Ngẫm nghĩ về Thái Lan

Có nhiều giả thiết trái ngược nhau chung quanh sự kiện các vụ đánh bom đầu năm 2007 tại Bangkok, song vẫn chỉ là giả thiết chừng nào chưa có thêm những chi tiết đủ tin cậy lý giải. Tuy vậy, điều không ai nghi ngờ là những vụ đánh bom này dù nhìn từ góc độ nào cũng đang cho thấy quá trình vãn hồi ổn định sau đảo chính ngày 19-9-2006 không diễn ra xuôn xẻ như người dân Thái Lan mong muốn.

Đối với tôi, Thái Lan là một phần của ngôi nhà chung ASEAN của chúng ta. Một khi một thành phần kiến tạo của ngôi nhà chung này “có vấn đề” nan giải, làm sao cả ngôi nhà chung này vô tâm vô tư được? Ở đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, mà còn là câu chuyện cùng hội cùng thuyền: một ASEAN hưng thịnh là tốt cho mọi quốc gia thành viên, một thành viên ASEAN gặp khó là cả ngôi nhà chung chịu ảnh hưởng. Kể từ khi tôi được tiếp xúc Thái Lan với tính cách là “nước tuyến đầu” chống Việt Nam trong vấn đề Campuchia ngày nào, cho đến hôm nay – khi tôi có thể viết những dòng chữ đầy tình cảm chia sẻ này với Thái Lan là cả một chặng đường muôn vàn gian khó trong quan hệ Việt Nam – Thái Lan cũng như trong quá trình phát triển từ ASEAN 6 trở thành ASEAN 10 1 như hôm nay. Vì vậy sự quan tâm của tôi đối với những diễn biến đầy lo âu ở nước bạn là tự nhiên và tôi hy vọng được nhiều người chia sẻ.
 

Tôi đã có dịp được chứng kiến đảo chính ở Thái Lan ngay tại trung tâm nổ ra đảo chính, được nhìn tận mắt đảo chính là đảo chính, không có chuyện nhung lụa nào ở đây, và được chứng kiến Thái Lan sau đó phải bỏ ra không biết bao nhiêu thời gian công sức để vãn hồi ổn định, khôi phục nhà nước pháp quyền bằng Hiến pháp mới, rồi lại tốn kém bao nhiêu thời gian công sức nữa để phục hồi kinh tế, để làm rất nhiều việc phải làm khác ngõ hầu có thể bù đắp lại “cú thụt lùi” của nước Thái do đảo chính gây nên.
Thế rồi… đảo chính lại xảy ra – như ngày 19-09-2006 vừa qua, đầu năm nay bom lại nổ tiếp nữa, rồi đến những tin đồn về sự rạn nứt giữa hai lực lượng của đảo chính là quân đội và cảnh sát, về khả năng “đảo chính bên trong đảo chính”… Báo chí nước ngoài còn nói về nỗi lo xoáy ốc đảo chính… Giới nghiên cứu nước ngoài còn nhận định cuộc đảo chính 19-09-2006 chấm dứt ảo tưởng cho rằng sự vắng mặt của chiến tranh lạnh và sự phát triển kinh tế có thể tự nó dẫn tới dân chủ!..
Tôi không tránh khỏi ưu tư: Tại sao lại như vậy?
Năm 1932, kinh qua một cuộc đảo chính quân sự, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến và bắt đầu manh nha những xu hướng xây dựng chế độ dân chủ. Từ đó đến nay (năm 2007), nghĩa là 75 năm trôi qua, có không ít những nỗ lực của các xu thế dân chủ ở nước Thái.
Đặc biệt là cuộc nổi dậy tháng 10-1973 của tầng lớp trung lưu thành phố do phong trào sinh viên làm nòng cốt đã tạo ra một bước ngoặt, xoá bỏ thể chế của giai cấp cầm quyền đương thời liên minh với quân đội, dẫn Thái Lan tới nền dân chủ của một nhà nước pháp quyền, thể hiện tập trung trong Hiến pháp năm 1974. Tuy nhiên cuộc bầu cử đầu tiên theo đúng thể chế dân chủ tháng 1-1975 thất bại, cuộc bầu cử tiếp theo tháng 4-1976 cùng chung một số phận, nguyên nhân chủ yếu là tầng lớp trung lưu của Thái Lan còn quá yếu và chưa trở thành một lực lượng có ảnh hưởng chi phối đất nước. Hệ quả nổi bật nhất là giới quân sự xuất hiện trở lại trên chính trường với tất cả sức nặng của nó với cuộc đảo chính tháng 10-1976.
Bàn thêm về tình hình Thái Lan thời gian 1973 – 1976, điều đáng chú ý là trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ đang nổi lên những vấn đề “phong trào cánh tả cực đoan” ở một vài nước chung quanh với mọi dây mơ rễ má của nó từ ngoại bang mà ai cũng  biết, cộng với tác động của những nỗi lo về thuyết “domino” có liên quan đến cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam… Những hiện tượng này ít nhiều tác động vào nội trị Thái Lan, một mặt gây nên những lo ngại nhất định trong nhiều tầng lớp nhân dân Thái Lan đối với những nỗ lực tiến bộ có xu hướng cải cách, mặt khác được thế lực quân sự khai thác nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình. Thực tế này góp phần giải thích vì sao những cuộc nổi dậy tiếp theo những năm sau này của sinh viên sôi nổi không kém, nhưng đều bị chấm hết trong đàn áp và thất bại. Tuy nhiên, sự chuyển biến của Thái Lan trước hết và chủ yếu vẫn do so sánh lực lượng bên trong xã hội Thái Lan quyết định, bây giờ cũng vậy.
Từ năm 1932 đến năm 2007 Thái Lan đã trải qua 14 cuộc đảo chính quân sự2, (riêng từ cuộc nổi dậy năm 1973 của phong trào dân chủ cho đến nay có 9 cuộc đảo chính), không kể 14 cuộc chính biến giải tán quốc hội, giải tán chính phủ ít nhiều đều có sự tham gia của giới quân sự nhưng không kinh qua đảo chính.
75 năm xây dựng chế độ dân chủ, nhưng vì sao quốc gia này vẫn quá nhiều đảo chính và chính biến?
Đáng chú ý hơn nữa – ít nhất là đối với tôi – vì sao 75 năm xây dựng và phát triển trong hoà bình mà Thái Lan vẫn chưa trở thành “con hổ” như Hàn Quốc, như Đài Loan, mặc dù quốc gia này đã mở cửa ra thế giới bên ngoài từ năm 1826 – có quan hệ chính thức với Anh, và từ năm 1833 đã đặt quan hệ ngoại giao với Mỹ? Xin lưu ý, với chính sách ngoại giao cây tre tôi đã có dịp đề cập đôi lần trên báo chí, Thái Lan là nước duy nhất ở Đông Nam Á chưa hề bị một nước ngoài nào chiếm làm thuộc địa, là nước duy nhất trong khu vực không phải nếm trải một cuộc chiến tranh nào của thế kỷ trước, chưa nói đến việc Thái Lan được lợi trong một vài cuộc chiến tranh ở vùng này.
Có lẽ chỉ có người Thái mới tìm ra được những câu trả lời xác đáng cho những vấn đề của chính họ.
Tuy nhiên, từ ngoài quan sát, tôi thường xuyên vấp phải 2 câu hỏi nói trên khi ngẫm nghĩ về nước Thái.
Có nhiều cách nhận định khác nhau về tình hình Thái Lan. Tuy nhiên nhiều bài phân tích của nước ngoài thống nhất với nhau tại một điểm: Sự phát triển không đồng đều ở Thái Lan về kinh tế cũng như về các giai tầng trong xã hội chi phối sâu sắc toàn bộ tình hình Thái Lan hiện nay.
Về kinh tế, sự phát triển chủ yếu chỉ tập trung vào Bangkok và một số vùng phụ cận, tạo ra khoảng cách phát triển rất lớn so với khu vực nông thôn – nơi còn tới 50% dân số sinh sống – và những khu vực còn lại. Đời sống chính trị tại Thái Lan chủ yếu tập trung ở Bangkok và một số trường đại học. Trong khi đó, do trình độ phát triển của quốc gia này, công nhân và nông dân – hai thành phần dân cư đông nhất – hầu như chỉ là lực lượng nếu không tùy lúc lệ thuộc nhóm này nhóm kia thì lại đứng ngoài mọi hoạt động chính trị. Đáng chú ý là tầng lớp trung lưu nói chung chưa bao giờ trở thành một lực lượng chính trị có ý nghĩa quyết định ở Thái Lan, trước sau quyền lực chủ yếu vẫn tập trung trong tay các thế lực kinh tế, quân sự và một số chính khách cũng xuất thân từ giới quân sự. Sự liên kết giữa quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị với sự tham gia của các thế lực quân sự luôn luôn chi phối chính trường Thái Lan và thường vượt qua khung khổ của Hiến pháp. Sự liên kết này luôn luôn thay đổi tùy theo thay đổi của so sánh lực lượng giữa các thành phần tham gia liên kết, và thường kéo theo sự thay đổi trên chính trường. Thực tiễn từ 1973 đến nay cũng cho thấy một khi sự liên kết giữa các loại quyền lực này phát sinh mâu thuẫn và đi tới sự mất cân bằng nào đấy, đảo chính lại xảy ra – toàn bộ quá trình phát sinh mâu thuẫn và xử lý mâu thuẫn đều vượt ra ngoài khung khổ của Hiến pháp. Sau mỗi cuộc đảo chính thường lại phải xây dựng và thông qua Hiến pháp mới.
Xem xét các mặt của thể chế, có thể nói chí ít từ 1973 Thái Lan đã thiết lập được cho mình nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Tuy nhiên, những cuộc đảo chính đã diễn ra luôn luôn làm cho sự tồn tại của nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự bị gián đoạn, thậm chí từng lúc tạm thời chấm dứt. Quá trình xây dựng, phá đi, làm lại rồi lại phá đi… như vậy tái diễn không ngớt trong những thập kỷ vừa qua khiến cho nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự ở Thái Lan không phát triển được. Đương nhiên một số truyền thống mang tính văn hoá và lịch sử cũng tham gia ở mức độ nào đó vào sự đình trệ này, song chỉ là những yếu tố phụ và không có ý nghĩa quyết định, xin được miễn bàn trong khuôn khổ bài viết này.
Đáng chú ý, trong mấy thập kỷ vừa qua ở Thái Lan, trong những lời của người làm đảo chính buộc tội chính phủ bị lật đổ hầu như có một điểm giống nhau: Thủ tướng đương nhiệm lạm dụng quyền lực và tham nhũng.., (lúc này lúc khác còn có thêm điểm tố cáo tội khinh xuất nhà vua – song không phải là điểm tôi muốn bàn luận ở đây). Lời cáo buộc này không đơn thuần là một alibi hay lời biện minh cho đảo chính; câu nói “không có lửa làm sao có khói!?” ít nhiều hàm chứa sự thật. Trường hợp của thủ tướng bị lật đổ Thaksin cũng không phải là ngoại lệ: ông ta bị cáo buộc về một loạt hành động gian lận, trong đó có việc bán trốn thuế tập đoàn viễn thông Shin Corporation của ông ta trị giá 7,3 tỷ Bath cho Singapore. Lịch sử chính trường Thái Lan từ 1973 đến nay có 18 vị thủ tướng chấp chính, song chỉ có 3 người là Prem Tinsulanonda, Anand Panyarachun và Chuan Leekpai nổi tiếng trong dư luận nhân dân Thái là người liêm khiết. Không biết có phải ngẫu nhiên không, cả 3 vị này thôi chức đều không phải do đảo chính.
Nhìn lại những cuộc đảo chính trước đây, cũng thấy lạm dụng quyền lực và tham nhũng luôn luôn là những yếu tố khởi thuỷ phá vỡ khung khổ pháp quyền, cản trở sự phát triển của xã hội dân sự. Những hiện tượng này tất yếu tích tụ mâu thuẫn giữa các thế lực khác nhau trong giới cầm quyền, và khi tình hình diễn tiến tới đỉnh điểm thì xảy ra đảo chính.
Cũng có thể nói một cách giản lược nhất: Cái ngưỡng mà sự phát triển nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự ở Thái Lan không thể vượt qua được, cái trớn mà cứ sau một thời gian tạm thời ổn định lại làm nổ ra đảo chính, không là cái gì khác ngoài sự lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Thì ra quy luật thép của phát triển là không thừa nhận một sự thiếu hụt nào trong xây dựng và thực thi nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự? Nói một cách triệt để hơn nữa:  Phải chăng để xảy ra một sự thiếu hụt nào thì việc xây dựng được nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự có cũng như không?
Tại sao cái ngưỡng này là không thể vượt qua được? Tại sao cái trớn này cứ tái đi tái lại? Ở đâu và vì sao đã khắc phục được cái ngưỡng hay cái trớn này?.. Đây là những câu hỏi rất đáng ngẫm nghĩ.
Có ý kiến cho rằng đảo chính lên đảo chính xuống như vậy là do đa nguyên đa đảng.
Những điều vừa trình bên trên của bài viết này hiển nhiên không chấp nhận lập luận như vậy. Hơn nữa, nếu lập luận trên là đúng, thì tại các nước phát triển ắt phải diễn ra đảo chính quanh năm ngày tháng – đây là điều chúng ta không thấy.
Có ý kiến cho rằng để tránh đảo chính thì chế độ chính trị một đảng là tốt nhất.
Nếu lập luận như vậy là đúng thì tất cả các nước đang phát triển – để  giữ vững ổn định – sẽ không có cửa xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Mà câu chuyện của Thái Lan lại cho thấy không có thể chế này thì không phát triển được – vì đã mở cửa ra thế giới bên ngoài trước thiên hạ mấy chục năm, đã qua mấy chục năm xây dựng rồi mà Thái Lan vẫn chỉ là một nước đang phát triển; có thể chế này mà thiếu hụt thì vẫn cứ xây lại phá, lại xây lại phá.., cuối cùng là phát triển rất chậm. Như vậy, chẳng lẽ các nước đang phát triển chỉ có một định mệnh mãi mãi là nước đang phát triển?
Chỉ có người Thái Lan mới tìm ra được câu trả lời chuẩn xác cho những vấn đề của nước họ. Không ai có thể và không ai có quyền dạy khôn ai trong việc này. Tuy nhiên bài học hay kinh nghiệm nào của người đời bao giờ cũng có ích nếu ta biết học nó./.

1 ASEAN 10 = gồm 4 nước thành viên mới được kết nạp sau: Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanma.
2 Có tài liệu nói là 18 cuộc đảo chính, nhưng tôi chưa kiểm tra lại được.

Nguyễn Trung

Tác giả