Một tuyên ngôn cà phê của Việt Nam

Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ với những kết luận về quyền năng to lớn của cà phê đối với quá khứ, hiện tại, tương lai của nhân loại. Và sẽ càng bất ngờ hơn khi nhận ra rằng Việt Nam chúng ta có đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm cà phê của thế giới, như một điều kiện căn bản và chiến lược để xác lập “quyền lực mềm Việt Nam” trong thế giới toàn cầu hóa đang chứa đựng nhiều khủng hoảng, là thời điểm quyết định để hướng nhân loại cùng đi theo chiến lược phát triển bền vững.

Cục diện của ngành cà phê trong nước…

Ngành cà phê Việt Nam mặc dù có những bước phát triển thần kỳ trong thời gian qua, đóng góp một cách đáng kể vào sự ổn định và phát triển chung của Đăk Lăk, Tây Nguyên, và của cả Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn chứa đựng đầy những yếu tố kém bền vững: chủ yếu là xuất cà phê nhân, cà phê chế biến và thương hiệu còn vô cùng thấp; bản thân giá trị của cà phê nhân xuất khẩu cũng rất thấp, càng xuất càng thiệt do không chú trọng đến chất lượng và tính lâu dài của sản phẩm, tỷ lệ tiêu dùng cà phê trong nước vẫn ở mức rất thấp (0,5kg/người/ năm so với các nước trồng cà phê khác có mức trung bình là 3kg/người/năm) không đủ để tạo ra sự tự chủ của sản lượng tiêu dùng nội địa so với xuất khẩu; cà phê vẫn chỉ là cà phê, chúng ta chưa biết khai thác các giá trị về văn hóa, du lịch, đầu tư, tài chính, kho vận, khoa học kỹ thuật, kinh tế tri thức… là những ngành, những lĩnh vực có liên quan mật thiết đến ngành cà phê.

Trong khi đó, Đăk Lăk nói riêng và Việt Nam nói chung có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành cà phê thành ngành mũi nhọn, làm đầu tàu cho các ngành kinh tế khác phát triển khi mà chúng ta có lợi thế về vùng đất đắc địa cho cà phê, một vị thế tương đối của cà phê Việt Nam khi là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 về sản lượng, có vị trí địa-chính trị thuận lợi, có tài nguyên thiên nhiên còn tương đối nguyên sơ và phong phú (rừng, nước, không gian), có tài nguyên con người bao gồm tài nguyên trí tuệ, có sự đa dạng và nguyên sơ của văn hóa bản địa (đặc biệt là vùng đất Tây Nguyên). Sau khi thực hiện đổi mới nền kinh tế, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển tương đối mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng cà phê trong nước, xuất hiện những doanh nghiệp có những bước phát triển được coi là thần kỳ, có khát vọng lớn và những ý tưởng đột phá. Tất cả những điều đó chính là những tiền đề để chúng ta có thể hoạch định và phát triển ngành cà phê như một ngành mũi nhọn của quốc gia.

… và triết lý mới về cà phê.

Hiện nay, khái niệm và chiến lược phát triển bền vững đang được coi như là cứu cánh của nhân loại, và được rất nhiều học giả hàng đầu, được cộng đồng đông đảo những nhà hành động coi đó như là một tôn giáo mới.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, những hoạt động tuyên truyền, cổ vũ và minh chứng cho chiến lược phát triển bền vững lại có một số điểm chưa hợp lý như: vẫn còn thiên về tính cảnh báo đến những điều tiêu cực sẽ xảy ra cho tương lai nhân loại, vẫn ít có các giải pháp tổng thể hoặc đặt trọng tâm cốt lõi vào việc phát triển khả năng sáng tạo như là một cấu thành quan trọng và là phương pháp để con người tìm ra giải pháp phát triển bền vững, vẫn chưa có một hình tượng thống nhất. Vậy, cà phê, với những đặc tính kích thích sự sáng tạo và có chứa đựng những yếu tố hài hòa, đặc biệt là sự hài hòa giữa hai nhóm tài nguyên chính của con người, hoàn toàn có thể trở thành phương tiện và phương pháp chuyên chở khái niệm phát triển bền vững trở thành hiện thực.

Một điều tưởng chừng như rất ngẫu nhiên nhưng lại vô cùng có ý nghĩa, có sức thuyết phục: Xét về khả năng biểu tượng, bản thân cà phê cũng là đại diện cho hai thuộc tính sáng tạo và hài hòa. Nhân cà phê có hình dáng giống hai bán cầu não, và đó cũng là biểu tượng của sự hài hòa âm dương của vũ trụ. Điều đó làm tăng thêm niềm tin và bổ sung thêm tính biểu tượng cho triết lý cà phê tôn vinh sáng tạo, hướng đến hài hòa.

Một tuyên ngôn cà phê của Việt Nam

– Từ những phân tích nêu trên chúng ta thấy Việt Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực hiện có, thực hiện mọi ưu đãi để có thể hình thành các tổ chức từ cà phê và thông qua cà phê trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu khu vực và thế giới; để đạt được sự ngưỡng mộ của cộng đồng thế giới, là một trong những niềm tự hào và điển hình cho sự phát triển của Việt Nam thông qua việc phát triển khả năng sáng tạo phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững của nhân loại.

Để minh chứng cho quan điểm nêu trên chúng ta có thể thực hiện các hành động sau:

-Giới thiệu đến cộng đồng một Triết lý sống mới của cà phê: tôn vinh sáng tạo, hướng đến hài hòa và bền vững.

-Thu hút, tập hợp điều phối các ngồn lực của cả nhân loại để hiện thực hóa triết lý sống cà phê. Trong đó, tập trung cho các nguồn lực, các đầu mối có khả năng kích hoạt và lan tỏa lớn cho triết lý sống cà phê; là những chuyên gia, những nhân vật nổi tiếng hàng đầu thế giới.
-Đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành một liên minh mạnh của các  nước xuất khẩu cà phê. Đây sẽ là một OPEC của nguồn năng lượng cho nền kinh tế tri thức là cà phê.
-Đầu tư và thu hút thế giới về một Thánh địa cà phê toàn cầu tại Việt Nam, là nơi phát xuất của Triết lý sống mới của cà phê; để quy tụ những người yêu và đam mê trên toàn thế giới cùng hướng về.
-Thực hiện các chương trình hành động thực tế để nâng cao giá trị của ngành cà phê Việt Nam một cách tổng thể và toàn diện.
– Giới thiệu với thế giới các tập đoàn, doanh nghiệp, và thương hiệu cà phê hàng đầu, có khả năng dẫn dắt ngành cà phê thế giới đi theo triết lý sống của cà phê được phát xuất tại Việt Nam. 

Một tuyên ngôn để hành động.

Từ những nhận định trên sẽ là kế hoạch và hành động cho một chiến lược, một dự án tổng thể nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu lãnh thổ, chỉ dẫn địa lý ngành cà phê cho Việt Nam. Điều đó có thể bước đầu biến Tây Nguyên thành một địa bàn hấp dẫn toàn thế giới, giống như Dubai, Silicon Valley, v.v và có thể còn vượt xa hơn nữa: một điển hình cho phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới.

“Năng lượng cho não bộ”

Nhìn lại lịch sử phát triển của loài người, sẽ là không quá khi chúng ta cho rằng “cà phê – xét trên một khía cạnh nào đó cũng có vai trò như lửa đối với sự phát triển của con người. Nếu lửa giúp biến con người từ một động vật bình thường thành động vật tinh khôn; thì cà phê kích thích các sáng tạo để biến con người tinh khôn thành con người văn minh, hiện đại”. Quả thực, từ khi cà phê được phát hiện và sử dụng rộng rãi, bóng dáng của cà phê âm thầm, nhưng mạnh mẽ và không thể thiếu được trong hầu hết các phát minh và sáng tạo của loài người, giúp tạo ra những năng suất lao động chưa từng có và đang ngày một gia tăng cao hơn nữa. Có người có thể nghi ngờ liệu cà phê thật sự có phải là chất xúc tác để tạo ra hầu hết các sáng tạo; nhưng việc hầu hết các nhà phát minh, các vĩ nhân trong mọi lĩnh vực đều là những tín đồ của cà phê là điều hiển nhiên và không thể chối bỏ.

Trong thời đại của nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; thì cà phê được người ta ví là  “năng lượng cho bộ não”, “máu của nền kinh tế tri thức”. Cà phê, với những đặc điểm thần kỳ của mình, chính là cầu nối giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên trí tuệ loài người, là cầu nối giữa kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp, hậu công nghiệp. Bởi đó là một sản phẩm nông sản, nhưng lại không thể thiếu cho quá trình sáng tạo và phát triển của nhân loại.

Dự án Thánh địa cà phê toàn cầu:

Gồm 3 khu vực chính.

Vùng đệm: tạo ra các cộng đồng sống thấu hiểu, tạo nền cho sự thân thiện của địa bàn thánh địa cà phê. Vùng đệm này sẽ bao gồm các nội dung chính sau:
– Quy hoạch Buôn Ma Thuột thành một thành phố đặc trưng về cà phê, trong đó có các khu dân cư điển hình theo mô hình phát triển bền vững.
-Nâng cấp đại học Tây Nguyên thành một đại học đa ngành đạt đẳng cấp quốc tế. Đây vừa là cơ chế huy động đầu tư, thu hút du học – du lịch, vừa là cơ chế để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tương xứng cho nhu cầu phát triển ngày càng cao.
-Dự án chính phủ điện tử cho các tỉnh Tây Nguyên.
-Hình thành và vận hành Thánh địa cà phê ảo trên mạng toàn cầu.
-Kết nối với Đà Lạt, Nha Trang để trở thành tam giác phát triền bền vững, hoặc các đặc khu phát triển bền vững của quốc gia.
Khu vực vành đai: là những cấu thành tạo nên sức cạnh tranh và sự độc đáo của cà phê Việt Nam trong ngành cà phê thế giới:
-Một Viện bảo tàng cà phê thế giới tại Việt Nam.
-Một Viện nghiên cứu cà phê tầm cỡ thế giới.
-Một Viện nghiên cứu dân tộc học và văn hóa cho bản địa và các vấn đề toàn cầu.
-Một Sàn giao dịch nông sản được kết nối với các định chế tài chính trung lập và các quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, đặc biệt là với Brazin và Indonesia.
-Những dãy phố đặc trưng cà phê, các doanh nghiệp, đồn điền thực hành cà phê sạch, thực hành cà phê theo các tiêu chuẩn khắt khe nhất về kỹ thuật và môi trường.
Khu trung tâm: là nơi để thể hiện triết lý sống mới từ cà phê; một triết lý tôn vinh sự sáng tạo, hướng đến sự hài hòa. Dự kiến khu này sẽ được thực hiện tại cụm thác sinh thái Draysap bao gồm:
– Một quần thể tích hợp của du lịch văn hóa – sinh thái – cà phê theo hướng thám hiểm, thực tế với những dịch vụ đạt đẳng cấp cao và độc đáo nhất thế giới.
– Một khu vườn thiên đường cà phê, nơi trồng và thực hành cà phê đặc biệt nhất thế giới: nuôi các loại thú tự chọn hạt cho con người như khỉ, két (vẹt), chồn…, những người dân bản địa trong đó cũng trồng và chăm sóc cà phê theo đúng quy trình khoa học nhưng bên cạnh đó là các nghi thức văn hóa để cầu nguyện, gửi gắm tinh thần sáng tạo, và sự mong mỏi hài hòa, bền vững vào từng hạt cà phê.

Đặng Lê Nguyên Vũ

Tác giả