt buộc phải lựa chọn nhà thầu của nước tài trợ với chi phí xây dựng và chuyển giao cao hơn bình thường. Các nước phương Bắc phải dành nhiều tự chủ hơn cho các chính phủ phương Nam. Chính các chính phủ phương Nam chịu trách nhiệm chính trong công tác kết hợp viện trợ và điều phối chứ không phải là IMF hay WB.

Các chính phủ hiện đang thảo luận về hai nguồn tài chính khả dĩ để tăng viện trợ. Một đề xuất của Anh về các khoản vay quốc tế lớn mang tên International Financial Facillity (IFF), và một đề xuất của Pháp về đánh thuế các giao dịch thương mại quốc tế. Theo các ông, giải pháp nào thích hợp hơn?
J. Severino: Tôi thấy đánh thuế các giao dịch thương mại quốc tế đơn giản hơn và trực tiếp hơn để thu được các nguồn tài chính cần thiết. Nó có thể được áp dụng mà không cần tất cả các nước lớn đồng ý. Tháng 9 vừa rồi, Pháp và Chili đã cam kết áp dụng loại thuế này từ năm 2006. Mỗi nước có thể làm tương tự trên lãnh thổ quốc gia của mình, điều này cho phép tập hợp một lượng tài chính khổng lồ, khởi đầu của một sự áp thuế trên quy mô toàn thế giới. Chẳng hạn, thuế đánh lên vé máy bay mà người ta đang nói hiện nay có thể mang lại khoảng 400 triệu euro mỗi năm, một số tiền không nhỏ.
Một phần lớn của khoản tiền này sẽ được dành cho các quỹ đa phương trong các chương trình chống SIDA, lao và sốt rét. Nếu khoảng chục nước theo con đường này, ngay cả khi họ không giàu như Pháp, thì người ta cũng có thể tập hợp được 3 – 4 tỷ euro mà không gây xáo trộn lớn. Dĩ nhiên, khoản tiền này phải mang tính bổ trợ chứ không phải thay thế, nghĩa là các chính phủ không được cắt giảm các cố gắng tài chính khác.
B. Pineau: Điều đầu tiên mà các nước giàu phải làm, đó là tăng các ngân sách cho viện trợ phát triển. Họ đã cam kết cách đây 35 năm tăng mức viện trợ lên 0,7% GDP, và họ phải giữ lời hứa trước khi nói đến các cơ chế tài trợ mới. Tôi thấy dự án đánh thuế các giao dịch thương mại quốc tế có vẻ phù hợp hơn. Chúng ta đang sống trong một không gian trao đổi thương mại và tài chính toàn cầu, vì vậy thật bình thường khi đoàn kết được thực hiện trên quy mô toàn cầu. Liên minh Châu Âu trước hết được xây dựng như một thị trường chung, nhưng người ta cũng đã biết giúp đỡ Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha phát triển bằng một cố gắng tái phân phối. Logic tương tự phải được áp dụng trên quy mô thế giới.

Chính sách viện trợ chỉ là một trong các chính sách công của các nước phương Bắc dành cho các nước phương Nam. Tuy nhiên, đôi khi người ta có cảm giác rằng nó chẳng qua chỉ là để bít những lỗ hổng do các chính sách thương mại, quyền sở hữu trí tuệ…gây ra

J. Severino: Rất tiếc, nó thậm chí còn không hoàn thành chức năng hàn gắn! Trong lĩnh vực quan hệ Bắc-Nam, các hiệp định thương mại lớn là các nhân tố chủ yếu có tác dụng cải thiện cơ cấu kinh tế. Nhưng như thế không có nghĩa là người ta có thể xem nhẹ chính sách viện trợ. Các nước tài trợ cũng nên tính đến cách thức hòa nhập với khung cảnh của các nước nghèo, hiểu các thuận lợi và thách thức để cải thiện tình hình chung, chứ không phải làm người “thợ hàn”.
B. Pinaud: Hoàn toàn đúng. Có một sự rời rạc giữa các lựa chọn chính sách hợp tác và các lựa chọn chính sách thương mại. Buộc các nước chậm phát triển mở cửa thị trường của họ sẽ làm cho bộ phận nông dân của các nước này vốn đã khó sống càng trở nên bất ổn. Một mặt, người ta viện trợ cho Sénégal và Cameroun, mặt khác, người ta lại bán cho họ cổ cánh gà với giá thách thức mọi cạnh tranh, bóp chết các cơ sở giết mổ địa phương và đặt nhiều người vào trong vòng nghèo khổ. Các nước nghèo phải có khả năng bảo vệ thị trường của mình. Chúng ta đã trở nên phát triển nhờ có chủ nghĩa bảo hộ, tại sao chúng ta lại ngăn cản các nước phương Nam làm điều tương tự?

Về nội dung của các chính sách Bắc-Nam, một báo cáo mới đây của WB (3) chỉ trích niềm tin vào “sự thần diệu của thị trường”. Đây phải chăng là khởi đầu của một sự thay đổi tư tưởng?
J. Severino: Ngân hàng thế giới đã luôn là một thể chế rất hay thay đổi. Các lựa chọn của Thỏa thuận Washington đã không bao giờ đạt được sự đồng thuận của chính những người làm trong WB và giới nghiên cứu. Giám đốc mới của WB Paul Wolfowitz còn chưa để lộ hết các ý định của mình. Chúng ta hãy chờ xem ông ta sẽ dẫn ngân hàng thế giới đi đâu. Lúc đó chúng ta sẽ biết các đổi mới này sẽ chỉ tức thời hay đánh dấu một sự thay đổi bền vững.
B. Pinaud: Chỉ trích chủ nghĩa tự do đã tăng lên ngay chính trong các thể chế này. Trong cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Châu Á năm 1997, các “học sinh giỏi” của IMF là những người chịu nhiều đau đớn nhất. Điều tương tự cũng xảy ra với Achentina, một đất nước có các chính sách từng được IFM ca tụng. Liên minh Châu Âu (EU) có trách nhiệm trong việc này: EU có một cái nhìn cân bằng hơn về các nguyên tắc viện trợ so với cách nhìn của tự do hóa rộng rãi, nhưng không chịu làm gì để ảnh hưởng lên IMF và WB. Và, các nước phương Nam, những nước đầu tiên có liên quan, cần phải có nhiều quyền lực hơn trong WB. Về việc này, các thay đổi mới chỉ xảy ra trong sách báo…

Phước Vĩnh
Nguồn tin: Alternatives Economiqué

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)