NaMilux hợp tác để sáng tạo
Là một trong những doanh nghiệp có tuổi đời còn khá trẻ, từ khi thành lập năm 1999, công ty NaMilux đã hợp tác với công ty Asahi Seisakusho – Nhật Bản, để sản xuất bếp gas. Để có được vị thế như ngày hôm nay, NaMilux đã không ngừng đổi mới về công nghệ và quản trị để vươn lên thành một trong những đơn vị hàng đầu trong ngành.
Sự hợp tác giữa phòng R&D của NaMilux và các chuyên gia, kỹ sư đến từ Nhật Bản đã mang lại kết quả tích cực. Năm 2004 Namilux đã sản xuất thành công cụm van an toàn inlinecut, giúp ngắt gas trực tiếp từ bên trong khi áp suất lon gas vượt ngưỡng cho phép. Đây được coi là cụm van tiên tiến nhất hiện nay và đang được sử dụng rộng rãi tại các thị trường như Nhật Bản, Châu Âu… Chính điều đó đã tạo sự khác biệt cho bếp gas NaMilux so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Hiện nay, Namilux đã tự chủ động về mặt công nghệ và thiết kế chứ không lệ thuộc nhiều vào đối tác đến từ Nhật như trước kia. Khi chưa có phòng R&D, sản phẩm của NaMilux bị coi là ít mẫu mã, phòng R&D ra đời đã làm thay đổi diện mạo của công ty. Phòng R&D của NaMilux chỉ với 10 người nhưng được xem như là “đầu não” sáng tạo của công ty. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc NaMilux cho hay, số nhân sự R&D của công ty xuất phát từ hai nguồn: một là người có trình độ, hai là người có kinh nghiệm. Việc xây dựng bộ phận này là cả một quá trình lâu dài chứ không phải một sớm một chiều.
Về đầu tư cho công cuộc đổi mới sáng tạo, ông Dũng nhận xét, “đầu tư cho R&D là không xác định, ví như năm 2013 là 5 triệu USD nhưng có năm lại không được như thế”. Xuất phát từ những điều kiện về yêu cầu cạnh tranh mà phòng R&D sẽ đưa ra những ý tưởng sáng tạo sao cho phù hợp. Mỗi khi có ý tưởng hay, khả thi, NaMilux sẽ tập trung nghiên cứu, phân tích, khảo sát và đầu tư để tạo ra những sản phẩm có nhiều mẫu mã cũng như tính năng hữu dụng hơn cho người tiêu dùng. Ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, doanh thu của công ty hầu hết dựa vào đổi mới sáng tạo, trong đó yếu tố sáng tạo chiếm khoảng 60%.
Để tạo sự nhất quán trong sản phẩm, NaMilux đã nghiên cứu và tập trung phát triển quy trình sản xuất khép kín: Từ khâu thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, đúc, ép nhựa, gia công bán thành phẩm… cho đến lắp ráp thành phẩm. Tất cả các chi tiết cấu thành một chiếc bếp gas đều do chính công ty sản xuất và lắp ráp. Tâm sự với chúng tôi, ông Dũng khẳng định: “Đổi mới công nghệ đã làm cho mọi người thấy rõ hiệu quả của sự thay đổi. Khi áp dụng những thay đổi này, anh em công nhân và cán bộ công ty đã thấy công việc nhẹ nhàng và an toàn hơn. Từ đó, NaMilux quyết định đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới sáng tạo, hướng đến các sản phẩm tiện dụng, thông minh, chất lượng, an toàn với thị hiếu người tiêu dùng.”
Mỗi năm Namilux đã đưa ra thị trường không ít dòng sản phẩm mới với nhiều tính năng độc đáo, vượt trội, như bếp du lịch Cyclone – dùng ngọn lửa đốt trong giúp tăng hiệu suất đốt và tiết kiệm gas, bếp gas du lịch dã ngoại Namilux NA_240, bếp du lịch gas bình – cho phép bếp vừa sử dụng lon gas mini và bình gas dân dụng lớn 12kg…
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tìm hiểu sản phẩm mới của Namilux |
Đầu tư phân phối ở thị trường nông thôn
Bên cạnh đầu tư máy móc công nghệ, NaMilux cũng đẩy mạnh việc phát triển hệ thống phân phối. Trong đó, đưa hàng về thị trường nông thôn là một trong những chiến lược quan trọng được NaMilux chọn lựa. Trong rất nhiều phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” do trung tâm BSA tổ chức ở các địa phương, công ty NaMilux là một trong những đơn vị xung phong đi đầu.
Tại các địa phương mà chương trình Hàng Việt về nông thôn đi qua, NaMilux đã hình thành những đầu mối, đại lý cung cấp hàng nhằm quảng bá, mở rộng thị trường tiềm năng ở nông thôn. Theo lãnh đạo công ty, nếu không đầu tư cho thị trường nông thôn sẽ tạo ra khoảng trống thị trường. Đây là cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng và doanh nghiệp sẽ tốn thời gian, công sức, tiền của để ổn định thị trường này.
Gian hàng của NaMilux ở các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Khi chương trình hàng Việt về nông thôn về huyện Đăk Mil tỉnh Đăk Nông, nhiều đồng bào dân tộc nơi đây đã chọn sản phẩm bếp gas của NaMilux vì gọn nhẹ, dễ dùng và thuận tiện để bà con mang đi vào rẫy nấu ăn.
Ngoài chương trình Hàng Việt về nông thôn, công ty NaMilux cũng tích cực tham gia các hội chợ HVNCLC để quảng bá và giới thiệu sản phẩm.
Các sản phẩm bếp gas NaMilux hiện chiếm 70% thị phần trong nước với hệ thống phân phối tiêu thụ trên 600 cửa hàng, đại lý và các hệ thống siêu thị, trung tâm điện máy. Riêng sản lượng xuất khẩu chiếm 50% sản lượng sản xuất, thị trường chủ lực là Nhật Bản. Ngoài ra, NaMilux cũng xuất khẩu sản phẩm đến các nước Châu Âu, Mỹ, Đài loan, và các nước trong khu vực Châu Á,…
Trần Quỳnh