Nền kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc

Bài viết của John A. Mathew và Hao Tan đăng trên Tạp chí Nature cho thấy mặc dù Trung Quốc là nơi tiêu tốn tài nguyên và tạo ra nhiều rác thải nhất thế giới, nhưng đây cũng là một trong những quốc gia có những giải pháp tiến bộ nhất.


Trung Quốc là một trong những quốc gia thải ra nhiều rác nhất thế giới.

Trung Quốc là một nước tiêu tốn tài nguyên của thế giới ở mức độ đáng quan ngại. Để sản xuất ra 46% lượng nhôm toàn cầu, 50% lượng sắt và 60% lượng xi măng của thế giới vào năm 2011, Trung Quốc đã tiêu thụ một số lượng nguyên vật liệu thô nhiều hơn so với 34 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gộp lại: 25,2 tỉ tấn. Nhưng tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên của quốc gia này lại rất thấp khi cần đến 2,5 kg nguyên vật liệu để tạo ra 1 USD trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 0,54 kg trong các quốc gia OECD. Trung Quốc cũng là quốc gia rất hoang phí tài nguyên khi năm 2014 tạo ra 3,2 tỉ tấn rác thải rắn công nghiệp, trong đó chỉ có 2 tỉ tấn được khôi phục lại bằng tái chế, chế thành phân trộn, thiêu hủy hoặc tái sử dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp và các hộ gia đình ở 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu tạo ra 2,5 tỉ tấn rác thải trong năm 2012, trong đó 1 tỉ tấn được tái chế hoặc sử dụng làm năng lượng. Dự đoán tới năm 2025, Trung Quốc sẽ sản sinh ra gần 1/4 lượng rác thải rắn trong khu vực đô thị trên thế giới.

Mức độ rác thải như trên gây ra rất nhiều hậu quả cả về môi trường tự nhiên cũng như xã hội. Tháng 12/2015, một vụ lở đất ở một bãi rác ở Thâm Quyến đã làm thiệt mạng 73 người. Trong những năm qua, số lượng các cuộc biểu tình của người dân các địa phương về các dự án thiêu hủy rác thải ở Trung Quốc cũng gia tăng. Vì vậy, để khắc phục tình trạng đó, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã có những giải pháp tái tuần hoàn các nguyên vật liệu phế thải với cái đích hướng đến cuối cùng là xây dựng một “nền kinh tế tuần hoàn” – lấp đầy các lỗ hổng về công nghiệp để biến sản phẩm đầu ra từ một nhà sản xuất thành sản phẩm đầu vào cho nhà sản xuất khác, qua đó làm giảm lượng tiêu thụ nguyên vật liệu ban đầu cũng như lượng rác thải.

Những kế hoạch tham vọng

Từ thập kỷ 1990 khi Đức và Nhật Bản có các luật về tái chế thì Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm tới việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Năm 2005, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ra một văn bản chính sách thừa nhận những rủi ro về kinh tế và môi trường trong việc khai thác tài nguyên quá mức ở quốc gia này, đồng thời cho rằng nền kinh tế tuần hoàn là phương tiện chủ đạo để đối phó với những rủi ro đó. Sau đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), đơn vị lên kế hoạch của Trung Quốc, và các cơ quan khác như Bộ Bảo vệ Môi trường đã xây dựng nên các nguyên tắc của nền kinh tế tuần toàn và thúc đẩy các mô hình cộng sinh công nghiệp. Kèm theo đó, Trung Quốc cũng đã có các chính sách về thuế, tài chính và hình thành một quỹ hỗ trợ để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bản Kế hoạch Năm năm lần thứ 11 của Trung Quốc (giai đoạn 2006 – 2010) dành hẳn một chương để bàn về nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2008, một luật bảo vệ nền kinh tế tuần hoàn ra đời trong đó yêu cầu các cơ quan ban ngành nhà nước ở cấp địa phương phải cân nhắc đến những vấn đề liên quan trong các chiến lược đầu tư và phát triển, với các ngành được nhắm đến là than, sắt, điện tử, hóa chất và xăng dầu. Tiếp theo, nền kinh tế tuần hoàn được nâng lên thành một chiến lược phát triển quốc gia trong Kế hoạch Năm năm lần thứ 12 (giai đoạn 2011 – 2015), với những mục tiêu cụ thể như tới năm 2015 đạt mức tái sử dụng 72% chất thải rắn công nghiệp và gia tăng 15% hiệu suất nguồn lực (đầu ra kinh tế trên đơn vị nguồn lực sử dụng).

Năm 2013, Hội đồng Nhà nước ra một chiến lược quốc gia để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn – một chiến lược đầu tiên trên thế giới – với những mục tiêu cụ thể, như đến 2015 tăng hiệu suất sử dụng năng lượng (GDP trên đơn vị năng lượng) 18,5% so với năm 2010; nâng cao hiệu suất sử dụng nước 43%; đầu ra của ngành công nghiệp tái chế đạt 1,8 vạn nhân dân tệ (276 tỉ USD) so với 1 vạn nhân dân tệ năm 2010, v.v.

Năm ngoái, Tổng cục Thống kê Trung Quốc đã phân tích tiến độ thực hiện của quốc gia này kể từ năm 2005 trên bốn phương diện: mật độ nguồn lực (nguồn lực sử dụng trên đơn vị GDO), mật độ rác thải (rác thải trên đơn vị GDP), tỉ suất tái chế rác thải và tỉ suất xử lý chất ô nhiễm. Kết quả cho thấy, tới năm 2013, mật độ sử dụng tài nguyên và mật độ rác thải đã cải thiện lần lượt là 34,7% và 46,5%. Tỉ suất xử lý chất ô nhiễm, bao gồm nước thải, khử độc chất thải khu dân cư đô thị và giảm các chất gây ô nhiễm chính, cũng gia tăng tới 74,6%. Các số liệu thống kê của OECD cho thấy mật độ sử dụng tài nguyên của Trung Quốc đã giảm: từ 4,3kg nguyên vật liệu trên đơn vị GDP năm 1990 xuống còn 2,5kg năm 2011. Tuy nhiên, tổng mức tiêu thụ tài nguyên của Trung Quốc đã tăng năm lần trong hai thập kỷ qua, từ 5,4 tỉ tấn lên 25,2 tỉ tấn do sự bùng nổ về kinh tế của quốc gia này.

Thách thức chủ yếu trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc là làm sao gắn kết các doanh nghiệp có mối liên hệ trong các chuỗi cung ứng tham gia hợp tác chuyển sản phẩm đầu ra thành vật liệu đầu vào. Với truyền thống quản lý các khu công nghiệp thông qua các cơ quan chính phủ và địa phương, giải pháp của Trung Quốc là nhà nước đưa ra các chính sách thưởng cho các doanh nghiệp tham gia hợp tác – mặc dù vẫn có những quan điểm không hoàn toàn đồng tình với xu hướng chính sách mang tính quản lý tập trung từ trên xuống (top down) như vậy. Lợi ích kinh tế đạt được cho các bên là khá rõ ràng. Các nguyên vật liệu thô tái chế, tái sản xuất, và có nguồn gốc địa phương thường rẻ hơn, do đó giúp gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ở tầm nhìn quốc gia, việc ngày càng tận dụng các nguyên vật liệu “cây nhà lá vườn” để thay thế các nguồn nhập khẩu đã giúp an ninh tài nguyên của Trung Quốc cũng được nâng cao.

Ngọc Khánh lược dịch

Nguồn: http://www.nature.com/news/circular-economy-lessons-from-china-1.19593

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)