Nghị viện Đức tán thành mở rộng quĩ giải cứu Châu Âu

Nghị viện Đức đã bỏ phiếu với đa số tán thành việc ủng hộ một quĩ với qui mô lớn hơn để giải cứu các nền kinh tế Châu Âu đang gặp khó khăn.

Thủ tướng Angela Merkel nhận được ủng hộ mạnh mẽ dù một số đảng liên minh cầm quyền chỉ trích kế hoạch này.

Nhiều người Đức phản đối việc cam kết nhiều tiền hơn để trợ giúp những quốc gia thành viên khu vực đang vật lộn như Hi Lạp.

Biện pháp này được kì vọng sẽ được thông qua khi đệ trình lên thượng viện Đức cho cuộc bỏ phiếu vào thứ sáu ngày 30/09/2011.

Tại Hạ viện, 523 nghị sĩ đã tán thành dự luật ủng hộ việc mở rộng Quĩ ổn định tài chính Châu Âu (EFSF) – 85 phiếu chống và 3 phiếu trắng trong tổng số 620 ghế. 9 thành viên không có mặt.

Những người bất đồng

Một số thành viên trong liên minh của Thủ tướng Merkel đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống lại dự luật này.

Nhưng cuối cùng, 315 nghị sĩ đã bỏ phiếu tán thành, nghĩa là Thủ tướng Merkel không cần phải dựa vào các đảng đối lập để biện pháp được thông qua.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu không cần phải bàn cãi, tuy nhiên, đảng SPD và đảng Xanh với tư cách là các đảng đối lập chính, đã ngụ ý sẽ ủng hộ kế hoạch mở rộng quĩ.

Trước cuộc bỏ phiếu, Đảng Dân chủ Thiên chúa của bà Merkel và các đảng liên minh đã tiến hành chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ gây sức ép để những người bất đồng thuận theo kế hoạch.

Thủ tướng Merkel nhận được sự ủng hộ từ đa số dễ dàng hơn kì vọng. 15 thành viên từ các đảng trong chính phủ liên minh bỏ phiếu chống, không đủ để buộc Thủ tướng phải dựa vào các đảng đối lập.

Đảng đối lập chính là Dân chủ xã hội, đứng về phía chính phủ. Một thành viên của Đảng nói: “Chúng tôi bỏ phiếu tán thành bởi vì Châu Âu cần cuộc bỏ phiếu này. Nhưng sẽ không có lần sau”.

Cuối cùng, 523 nghị sĩ đã bỏ phiếu thuận, 85  phiếu chống, bao gồm cả các đảng phái tả.
Việc phải dựa vào sự ủng hộ này đã phủ bóng nghi ngờ khả năng của bà Merkel sẽ giành được những lá phiếu sắp tới tại Nghị viện Đức cho kế hoạch giải cứu tiếp theo cho Hi Lạp hoặc một kế hoạch dài hạn sau EFSF. 

“Đại đa số trong nghị viện thể hiện rõ ràng sự cam kết của Đức đối với đồng euro và bảo vệ đồng tiền của chúng ta”, nhận định từ Hermann Groehe, thành viên quyền lực thứ hai trong Đảng Dân chủ Thiên chúa của bà Merkel.

Nhưng Frank Schaeffler thuộc Đảng Dân chủ tự do – một thành viên liên minh thiểu số, nhận định các biện pháp giải cứu đã khiến tình hình kinh tế của Hi Lạp xấu đi: “Cuộc giải cứu đầu tiên đã không khiến tình hình tốt hơn lên mà còn tệ đi. Việc mở rộng quĩ thậm chí sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn nữa”.

Đóng góp của Đức trong EFSF

Tất cả 17 quốc gia sử dụng đồng euro phải thông qua cam kết hồi tháng 7 để mở rộng sức mạnh của EFSF và nâng cam kết giải cứu từ 440 tỉ euro lên 780 tỉ. Đến nay, 10 quốc gia đã chấp thuận biện pháp này.

Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, Đức cam kết khoản đóng góp của mình vào quĩ sẽ nâng từ mức 123 tỉ euro lên 211 tỉ.

Tuy nhiên, dù đã tăng quy mô nhưng gói giải cứu vẫn bị coi là chưa đủ khi tình hình khủng hoảng Hi Lạp đang tồi tệ hơn và mối đe dọa đang lan ra tới các nền kinh tế khác.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)