Năng lượng hóa thạch đã hết thời?

75% các nhà máy điện mới được xây dựng là điện gió và mặt trời, nhưng tỷ trọng của chúng trong sản xuất điện toàn cầu vẫn còn nhỏ. Trong khi đó than đá đang có sự trở lại đầy bất ngờ.

Tháng 8 năm ngoái, 165 tua bin gió lần đầu tiên đi vào hoạt động ở Biển Bắc, cách bờ biển Yorkshire của Anh 89 km. Tại đây trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới Hornsea 2 đã đi vào hoạt động. Các tua bin gió tạo ra 1,4 gigawatt điện, đáp ứng nhu cầu điện của 1,6 triệu hộ gia đình. Không dừng lại ở đó, Hornsea 3 đã được xây dựng ngay gần khu vực này. Ước tính đến năm 2027, nơi đây sẽ có các tua bin gió với tổng công suất 2,852 gigawatt.

Trong cùng năm, nhà máy điện mặt trời Francisco Pizarro nằm cách đó khoảng 1000 km về phía tây nam, đã được kết nối với lưới điện. Đây là nhà máy điện mặt trời lớn nhất ở châu Âu với công suất 590 megawatt nằm ở trung tâm Tây Ban Nha. Năm ngoái hai nhà máy điện mặt trời lớn hơn đã được xây dựng ở Qatar và Ấn Độ. Kể từ năm 2020, Ấn Độ đã là quê hương của nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới Bhadla – với công suất 2,7 gigawatt.

Các ví dụ này cho thấy một xu hướng rõ nét: Ngày càng nhiều nhà máy điện gió và mặt trời quy mô lớn đang được xây dựng trên khắp thế giới. Hãng phân tích Bloomberg NEF của Mỹ (BNEF) đã tính toán, chỉ riêng các hệ thống điện mặt trời mới đã chiếm 50% công suất nhà máy điện được xây dựng trên toàn thế giới vào năm 2020. Năng lượng gió ở vị trí thứ hai với 25%. Nếu tính cả thủy điện và sinh khối, 86% tổng số nhà máy điện mới hiện nay đều dựa trên năng lượng tái tạo.

Năng lượng hóa thạch đang trên đà cáo chung: than và khí đốt hầu như không có vai trò gì đáng kể ở các quốc gia công nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục giảm. Năm 2015 lần đầu tiên năng lượng tái tạo đã vượt qua than đá và khí đốt, kể từ đó, sự khác biệt ngày càng tăng. Chỉ có 14% tổng công suất của các nhà máy điện mới hoàn thành vào năm 2021 có nguồn gốc nhiên liệu hóa thạch. Có sự khác biệt rõ ràng giữa các nước mới nổi và đang phát triển với các nước công nghiệp phát triển. Ở các nước mới nổi và đang phát triển, 26% tổng công suất của các nhà máy điện mới vẫn chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, trong khi tỷ lệ này ở các nước công nghiệp chỉ là 3%.

Vấn đề này rất quan trọng vì cơn khát năng lượng của thế giới đang gia tăng nhanh chóng. Kể từ năm 2006, công suất phát điện toàn cầu đã tăng gần gấp đôi từ 4 lên 7,9 terawatt. Nhìn chung, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm ưu thế. Than đá chiếm 35% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2021, khí đốt tự nhiên chiếm 23%. Thủy điện chiếm tỷ trọng lớn thứ ba ở mức 16%, điện hạt nhân ở mức 10%. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang phát triển mạnh mẽ nhưng cho đến nay chỉ chiếm 11%. Tuy nhiên, thị phần của chúng đang tăng lên hàng năm, trong khi các nguồn năng lượng liệt kể ở trên đang giảm.

Ngoại lệ duy nhất là than đá. Nguồn năng lượng cổ điển này đã trở lại đáng kể vào năm 2021, có lẽ cả vào năm 2022. Trên thế giới, tổng công suất điện được tạo ra từ than đá là hơn 750 terawatt giờ – so với năm trước đó, không có nhà máy điện mới chạy than nào được xây dựng, tuy nhiên những nhà máy cũ đang được kích hoạt trở lại. Trung Quốc đứng đầu danh sách với 395 terawatt giờ trước Ấn Độ (153 TWh) và Mỹ (110 TWh). Đức đứng ở vị trí thứ tư với 30 terawatt giờ. Nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 lắng xuống khiến cơn đói năng lượng toàn cầu đột ngột tăng, kèm theo giá khí đốt tăng mạnh vào nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, thủy điện – nguồn năng lượng tái tạo hàng đầu, đang phải hứng chịu tình trạng hạn hán ngày càng tăng do của biến đổi khí hậu.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, nhiệt điện than chỉ có ở một số quốc gia. 87% nhà máy điện than nằm ở 10 nước. Riêng Trung Quốc đã sản xuất 52%, Australia là 11% và Nam Phi với 9%. Điện mặt trời cũng bị hạn chế theo khu vực: 7 quốc gia chiếm 71% tổng sản lượng toàn cầu. Trung Quốc lại đứng số một với 33% thị phần, Mỹ với 11% và Nhật Bản với 9%, Đức đứng ở vị trí thứ 5 với 5%. Điều đáng ngạc nhiên là các nhà sản xuất điện trời lớn nhất cũng bao gồm các nước mới nổi và đang phát triển như Brazil, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Mexico. Năm 2021 các nhà máy điện mặt trời được xây dựng ở 112 nước. Trong khi đó, 53 nước xây dựng trang trại gió, 47 nước xây dựng nhà máy thủy điện, 42 nước xây dựng nhà máy điện khí mới, 24 nước xây dựng nhà máy điện chạy dầu và chỉ 15 nước xây dựng nhà máy điện than mới. Như vậy, 78% các quốc gia trên thế giới phụ thuộc nhiều vào năng lượng tái tạo hơn là nhiên liệu hóa thạch.

 Hoài Nam dịch

Nguồn: https://www.focus.de/finanzen/news/kohle-trotzdem-mit-comeback-fossile-energien-vor-dem-aus-die-welt-baut-fast-nur-noch-windraeder-und-solaranlagen_id_185340548.html

 

Tác giả