Mục tiêu phát triển của TOSY: Robot công nghiệp giá rẻ

Những con robot nhanh nhẹn gắp sản phẩm vào nơi quy định với tốc độ 180 sản phẩm/phút. Đó là một trong những hình ảnh robot công nghiệp của Công ty cổ phần Robot TOSY mang tới trình diễn tại triển lãm Tự động hóa Automatica 2010 Munich, Đức với giá bán chỉ bằng ¼ sản phẩm cùng loại do các công ty khác sản xuất. TOSY hy vọng giá cạnh tranh và chất lượng tốt sẽ là những yếu tố then chốt giúp công ty thâm nhập thành công vào thị trường robot công nghiệp thế giới, đặc biệt ở phân khúc robot công nghiệp giá rẻ.


Thị  trường robot công nghiệp giá  rẻ

Từ hơn một thập kỷ trở lại đây, tại nhiều quốc gia công nghiệp, robot đã được sử dụng trong các nhà máy hiện đại thay thế cho công nhân tại các dây chuyền sản xuất giúp giảm chi phí, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và ổn định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng robot đã được đưa vào sử dụng rất hạn chế, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Ví dụ như Trung Quốc – công xưởng của thế giới với 1,3 tỷ dân, mỗi năm cũng chỉ dùng vài nghìn con robot công nghiệp. Con số này ở Ấn Độ vào khoảng 1.000.

Theo phân tích của Tổng giám đốc TOSY Hồ Vĩnh Hoàng, nguyên nhân là do chi phí đầu tư robot công nghiệp cao, dao động từ 30.000 – 300.000 USD/con. Với mức giá như vậy mà mỗi con robot chỉ có thể thay thế một vài lao động thì với vài phép tính đơn giản có thể thấy đầu tư cho robot kém hiệu quả ở những nước có nhân công giá thấp. Đây chính là cơ sở để TOSY đưa ra quyết định: sản xuất robot công nghiệp giá rẻ cung cấp cho thị trường trong nước và thế giới.

Robot công nghiệp
Ở nhóm robot công nghiệp, TOSY góp mặt với 3 dòng sản phẩm: Parallel Robot, Scara Robot và Arm Robot.
Parallel robot và Scara robot của TOSY được tích hợp camera để nhận dạng sản phẩm, gắp, và cho vào hộp. Đây là những dòng robot chuyên dùng để gắp sản phẩm trên dây chuyền đóng gói. Đặc biệt parallel robot, dạng robot có kết cấu song song có tốc độ rất cao, có thể gắp được 180 sản phẩm và cho vào chính xác vị trí yêu cầu trong 1 phút.
Arm Robot là dòng sản phẩm arm robot của TOSY là một tay máy 6 bậc tự do đa năng có tầm với 1.4m đến 2.0m ứng dụng sơn, hàn, cắt, dịch chuyển vật liệu,…

TOSY cho biết, khó khăn lớn nhất ở đây là công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất robot trong bối cảnh Việt Nam chưa có ngành công nghiệp robot và các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan cũng chưa phát triển. TOSY xác định phải tự chế tạo hầu hết các bộ phận của robot như động cơ, bộ điều khiển, cảm biến, bộ truyền động chính xác, phần mềm… với tham vọng tạo ra “cách mạng về robot công nghiệp giá rẻ”. Công ty đã lên kế hoạch xây dựng một chuỗi các nhà máy sản xuất các bộ phận của robot như nhà máy đúc và luyện kim, nhà máy động cơ và phanh, nhà máy vi mạch điện tử, nhà máy gia công cơ khí chính xác, nhà máy in bao bì, Nhà máy lắp ráp và thử nghiệm robot, Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới…

Ba phiên bản của Topio
TOPIO phiên bản 1.0 chạy bằng thuỷ lực, cao 1.8m, nặng 500kg, có 6 chân và không di chuyển được.
TOPIO phiên bản 2.0 cao 2.1m nhưng chỉ nặng có 60kg, có 2 chân sẵn sàng cho đi lại và nhảy múa mềm mại hơn. TOPIO 2.0 là bước tiến công nghệ nhảy vọt so với phiên bản trước đó về nhiều mặt. TOPIO 2.0 có 40 bậc tự do chạy bằng động cơ điện. (Số bậc tự do là khái niệm đặc trưng cho độ linh hoạt và phức tạp của robot, có thể hiểu đơn giản mỗi bậc tự do là một khớp).
TOPIO được nâng cấp lên phiên bản 3.0 ngày càng giống con người hơn. TOPIO 3.0 có 39 bậc tự do, cao 1.88m, nặng 120kg.

Sau triển lãm Automatica 2010, robot công nghiệp TOSY đang được ứng dụng trong nhà máy sản xuất đồ chơi của TOSY và từng bước đưa vào các nhà máy sản xuất Việt Nam. Bên cạnh đó, một số đối tác nước ngoài, sau khi xem các robot công nghiệp của TOSY tại triển lãm Automatica 2010, bị chinh phục bởi giá thành sản phẩm, cũng ngỏ ý muốn trở thành nhà phân phối của TOSY ở nước ngoài, trong đó có công ty Motoman chuyên về sản xuất robot công nghiệp của Nhật  muốn hợp tác với TOSY cung cấp robot giá rẻ cho thị trường Nhật Bản, Mỹ. 

Từ robot đồ chơi tới robot dịch vụ

Công ty Robot TOSY bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2002 sản phẩm đầu tay là đĩa bay TOSY. Đến năm 2005, TOSY tập trung nghiên cứu lĩnh vực robot với robot dáng người chơi bóng bàn TOPIO 1.0 và mang đi tham dự  IREX 2007- triển lãm robot lớn nhất thế giới tại Tokyo, Nhật Bản. Từ đó đến nay TOPIO liên tục được nghiên cứu, nâng cấp lên các phiên bản mới để ngày càng giống người hơn. Nghiên cứu TOPIO đã mang lại cho TOSY nhiều công nghệ của riêng mình về cơ khí, vật liệu, điện tử, phần mềm, điều khiển…. Những công nghệ này được áp dụng trên các sản phẩm robot công nghiệp của TOSY và nhiều sản phẩm robot khác mà TOSY đang nghiên cứu, chế tạo. Mới đây nhất, TOSY đã chế tạo thành công robot dịch vụ dáng người TOPIO Dio được mang đi giới thiệu thăm dò nhu cầu người tiêu dùng tại triển lãm Automatica 2010.


Robot dịch vụ
Ở nhóm Robot dịch vụ, bên cạnh chú robot đánh bóng bàn quen thuộc TOPIO, TOSY cũng lần đầu tiên công bố robot dịch vụ dáng người TOPIO Dio tại Automatica.
TOPIO Dio khác hẳn những robot dịch vụ khác bởi dáng người thân thiện, có thể phục vụ trong các nhà hàng, quán café…
Kế thừa sự phát triển không ngừng về công nghệ điều khiển của TOPIO Ping Pong, Dio có 3 bánh xe di chuyển, 28 bậc tự do và có thể được vận hành từ bất cứ nơi nào nhờ một camera tích hợp và cảm ứng chướng ngại vật. TOPIO Dio với kích thước nhỏ gọn (125cm, 45kg) là robot dịch vụ linh động rất hữu dụng trong ngành dịch vụ.

Hiện nay, công ty có khoảng 800 người, trong đó 100 người làm nghiên cứu phát triển, nhiều người từng tham gia các cuộc thi Robocon. Trả lời câu hỏi, điều gì khiến TOSY thu hút được nhiều tài năng, Trọng Trường, cán bộ nghiên cứu của TOSY, nói, “Có lẽ bởi ở TOSY, chúng tôi được chủ động trong công việc. Ngoài ra, chúng tôi còn có chung niềm đam mê. Những nhà dân quanh đây không khỏi ngạc nhiên vì đôi lúc TOSY sáng đèn, chạy máy cả vào 30, mùng 1 Tết. Khi có dự án phải gấp rút hoàn thành hay cận kề ngày triển lãm, anh em chúng tôi thường làm việc quên giờ giấc như vậy.”

Là một công ty gồm nhiều người trẻ (phần lớn kỹ sư ở đây, trong đó bao gồm cả Tổng giám đốc Vĩnh Hoàng, đều thuộc thế hệ 8X), với chuyên môn khác nhau, vậy họ có khó làm việc cùng nhau không? Giải thích về quá trình các nhóm nghiên cứu hợp tác để cho ra sản phẩm cuối cùng, Trọng Trường nói, khi có ý tưởng, các nhóm nghiên cứu sẽ cùng nhau bàn bạc để hiểu rõ yêu cầu của sản phẩm, từ đó bắt đầu tiến hành nghiên cứu chuyên sâu từng công nghệ. Thường nhóm cơ khí bao giờ cũng hoàn thành phần “xác” của robot trước tiên để nhóm điện tử lắp vi mạch và nhóm CNTT lắp phần mềm điều khiển. Sau khi chạy thử, nếu có vấn đề thì các nhóm liên quan lại tiếp tục nghiên cứu khắc phục. Theo Trọng Trường, các nhóm nghiên cứu được gắn kết chặt chẽ bởi công việc chung và mong muốn hướng đến sự hoàn thiện của sản phẩm.

Bước chân vào lĩnh vực chế tạo robot, TOSY đã phải đương đầu với nhiều khó khăn về vốn, thị trường, nhân sự… Tuy nhiên, robot là lĩnh vực công nghệ cao nên các bài toán công nghệ luôn là vấn đề phức tạp nhất. Vĩnh Hoàng cho biết, để giải quyết bài toán này, TOSY luôn xác định phải chú trọng vào đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bởi đó chính là đầu tư cho nền móng vững chắc tạo nên sức mạnh cạnh tranh và là chìa khóa then chốt đảm bảo TOSY có thể tự mình chế tạo thành công robot chất lượng cao giá thành thấp.

TS Phạm Đăng Phước, Trường Đại học Phạm Văn Đồng:
Tôi chưa biết nhiều về công ty TOSY, chỉ có được thông tin trên báo, mạng. Tuy nhiên những robot mà TOSY tham dự triển lãm tại Đức cũng đã thể hiện khả năng và sự tiến bộ lớn trong lĩnh vực chế tạo robot của Việt Nam những năm gần đây. Robot công nghiệp là một sản phẩm công nghệ cao, đòi hỏi sự kết hợp những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ của các lĩnh vực cơ khí, điện tử, điều khiển, CNTT… vì vậy đòi hỏi phải có đội ngũ giỏi thuộc nhiều lĩnh vực và cần có đủ năng lực về cơ sở sản xuất, nhất là phần chế tạo cơ khí chính xác. Những robot công nghiệp 2, 3 hoặc 4 bậc tự do là loại robot mà Việt Nam có thể tham gia thị trường robot thế giới, vì không quá tinh vi và phức tạp về công nghệ. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể phát triển các loại robot phục vụ đời sống, robot trò chơi… Tất nhiên “vạn sự khởi đầu nan”, TOSY muốn thành công phải vượt qua rất nhiều khó khăn ở giai đoạn ban đầu.
Hiện nay, sản xuất robot công nghiệp để cạnh tranh trên thị trường thế giới vẫn còn đang là việc khó đối với các công ty Việt Nam. Thường ở các nước công nghiệp phát triển, một sản phẩm phức tạp có các bộ phận được chế tạo từ nhiều nhà máy vệ tinh, các nhà máy được chuyên môn hóa cao, nhờ vậy chất lượng sản phẩm dễ đảm bảo, khả năng cạnh tranh cao. Nền công nghiệp cơ khí của Việt Nam hiện nay chưa phát triển, nhất là lĩnh vực cơ khí chế tạo chính xác. Làm thế nào để có robot 100% “Made in Vietnam”? Đây là khó khăn lớn để Việt Nam có được những sản phẩm cạnh tranh. Có thể chúng ta dễ thành công khi chế tạo một vài robot để tham gia triển lãm, nhưng khi sản xuất hàng loạt lại là vấn đề khác. Ngoài ra, thương hiệu uy tín cũng là mối quan tâm của người sử dụng, nhất là đối với các sản phẩm công nghệ cao.
Giai đoạn hiện nay, vấn đề tự động hóa có ứng dụng robot trong sản xuất ở nước ta còn thấp. Nhân công ở Việt Nam nhiều và rẻ, vì vậy ít nhà máy sử dụng robot để giảm chi phí đâu tư. Đa số các dây chuyền sản xuất được nhập ngoại, nền sản xuất cơ khí trong nước chưa phát triển; do đó nhu cầu sử dụng robot công nghiệp trong nước không nhiều. Nhưng để chuẩn bị cho Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, việc chế tạo, sản xuất robot công nghiệp trong nước là hết sức cần thiết và cần có những bước đi thích hợp để có thể làm chủ lĩnh vực này.
Vì những lẽ trên, theo tôi, các công ty Việt Nam có năng lực chế tạo robot công nghiệp, nên bắt đầu bằng việc liên doanh với các công ty lớn, đã có thương hiệu thì khả năng thành công và tính khả thi sẽ cao hơn.

Tác giả

(Visited 30 times, 1 visits today)