Nghệ thuật tái tạo chân dung tiền nhân

Chúng ta không ngừng cố gắng tìm về hình dáng của những người đã chết hàng ngàn năm trước từ hộp sọ của họ. Nhờ công nghệ hiện đại và ADN cổ xưa, giờ đây công việc này không chỉ giới hạn trong khoa học mà còn trở thành một nghệ thuật.

Một nghệ sĩ xây dựng cấu trúc cơ trên mô hình hộp sọ của người vượn Bắc Kinh – người vượn nhân hình sống khoảng 400.000 năm trước ở Trung Quốc ngày nay-tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, New York. Nguồn: GEORGE STEINMETZ

Oscar Nilsson là một nhà khảo cổ học và nhà điêu khắc được đào tạo chuyên về tái tạo khuôn mặt 3D của người cổ đại. Sau nhiều tháng cố gắng tái tạo cấu trúc khuôn mặt của một người qua đời từ lâu trong studio ở Stockholm, anh bắt đầu phủ một lớp “da” lên bức tượng bán thân silicon mới nhất của mình. Sử dụng những chiếc kim càng lúc càng nhỏ, anh tạo ra các nếp nhăn và lỗ chân lông, quét lên các lớp sơn thể hiện được lớp biểu bì của người, và đẩy những sợi lông vô cùng nhỏ vào bức tượng này. Rồi anh kéo mí mắt tượng lên.

“Ngay lập tức thành phẩm trở thành một khuôn mặt. Sau hơn 20 năm, đây vẫn là một ngày tuyệt vời ở studio”, anh Nilsson chia sẻ.

Nilsson không phải là người duy nhất làm công việc này. Tái tạo khuôn mặt ngày càng trở nên phổ biến. Đây là phương cách để chúng ta phỏng đoán quá khứ. Song, ta chẳng thể tạo ra bản phục hồi chỉ nhờ đất sét và đôi bàn tay khéo léo, mà đây là một quá trình tỉ mỉ kéo khoa học và nghệ thuật lại gần với nhau. 

Vì sao chúng ta làm sống lại những khuôn mặt từ quá khứ?

Việc tái tạo khuôn mặt có lịch sử lâu đời hơn bạn nghĩ. Mượn lời của một nhóm các nhà nghiên cứu khảo cổ sinh học (nghiên cứu hài cốt tại các địa điểm khảo cổ), thì “ý tưởng tái tạo hộp sọ đã là một phần trong câu chuyện của nhân loại từ hàng ngàn năm trước”. 

Ở vùng Levant thời kỳ đồ đá mới khoảng 10.800 năm trước và cuối thời kỳ đồ đá mới Anatolia khoảng 8.500 năm trước, họ phát hiện “những hộp sọ được đào lên sau một khoảng thời gian thích hợp về mặt xã hội trôi qua, rồi chúng lại được đắp đất sét và thạch cao, và phủ bột màu sao cho giống với khuôn mặt người chết”. Vào năm 1952, những người khai quật tại Jericho ở Jerusalem đã có một phát hiện phi thường, trong đó có mười hộp sọ người có niên đại khoảng năm 6.000 TCN: sau khi phần thịt đã bị loại bỏ, chúng được đắp trực tiếp vữa lên hộp sọ để tạo hình khuôn mặt, các mảnh vỏ sò được đặt vào hốc mắt để mô phỏng đồng tử.

Những người đã khai sinh ra phương pháp tái tạo khuôn mặt vào thế kỷ 19 cũng sử dụng các chiến lược tương tự, nhưng bổ sung thêm kiến thức và chuyên môn của bác sĩ và nhà giải phẫu dày dặn kinh nghiệm. Các nhà giải phẫu vào cuối thế kỷ này đã thực hiện phần lớn nghiên cứu sơ khai về tái thiết khuôn mặt. Họ đã tạo ra khuôn mặt của những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và rồi so sánh chúng với các bức chân dung hay mặt nạ người chết để chứng thực danh tính của hộp sọ từ ngôi mộ trong diện nghi vấn.

Một tác phẩm tiêu biểu cho phương thức này thuộc về nhà soạn nhạc huyền thoại Johann Sebastian Bach. Năm 1894, trong nỗ lực xác định xem bộ hài cốt được khai quật trong một nhà thờ ở Đức có thực sự là của Bach hay không, nhà giải phẫu học người Đức Wilhelm His đã cố gắng tái tạo lại khuôn mặt của nhà soạn nhạc. Ông thực hiện điều này bằng cách đắp trực tiếp đất sét lên hộp sọ, sử dụng dữ liệu về độ sâu trung bình của mô mặt mà ông đã thu thập bằng cách kiểm tra khuôn mặt của 27 thi thể người. Khuôn mặt xuất hiện giống với những bức chân dung hiện có của Bach, bảo đảm với các nhà sử học rằng bộ xương thuộc về nhà soạn nhạc quá cố. Sau này, nó được dùng làm nền tảng cho các tác phẩm nghệ thuật trong tương lai cũng như việc cải táng Bach ở Leipzig. 

Khuôn mặt được tái tạo từ bộ hài cốt 1.200 năm tuổi được tìm thấy gần Huarmey, Peru, vào năm 2012, trong một ngôi mộ chứa hài cốt của 58 phụ nữ quý tộc thuộc nền văn hóa Wari. Các nhà khảo cổ đặt biệt danh cho người phụ nữ này là Nữ hoàng Huarmey vì thi thể của bà được tìm thấy trong một căn phòng riêng và được bao quanh bởi đồ trang sức cũng như những món đồ xa xỉ khác. Nguồn: nationalgeographic.com

Điều này khơi mào cho mối quan tâm khoa học ngày càng lớn về giải phẫu khuôn mặt người, những sự khác biệt vô cùng nhỏ về độ sâu khuôn mặt lẫn sự hình thành mô khiến mỗi khuôn mặt là thứ độc nhất vô nhị. Dữ liệu về độ dày mô mặt do các nhà giải phẫu đầu tiên này tạo ra vẫn được các nhà tái tạo khuôn mặt ngày nay như Nilsson sử dụng.

Các bước đầu tiên trong quá trình tái tạo khuôn mặt

Trước khi bắt đầu quá trình tái tạo khuôn mặt 3D, các nhà nghiên cứu nhất định phải thu thập nhiều thông tin nhất có thể về cuộc đời của đối tượng. Họ là ai? Họ sống và chết ở đâu? Ta biết được điều gì về chế độ ăn, lối sống và tình trạng sức khỏe của họ? Ngày nay, những tiến bộ trong phân tích khảo cổ đã giúp những người thực hiện xác định cụ thể được mọi loại thông tin về từng cá nhân – từ thức ăn yêu thích của họ cho tới kiểu khí hậu mà họ sống — bằng cách kiểm tra của đồng vị của mẫu vật.

Và đó mới chỉ là khởi đầu mà thôi: Ngày càng nhiều khuôn mặt được tái tạo ngày nay bao hàm bằng chứng từ phân tích ADN, nó có thể chỉ ra không chỉ tổ tiên của người đó, mà còn làn da, mái tóc và màu mắt khả dĩ nữa. Các phân tích ADN cổ đại đã trở thành yếu tố thay đổi cục diện. Nhờ nó, người nghệ sĩ được giao tái tạo khuôn mặt không còn phải phỏng đoán nhiều khía cạnh nữa.

Giới tính, dân tộc, cân nặng và độ tuổi khi qua đời của một người đều cho biết chiều sâu khuôn mặt cùng các đặc điểm khác, trong khi hộp sọ của họ cũng có những dấu hiệu tinh tế cho biết mô từng liên kết với xương ở chỗ nào. Tất cả những thông tin này sẽ giúp những người tái tạo quyết định nên đắp cái gì ở đâu.

Từ khảo cổ học tới nghệ thuật

Bước tiếp theo, người thực hiện sẽ phải hiểu thấu đáo về giải phẫu khuôn mặt. Những người tái thiết khuôn mặt sẽ phải tỉ mỉ nhào nặn từng mảnh sụn và cơ từ đất sét, rồi đặt chồng từng lớp một trực tiếp lên bản sao in 3D của hộp sọ mẫu vật.

Sử dụng những thông tin đã biết về từng cá nhân, người làm công tác tái thiết định hình đôi mắt, cái miệng và lớp da. Chẳng hạn, họ có thể cho thêm nếp nhăn hay vết đồi mồi lên khuôn mặt của người qua đời vì tuổi già, hoặc có nhiều bằng chứng cho thấy người này mắc bệnh trong quá trình nghiên cứu ADN.

Cuối cùng, hộp sọ đắp đất sét sẽ được sử dụng làm cơ sở cho bức tượng bán thân bằng silicone của một người. Sau đó, nó sẽ được tỉ mỉ tô vẽ, gắn tóc, lông hay râu lên mặt, bức tượng được thổi hồn như thế đấy.

Vấn đề đạo đức của những công cuộc tái tạo như thế tiếp tục khơi mào tranh luận trong cộng đồng khoa học. Rốt cuộc, chúng ta chẳng có cách nào biết được liệu những mô hình này có chính xác hay không. Rồi có những tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc làm sao ngăn cản công chúng suy diễn quá mức về độ bao quát của lịch sử nhân loại chỉ từ một khuôn mặt.

Song, chúng ta cũng có thể nhìn nhận những khuôn mặt (đôi khi kỳ lạ) xuất hiện từ quy trình này theo một cách khác. Mỗi một lần tái thiết khuôn mặt là một cơ hội để chúng ta suy ngẫm – hay tưởng nhớ – một con người từng sống cuộc đời trong quá khứ xa xăm. Những lần tái thiết đắp thêm một lớp “người” cho thứ dường như chỉ là một đống xương trắng. 

Ngọc Lân – Phương Anh

Nguồn: nationalgeographic.com, theses.gla.ac.uk

(Bài đăng ở báo Khoa học và Phát triển số 45)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)