Mua bán phát thải carbon có lợi cho môi trường

Phân tích và đánh giá chương trình cho phép mua bán phát thải carbon của bang California, Đại học Stanford chỉ ra cách làm này đem lại những lợi ích to lớn đối với môi trường.

Tiểu bang California (Mỹ) đang đi tiên phong trong một chương trình cho phép những người chủ rừng có thể bán “tín chỉ CO2” (carbon dioxide credit) cho những doanh nghiệp phải cắt giảm lượng khí thải theo yêu cầu của chính quyền.

Nghiên cứu của Đại học Stanford, công bố trên Frontiers in Ecology and the Environment, đã phân tích và đánh giá để cho thấy chương trình này đem lại những lợi ích to lớn đối với môi trường.

California đặt ra mục tiêu phải đưa lượng khí thải CO2 trở về mức của năm 1990, và tới năm 2030 thấp hơn mức đó 40%. Kết quả là, một thị trường mua bán phát thải (cap and trade market) ra đời, mà ở đó các công ty xả thải nhiều có thể mua thêm “quyền phát thải” để đáp ứng tiêu chuẩn của chính quyền.

Khoản tiền do rừng mang lại nhờ bán “sức chứa” carbon còn dư của mình, vốn chiếm phần lớn thị phần mua bán phát thải carbon ở California, khiến người trồng rừng thay đổi phương thức quản lý đất để tăng “sức chứa” CO2 như hạn chế chặt cây, tái trồng và cải tạo rừng.

Với “sức chứa” mỗi tấn CO2 tích trữ được, người chủ rừng sẽ kiếm được 1 tín chỉ (credit) – trị giá khoảng 10 USD – để bán cho những công ty có nhu cầu. Kể từ năm 2013, thông qua chương trình này, các chủ rừng đã kiếm được 250 triệu USD khi bán “sức chứa” 25 tấn khí CO2 cho các cơ sở gây ô nhiễm, tương đương 5% lượng phát thải CO2 từ các phương tiện giao thông đường bộ của bang này mỗi năm.

Tuy nhiên một số ý kiến phản đối cho rằng, việc mua bán “tín chỉ CO2” tạo cơ hội cho một số công ty né tránh việc cắt giảm khí thải.

Mặc dù chương trình của California cho phép mỗi cơ sở gây ô nhiễm được mua tối đa 8% tổng lượng phát thải carbon, song tỷ lệ tích lũy “sức chứa” CO2 hiện mới chỉ đạt 2%. Vì khả năng bù đắp rất hạn chế, những cơ sở gây ô nhiễm nặng vẫn cần phải trực tiếp giảm phát thải của họ, như chuyển sang sử dụng năng lượng sạch thay thế, thay vì chỉ dựa vào việc mua quyền phát thải. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Đại học Stanford, chương trình này nhìn chung vẫn giúp giảm phát thải, điều có thể đã không xảy ra nếu chương trình này không được khởi xướng.

Christa Anderson, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, “Nhiều quốc gia đang phát triển, có diện tích rừng đáng kể, cũng đang quan tâm tới những chính sách tương tự nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng.” Tuy nhiên bà cũng cảnh báo, việc mua bán phát thải với khối lượng lớn có thể làm người ta sao lãng khỏi những biện pháp giảm phát thải ưu tiên khác. Chẳng hạn, các nhà lập pháp của California mới đây đã trình một đạo luật nhằm biến lĩnh vực năng lượng của bang nay thành 100% năng lượng tái tạo vào năm 2045.

Hải Đăng lược dịch

Nguồn:

https://phys.org/news/2017-08-carbon-offsets-wide-ranging-environmental-benefits.html

Tác giả