Mức độ can thiệp nào của Nhà nước vào thị trường là tối ưu ?

Cách đây không lâu xảy ra hai sự kiện kinh tế gây bão trong dư luận. Thứ nhất là việc Volkswagen thú nhận đã gian dối trong việc kiểm định khí thải (NOx) của các dòng xe diesel của mình. Sự kiện thứ hai là một hedge fund manager trẻ bất ngờ tăng giá một loại thuốc đặc hiệu (Daraprim) từ 13.5 USD lên 750 USD sau khi bỏ ra 55 triệu USD mua lại quyền kinh doanh loại thuốc này.


Nhìn từ góc độ kinh tế học, hai sự kiện này có nhiều điểm thú vị. Hiển nhiên những nhà kinh tế cánh tả (Paul Krugman) đã nhanh chóng chỉ ra đây là hậu quả do yếu kém của thị trường (market failure), khi mà cơ chế thị trường không kiểm soát được động cơ tham lam thái quá của những người đứng đằng sau quyết định lừa dối ở Volkswagen hay việc “làm giá cắt cổ” (price gouging) của Turing Pharmaceuticals. Volkswagen lợi dụng sự bất đối xứng thông tin (information asymmetry) – tình trạng giao dịch khi một bên lợi dụng sự thiếu thông tin của bên còn lại – còn Turing sử dụng sức mạnh độc quyền. Tất nhiên bài học rút ra là cần phải có thêm sự can thiệp điều tiết của Nhà nước để ngăn ngừa những yếu kém như vậy của thị trường. Trên thực tế Hillary Clinton đã tuyên bố sẽ đặt trần giá thuốc nếu trở thành tổng thống.

Ngược lại, cánh hữu (Tyler Cowen) phản biện lại rằng thực ra cả hai sự kiện đều là hậu quả của việc Nhà nước can thiệp điều tiết quá mức vào thị trường. Volkswagen chạy đua chế tạo xe động cơ diesel vì những chính sách khuyến khích loại động cơ này ở châu Âu và Mỹ. Không chỉ Volkswagen mà nhiều công ty sản xuất xe hơi khác cũng chạy đua và có bằng chứng cho thấy họ cũng lừa dối về khả năng kiểm soát NOx để được hưởng lợi từ chính sách “diesel sạch“ (“green diesel). Sự chạy đua này đối với các công ty sản xuất xe hơi là không bền vững về mặt kinh tế-kỹ thuật, nên sớm muộn gì họ cũng phải lừa dối hoặc ngừng sản xuất xe diesel có đặc tính như yêu cầu của chính phủ.

Trường hợp thuốc Daraprim cũng là hậu quả của những qui định rất ngặt nghèo của FDA trong việc cấp phép sản xuất thuốc generic trên thị trường Mỹ. Lưu ý là Daraprim đã tồn tại hơn 60 năm và đã hết hiệu lực bằng sáng chế nên bất kỳ công ty Mỹ nào cũng có thể sao chép công thức nếu FDA cho phép. Hơn nữa các công ty dược Ấn Độ đã sản xuất thuốc này với giá rất rẻ nhưng không thể bán vào thị trường Mỹ. Khi phát hiện ra loại thuốc này chưa có thuốc generic và hiểu rõ quá trình xin FDA cấp phép sản xuất hoặc nhập khẩu sẽ rất tốn thời gian và tiền bạc, Turing mua lại quyền kinh doanh nó vì biết sẽ có lợi thế độc quyền với sự hậu thuẫn gián tiếp của FDA. Trên thực tế việc làm giá cắt cổ các loại thuốc đặc hiệu như trường hợp Daraprim  đã từng xảy ra nhiều lần ở Mỹ với mức giá tăng còn khủng hơn. Vấn đề là sức ỳ của FDA quá lớn.

Vậy phe nào đúng? Cần phải tăng hay giảm sự điều tiết của Nhà nước vào thị trường? Liệu có nên vứt bỏ nguyên tắc quản trị “tối đa hóa quyền lợi cổ đông” thay bằng “các mục tiêu trách nhiệm với xã hội” không? Chắc chắn các nhà kinh tế sẽ còn cãi nhau chán chê, trong khi đó khoa học, công nghệ và xã hội không ngừng thay đổi.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)