Năm mới nói chuyện đồ cũ – Góc nhìn về kinh tế tuần hoàn

Năm 2018-2019 chúng ta chứng kiến một loạt các startup “secondhand” kinh doanh các sản phẩm cũ đã qua sử dụng huy động vốn lớn, trong đó có những kỳ lân công nghệ. Điều này đặt ra câu hỏi liệu đã đến thời của kinh tế tuần hoàn? Có thách thức nào cho những mô hình này? Bài viết xin giới thiệu một số mô hình kinh doanh sáng tạo mang bóng dáng của kinh tế tuần hoàn, và chia sẻ một vài góc nhìn cá nhân về vấn đề này.


Vinted – một chợ quần áo, phụ kiện đã qua sử dụng đã trở thành kỳ lân công nghệ khi được định giá 1 tỉ USD.

Ngành thời trang: Có thể nói chưa bao giờ ngành thời trang lại xuất hiện nhiều startup theo hướng “kinh tế tuần hoàn” như vậy. Trên thế giới, ModaCruz (2014), và gần đây là Vinted – một chợ quần áo, phụ kiện đã qua sử dụng –  kỳ lân công nghệ đầu tiên của quốc gia nhỏ bé Lithuania- gọi thành công vốn 128 triệu euro (tương đương khoảng 141 triệu USD) từ Silicon Valley – Lightspeed Venture Partners và được định giá 1 tỷ USD. Vinted trở thành một trong những “chợ điện tử” về đồ secondhand lớn nhất thế giới. Khởi nguồn của Vinted cũng đi ra từ chính nhu cầu bức thiết của người đồng sáng lập Milda Mitkute, muốn thoát khỏi đám quần áo thừa khi chuyển sang một căn hộ mới. 
Worn Again là một startup từ Vương quốc Anh đã chuyển đổi ngành dệt và thời trang bằng công nghệ tái chế polymer. Sau hơn sáu năm nghiên cứu không mệt mỏi, họ đã phát triển được quá trình hóa học để ngăn cách, khử nhiễm và tách các polymer polyester và cellulose từ những sản phẩm dệt không thể tái sử dụng được cũng như các chai nhựa, đóng gói và chuyển sang vật liệu thô. Startup này được nhà đầu tư, doanh nhân số của Nga Miroslave Duma, người đầu tư các startup công nghệ thời trang thông qua Future Tech Lab. Gọi vốn từ H&M 5 triệu USD, công ty đang tăng tốc để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. 
Cùng với hai tên tuổi trên, người ta còn bắt gặp hàng loạt các nền tảng khác từ suốt giai đoạn 2012-2019, như StockX, enjoei, Dabchy, Renova Tu Vestidor v.v. 
Đồ gia dụng, nội thất: Letgo là một ứng dụng tiêu biểu cho phép người dùng mua bán đồ đã nhận cam kết đầu tư 500 triệu USD từ Naspers để bước vào vòng tăng trưởng. Với một startup ba năm tuổi, với hơn 100 triệu lượt tải, 400 triệu món đồ và 6 tỷ tin nhắn giữa những người dùng (đa số là ở thị trường Mỹ) và đạt mức tăng trưởng 65% số giao dịch đăng tải so từ đầu 2018. Điểm khác biệt của letgo khiến ứng dụng này trở nên phổ biến một cách nhanh chóng là khả năng kết hợp công nghệ như nhận diện hình ảnh, thiết kế trực giác (intuitive design) giúp việc mua bán dễ dàng hơn rất nhiều. Nhấn mạnh vào sự đơn giản, đỡ tốn công sức, chỉ cần hình ảnh là công nghệ của letgo đã có thể tự động gợi ý tên, giá và phân loại. Letgo đã trở thành một ứng dụng thành công nhất nước Mỹ trong mảng secondhand và được ghi nhận bởi những tên tuổi lớn như Google. 
Nông nghiệp và thực phẩm: Startup Đan Mạch – Too Good To Go tập trung vào giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm. Loài người đang lãng phí và bỏ đi 1/3 số thực phẩm được sản xuất ra trong khi đó rất nhiều người đang chết đói và môi trường thì phải gánh chịu hậu quả. Thành lập tại Copenhagen năm 2015, Too Good To Go cho phép mọi người mua đồ ăn thừa, thức ăn chưa bán được từ các nhà hàng, quán café, siêu thị, các cửa hàng bánh thay vì những nơi này phải đổ bỏ. Công ty đã mở rộng mô hình của mình ra 12 quốc gia trên thế giới và mong muốn tiết kiệm được 20 triệu bữa ăn /năm. 
Ngoài ba ngành kể trên, ngành xây dựng, ô tô, logistics cũng là những ngành đang có nhiều mô hình đi theo xu hướng này. 
Qua một số ví dụ, có thể thấy startup thuộc nhóm hướng đến kinh tế tuần hoàn này bước đầu thành công là do sự xuất hiện “đúng thời điểm”, yếu tố quan trọng nhất trong năm nhân tố dẫn đến thành công của một startup theo Bill Gross (1. Thời điểm; 2. Đội nhóm; 3. Ý tưởng khác biệt; 4. Mô hình kinh doanh; 5. Vốn). Ví dụ, vào thời điểm mà nhiều sự quan tâm bắt đầu đổ dồn vào giảm rác thải nhựa, giảm lãng phí, tái sử dụng v.v. cùng với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ và sự ra đời các nền tảng thì mô hình của Vinted trong ngành thời trang phụ kiện được chú ý. Trong khi, thời trang tiêu dùng nhanh đang tạo ra những áp lực tiêu cực cho môi trường do quá trình sản xuất cũng như chất liệu không thân thiện với môi trường thì sự thành công của Vinted, Letgo hay sự tăng trưởng chậm lại của ngành thời trang “ăn liền” là điều dễ hiểu. 
Tuy nhiên, trong khi kinh tế tuần hoàn còn là một khái niệm mới mẻ và gây tranh cãi về hiệu quả thực sự, thì cũng còn quá sớm để nói đến sự thành công triệt để của những mô hình kinh doanh theo hướng này. Các nền tảng bán đồ secondhand đang mọc lên như nấm trên khắp thế giới không đảm bảo sự thành công và trở thành một xu hướng có tác động đột phá. Không mô hình nào giải quyết trọn vẹn các bước của mô hình kinh tế tuần hoàn trên lý thuyết để giảm hoặc loại bỏ hẳn việc gây ra ô nhiễm môi trường. Làm sao để nó thực sự giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường về gốc rễ chứ không chỉ là cách kiếm tiền mới từ những thứ đồ cũ bởi sau khi những thứ cũ được sử dụng tới lần thứ 2, 3 v..v đến bước tiếp theo sẽ là gì? Rất nhiều mô hình trong số này không thể trả lời câu hỏi đó. Chưa kể đến, thách thức lớn nhất đôi khi không nằm ở mô hình mà lại nằm ở yếu tố tư duy và hành vi người dùng. Từ ý thức bảo vệ môi trường cho đến hành động và chuyển hóa thành thói quen hằng ngày là cả một nỗ lực rất lớn. 30 năm trước, túi nilon hầu như không hiện diện trong đời sống của người dân Việt Nam, các thứ gói bọc về cơ bản vẫn có nguồn gốc tự nhiên như lá chuối. 30 năm sau, người ta vẫn không thể thay thế nó ngay lập tức dù hiểu nó có tác động đến môi trường v..v. đơn giản vì nó quá rẻ và quá tiện. Sự ra đời của túi nilon vốn cũng vì mục tiêu bảo vệ môi trường, giúp con người tái sử dụng thay vì dùng một lần thì chính hành vi của chúng ta đang biến một sản phẩm ra đời với mục đích bảo vệ môi trường thành kẻ thù của môi trường. Chúng ta chuyển từ hành vi tái sử dụng sang dùng một lần và vứt bỏ. 


Sơ đồ: So sánh sự khác biệt giữa mô hình kinh doanh truyền thống và mô hình kinh tế tuần hoàn.  Hình ảnh được vẽ lại dựa trên nguồn của Catherine

Mọi mô hình công nghệ cũng sẽ chỉ là công cụ nên sẽ không thể mong những mô hình này tạo tác động ngay lập tức một sớm một chiều giống như kiểu người ta đổ xô đi mua các sản phẩm theo xu hướng. Trên thực tế, những mô hình này thường bắt đầu được ủng hộ từ những nhóm cá nhân, người dùng có cùng nhận thức, rồi thay đổi nhận thức của những người mới thực thi hành vi lần đầu, dần dần thành lập thói quen để hướng con người tới lối sống bền vững hơn. Cũng chính vì vậy, nó cần thời gian. 
Có một điều không thể phủ nhận là những mô hình này đang nỗ lực thay đổi nhận thức của nhiều người và rằng những mô hình theo hướng kinh tế tuần hoàn đang thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, của chính các thương hiệu lớn như H&M, Zara v.v. Nó cũng chứng minh cho một thực tế, chúng ta không thể giải quyết vấn đề theo cách cũ, cách chúng ta đã dùng để tạo ra nó như Einstein từng nói, chúng ta cần những giải pháp mới, công nghệ mới và cách tiếp cận mới. Do đó, nếu quan sát chúng ta sẽ thấy song song với những mô hình mới, công nghệ mới vẫn đang phát triển hằng ngày hằng giờ, có một xu hướng đang thu hút được không ít sự chú ý, đó là ngày càng xuất hiện nhiều những startup tập trung vào sử dụng công nghệ để thay đổi thói quen và lối sống. □
——
Nguồn tham khảo:
https://www.dw.com/en/secondhand-clothing-retailer-is-lithuanias-first-tech-unicorn/a-51608870
http://vneconomy.vn/tieu-dung/dep/lua-chon-trang-phuc-co-tac-dong-toi-trai-dat-20190625105912572.htm
https://www.eu-startups.com/2019/08/10-promising-circular-economy-startups-that-set-out-to-make-our-world-a-better-place/
https://tracxn.com/d/trending-themes/Startups-in-Second-Hand-Fashion-Marketplaces

Theo tính toán của nền tảng thredUp và công ty phân tích bán lẻ Global Data, thị trường đồ đã qua sử dụng bao gồm cả cho thuê quần áo được định giá 24 tỷ USD năm 2018 và sẽ tăng lên mức 68 tỷ USD vào năm 2028. Trong khi đó thị trường thời trang nhanh từng được định giá 35 tỷ USD năm 2018 sẽ chỉ đạt con số 44 tỷ USD sau 10 năm. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA), 84% quần áo bị bỏ đi đã đi đến bãi rác hoặc lò thiêu rác. Khi các sợi vải tự nhiên như cotton, linen và lụa hay sợi bán tổng hợp được tạo ra từ cellulose thực vật, được vùi lấp ở bãi rác, chúng sẽ tạo ra khí thải nhà kính khi phân hủy. Nguồn: VnEconomy

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)